Học viên Fulbright giao lưu quốc tế ngay tại khuôn viên trường như thế nào?
September 05, 2023

Học viên Fulbright giao lưu quốc tế ngay tại khuôn viên trường như thế nào?

September 05, 2023

Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) được biết đến với nhiều hoạt động hợp tác quốc tế khác nhau. Trong đó, quan hệ hợp tác với Đại học Harvard kể từ khi còn là Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và chương trình đưa học viên sang học tại đại học danh tiếng này là một điểm nhấn nổi bật.

Tuy nhiên, đó không phải là cơ hội giao lưu quốc tế duy nhất mà FSPPM mang đến cho học viên của mình. Ngay tại khuôn viên trường, học viên FSPPM cũng có thể hòa vào dòng chủ lưu của các cuộc thảo luận về chính sách trong khu vực và trên thế giới.

Võ Ngọc Tâm (chính giữa) trong buổi giao lưu với học viên Trường Kinh doanh Harvard vào tháng 5/2023. Ảnh FSPPM.

Có được điều này là nhờ vị trí đặc biệt của FSPPM nói riêng và Đại học Fulbright Việt Nam nói chung. Là thành quả của quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ với sự tổng hòa của việc am hiểu địa phương và tinh thần hội nhập, ngôi trường này trở thành điểm đến của ngày càng nhiều trường đại học, học giả và các nhà hoạch định chính sách để bàn về những vấn đề thời sự nhất.

Giao lưu cùng những người đi đầu về phát triển bền vững

Đối với những học viên quan tâm đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, trường Fulbright tạo ra những cơ hội giao lưu có một không hai.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, đích thân hai đặc phái viên về vấn đề này từ Mỹ và Châu Âu đã đến giao lưu với sinh viên trường. Đó là John Kerry (cựu Ngoại trưởng và Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi Khí hậu) và Virginijus Sinkevičius (Cao ủy Châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá). Trong bài nói chuyện, họ trực tiếp chia sẻ các kế hoạch hành động và hợp tác với các quốc gia trong đó có Việt Nam, cũng như đưa ra gợi ý cho các học viên đầy tiềm năng trở thành người tạo ra thay đổi.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Måwe, trong sự kiện Nordic Day năm 2022. Ảnh FSPPM.

Không chỉ có những sự kiện riêng lẻ, phát triển bền vững là chủ đề xuyên suốt của chương trình Ngày Bắc Âu (Nordic Day) mà FSPPM là đối tác tổ chức từ năm 2018. Mỗi năm, chương trình lại quy tụ Đại sứ các nước, các nhà khoa học và các công ty đang đi đầu trong lĩnh vực này để chia sẻ kinh nghiệm. Chủ đề thảo luận của hai năm gần nhất là đưa tiêu chuẩn ESG (Environmental - Social - Governance) vào trong hệ sinh thái kinh doanh và giải pháp xanh cho kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải.

Anh Phạm Trường Sơn (cựu học viên khóa MPP22), một chuyên gia công tác xã hội, luôn rất hào hứng với các cơ hội giao lưu này. Theo anh, đó là cách rất tốt để cập nhật những vấn đề của thời đại, học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Cùng học với các sinh viên quốc tế

Chưa cần phải đi đâu xa, cơ hội để học viên Fulbright giao lưu và học hỏi cùng các sinh viên quốc tế phải nói là rất dồi dào ngay tại trường, cô Nguyễn Phương Chi, Trưởng phòng Đào tạo cấp cao của FSPPM chia sẻ. Sau khi tham gia mạng lưới NASPAA, các cơ hội để học viên FSPPM giao lưu với học viên các trường Chính sách công trên toàn cầu còn nhiều hơn nữa.

Chẳng hạn, tháng 2 vừa qua, FSPPM trở thành một trong những chủ nhà của cuộc thi “Mô phỏng chính sách toàn cầu của NASPAA. Cùng với các học viên đến từ Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) và Trường Quản lý và Chính sách công KDI (Hàn Quốc), học viên FSPPM đã tham gia thử thách xây dựng chính sách phòng cháy rừng cho một quốc gia giả định.

Học viên FSPPM thảo luận cùng đội chơi trong cuộc thi “Mô phỏng chính sách toàn cầu” của NASPAA tháng 2/2023. Ảnh FSPPM.

Hương Giang (học viên khóa MPP2024) là một trong những học viên được chọn để đại diện FSPPM tham gia cuộc thi. Cô chia sẻ, trải nghiệm cùng bạn bè quốc tế giải bài toán chính sách dưới áp lực thời gian, đòi hỏi sự tranh luận, phân tích và tổng hợp thông tin liên tục đã cho cô cơ hội khám phá cả bản thân và thế giới nhiều hơn.

Sau COVID-19, những cuộc gặp gỡ đã được tái lập. Chỉ trong tám tháng đầu năm 2023, FSPPM đã đón đoàn học viên của ba trường đại học khác nhau, trong đó có Trường Kinh doanh Harvard, Trường Kinh doanh Said thuộc Đại học Oxford và mới đây nhất là Đại học Georgetown. Những dịp giao lưu như thế là cơ hội để học viên Việt Nam trao đổi kiến thức và học hỏi kinh nghiệm từ những người bạn quốc tế.

Ngọc Tâm (cựu học viên MPP23) và Viết Kiên (học viên MPP24) là hai trong số những đại diện của FSPPM tham gia buổi giao lưu với 70 học viên chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của Trường Kinh doanh Harvard (HBS) vào tháng 5/2023.

Hương Giang (thứ ba từ trái sang) thảo luận cùng đội chơi trong cuộc thi “Mô phỏng chính sách toàn cầu” của NASPAA tháng 2/2023. Ảnh FSPPM.

Điều mà họ ấn tượng là chương trình được thiết kế rất kỹ lưỡng. Học viên từ hai trường không chỉ làm quen đơn thuần, mà họ được chia thành các nhóm nhỏ để vận dụng design thinking” (tư duy thiết kế) nhằm tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp Việt Nam mà các học viên HBS đang tư vấn. Một số sáng kiến được hiến kế sôi nổi tại buổi giao lưu là: mô hình kinh doanh xe hơi đã qua sử dụng, dự án xe điện, ứng dụng mobile về quản lý tài chính,...

Viết Kiên chia sẻ rằng mình đã học được rất nhiều từ những cơ hội giao lưu tuyệt vời mà trường Fulbright mang lại. Ngọc Tâm đã có thêm những người bạn mới từ Harvard để bàn về những cơ hội kết nối trong tương lai.

  • Mẫn Linh - Xuân Hường

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'