Chiến lược phát triển kinh tế của Thái Nguyên và vai trò của Samsung

Là một nền kinh tế mở và phát triển nhanh, trong 30 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là một trụ cột phát triển kinh tế của Việt Nam. Đối với các địa phương chậm phát triển như Thái Nguyên, sự hiện diện của Samsung với quy mô đầu tư lên tới 7 tỷ USD trở thành dự án quan trọng nhất, quyết định quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Thế nhưng sau 7 năm đầu tư, ba nghịch lý nổi lên: Thứ nhất, mặc dù giá trị xuất khẩu của Samsung rất cao, song giá trị gia tăng lại rất thấp. Thứ hai, các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng hầu như không tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung, và do vậy hầu như không được hưởng lợi gì từ sự lan tỏa về công nghệ và tri thức. Thứ ba, sự hiện diện của Samsung không hề giúp cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực tư nhân ở Thái Nguyên.

Đề án nghiên cứu của Trường FSPPM về chiến lược phát triển kinh tế của Thái Nguyên và vai trò của Samsung giúp đánh giá năng lực cạnh tranh của Thái Nguyên, đồng thời phân tích một cách sâu sắc vai trò của Samsung đối với sự phát triển dài hạn của Thái Nguyên, từ đó đề xuất các chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn tới 2035. 

Đề án không chỉ là tài liệu tham khảo quan trọng cho công tác xây dựng văn kiện Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX (2021 – 2025), mà còn là một trong nhưng nghiên cứu đầu tiên định lượng giá trị gia tăng của dự án FDI đối với nền kinh tế địa phương, đồng thời phân tích các tác động lan toả (cả tích cực và tiêu cực) của dự án đối với dân cư khu vực lân cận, bộ máy quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, và đặc biệt là mạng lưới doanh nghiệp liên quan đến Samsung (cả FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước).