Cơ hội từ thiên tai
November 03, 2020

Cơ hội từ thiên tai

November 03, 2020

Nguồn: VnExpress.net

Huỳnh Thế Du (*)

9 là con số kinh hoàng nhất trong ký ức của tôi về bão lũ.

Tuy nhiên, nó cũng là con số giúp tôi hiểu được giá trị của tình làng, nghĩa xóm. Hơn 30 năm trước, quê tôi ở miền Trung đã bị bão số 9 tàn phá nặng nề. Giờ đây, khúc ruột miền Trung đang phải oằn mình vì lũ chưa qua, bão đã đến. Vẫn là con số 9 ám ảnh.

Làm thế nào để Việt Nam có thể sống chung với bão lũ ngày một dữ dằn hơn? Câu trả lời có ngay ở những gì đang xảy ra. Đó là: người dân có được chỗ ở an toàn, tiện nghi và phát huy vai trò của cộng đồng về lòng tốt và sự tử tế.

Gốc quê nên tôi biết rõ tình người ở nông thôn Việt Nam. Ở cái thời chủ yếu nhà tranh vách đất, mọi người thường trú bão tập trung tại các gia đình có nhà kiên cố hơn và chia sẻ với nhau những thứ rất đời thường để qua ngày khó khăn. Nhìn cây cối trốc gốc, nhà cửa đổ nát rất tang thương, nhưng tôi lại có một ký ức đẹp về sự gắn kết cộng đồng. Hàng xóm cho chúng tôi mớ rau và nhà tôi chia sẻ lại ít khoai mì. Giờ đây tôi vẫn cảm nhận được vị ngon của những củ sắn bở tung còn bốc khói trên tay và vị ngọt của rau lang chấm mắm cua đồng. Cơn giận dữ của Mẹ Thiên nhiên làm mọi thứ lật tung và đổ nhào, nhưng tình người lại sâu đậm hơn.

Gần 30 năm xa vòng tay mẹ, tôi may mắn gặp được vô số người tốt ở nhiều nơi, trong nhiều bối cảnh. Điều này đã định hình suy nghĩ và niềm tin của tôi. Dù ở chiều ngược lại, là một nhà nghiên cứu kinh tế, tôi hiểu rất rõ bản chất vì mình thường trực của con người, và đó chính là nền tảng của các quan hệ thị trường. Thị trường tạo ra phần lớn của cải cho nhân loại, nhưng cũng có những mặt trái hay khuyết tật của nó. Do vậy, cần có vai trò của các trụ cột khác.

Khi hoạn nạn xảy ra, sự vị kỷ của con người thường giảm bớt và tinh thần nghĩa hiệp được khơi dậy. Những giới hạn của các tổ chức đoàn thể chính thống đã được bổ sung bằng sự tham gia của đông đảo người dân gắn với mạng xã hội. ATM gạo, một số người nổi tiếng nhận được sự ủng hộ của công chúng khi làm từ thiện minh chứng cho điều này. Cộng đồng đã tỏ ra rất hiệu quả.

Hơn thế, cộng đồng cùng với thị trường và nhà nước chính là ba trụ cột của xã hội. Các nước bắc Âu phát triển hài hòa nhờ sự cân bằng của ba chân kiềng này. Trái lại, khi vai trò của cộng đồng không được đặt đúng vị trí, rắc rối xảy đến. Những trục trặc của mô hình thị trường tự do, với điển hình là Mỹ, cho thấy rất rõ điều này. Raghuram Rajan đã phân tích rất cụ thể trong "Trụ cột thứ ba: Các thị trường và nhà nước đã bỏ cộng đồng lại phía sau như thế nào?". Bất công xã hội và dân túy là những gì đang xảy ra.

Trở lại với đề bài quan trọng của Việt Nam: làm sao để chung sống "hoà bình" với bão lũ? Tôi nghĩ về hai việc không thể lơ là.

Thứ nhất, tạo ra chỗ ở chắc chắn và tiện nghi cho số đông ở các đô thị. Cảm nhận chung của nhiều người là đời sống rải rác ở nông thôn, hòa mình với thiên nhiên sẽ thân thiện với môi trường và bền vững hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng vào thời cổ xưa với tập quán tự cấp, tự túc của các cộng đồng nhỏ, khi nhu cầu của con người chưa quá sức tái tạo của tự nhiên.

Trái lại, thời hiện đại, khi con người khắp thế giới gắn với các đô thị lớn thì việc càng sống rải rác càng gây tổn hại cho Mẹ Tự nhiên. Đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng như giao thông, điện, nước cho các hộ rải rác khắp nơi tốn kém và lãng phí hơn nhiều so với việc tập trung. Hơn thế, việc cứu hộ hay hỗ trợ cũng phức tạp hơn khi có thiên tai. Đây là điều ta đang thấy ở Rào Trăng, Quảng Nam. Lịch sử loài người cho thấy xã hội văn minh và phát triển gắn với các đô thị vì nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn và năng suất cao hơn. Khi sống tập trung, chúng ta có thể trả lại Mẹ Tự nhiên không gian lớn hơn, trái đất sẽ xanh và bền vững hơn.

Thứ hai, tạo cơ chế để phát huy vai trò của cộng đồng. Cách thức mà Phan Anh hay Thuỷ Tiên huy động được số tiền rất lớn, làm từ thiện rất nhanh chóng và đơn giản. Tuy nhiên, việc chi hết số tiền đó theo đúng mục đích mất rất nhiều công sức. Những người thành công thường rơi vào thế lưỡng nan. Tự mình làm thì không xuể mà giao cho người khác thì không dám. Do vậy, nhiều người làm một lần sẽ sợ mãi. Phan Anh đã không kêu gọi quyên góp với tư cách cá nhân nữa. Tôi không chắc Thuỷ Tiên có tiếp tục sau lần này không. Tuy nhiên, ngay cả khi cô ấy tiếp tục thì cũng bị dấy lên các câu hỏi, trong đó có e ngại về việc không đúng người, đúng việc. Theo sự phân công nghề nghiệp, giá trị lớn nhất mà Thủy Tiên đem lại cho xã hội là những buổi biểu diễn. Uy tín của chị có được từ điều này (và có lẽ cả việc kết duyên với Công Vinh). Cho dù chị có thể làm những việc khác tốt hơn nhiều người, nhưng sự phân công tốt nhất cho xã hội vẫn là: mỗi người chỉ tập trung vào việc gì mình giỏi nhất.

Đối với công tác từ thiện, điểm mạnh của những người nổi tiếng là kêu gọi tài trợ. Tuy nhiên, họ không có lợi thế trong việc giải ngân số tiền huy động được. Do vậy, cách thức hợp lý là họ trở thành đại sứ cho các tổ chức chuyên làm từ thiện như ở nhiều nước khác. Các tổ chức cộng đồng chuyên nghiệp sẽ chịu trách nhiệm phân phát số tiền nhận được. Thông thường, họ sẽ làm hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, điều này chưa thể phát huy tốt ở Việt Nam do vai trò của cộng đồng chưa được đặt đúng vị trí và hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, xã hội dường như vẫn đợi các tổ chức đoàn thể chính thức năng động hơn, minh bạch hơn và đổi mới cách thức hoạt động. Thiên tai lần này là cơ hội để sự thay đổi tốt hơn được bắt đầu.

(*) Giảng viên Chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'