Thay đổi tư duy chống dịch và cân bằng phát triển kinh tế
August 26, 2020

Thay đổi tư duy chống dịch và cân bằng phát triển kinh tế

August 26, 2020

Nguồn: https://zingnews.vn

TS. Huỳnh Thế Du*

Kinh nghiệm dập dịch, cách thức điều trị và những vấn đề liên quan đến Covid-19 về cơ bản đã có hướng đi. Chúng ta có thể cân đối chống dịch và các hoạt động khác.

Quan điểm chống dịch là quan trọng nhất đã được lựa chọn khi Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam.

Các biện pháp rất mạnh như: giãn cách xã hội, đóng cửa trường học, dừng nhiều hoạt động (bao gồm cả một số dịch vụ y tế) trên phạm vi cả nước đã được áp dụng nhanh chóng và dứt khoát.

Tuy nhiên, quan điểm giờ đây là "khoanh vùng chống dịch trên phạm vi nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải trong trạng thái bình thường mới để phát triển" như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 4/8.

Phân tích suy nghĩ và tâm lý của con người, và những vấn đề liên quan theo hai hệ tư duy (nhanh và chậm) do nhà nghiên cứu tâm lý được trao giải Nobel Kinh tế Daniel Kahneman phát hiện ra cho thấy việc thay đổi cách tiếp cận là việc phải làm và những lựa chọn chính sách trong bối cảnh phải thử là hợp lý.

Tư duy nhanh - hệ tư duy cảm tính, theo trực giác và xúc cảm - được kích hoạt ngay lập tức trước một vấn đề mới, đặc biệt là các tình huống cấp bách. Tư duy chậm - hệ tư duy lý tính với các tính toán logic, có nhận thức giúp con người tính toán thiệt hơn về các quyết định và lựa chọn của mình - là tư duy ở trạng thái bình thường.

Nhược điểm của tư duy nhanh là chỉ phản ứng với vấn đề trước mắt mà không phân tích tổng thể thiệt hơn. Tính chính xác và hợp lý trong các quyết định được quyết định bởi khả năng kích hoạt và duy trì hệ tư duy chậm và kiềm chế hệ tư duy nhanh.

Ví dụ, khi thấy cháy trong rạp hát, người bình thường sẽ bỏ chạy một cách vô thức theo số đông vì sợ chết. Tuy nhiên, phản ứng của một người chữa lửa có kinh nghiệm (cũng đi xem hát) thường khác.

Trong tình huống "quen thuộc", hệ tư duy chậm được kích hoạt nên người này có thể biết cách dập tắt/cách ly đám cháy hoặc có cách thoát thân cho mình và nhiều người khác thay vì theo số đông để giẫm đạp lên nhau. Người chữa lửa còn chủ động hơn nếu nhiệm vụ lúc đó là canh phòng và ứng phó với hỏa hoạn trong rạp hát.

Lo lắng về một "Thiên nga đen" - sự kiện hy hữu với hậu quả rất lớn có khả năng xảy ra, không ai bảo ai, số đông đã "gây áp lực" để nhà nước phải đưa ra các chính sách rất mạnh.

Đối với vấn đề chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, khi thông tin về dịch xuất hiện, hệ tư duy nhanh đã được kích hoạt. Lo lắng về một "Thiên nga đen" - sự kiện hy hữu với hậu quả rất lớn có khả năng xảy ra, không ai bảo ai, số đông đã "gây áp lực" để nhà nước phải đưa ra các chính sách rất mạnh. Cái lợi là Việt Nam đã chống dịch rất tốt, được bên ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, nó cũng có những tác động tới gần như tất cả các mặt của đời sống xã hội.

Việc số đông (thể hiện trên mạng xã hội) cũng như nhà nước đã thay đổi quan điểm về việc chống dịch cho thấy chi phí và gánh nặng của việc áp dụng các giải pháp mạnh tay là lớn so với lợi ích nhận được.

