Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP): Diễn đàn đối thoại và phản biện chính sách đặc sắc
August 24, 2020

Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP): Diễn đàn đối thoại và phản biện chính sách đặc sắc

August 24, 2020

Giữa tháng 9 năm 2007, một hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại New York (Mỹ) thu hút sự quantâm của dư luận quốc tế: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khoá họp hàng năm lần thứ 62 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ). Truyền thông quốc tế dành sự chú ý lớn bởi trong khuôn khổ khoá họp này, LHQ sẽ bỏ phiếu bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo An LHQ nhiệm kỳ 2008 -2009. Vị thế quốc tế này được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng kinh tế năng động trong 20 năm kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và hội nhập thế giới, đặc biệt là nỗ lực gia nhập WTO (2006).

Nhưng xen lẫn trong bầu không khí thỏa mãn và lạc quan về thành tích tăng trưởng cao suốt hai thập kỷ, nhiều người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, quốc gia ngày càng được nể trọng trên trường quốc tế, Việt Nam bắt đầu đối mặt với nhiều bài toán về hội nhập kinh tế. Bên lề kỳ họp tại New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp với nhóm lãnh đạo Đại học Harvard, đại diện là Giáo sư Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam. Lúc đó, Harvard đang thực hiện một dự án hợp tác giáo dục với Đại học Kinh tế TP.HCM là Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP). Khi ấy, FETP bắt đầu nổi lên như một trung tâm đào tạo, nghiên cứu chính sách với các báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam khác biệt, sắc sảo. Trong cuộc tiếp xúc, Thủ tướng gợi ý việc Harvard tham gia tư vấn chính sách với một đặt hàng cụ thể. Đó là phản biện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thập kỷ tới (từ 2011 đến 2020). Trước đó, đầu thập niên 1990, các học giả Harvard đã từng tư vấn cho lãnh đạo Việt Nam thông qua một nghiên cứu gây tiếng vang là"Theo hướng rồng bay". Cuốn sách đã cung cấp một số khuôn khổ chiến lược giúp cho việc xác định các ưu tiên cũng như quyết sách quan trọng trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam và thế giới lúc bấy giờ.

Nhìn thẳng thực tại

3 tháng sau đó, Chương trình Châu Á của Trường Quản lý Nhà nước Kennedy (Đại học Harvard) ra mắt một cuốn sách nghiên cứu có tựa "Lựa chọn Thành công – Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam". Cuốn sách xuất bản gây xôn xao dư luận bởi nó phá tan bầu không khí thỏa mãn và lạc quan bao trùm bởi những thành tích thu hút đầu tư nước ngoài và sự ngợi ca của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, một thành viên của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) tham gia nhóm nghiên cứu cho hay, cuốn sách đã thẳng thắn phân tích những vấn đề then chốt và tiềm ẩn của nền kinh tế. Đó là nguy cơ hiện hữu ngày một rõ của "chủ nghĩa tư bản thân hữu" ở Việt Nam. Nói cách khác, sự xuất hiện của các nhóm đặc quyền được hưởng đặc lợi từ việc giữ nguyên trạng thái hiện tại làm cho quá trình hoạch định chính sách bị biến dạng và thiếu động cơ tiếp tục cải cách.

Lựa chọn Thành công khuyến cáo nền kinh tế Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi việc ra chính sách phải hết sức thận trọng và sáng suốt. Từ những phân tích, nhóm các học giả khuyến nghị một khuôn khổ chiến lược giúp Việt Nam xác định các ưu tiên, đưa ra các quyết sách kinh tế cho những năm đầu của thế kỷ 21. Trái với lo ngại nghiên cứu có thể "động chạm", gây khó chịu khi "điểm huyệt" các điểm yếu chết người của nền kinh tế, những phản biện trực diện và khác biệt, phê phán trên tinh thần xây dựng của nhóm đã cung cấp những phân tích, nghiên cứu chính sách công phu, có cơ sở khoa học và đề ra những giải pháp có thể ứng dụng đã gây sự chú ý.

"Lựa chọn Thành công đã phần nào xoá bỏ định kiến về vùng cấm phản biện chính sách mang tính phê phán tích cực trong giới hoạch định chính sách, lãnh đạo cấp cao Việt Nam" – Tiến sĩ Tự Anh cho hay.

Kể từ Lựa chọn Thành công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) cùng Trường Quản lý Nhà nước Kennedy (Đại học Harvard) tiếp tục đi xa hơn trong phản biện chính sách kinh tế Việt Nam, thông qua các nghiên cứu và phản biện chính sách uy tín, gây tiếng vang. Năm 2008, các bên thôi thúc thực hiện ý tưởng mở một diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp của Việt Nam. Kết quả là Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP) ra đời như một sáng kiến hợp tác của Chính phủ Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard.

