Để không ai bị bỏ lại phía sau
January 21, 2019

Để không ai bị bỏ lại phía sau

January 21, 2019

Đỗ Thiên Anh Tuấn (*)

Nguồn: nongthonviet.com.vn

Năm 2018 qua đi nhưng để lại nhiều dấu ấn quan trọng, làm nền tảng và động lực cho năm 2019. Lần đầu tiên sau một thập niên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, đưa Việt Nam trở thành một trong các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới cũng như trong khu vực ASEAN và cả Đông Á. Quy mô nền kinh tế hiện đã đạt hơn 5,53 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 245 tỉ USD. Quy mô nền kinh tế Việt Nam giờ đây đã chiếm 0,29% GDP của cả thế giới, trong khi vào năm 1986, thậm chí một thập niên trước, tỷ trọng GDP của Việt Nam so với thế giới cũng chỉ là 0,18%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 58,5 triệu đồng, tương đương 2.560 USD, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 10,2%/năm. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 2%, trong đó khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn thậm chí còn thấp hơn, chỉ 1,55%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động khoảng 1,46%, trong đó ở thành thị là 0,69% và ở nông thôn là 1,85%. Trong năm, tổng số việc làm được tạo ra trong năm trên 1,64 triệu.

Đời sống người dân được củng cố nhờ giữ được ổn định vĩ mô và lạm phát ở mức thấp. Tỷ lệ lạm phát CPI bình quân 2018 chỉ tăng 3,54% so với năm 2017, nhờ đó đảm bảo được sự gia tăng thu nhập thực cho người dân. Một bộ phận người dân không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn trở nên khá giả hơn. Việc tiếp cận các tiện nghi sinh hoạt gia đình và giải trí cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều, kể cả ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Theo báo cáo của Chính phủ, ước tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam theo chuẩn đa chiều còn khoảng 6,8%, tức giảm khoảng 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017, trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm, tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3-4%/năm. Cùng với giảm nghèo, chống tái nghèo cũng là chính sách được Chính phủ quan tâm. Tỷ lệ tái nghèo đã được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% năm 2016 xuống 0,1% năm 2017 và dự kiến năm 2018 tiếp tục xuống dưới 0,1%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, với khoảng 3.600 xã và 55 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tạo ra một diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn. Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa đứng đầu trong các nước ASEAN, với khoảng 813 đô thị trong cả nước, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%.

Cùng với công nghiệp, nông nghiệp là điểm sáng lớn của kinh tế Việt Nam trong năm 2018 với mức tăng trưởng 3,76% - cao nhất của ngành trong 7 năm qua. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục trên 22 tỉ USD. Tính cả kim ngạch các sản phẩm công nghiệp chế biến nông sản là trên 40 tỉ USD – cũng là một kỷ lục. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam nay đã xuất khẩu đến trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngày càng nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có thương hiệu và kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê, gạo, điều, cao su, v.v...

Mặc dù xét về quy mô kim ngạch, xuất khẩu nông sản vẫn đứng sau mặt hàng điện thoại và linh kiện (50 tỉ USD) và nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp (90,2 tỉ USD). Tuy nhiên, xét về giá trị gia tăng thì các mặt hàng nông sản Việt Nam có tỷ lệ giá trị gia tăng nội ngành cao hơn nhiều so với các sản phẩm công nghiệp, kể cả sản phẩm công nghệ cao. Đặc biệt, khu vực nông nghiệp là nơi tạo ra gần 40% lao động cho cả nước, chính vì vậy tăng trưởng của ngành nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với thu nhập của phần lớn người dân và đảm bảo sự ổn định xã hội như lời của nhà bác học Lê Quý Đôn: "Phi nông bất ổn". Ổn định kinh tế vĩ mô và xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động như hiện nay được xem là một lợi thế mềm để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Những thành quả kinh tế nói chung và của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng rất đáng được khích lệ, cho thấy những kết quả rất tích cực của quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ một cách bền bỉ trong nhiều năm qua. Chỉ riêng trong năm 2018, Chính phủ đã đẩy mạnh các cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào nông nghiệp. Chẳng hạn như Nghị định 98/2018/NĐ-CP về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, Nghị định 57/2018/NĐ-CP về Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được cho là cởi mở và tiến bộ hơn nhiều so với Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Theo đó, nhiều cơ chế Chính phủ sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng hàng loạt các chính sách như miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, giết mổ gia súc gia cầm, chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp, sản xuất sản phẩm hỗ trợ; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, v.v...

