Ngôn ngữ “Bà Ngoại” và những bài học từ giảng đường Fulbright
September 07, 2020

Ngôn ngữ “Bà Ngoại” và những bài học từ giảng đường Fulbright

September 07, 2020

Từ giảng viên đại học chuyên ngành tiếng Anh đến vị trí Quản lý chuỗi cung ứng cho tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble (P&G) là một bước ngoặt thay đổi sự nghiệp không dự tính của Đặng Thị Mạnh, cựu học viên Chương trình Thạc sĩ Chính sách công MPP2 của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) cách đây 11 năm. 

Năm 2009, khi đang là giảng viên tiếng Anh ở Đại học Ngoại thương Cơ sở 2, Đặng Thị Mạnh loay hoay tìm kiếm cơ hội học cao học như bước phát triển sự nghiệp cần thiết. Một giảng viên đã giới thiệu với chị về Chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP) của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP). Tốt nghiệp cử nhân Đại học Sư phạm chuyên ngành tiếng Anh, chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ học cao học về Kinh tế. FETP cũng không có lựa chọn nào khác ngoài đào tạo về chính sách công với nền tảng các môn học liên quan kinh tế, quản lý. Nhưng đây lại là chương trình đào tạo liên quan kinh tế duy nhất ở Việt Nam không hạn chế các ứng viên nộp đơn bất kể nền tảng đào tạo đại học. Và, để bắc cầu đến với Fulbright, chị Đặng Thị Mạnh đã tham gia học các môn chuyển đổi theo quy định của nhà trường để bước vào ngành học liên quan kinh tế. 

“Đó là một bước ngoặt kỳ diệu đưa đến những thay đổi lớn lao sau này mà tôi không hình dung trước” – chị Mạnh chia sẻ. 

Tốt nghiệp chương trình MPP của FETP năm 2011, chị Mạnh quyết định thay đổi sự nghiệp với việc đầu quân cho tập đoàn P&G ở Việt Nam với vị trí công việc Demand Planner (nhân viên kế hoạch dự báo). Gắn bó một mạch hơn 8 năm với P&G Việt Nam, năm 2019 chị được tập đoàn P&G luân chuyển qua Singapore làm việc ở vị trí Quản lý chuỗi cung ứng ngành hàng Feminine care cho các thị trường khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ASEAN, Úc và New Zealand). Chị Mạnh đã làm việc tại Singapore vài năm trước khi về lại Việt Nam.

Chị Đặng Thị Mạnh đại diện cộng đồng học viên FETP trong buổi gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thăm trường nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam

Dạy và học bằng ngôn ngữ “Bà Ngoại” 

Xuất thân học chuyên văn từ phổ thông sau đó chuyên ngoại ngữ ở đại học, khi đối diện với các môn học đặc thù của trường Fulbright liên quan kinh tế như Kinh tế lượng, Xác suất thống kê, Kinh tế Vi mô, Phân tích tài chính, Thẩm định dự án…, chị Mạnh gặp những thử thách học tập lớn hơn bao giờ hết trong cuộc đời đi học của mình. 

Nhưng cho dù khó, những giờ học ở Fulbright đã luôn diễn ra theo cách mọi thách thức, khó khăn trở thành động lực, sự hứng khởi tiếp nhận tri thức. Rời giảng đường Fulbright hơn một thập kỷ nhưng chị Mạnh không bao giờ quên lời thầy Đặng Văn Thanh, giảng viên môn Kinh tế học Vi mô, mỗi khi bắt đầu giới thiệu một khái niệm mới luôn bắt đầu bằng câu: “Khái niệm này, nói theo ngôn ngữ Bà Ngoại là...”. 

“Thầy Thanh luôn có cách diễn đạt các khái niệm trừu tượng bằng ngôn từ dân dã, giản dị nhất, đến “Bà Ngoại” ở quê cũng có thể hiểu, thì không có lý do gì các học viên MPP lại không hiểu và không liên hệ được với thực tế” – chị Mạnh vui vẻ kể lại. 