Diễn đàn tạo ra một kênh đối thoại chính thống với các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới, qua đó giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam nắm bắt một cách tốt hơn những cơ hội và thách thức của môi trường kinh tế bên ngoài mà nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, từ đó đưa ra khuôn khổ chiến lược chính sách thích ứng với sự thay đổi của toàn cầu. Với cấu trúc thành phần đối thoại gồm các thành viên cao cấp của Chính phủ từ cấp Thứ trưởng trở lên, do một Phó Thủ tướng hoặc Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu, VELP trở thành một diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao có ảnh hưởng bậc nhất ở Việt Nam. Kể từ 2008, Trường Harvard Kennedy và Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) mà sau này là Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) đã đồng tổ chức 7 chương trình VELP tại Đại học Harvard.

"Điểm đặc sắc của chương trình đó là đối thoại, phản biện chính sách dựa trên các nghiên cứu cập nhật về kinh tế Việt Nam của Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard và FETP trước đây và nay là Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. VELP cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cơ hội tiếp cận với những phân tích độc lập, khách quan, chân thực, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng với những góc nhìn mới mẻ, khác biệt so với các diễn đàn khác và nhất là cung cấp những khuyến nghị giàu tính thực tiễn" – Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho hay.

Chất lượng đẳng cấp của diễn đàn nằm ở thành phần đối thoại là các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế toàn cầu. Tuỳ theo chủ đề của từng Chương trình VELP, Harvard sẽ mời các diễn giả từ những viện nghiên cứu, các trường đại học danh tiếng, các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều người là cố vấn cấp cao cho các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ. Họ làm việc ở trung tâm của những dòng chảy chính định hình xu hướng chung của nền kinh tế thế giới. Những quan điểm và cách tiếp cận của họ về các xu hướng kinh thế giới là một kênh tham khảo hữu ích cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Từ đối thoại đến tháo gỡ nút thắt thể chế

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu lên tới đỉnh điểm vào nửa cuối năm 2012, đầu năm 2013, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu thấm đòn ảnh hưởng. Mặc dù đã lấy lại cân bằng từ cú sốc lạm phát cao và suy giảm kinh tế của hai năm trước đó nhưng kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn trong cuộc vật lộn thoát khỏi tình trạng trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng. Chính phủ bắt đầu ưu tiên thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng với ba nội dung chính: tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính-ngân hàng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Bối cảnh này làm nóng chương trình nghị sự của diễn đàn VELP diễn ra vào tháng 8/2013. Dẫn đầu đoàn lãnh đạo Cấp cao Việt Nam tham dự kỳ diễn đàn lần này là Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Trong các tập tài liệu phát cho Đoàn để nghiên cứu năm đó, Ban Tổ chức đã chuẩn bị một món quà đặc biệt: cuốn sách "Vì sao các quốc gia thất bại"của hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson, do Trường Fulbright dịch và hiệu đính, Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Cuốn sách mới ra mắt nổi lên như một ấn phẩm kinh tế khảo cứu xuất sắc, được nhiều các nhà hoạch định chính sách tìm đọc. Trái với những quan điểm lưu hành phổ biến trước đó rằng số phận kinh tế của một quốc gia được định đoạt bởi địa lý hay văn hóa, hai nhà kinh tế nổi tiếng khi nghiên cứu hơn bốn trăm năm lịch sử phát triển của thế giới đã đưa ra một lý thuyết mới đầy thuyết phục: Chính thể chế do con người tạo ra mới là nhân tố quyết định một nước giàu hay nghèo, thành công hay thất bại!

Điều ngạc nhiên thú vị của VELP năm đó là Ban Tổ chức đã mời tác giả Robinson, giáo sư Đại học Harvard tham gia đối thoại trực tiếp với Phó Thủ tướng và các lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Tiến sĩ Tự Anh cho hay, một trong những nội dung Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt tâm huyết trao đổi với tác giả Robinson đó là cải cách thể chế. Cải cách thể chế đã luôn là mối quan tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong suốt những thập kỷ Đổi mới. Qua gần ba thập kỷ cải cách, những bất cập trong quản lý kinh tế và xã hội bộc phát đều có một nguyên nhân sâu xa từ chất lượng thể chế yếu kém. Thể chế yếu kém dẫn tới những bất ổn của nền kinh tế và nguy cơ suy thoái kinh tế. Tác giả Robinson đã nhắc lại cụm từ "Thể chế-Thể chế-Thể chế" – lời kết của một chương trong cuốn sách như một lời khuyến nghị dành cho lãnh đạo Việt Nam để giải quyết những thách thức của quốc gia.

