Trợ cấp giá điện than là rào cản đối với năng lượng tái tạo
March 08, 2020

Trợ cấp giá điện than là rào cản đối với năng lượng tái tạo

March 08, 2020

Chủ Nhật, 8/3/2020, 12:40

Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn

(TBKTSG) - Giá điện than ở Việt Nam hiện nay còn được coi là rẻ vì chưa tính đầy đủ chi phí vào giá thành, đồng thời chúng ta cũng đang đánh đổi môi trường để lấy cái rẻ đó. TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Nghiên cứu và giảng viên cao cấp của trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, nói: "Chính sách trợ cấp giá điện than là không bền vững về mặt tài chính và làm bóp méo thị trường năng lượng, gây nên những thách thức cho việc đầu tư vào điện từ năng lượng tái tạo".

TBKTSG: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đề cập đến ưu tiên phát triển hợp lý nguồn năng lượng tái tạo. Theo bà, đây có phải là một lối ra trước nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng của Việt Nam?

- TS. Lê Thái Hà: Theo số liệu ước tính của Quy hoạch điện VII điều chỉnh, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đến năm 2030, Việt Nam cần bổ sung thêm 6.000-7.000 MW công suất mỗi năm. Trước viễn cảnh này, Chính phủ Việt Nam đã phải điều chỉnh lại kế hoạch phát triển điện để tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo nhằm giảm khoảng cách giữa cung và cầu. Sự điều chỉnh này là có căn cứ khi Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các dạng năng lượng như điện mặt trời, điện gió... và cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Bên cạnh đó, tính hợp lý của chiến lược này còn thể hiện ở nhiều khía cạnh quan trọng khác.

Thứ nhất, chi phí phát triển năng lượng tái tạo đang ngày càng rẻ hơn trong khi chi phí của than, nguồn năng lượng truyền thống cho sản xuất điện, ngày càng đắt đỏ hơn.

Theo một nghiên cứu của Carbon Tracker Initiative (một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Anh), phát triển nguồn điện mặt trời mới có thể rẻ hơn so với việc vận hành các nhà máy nhiệt điện than hiện có ở Việt Nam vào đầu năm 2022. Trên hết, các nhà phân tích chỉ ra rằng chi phí than dài hạn, bao gồm cả chi phí vận chuyển, có thể tăng từ khoảng 47 đô la Mỹ/MWh lên mức cao nhất trên thế giới nếu các nhà hoạch định chính sách Việt Nam chọn áp dụng luật carbon hoặc phòng chống ô nhiễm không khí.

Còn theo Công ty Tư vấn McKinsey, việc phát triển mạnh dự án nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm 10% chi phí điện năng, tính từ năm 2017-2030.

Thứ hai, an ninh năng lượng quốc gia sẽ được đảm bảo hơn, giúp giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào. Ngoài ra, đầu tư năng lượng tái tạo sẽ tạo thêm 465.000 việc làm mới, tính đến năm 2030.

TBKTSG: Trong Nghị quyết 55, phát triển điện khí là một nhiệm vụ cần được ưu tiên. Theo bà, tình hình hiện tại có thuận lợi cho việc phát triển điện khí ở Việt Nam?

- Điện khí có nhiều ưu điểm so với điện than như công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, thời gian xây dựng nhanh hơn so với các nhà máy điện than, gây ô nhiễm môi trường ít hơn. Việc phát triển điện khí cũng là xu thế của thế giới.

Tuy nhiên, một trong những thách thức của việc gia tăng nhiệt điện khí là cần đảm bảo nguồn cung cấp khí. Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện nay toàn quốc có 7.200 MW điện khí, chiếm khoảng 16% tổng công suất toàn hệ thống. Theo Vụ Dầu khí và Than, trong giai đoạn đến năm 2030, sẽ cần khoảng 22 tỉ mét khối khí để đáp ứng cho 19.000 MW tổng công suất của các nhà máy điện khí, trong đó nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu sẽ chiếm khoảng gần 50%.

Dù thân thiện với môi trường, thách thức đầu tiên của điện khí là giá cao nên gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường điện.

Thêm vào đó, do nguồn khí trong nước hạn chế, chúng ta dự kiến sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn LNG nhập khẩu từ nước ngoài trong những năm tới, với giá LNG phụ thuộc vào thị trường thế giới.

TBKTSG: Giá đắt như vậy thì có nên ưu tiên phát triển điện khí, ít nhất là trong những năm trước mắt?

- Chính phủ đã tạo ra khung pháp lý cho sự phát triển của ngành LNG, nhưng các quy định hiện hành chưa dự tính đủ một số vấn đề liên quan đến LNG khi mà chúng ta đang phải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biến động của giá trên thị trường quốc tế.

Vì vậy, điều quan trọng là cần xác định cơ chế mà theo đó giá LNG được phản ánh đến thị trường điện một cách hợp lý. Bộ Công Thương đã cân nhắc nhập khẩu LNG từ Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại của nước này với Việt Nam. Trong lĩnh vực này, các công ty Mỹ cũng nổi tiếng là tiên phong trên thế giới về chất lượng, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến.

