Hội thảo mở: Cơ hội phát triển của Việt Nam
February 04, 2020

Hội thảo mở: Cơ hội phát triển của Việt Nam

February 04, 2020

Cơ hội tham dự hội thảo mở nghiên cứu về những cơ hội phát triển của Việt Nam trong thập kỷ mới - Hoạt động trong khuôn khổ hội thảo của nhóm chuyên gia Harvard và quốc tế nghiên cứu về Việt Nam.

Đầu thập niên 1990, Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard xuất bản một cuốn sách nhan đề Theo hướng Rồng bay. Mục đích của cuốn sách nhằm cung cấp một khuôn khổ chiến lược giúp cho việc xác định các ưu tiên và đưa ra các quyết sách quan trọng trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam và thế giới lúc bấy giờ. Dẫn dắt công trình nghiên cứu của một nhóm chuyên gia quốc tế này là Giáo sư Dwight H. Perkins, lúc đó là Chủ nhiệm Khoa kinh tế, Đại học Harvard.

Sau 10 năm, thế giới có nhiều thay đổi kể từ khi cuốn sách Theo hướng Rồng bay ra đời. Việt Nam đã thay đổi rất nhiều sau gần một thập kỷ, xuất hiện nhiều thách thức mới trong bối cảnh bắt đầu hội nhập kinh tế, với những nhận diện thay đổi khác với thời kỳ đầu đổi mới. Nhóm chuyên gia nghiên cứu từ Harvard tâm huyết tiếp tục theo đuổi một công trình nghiên cứu có tính định hướng về chiến lược kinh tế của Việt Nam cho một thập kỷ tiếp theo.

Theo đó, cuốn sách Theo hướng Rồng bay với các nghiên cứu định hướng không còn thích hợp nữa và cần được viết lại. Năm 2008, Giáo sư Dwight H. Perkins cùng nhóm chuyên gia nghiên cứu quốc tế và nhóm chuyên gia của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (tiền thân của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright ngày nay) xuất bản công trình nghiên cứu Lựa chọn Thành công - Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam. Nghiên cứu đưa ra những định hướng khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho Việt nam trong giai đoạn 2011-2020.

Kể từ Theo hướng Rồng bay, cho đến Lựa chọn Thành công, những câu chuyện nào cần được bàn tiếp trong thập kỷ phát triển mới của Việt Nam giữa bối cảnh thế giới đầy biến động (2021-2030)? Sự vươn lên của Việt Nam để trở thành một nền kinh tế mạnh trong khu vực, hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu sắc, đồng thời là một nhân tố khu vực có vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh mới giữa các cường quốc toàn cầu là một chủ đề được cả giới học giả và đại chúng hết sức quan tâm.

Ngày nay, rất ít nền kinh tế mới nổi thực sự hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu một cách sâu sắc như Việt Nam. Ngoại thương phát triển mạnh mẽ với tổng kim ngạch hiện gấp đôi GDP, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài là một yếu tố chủ lực. Nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức nan giải: giá trị gia tăng từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ yếu từ nhân công lao động, vẫn còn thấp và chưa liên kết chặt chẽ với nền kinh tế trong nước. Việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Hoa Kỳ khởi xướng, dù cho buộc phải tiếp tục mà không có "kiến trúc sư trưởng", cùng một thỏa thuận thương mại đang xây dựng cùng EU mở ra những cơ hội mới, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yêu cầu đầy khó khăn về lĩnh vực quyền lao động, nhất là khi Đảng-nhà nước đang phải đối mặt áp lực từ nhiều phía....

Nhóm chuyên gia nghiên cứu của Đại học Harvard đã nối tiếp các di sản nghiên cứu trong hơn 20 năm qua về kinh tế Việt Nam bằng một công trình sách nghiên cứu công phu.

Đã có nhiều cuốn sách viết về sự chuyển mình và khẳng định vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam, trong đó có những cuốn xoáy sâu vào từng khía cạnh cụ thể. Tuy nhiên, chưa có cuốn sách lớn nào được biên soạn có khả năng mang đến một góc nhìn đương đại và toàn diện về vị thế của Việt Nam ngày nay, đồng thời đưa ra triển vọng cho tương lai. Dự án cuốn sách nghiên cứu mới được kỳ vọng sẽ làm được điều này. Từ mốc thời gian hiện tại, cuốn sách sẽ vừa nhìn lại về quá khứ, vừa hướng tới tương lai để xác định những vướng mắc then chốt và những giải pháp chính sách cho Việt Nam.

Theo nhóm chuyên gia, cuốn sách sẽ thuật lại một cách toàn diện sự trỗi dậy về chính trị, kinh tế-xã hội và ngoại giao của Việt Nam, đặc biệt thông qua phân tích bản chất cũng như những hạn chế của quá trình cải cách kinh tế, mối quan hệ giữa đảng, nhà nước và thị trường, bản chất của nhà nước đơn đảng, các khía cạnh xã hội của sự thay đổi và ý nghĩa an ninh đối với châu Á trong thập kỷ tới.

Có 3 hội thảo trao đổi, đánh giá các luận điểm nghiên cứu trong công trình sách trước khi ấn hành. Sau hội thảo đầu tiên tại Diễn đàn châu Á ở Đại học Stockholm (2019), hội thảo tiếp theo sẽ diễn ra Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) vào ngày 3 và 4/2 tới.

Bên cạnh các phiên họp chuyên môn, sẽ có một phiên mở dành cho công chúng quan tâm về những nghiên cứu kinh tế Việt Nam trong những thập kỷ từ đổi mới đến nay:

Hội thảo mở: Cơ hội phát triển của Việt Nam

Thời gian: 4pm-5pm, ngày 4/2/2020

Địa điểm: 105 Tôn Dật Tiên, phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh

Link đăng ký: TẠI ĐÂY

 

 

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'