Chúng ta có thể nghĩ đến kịch bản kinh tế lạc quan trong năm 2021
January 13, 2021

Chúng ta có thể nghĩ đến kịch bản kinh tế lạc quan trong năm 2021

January 13, 2021

Nguồn: https://vneconomy.vn

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, năm 2021, chính sách tiền tệ và tài khoá vẫn phải ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng để phục hồi lại sức mua của thị trường, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân...

"Để đảm bảo kịch bản kinh tế lạc quan tăng trưởng 6,5% - 6,7% trong năm 2021, Việt Nam cần phục hồi lại sức mua của thị trường trong nước, phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Song song đó, Việt Nam phải giữ được chính sách tiền tệ, tài khoá cùng đồng hành cùng bổ trợ cho nhau ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng, nhưng không làm mất đi các cân đối lớn vĩ mô".

Đây là đánh giá được Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Giảng viên Trường Đại học Fulbright đưa ra trong phần trình bày của mình tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chủ trì tổ chức.

Căng thẳng thương mại không dễ dàng hóa giải

Chiến lược phát triển 2021 -2030, Việt Nam kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm. Chiến lược phát triển này vừa là khát vọng vừa là áp lực của Việt Nam. Áp lực đó có thể thấy ngay trong năm 2021, khi Việt Nam vẫn phải ứng phó với rất nhiều những bất ổn của các nền kinh tế toàn cầu. Nhưng tin tốt lành là năm 2021 kinh tế của các nền kinh tế chính yếu được dự báo sẽ hồi phục dù sự hồi phục ở mức nhất định và lấy lại những suy giảm của năm 2020.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, kịch bản lạc quan này đươc đưa ra trên nền tảng Covid rồi sẽ qua đi, không phải giữa năm nay thì cũng cuối năm nay. Các nước giàu và các nền kinh tế lớn đã phân phối Vaccine Covid trong quý 1/2021, các nước trung bình giữa năm cũng sẽ tiếp cận được với vaccine Covid. Các nền kinh tế chính yếu vẫn điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá theo hướng nới lỏng để hỗ trợ. Lãi suất vẫn tiếp tục thấp. Các gói kích thích hoặc sẽ được tiếp nối hoặc sẽ được mở rộng hơn.

"Đương nhiên kịch bản đó không thể tránh khỏi những rủi ro (downside risk) có thể xảy ra. Chúng ta đã chứng kiến việc phân phối vaccine Covid không thể dễ dàng. Ngay ở những nước giàu, kỳ vọng nhanh chóng phân phối được vaccine Covid, chấm dứt đại dịch, vẫn có xáo trộn và chậm trễ. Bên cạnh đó, thay đổi chính trị trên toàn cầu dù theo hướng nào thì những căng thẳng thương mại song phương, đa phương không thể nào dễ dàng hoá giải được trong năm 2021. Các căng thẳng thương mại có thể còn tiếp diễn và căng thẳng hơn", chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạm quên đi những hệ lụy của việc bơm tiền

Bất chấp nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm, thị trường chứng khoán trên thế giới và Việt Nam vẫn tăng trưởng cao. Giảng viên Trường Đại học Fulbright cho rằng, khí thế rất lạc quan đó nhờ vào niềm tin của các nhà đầu tư. Trong lần khủng hoảng này, dù Covid có nặng nề đến đâu hệ thống tài chính vẫn đứng vững và chính sách vẫn mang tính hỗ trợ.

"Với niềm tin đó, chúng ta đang tập trung mọi nguồn lực để giữ cho nền kinh tế hoạt động trong bối cảnh dịch Covid chưa được đẩy lùi. Chúng ta vẫn tiếp tục bơm tiền, vẫn tiếp tục các gói tài khoá mà tạm thời quên đi những hệ luỵ của nó - rủi ro nợ sẽ tăng. Nợ Chính phủ và tư nhân sẽ tăng ở tất cả các nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Đương nhiên khi nợ tăng sẽ là căng thẳng tài chính. Nếu như không phải trong năm 2021 thì trong 5 năm tới, rủi ro nợ tăng chắc chắn sẽ phải xảy ra. Vì vậy, thách thức trong 5 năm tới là làm sao hút về được tiền đã bơm ra trong giai đoạn vừa qua, tái cấu trúc lại, giảm được khoản nợ của khu vực nhà nước, khu vực tư nhân", ông Nguyễn Xuân Thành.

Ngoài ra, nếu nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam trong vòng 30 năm qua, năm 2020 là lần đầu tiên Việt Nam chịu tác động tiêu cực của bất ổn/khủng hoảng toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô. Những lần trước đó, hoặc chúng ta sẽ bị trục trặc vĩ mô từ trước hoặc sau đó bị tác động dẫn đến bất ổn vĩ mô.