Nếu như cải cách thể chế manh nha đề cập trong diễn đàn VELP 2013 thì hai năm sau (2015), vấn đề này chính thức trở thành trung tâm nghị sự đối thoại của chương trình VELP. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn lãnh đạo Cấp cao Việt Nam tham gia diễn đàn, đã đặt hàng một trọng tâm thảo luận là về cải cách thể chế và luật pháp.

"Muốn quốc gia thịnh vượng, chìa khoá duy nhất là cải cách thể chế. Xây dựng thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý bằng pháp luật là những định hướng dù được tái khẳng định nhiều lần trong các văn kiện chính trị, thậm chí được xác định là một trong ba khâu đột phá tại Đại hội của Đảng nhưng cơ hội thảo luận thẳng thắn, phản biện trực diện với góc nhìn đa chiều, bằng cái nhìn của người từ bên ngoài là điều chưa từng có trước đó. Chương trình VELP lần thứ 4 tại Harvard đã làm được điều này" – Tiến sĩ Tự Anh cho hay.

Để chuẩn bị cho việc thảo luận vấn đề này tại Chương trình VELP, Trường Fulbright lần đầu tiên công bố một nghiên cứu đề cập đến những nút thắt thể chế ở Việt Nam với tên gọi "Khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng". Nghiên cứu đã lý giải những cuộc cải cách thể chế bị trì hoãn hoặc chưa được tiến hành triệt để trong qúa khứ khiến cho các nguy cơ kinh tế, chính trị, xã hội xảy ra. Từ đó, các tác giả nhấn mạnh thông điệp cần tận dụng những cơ hội cải cách thể chế.

"Các nhà hoạch định chính sách, xây dựng luật pháp Việt Nam hiểu rõ những vấn đề thể chế. Lãnh đạo các bộ ngành cũng hoàn toàn hiểu câu chuyện về thể chế trong từng lĩnh vực điều hành của mình. Có lẽ, điều họ cần khi tham gia vào diễn đàn VELP đó là lắng nghe các phân tích, đánh giá thực tại trong một bức tranh toàn cảnh, kết nối các mảnh ghép vấn đề trong toàn hệ thống. Chỉ khi nhìn vào bức tranh lớn mới thấy ngóc ngách và căn nguyên của vấn đề." – Tiến sĩ Tự Anh cho hay.

Trong suốt hơn một thập niên, trải qua 7 Chương trình VELP, hàng loạt các vấn đề kinh tế và chính sách quan trọng mà Việt Nam phải đối mặt trong thực tại lẫn các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn đã được nghiên cứu, đối thoại tại một trong những trung tâm nghiên cứu học thuật hàng đầu thế giới. Nếu chủ đề những năm đầu của VELP tập trung vào việc tháo gỡ những nút thắt thể chế để kích thích tăng trưởng kinh tế thì những năm gần đây, nội dung tập trung vào những xu hướng mới của cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trên thế giới và ảnh hưởng đến Việt Nam.

Một trong những yếu tố quyết định làm nên thành công của chuỗi thảo luận VELP đó là sự cởi mở, thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc, những phản biện, thậm chí phê phán chính sách của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. VELP là một cơ hội để các nhà lãnh đạo Cấp cao Việt Nam nhìn lại những nhận định của mình về nền kinh tế, tham khảo những quan điểm và nhận thức mới, sâu sắc về những vấn đề kinh tế thế giới quan trọng đối với Việt Nam.

"Chính phủ Việt Nam có một nhu cầu thảo luận, đánh giá chuyên sâu về kinh tế quốc gia ở cấp độ chiến lược và tầm toàn cầu. Đây là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh xã hội biến chuyển nhanh chóng và ngày càng trở nên phức tạp", Tiến sĩ Tự Anh nhận định.

Với sứ mệnh của Trường Fulbright, đối thoại chính sách không chỉ nhằm phản biện, thúc đẩy chính sách. Mục tiêu lớn hơn mà Fulbright hướng tới là tạo ra một diễn đàn giúp khơi gợi và ươm dưỡng những tư duy mới trong thế hệ lãnh đạo cấp cao Việt Nam để từ đó họ có thể tạo ra những chiến lược và chính sách dung hợp cho tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.

  • Xuân Linh

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'