Việc trao đổi các vấn đề học thuật bằng “ngôn ngữ Bà Ngoại” trở thành một văn hóa ở trường Fulbright. Không chỉ thầy Đặng Văn Thanh, các giảng viên của trường luôn cố gắng diễn giải các khái niệm phức tạp về kinh tế, tài chính, quản trị… bằng ngôn ngữ đơn giản, gần gũi với các ví dụ thực tế sinh động, hài hước. 

“Ảnh hưởng từ các thầy nên khi làm các bài tập, viết tiểu luận, chúng tôi cũng phải tóm tắt các kiến thức, các quan điểm của mình bằng ngôn từ ngắn gọn, giản dị nhất, tránh mọi hình thức sáo rỗng, đao to búa lớn. “Ngôn ngữ Bà Ngoại” giúp chúng tôi hiểu rõ bản chất của vấn đề, các khái niệm, để khi trình bày, chúng tôi biết cách sử dụng các thuật ngữ chuyên môn một cách chính xác trong ngữ cảnh phù hợp,” chị Mạnh nhớ lại. 

Hai năm học tập và rèn luyện trong môi trường Fulbright đã tạo cho chị Mạnh thói quen nói và viết đơn giản. Sau khi tốt nghiệp MPP2 của trường Fulbright và đi làm tại tập đoàn P&G, chị nhận ra điều này tưởng chừng đơn giản nhưng có giá trị rất lớn. Nói và viết đơn giản giúp cho truyền thông công việc rõ ràng, mạch lạc, tiết kiệm thời gian trao đổi thông tin giữa các bên. 

“Với thói quen sử dụng “ngôn ngữ Bà Ngoại”, tôi vẫn hay được đồng nghiệp nhận xét là mạch lạc và chân thành”, chị chia sẻ. 

Phụng sự để dẫn đầu

Nói về những trải nghiệm học tập tại trường Fulbright, chị Mạnh dùng cụm từ “phụng sự để dẫn đầu” để nói về thái độ giảng dạy, làm việc, học tập của môi trường học thuật Fulbright. Cựu học viên mô tả, các thầy cô trường Fulbright luôn đứng thấp hơn hoặc ngang bằng với học viên. Họ truyền dạy tri thức và hướng dẫn các học viên khai phá tri thức bằng phong cách bình dị. 

Giá trị Phụng sự để dẫn đầu của trường Fulbright truyền cảm hứng cho chị trong sự nghiệp và cuộc sống.

“Họ là những người thông tuệ mà khiêm nhường nhất mà tôi từng biết. Không một câu hỏi nào bị bỏ qua. Không một băn khoăn nào bị quên lãng. Không một ý kiến nào không được lắng nghe, không một phản biện nào bị bác bỏ,” chị Mạnh chia sẻ.   

Không chỉ giảng viên, các giáo vụ, trợ giảng, cán bộ hành chính, thư viện… của trường là những người tâm huyết, nhẫn nại và thân thiện nhất mà chị từng biết. Tinh thần phụng sự người học tuyệt đối của môi trường học thuật Fulbright chiến các học viên cảm thấy được trân quý, tôn trọng. Thấm nhuần triết lý “phụng sự để dẫn đầu” từ môi trường Fulbright, chị Mạnh mang vào công việc, phục vụ cho khách hàng, người tiêu dùng, từ đó phục vụ cho bản thân, gia đình, cộng đồng, đồng nghiệp của mình. 