5 yếu tố quan trọng đảm bảo kịch bản kinh tế 2021

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6,5%. Nhưng các tổ chức như IMF, WorldBank, các tổ chức tài chính quốc tế dự báo còn lạc quan hơn. WorldBank dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,7% trong năm 2021; nhiều ngân hàng quốc tế đưa ra dự báo từ 6,8 – 7%. Kỳ vọng lạc quan tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 nằm trên yếu tố: ổn định vĩ mô, phục hồi đầu tư tư nhân và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, phục hồi sức mua nội địa, nối lại dòng vốn nước ngoài, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Thứ nhất, ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế. Tăng trưởng nhưng không hi sinh ổn định vĩ mô là thành công lớn nhất của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016 - 2020. Năm 2020, Việt Nam có những gói hỗ trợ, nhưng quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất so về hiệu dụng. Điều tốt nhất Chính phủ có thể làm là ổn định vĩ mô. Việt Nam chưa có vị thế như các nền kinh tế giàu để Chính phủ hay bộ máy thức thi có thể hào phóng đưa được nhanh các gói hỗ trợ đến được tay doanh nghiệp/người dân.

"Trong năm 2021 kỳ vọng Chính phủ vẫn duy trì được ổn định vĩ mô. Nếu Chính phủ có đưa ra các chính sách, từ một nhà nghiên cứu, tôi thấy rằng khó có thể nhanh chóng đến tay người dân", ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét.

Thứ hai, phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Đầu tư tư nhân đã tăng trưởng nhanh trong 4 năm qua, trong khi đầu tư công được siết chặt do thắt chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, chống tham nhũng ... Nhưng đến năm 2020, vì tác động của Covid, diễn biến của 2 khu vực nói trên hoàn toàn ngược lại. Đầu tư tư nhân suy giảm nhưng đầu tư của khu vực công được đẩy mạnh và có quy mô lớn nhất, đã bù đắp được suy giảm tổng cầu đảm bảo tăng trưởng của năm 2020.

Năm 2021, để có được tăng trưởng 6,7-7% đầu tư tư nhân phải phục hồi. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực chính thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau. Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới, vẫn trong bối cảnh phục hồi từ năm 2020, đầu tư tư nhân có thể phục hồi nhưng để đảm bảo tăng trưởng chúng ta vẫn phải tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2021.

Thứ ba, sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã từng có những lo ngại dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ suy giảm trong năm 2020. Kết quả cho thấy vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm 2020 có giảm về tăng trưởng, nhưng số tuyệt đối vẫn lớn. Đây là tín hiệu tích cực cho năm 2021. Tuy nhiên, dòng vốn nước ngoài phục hồi và thách thức cho cơ quan điều hành chính sách đó là đảm bảo nền kinh tế Việt Nam vẫn hấp thu được dòng vốn nước ngoài vào mạnh vẫn giữ được ổn định vĩ mô.

Thứ tư, phục hồi sức mua trong nước. Việt Nam đã giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát được dịch Covid nhưng thực tế người dân đã "thắt lưng buộc bụng" đi nhiều vì thu nhập của người lao động giảm, tình trạng mất việc làm do tác động của Covid đã xảy ra. Qua đó đã làm giảm sức mua.

"Mặc dù thống kê cho thấy tổng mức bán đã phục hồi nhưng khi nhìn vào số liệu Big data của Google, đối với Việt Nam, các chuyến đi lại vì mục đích làm việc tháng 1/2021 tăng 20% so với tháng 2/2020 – trước khi Covid bùng lên, nhưng lượng người di chuyển đến trung tâm mua sắm và giải trí đã giảm 19%. Vì vậy, quan ngại lớn nhất cho các doanh nghiệp là hoạt động sản xuất kinh doanh không thể khởi sắc thực sự nếu sức mua của thị trường nội địa vẫn yếu. Giảng viên Trường Đại học Fulbright cho rằng, để khắc phục tình trạng nói trên, chuyển đổi số là động lực rất lớn để doanh nghiệp thích ứng với loại hình mua sắm mới.

Trong năm 2021, chính sách tiền tệ và tài khoá vẫn phải ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng để phục hồi lại sức mua của thị trường trong nước bên cạnh phục hồi đầu tư tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Thách thức là chúng ta phải giữ được chính sách tiền tệ, tài khoá cùng đồng hành cùng bỗ trợ cho nhau ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng, nhưng không làm mất đi các cân đối lớn vĩ mô", ông Nguyễn Xuân Thành.

Cuối cùng, động lực tăng trưởng của Việt Năm trong năm 2021 là xuất khẩu. Việt Nam là nền kinh tế mở, có thị trường xuất khẩu đa dạng, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp suy giảm các thị trường EU, Asean và khác trong năm 2020. Tuy nhiên sang năm 2021, việc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gặp thách thức rất lớn khi Việt Nam trở thành nước có thặng dư lớn thứ 3 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ đã đưa ra các cáo buộc, gây sức ép Việt Nam phải điều chỉnh quan hệ. Dù vậy, năm 2021 Việt Nam còn hướng đi khác là đẩy mạnh xuất khẩu mạnh sang EU và ASEAN thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'