Chương trình Cập nhật kiến thức về Hội nhập quốc tế và Phát triển bền vững

Quản lý và thực thi nhiệm vụ theo chức năng và phân công nhiệm vụ tách bạch giữa các ban ngành trở thành một xu hướng phổ biến tại Việt Nam. Kết quả là nhiều vấn đề, nút thắt trong phát triển kinh tế đã được nhận diện từ rất lâu nhưng sự thay đổi là điều duy nhất chưa được ghi nhận.

Trước yêu cầu đặt hàng của Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao về cập nhật kiến thức và kỹ năng liên quan đến các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế nền tảng phát triển bền vững cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ công chức quản lý chủ chốt trong công tác đối ngoại tại Trung ương cung như các địa phương trong cả nước, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã tổ chức 2 khóa đào tạo về Cập nhật kiến thức về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững vào tháng 6/2018 tại Đà Nẵng và Phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập: thách thức từ thực tiễn và vai trò lãnh đạo vào tháng 11/2018 tại Hà Nội.

Mục tiêu của chương trình là gắn kết vai trò của công tác đối ngoại để giải quyết các nút thắt trong điều hành và phát triển địa phương. Điều này là bởi vai trò của các nguồn lực từ bên ngoài và cơ hội hợp tác với nhiều quốc gia sẽ giúp Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng có nhiều cơ hội trong giải quyết các vấn đề nội bộ.

Hai chương trình đào tạo trên đã tạo ra sự khác biệt so với cách làm truyền thống ở cả trong công tác tổ chức cũng như nội dung đào tạo. Theo đó, với các khóa học truyền thống cho đối tượng cán bộ lãnh đạo và quản lý, học viên chủ yếu tiếp thu thông tin một chiều hoặc trao đổi thảo luận chung, trong hai khóa học này học viên được yêu cầu phải nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị nội dung từ trước khi đến lớp, tham gia các buổi thảo luận nhóm ngay tại lớp học, và trình bày kết quả nghiên cứu, học tập vào cuối khóa học, và việc hoàn thành hay không hoàn thành được đánh giá bởi hội đồng phản biện là giảng viên và lãnh đạo các cơ quan đối ngoại trung ương.

Về nội dung, các vấn đề nội tại trong nước và từng địa phương được đưa vào chương trình đào tạo, giúp học viên có một cái nhìn tổng quan hơn về các vấn đề bên trong của quốc gia, của địa phương, từ đó tác động đến vai trò và hoạt động của công tác đối ngoại, nhằm mục tiêu giải quyết các nút thắt bên trong.