MPP2020-545

Phát triển vùng và địa phương

Huỳnh Thế Du, Nguyễn Xuân Thành
Ngày: 19/06/2019 15:40; Kích thước: 438,440 bytes
Vui lòng tham khảo trên Microsoft Teams

Môn học được chia thành ba phần. Trong phần I, học viên sẽ làm quen với các khái niệm cơ bản và khung phân tích của kinh tế học vi mô về năng lực cạnh tranh. Phần này bắt đầu bằng định nghĩa năng lực cạnh tranh và thảo luận các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh. Sau đó, các khái niệm này sẽ được minh họa thông qua các tình huống nghiên cứu, trong đó học viên sẽ ứng dụng khung phân tích tổng quát vào việc phân tích năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong phần II, học viên sẽ làm quen với một công cụ phân tích quan trọng – được gọi là "mô hình kim cương," và một khái niệm then chốt – cụm ngành (industrial cluster). Mô hình kim cương là một phương pháp hữu ích để phân tích các thuộc tính lợi thế cạnh tranh của một đơn vị, tổ chức hay cụm ngành. Các thuộc tính này bao gồm các điều kiện đầu vào, các điều kiện cầu, các ngành liên quan và hỗ trợ, cũng như chiến lược, cơ cấu và sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo Porter, một cụm ngành được định nghĩa là "một nhóm công ty và các tổ chức liên kết gần gũi với nhau về mặt địa lý trong một lĩnh vực cụ thể, kết nối với nhau bởi những điểm tương đồng và tương hỗ cho nhau." Khái niệm cụm ngành tiêu biểu cho một phương thức tư duy về cách thức phối hợp, xây dựng, và nâng cao năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế (quốc gia, khu vực hay địa phương) thông qua việc gia tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, kích thích và thúc đẩy đổi mới, và tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời các doanh nghiệp mới.

Phần III được dành để thảo luận về chiến lược kinh tế với các phạm vi khác nhau (quốc gia, vùng và địa phương) và cho các loại nền kinh tế khác nhau ứng với các trình độ phát triển khác nhau (tiên tiến, đang phát triển, và chuyển đổi). Lợi thế cạnh tranh nằm trong chuỗi giá trị, và chiến lược là một phương tiện phối hợp để đề ra ưu tiên, xác định cấu hình và liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị với nhau. Kết thúc phần này, học viên sẽ nhận thức được rằng, để thúc đẩy năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế, nhiều hoạt động phải được thực hiện đồng thời trên nhiều mặt trận, từ việc nâng cao mức độ tinh xảo của doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển cụm ngành, cho đến cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, không thể đạt được tiến bộ đồng thời trên mọi mặt trận, và do đó phải đưa ra các quyết định có tính chiến lược để khai thác những lợi thế cạnh tranh mạnh nhất, đồng thời khắc phục những mối liên kết yếu nhất đang cản trở năng suất. Học phần này cũng sẽ giúp học viên đi sâu nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau về năng lực cạnh tranh của Việt Nam ở cấp độ vùng và địa phương với các nghiên cứu tình huống về phát triển kinh tế địa phương đại diện cho các nhóm địa phương ở Việt Nam.

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'