Nhìn chung, chúng ta thiếu kinh nghiệm về xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án khí - điện sử dụng LNG, nên ở giai đoạn sơ khai, sẽ còn thiếu kiến thức kỹ thuật trong lĩnh vực này để có thể đưa ra các quyết định chính xác về xây dựng chiến lược, cơ cấu thương mại, lựa chọn công nghệ và mua sắm LNG.

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, Việt Nam không thể bỏ qua lĩnh vực nhiệt điện khí. Thị trường LNG thế giới hiện nay cũng đang rất sôi động với lượng cung dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho việc phát triển các dự án điện khí. Bộ Công Thương, EVN và tập đoàn Dầu khí cần tận dụng hợp tác quốc tế, nhằm khai thác được nguồn cung có trữ lượng và giá thành tốt nhất, cũng như tiếp cận các chuyên gia kỹ thuật và pháp lý đã có kinh nghiệm làm cố vấn nội bộ để hỗ trợ tất cả các quy trình ra quyết định quan trọng xung quanh việc phát triển LNG.

TBKTSG: Một trong những yêu cầu của Nghị quyết 55 là "áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng". Bà đánh giá như thế nào về "độ khó" của yêu cầu này?

- Tôi cho rằng, "áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng" là một giải pháp lâu dài cho những thách thức lớn về năng lượng của Việt Nam.

Vấn đề trọng tâm của phát triển năng lượng tái tạo là tạo ra một môi trường đầu tư bình đẳng cho khu vực tư nhân, đặc biệt là điều chỉnh giá điện phù hợp với giá thị trường. Chính phủ đã trợ cấp gián tiếp rất lớn để giữ giá điện và nhiên liệu hóa thạch ở mức thấp. Nhưng chính sách này không bền vững về mặt tài chính và làm bóp méo thị trường năng lượng ở Việt Nam, gây nên những thách thức cho việc đầu tư vào điện từ năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, việc xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh còn rất mới mẻ đối với nước ta. Việc nâng giá điện phù hợp với giá thị trường đương nhiên sẽ có những ảnh hưởng xã hội, đặc biệt là với nhóm người nghèo và cận nghèo.

Cần có lộ trình cho biểu giá điện bán lẻ đến năm 2025, trong đó cần cụ thể hóa việc chuyển đổi sang cơ chế giá thị trường, sửa đổi số giờ biểu giá cao điểm và xem xét Biểu giá bán lẻ khác biệt ở các khu vực khác nhau và cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thêm vào đó, do chúng ta nhập khẩu đáng kể nguồn nhiên liệu đầu vào cho việc sản xuất điện, giá năng lượng cũng sẽ chịu tác động bởi những thay đổi theo giá thế giới. Vì vậy, chính sách giá năng lượng cũng phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa thị trường trong nước và quốc tế.

Dù giá năng lượng cần được điều chỉnh hợp lý và xây dựng theo cơ chế thị trường, nhà nước vẫn giữ vai trò cần thiết trong việc theo dõi, giám sát chính sách giá năng lượng nói chung, để đảm bảo ổn định ở tầm vĩ mô cho nền kinh tế cũng như đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho quốc gia. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu phát triển theo mô hình thị trường của ngành điện. Khi thị trường đã hình thành và đạt mức độ phát triển ổn định, vai trò của Nhà nước có thể chuyển dần từ trực tiếp sang gián tiếp để phù hợp với xu thế phát triển chung.

TBKTSG: Hiện Nhà nước đang xem xét một số chính sách ưu đãi về giá đối với năng lượng tái tạo. Theo bà, liệu đây có thể trở thành cú hích cho lĩnh vực năng lượng này phát triển mạnh?

- Hiện tại, năng lượng tái tạo chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng năng lượng được sản xuất ra.

Vì vậy, các chính sách ưu đãi về giá đối với năng lượng tái tạo là cần thiết và sẽ tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng của đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng xanh, đặc biệt là dự án điện mặt trời để được hưởng mức giá FiT ưu đãi là 9,35 cent Mỹ mỗi kWh (trong vòng 20 năm theo hợp đồng mua bán điện PPA - Power Purchase Agreement) trước khi chính sách này hết hiệu lực vào ngày 30-6-2019. Theo EVN, tính đến ngày 30-6-2019, tổng cộng 82 nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 4,46GW đã được kết nối với lưới điện quốc gia. Nhờ vậy, năng lượng mặt trời hiện chiếm 8,28% tổng công suất điện của Việt Nam.

Đây là minh chứng cho việc các nhà đầu tư "nhạy cảm" với các chính sách ưu đãi về giá đối với năng lượng tái tạo như thế nào.

Tuy nhiên, ngoài các ưu đãi về giá, thì các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và ưu đãi liên quan đến đất đai... cũng góp phần thu hút đầu tư vào năng lượng mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung ở Việt Nam.

Bào Uyên

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'