Giờ đây, cần phải cân nhắc các chính sách sao cho lợi ích sau khi trừ đi chi phí của việc chống dịch cho toàn xã hội là lớn nhất. Ở bối cảnh thách thức đang lớn hơn, nhưng nguồn lực và không gian chính sách hạn chế hơn, những lựa chọn chính sách dưới đây của Việt Nam là phù hợp và cần thiết.

Thứ nhất, cần phải phải duy trì các hoạt động kinh tế xã hội bình thường ở mức cao nhất có thể. Trong đợt dịch hồi tháng 3, cảm nhận về sự nguy hiểm bệnh dịch lớn cùng với nguồn lực xã hội còn dồi dào, tác động của việc ngừng các hoạt động kinh tế xã hội chưa ảnh hưởng đến nhiều người nên cả xã hội dường như hồ hởi với những giải pháp mạnh.

Thứ hai, cân đối giữa chống Covid-19 và các vấn đề sức khoẻ khác. Kinh nghiệm dập dịch, cách thức điều trị và những vấn đề liên quan đến Covid-19 về cơ bản đã có hướng đi.

Số đông không có cảm thấy bất trắc với khả năng thiệt hại rất lớn nữa (không còn là "Thiên nga đen"). Giờ đây có thể ước lượng các xác suất xảy ra và tính toán lợi ích và chi phí của các phương án khác nhau và so sánh với việc duy trì các hoạt động y tế khác. Việc mở lại các bệnh viện ở ngay tâm dịch Đà Nẵng như Bệnh viện C chẳng hạn thuộc cách tiếp cận này.

Thứ ba, cẩn trọng trong việc mở cửa với bên ngoài. Với độ mở rất lớn với thế giới bên ngoài, việc mở cửa giao thương trở lại với các nước là cần thiết. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và sức chống chịu của nền kinh tế và xã hội có hạn. Do vậy, việc cẩn trọng trong việc đi lại với bên ngoài là việc cần làm.

Thứ tư, thử và sai trong bối cảnh thường trực rủi ro và đánh đổi. Chống Covid là một tình huống hoàn toàn mới đối với cả nhân loại. Cho đến giờ này, ngay cả với những nơi có nền y tế và kinh tế xã hội phát triển nhất thế giới, chống dịch thành công nhất cũng chưa thể chắc chắn về lựa chọn và cách tiếp cận.

Cho đến giờ này, ngay cả với những nơi có nền y tế và kinh tế xã hội phát triển nhất thế giới, chống dịch thành công nhất cũng chưa thể chắc chắn về lựa chọn và cách tiếp cận.

Với Việt Nam, mọi chuyện còn thách thức hơn. Cả xã hội đã hồ hởi và đồng thuận với việc chống dịch để đạt được kết quả tốt. Sau đó Việt Nam đã có được một thời gian đưa các hoạt động xã hội trở lại mà rất nhiều nước mong muốn. Khi rủi ro đã xảy ra, việc cần làm lúc này là lựa chọn cách tiếp cận phù hợp và vẫn phải thử và sai mà thôi.

Tóm lại, với bối cảnh của xã hội và tâm lý của số đông cùng với năng lực của hệ thống nhà nước nói chung, hệ thống y tế nói riêng, cách thức chống dịch mạnh tay đã được lựa chọn trong giai đoạn đầu.

Nhìn theo hệ tư duy lý tính thì chưa hẳn đã là tối ưu. Tuy nhiên, số đông cảm nhận là tích cực thì lựa chọn được đưa ra trước đây là đúng với mong đợi.

Giờ đây, tình hình đã thay đổi, số đông đã nhận thấy bức tranh toàn diện hơn nên cách tiếp cận và lựa chọn chính sách đã được thay đổi hợp lý hơn. Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục cách tiếp cận mới như các nước.

Để có được các kết quả tốt và tinh thần tích cực, ứng phó với khó khăn, việc đồng thuận, ủng hộ và chung tay thực hiện những chính sách và tiếp cận đã được chọn là hết sức quan trọng.

* TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, thường xuyên tham gia các thảo luận chính sách ở Việt Nam. Ông nhận bằng thạc sĩ quản lý công tại Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sĩ tại Trường Kiến trúc Harvard năm 2013.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'