“Tinh thần phụng sự đã mang lại cho tôi những thành tựu trong công việc như việc nhận giải thưởng “Servant Leadership” của tập đoàn. Sự ghi nhận này khiến tôi hãnh diện hơn cả việc đạt được những kết quả kinh doanh” 

Ngay cả điều tưởng chừng nhỏ nhất như kỷ luật học đường ở Fulbright nộp bài tập vào lúc 8:20 sáng hàng ngày cũng là sự rèn luyện cho học viên trưởng thành. Ốm đau, kẹt xe, máy tính hỏng… không một lý do nào được chấp nhận cho việc nộp trễ bài tập. Theo chị Mạnh, việc trải qua deadline 8:20 mỗi ngày giúp các học viên tôi luyện khả năng chịu đựng áp lực, tinh thần chịu trách nhiệm và thực hiện cam kết.

“Tôi mang theo thói quen này vào công việc, vào cuộc sống. Ở nhà, khi tôi hứa với các con tôi điều gì, tôi nhất quyết thực hiện, dù các cháu mới ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và hoàn toàn chưa có khả năng “bắt phạt” mẹ của chúng. Ở công ty, việc nào làm được, tôi nói là làm được và tôi kiên quyết làm, còn việc nào nhắm chưa chắc làm được thì tôi nói trước là tôi sẽ cố gắng, nhưng chưa dám cam kết về kết quả.” 

Chị Mạnh cho rằng thói quen cam kết và làm đúng cam kết sẽ mang đến niềm tin, và khi được người thân và đồng nghiệp tin tưởng, công việc sẽ trôi chảy và được giải quyết nhanh gọn hơn. 

Một trong những giá trị lớn của chương trình đào tạo ở trường Fulbright mang lại cho học viên đó là thái độ học tập và biết cách bồi đắp, thu nạp tri thức không ngừng trong cuộc sống. Học tập không chỉ gói gọn trong nội dung các môn học, trong bốn bức tường của giảng đường hay thư viện, hay trong hai năm học tại trường. Giá trị môi trường học tập Fulbright nằm ở sự đa dạng của cộng đồng học viên với các đặc thù, kinh nghiệm công tác, nền tảng tri thức khác nhau. Mỗi người mang đến những góc nhìn mới mẻ, đóng góp tư tưởng, tư duy bài học khác nhau để từ đó có thể chắt lọc, học hỏi những giá trị tâm đắc dành cho bản thân. 

Giá trị đa dạng từ môi trường học tập Fulbright được chị Mạnh áp dụng trong công việc và sự thành công đến từ việc cầu thị, lắng nghe và học hỏi những điều mới mẻ từ đồng nghiệp và rộng hơn là môi trường làm việc của tập đoàn. 

“Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình còn lạc hậu và cần cập nhật. Nhiều đồng nghiệp đã tiến rất xa trong việc sử dụng các công cụ công nghệ, các công cụ số hóa để phục vụ việc xử lý, phân tích dữ liệu, trong khi tôi vẫn còn mò mẫm với nhiều file thủ công. Tôi rất trăn trở và đang quyết tâm học hỏi từ họ để cải thiện năng suất lao động của bản thân, để dành năng lượng cho những đầu việc, những vấn đề mà máy móc hay công nghệ không thể giải quyết được mà chỉ có đầu óc và trái tim con người mới có khả năng xử lý.”

Nhờ thái độ học hỏi tích cực, sau nhiều năm công tác, chị Mạnh được công ty tiến cử sang Singapore với môi trường thử thách hơn để phát triển. 

“Thành công với tôi không phải là thăng tiến lên cấp bậc cao hơn, mà là bản thân mình đã “thăng tiến” như thế nào về kiến thức, kỹ năng, năng lực, bản thân mình có giúp đồng nghiệp và cấp dưới tiến bộ hơn không, để rồi cuối cùng có thể sống và làm việc với nhau hòa hợp hay không. Học tập hay làm việc, cuối cùng cũng phải đạt tới mục đích là chung sống hòa thuận với mọi người trong gia đình, trong xã hội, trong cộng đồng. Tôi luôn tin rằng, việc không ngừng học hỏi là chìa khóa dẫn đến điều đó.”

  • Đoàn Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'