Chọn đúng thế mạnh để chuyển đổi hiệu quả cơ cấu kinh tế
September 10, 2012

Chọn đúng thế mạnh để chuyển đổi hiệu quả cơ cấu kinh tế

September 10, 2012

Thứ hai, 10/09/2012

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững hơn là một trong những nội dung cơ bản của Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM đến năm 2020. Xung quanh nội dung này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM.

Đúc kết từ thực tiễn

- PV: Ở góc độ của một chuyên gia kinh tế, theo ông, TPHCM nên bắt đầu như thế nào cho mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng (kinh tế) theo hướng bền vững?

Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH: Trước hết, TPHCM phải nhìn vào thực tế phát triển kinh tế để đúc kết và đưa ra quyết định phù hợp, tránh những chủ trương duy ý chí. Thời gian qua, TPHCM nói nhiều đến việc tập trung phát triển ngành cơ khí, hóa chất, công nghệ thông tin... Thế nhưng, trên thực tế các ngành mà TP mong muốn lại không phát triển mạnh bằng các ngành như sản xuất hàng tiêu dùng nhanh: xà bông, bột ngọt, mì gói, giấy...

- Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM nên tập trung vào các ngành kinh tế có hàm lượng chất xám cao, có vai trò chủ đạo như cơ khí, hóa chất, công nghệ thông tin...?

Chủ thể hoạt động chủ yếu của nền kinh tế là doanh nghiệp (DN). Tự bản thân DN sẽ biết đầu tư vào đâu để có lợi nhất. Trở lại vấn đề đã nói ở trên: TPHCM đặt mục tiêu tập trung cho phát triển ngành cơ khí nhưng tại sao vừa qua Công ty Ô tô Trường Hải, một trong những DN sản xuất ô tô lớn của Việt Nam, dù có trụ sở chính ở TPHCM song lại quyết định mở xưởng sản xuất và lắp ráp ô tô lớn ở khu công nghiệp Chu Lai, Quảng Nam? Không những thế, ở Chu Lai, Công ty Ô tô Trường Hải còn có kế hoạch mua lại công nghệ sản xuất ô tô của Hàn Quốc với tham vọng sẽ sản xuất ra động cơ ô tô, phục vụ cho hoạt động sản xuất ô tô trong nước và xuất khẩu.

Rõ ràng, đâu phải TP muốn tập trung ngành kinh tế nào thị trường sẽ vận hành theo ý muốn của TP. DN có những suy nghĩ, cân nhắc, tính toán của riêng họ mà không một chủ trương duy ý chí nào có thể tác động đến được. Muốn tập trung phát triển ngành sản xuất, dịch vụ gì TP phải có cơ chế chính sách khuyến khích ngành nghề ấy phát triển. Tuy nhiên, để chủ trương, cơ chế chính sách đi được vào cuộc sống thì chủ trương, cơ chế chính sách ấy phải xuất phát từ thực tế, nghĩa là TP phải quan tâm đúng mức đến thực tế hoạt động của các DN, trước khi đưa ra chủ trương.

Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (CNS) được chọn thí điểm tái cấu trúc doanh nghiệp tại TPHCM. Ảnh: Kim Ngân

Cần cơ chế đúng để phát triển lớn mạnh

- DN Việt Nam nói chung và DN tại TPHCM nói riêng đa số có quy mô nhỏ và vừa, khó có được chiến lược phát triển dài hơi với tầm vóc có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Nếu quá phụ thuộc vào thực tế, tiềm năng và xu hướng phát triển của các DN ấy, bao giờ TPHCM mới là "đầu tàu kinh tế của cả nước" và vươn ra thế giới như kỳ vọng của Bộ Chính trị đối với TP thông qua Nghị quyết 16?

Vấn đề là Nhà nước phải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để các DN có cơ hội... "lớn lên". Bản thân DN, vì lợi ích dài lâu của chính mình, họ sẽ biết đầu tư, phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu như thế nào để bền vững. Nhìn lại hoạt động kinh tế đất nước trong thời gian qua, ta thấy rất rõ điều này. Thị trường dịch vụ điện thoại, viễn thông càng ngày càng phát triển, phục vụ tốt người tiêu dùng với giá cước ngày càng rẻ và Nhà nước hoàn toàn không phải kiểm tra giá viễn thông.

