Giới thiệu Sáng kiến Học viện Chính phủ số Việt Nam

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam khiến nhu cầu phát triển hạ tầng gia tăng nhanh chóng, nhưng thực tế xây dựng và triển khai quy hoạch thiếu hiệu quả khiến việc đầu tư hạ tầng đối mặt với nhiều rủi ro về thảm họa tự nhiên và biến đổi khí hậu. Công tác bảo dưỡng thiếu kịp thời và thiếu đầy đủ không chỉ làm giảm chất lượng mà còn ảnh hưởng tới độ bền và tuổi thọ của hạ tầng công cộng. Phương pháp quản lý tài sản công truyền thống mang tính rời rạc, phân mảnh, dựa trên lưu trữ giấy tờ, cùng với sự tách biệt về mặt tổ chức giữa các cơ quan quản lý, đã gây cản trở cho việc giải quyết các vấn đề này vì chúng ngăn chặn tích hợp thông tin tài sản phục vụ ra quyết định dựa trên dữ liệu. Các tỉnh, thành Việt Nam đều đang nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số để cải thiện quản trị tài sản công, nhưng các nỗ lực chủ yếu tập trung vào đầu tư công nghệ và công nghệ thông tin. 

Tuy nhiên, để đạt được đột phá và kết quả như kỳ vọng từ quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ các vấn đề phức tạp về hành vi, văn hóa và tổ chức, những yếu tố liên quan đến “con người” và “quy trình”. Đầu tư vào khía cạnh “con người” bao hàm việc trang bị cho cán bộ nhà nước ở cấp địa phương những kỹ năng cơ bản tối thiểu trong thời đại số, nâng cao nhận thức và khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu, cũng như xây dựng văn hóa sử dụng dữ liệu và các công nghệ kỹ thuật số trong quản trị để cải thiện chất lượng tài sản công (trên các khía cạnh về dịch vụ đi kèm, sự chống chịu, ưu tiên nguồn lực công bằng và hiệu quả).

Chương trình "Công nghệ Đột phá cho Quản lý Tài sản Công cộng" (DT4PAG) của Ngân hàng Thế giới hướng tới giúp giải quyết những vấn đề nêu trên trong quản lý tài sản công tại các địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công thông qua ba trụ cột tương tác lẫn nhau là Con người - Quy trình - Công nghệ. Các hoạt động của DT4PAG tập trung vào ba nhóm tài sản công gồm: (i) hạ tầng giao thông đô thị, (ii) nhà công sản, và (iii) đất đai.

Sáng kiến Học viện Chính phủ Số (DGA) là công cụ chính để đạt được các mục tiêu của trụ cột “Con người” trong Chương trình DT4PAG. DGA được thực hiện bằng việc tổ chức các chương trình đào tạo dành cho lãnh đạo và cán bộ, công chức các tỉnh/thành nhằm trang bị kiến thức nền tảng và kỹ năng chuyên môn để giải quyết những thách thức trong quản trị tài sản công với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ và đổi mới dữ liệu.

Các nội dung đào tạo của DGA được thiết kế và triển khai theo 2 chương trình dành cho hai nhóm đối tượng khác nhau, Chương trình Lãnh đạo cấp cao (Executive Leadership Program - ELP) và Chương trình Lãnh đạo Quản lý (Management Leadership Program - MLP).