Tại sao thế? Câu trả lời thật đơn giản: Nhà nước bằng cơ chế chính sách phù hợp đã thúc đẩy thị trường này cạnh tranh mạnh mẽ và các DN đã buộc phải tự vươn lên. Hiện nay, nhiều DN kinh doanh dịch vụ viễn thông của Việt Nam không những đã chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra đầu tư ở nước ngoài. Trong khi đó, giá xăng dầu luôn làm người dân "đau đầu". Tại sao vậy? Hãy đi một vòng các cây xăng, gần như giá bán xăng, dầu của các cây xăng giống nhau. Lúc tăng giá thì cùng tăng còn lúc giảm thì cùng giảm. Thị trường xăng dầu đã không có sự cạnh tranh cần thiết để phát triển.

Thị trường địa ốc cũng tương tự. Nhà nước khuyến khích phát triển các đô thị lớn với hạ tầng kỹ thuật và xã hội hoàn chỉnh nhưng trên thực tế nhiều dự án phát triển địa ốc nhỏ, lẻ vẫn ra đời với chất lượng xây dựng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Phải chăng, ở đây đã có các nhóm lợi ích chi phối làm thị trường không phát triển được một cách lành mạnh? Một khi Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có được những DN mạnh thì nền kinh tế mới mạnh lên được. Lúc đó mới có thể nói đến vai trò chủ đạo, đầu tàu, phát triển kinh tế của TPHCM.

- Như vậy, với thực tế hiện nay, những ngành được chọn làm mũi nhọn chưa phát triển như kỳ vọng và những ngành không được chọn làm mũi nhọn lại phát triển mạnh, TPHCM phải làm gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ là đầu tàu kinh tế của cả nước?

Trước khi đưa ra quyết định phải làm gì và làm như thế nào, TPHCM phải tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng về sự phát triển của các ngành nghề trên địa bàn. Đặt những thông tin này trong xu thế phát triển của đất nước, của khu vực và thế giới để có những quyết định đầu tư quan trọng cho những ngành kinh tế được chọn làm mũi nhọn.

TPHCM nên phối hợp với các địa phương lân cận để cùng nhau xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trên tinh thần hỗ trợ nhau. Cũng đừng nghĩ rằng những ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh không thể trở thành ngành kinh tế mạnh, mang lại lợi nhuận nhiều cho đất nước.

Trong khủng hoảng kinh tế hiện nay, rất nhiều ngành phải co cụm lại do sản xuất gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được thì các ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhanh như mỹ phẩm, xà bông, mì gói... vẫn tăng trưởng khá tốt. Điều này không phải ngẫu nhiên mà do tầng lớp trung lưu, công nhân viên chức đang tăng lên và nhóm người này đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu làm đẹp. Nhu cầu này lại đang lan rộng từ thành thị đến nông thôn.

Tập trung vào đây, TPHCM có thể thu được những khoản lợi nhuận lớn và thậm chí nếu được đầu tư đúng mức, TPHCM có thể xuất khẩu các mặt hàng này ra khu vực và thế giới, trở thành một trong những nơi cung ứng hàng tiêu dùng nhanh, lớn của thế giới. Đây cũng là cách để đưa TPHCM hội nhập mạnh mẽ vào khu vực và thế giới.

Chỉ có một vấn đề tôi muốn lưu ý. Hiện nay trên thế giới không phát triển ngành nghề theo những khái niệm đơn giản, một cách chung chung như ngành cơ khí, ngành công nghệ thông tin... mà theo cụm ngành. Ví dụ: cụm ngành dệt may, cụm ngành ô tô có động cơ... bao gồm tất cả các công đoạn, nguyên liệu, công nghệ liên quan đến hoạt động sản xuất ra sản phẩm này. Ưu điểm của cách nhìn nhận ấy là giúp hình dung ra toàn bộ chu trình sản xuất của sản phẩm để từ đó có quyết định đầu tư phù hợp. Tại sao trong thời gian qua chúng ta thiếu các sản phẩm phụ trợ cho một số ngành sản xuất quan trọng? Lý do chủ yếu là thiếu cái nhìn bao quát về cụm ngành.

Nguyễn Khoa

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'