Có thể nói việc hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu KT-XH của Chính phủ được xem như 12 ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế - xã hội 2018. Tuy nhiên, phải thẳng thắn noi rằng ánh sáng đó dù lớn cũng không lấn át được một số hạn chế và thách thức hiện hữu. Chất lượng và hiệu quả tăng trưởng dù có cải thiện tích cực song vẫn còn hạn chế. Tính bền vững của tăng trưởng trong trung hạn vẫn bị thách thức do các rào cản về thể chế, năng lực quản trị nhà nước, chất lượng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa được khơi thông. Có địa phương tăng trưởng dựa vào khu vực doanh nghiệp với các ngành sản xuất chế biến chế tạo, sử dụng công nghệ cao, đảm bảo bền vững môi trường; nhưng cũng có những địa phương tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, nền sản xuất bấp bênh, dựa vào gia tăng đầu tư vốn, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, gây rủi ro ô nhiễm môi trường. Nền nông nghiệp vẫn còn nhiều điểm nghẽn, sử dụng nhập lượng chủ yếu vẫn là tài nguyên tự nhiên, đất đai, lao động; việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Tình trạng bấp bênh về sản lượng, giá cả và thu nhập của nông hộ còn lớn.

Tăng trưởng bình quân cả nước 7,08% nhưng không có nghĩa là địa phương nào cũng tăng trưởng 7,08% hoặc cao hơn. Tình trạng cũng tương tự, trong một tỉnh thì có các huyện, trong một huyện thì có các xã, kết quả kinh tế cũng không đồng đều. Thu nhập bình quân 58,5 triệu đồng không có nghĩa là ai cũng được hưởng lợi từ mức thu nhập đó. Ngược lại vẫn còn nhiều địa phương tăng trưởng khá thấp, đặc biệt là các địa phương miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; vẫn còn nhiều tầng lớp nhân dân chưa được hưởng hay chạm đến thành quả tăng trưởng đó. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều địa phương tăng trưởng thấp, đang bị bỏ lại xa hơn so với bình quân cả nước; chưa tìm thấy động lực phát triển cho mình, chưa nhìn thấy tiềm năng, lợi thế của mình hoặc chưa biết cách phát huy các tiềm năng/lợi thế đó. Thậm chí, vẫn còn một số địa phương, trong chính nội bộ các cơ quan/tổ chức vẫn chưa hiểu thế nào là đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển; thiếu sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, sợ rủi ro, trách nhiệm, còn thụ động trông chờ vào trung ương hoặc vào cấp trên.

Chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư vẫn chưa được thu hẹp, thậm chí ở một số nhóm vẫn đang bị phân kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo chung giảm song số hộ nghèo người dân tộc vẫn còn cao, chiếm hơn 50% tổng số hộ nghèo cả nước với mức thu nhập bình quân chỉ bằng xấp xỉ 40% thu nhập bình quân chung. Đời sống và điều kiện sinh hoạt, khả năng tiếp cận giáo dục và y tế của đại bộ phận người dân đã được nâng lên đáng kể, nhưng nhiều hộ nghèo ở miền núi, vùng sâu, vẫn chưa với tới được tiêu chuẩn sống tối thiểu, chưa kể so với ở thành thị. Ngược lại, ở các thành phố trung tâm, quá trình đô thị hóa làm cho một bộ phận không nhỏ người dân trở thành dân cư thành thị và hưởng mức sống chuẩn đô thị, song cũng có một bộ phận người nghèo bị đẩy ra xa hơn các trung tâm, xa dần các tiêu chuẩn và điều kiện sống đô thị.

Con số tăng trưởng 7,08% hay thậm chí 10% hoặc cao hơn cũng sẽ giảm ý nghĩa rất nhiều nếu đại bộ phận người dân không được thụ hưởng xứng đáng với thành quả tăng trưởng đó. Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ nhận thức rất rõ điều này, thể hiện trong rất nhiều phát biểu và thông điệp của mình. Một đàn chim đến đích có nhanh hay không không phải do con đầu đàn mà do con cuối đàn quyết định. Tuy nhiên, thiết nghĩ bản thân những con chim cuối đàn cũng cần "có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn" như lời Thủ tướng chia sẻ trước Quốc hội trong buổi chất vấn ngày 01/11/2018. Tôi hiểu con chim cuối đàn mà Thủ tướng ngụ ý không chỉ là người dân mà còn là cán bộ công chức nhà nước, không chỉ cá nhân mà còn là các tổ chức, không chỉ tổ chức mà còn là địa phương, không chỉ địa phương mà trên cả là mong muốn một đất nước Việt Nam với toàn thể dân tộc Việt Nam không phải là những cánh chim cuối đàn bị bỏ lại so với các đàn chim trong khu vực và trên thế giới.

Cũng như mọi năm, thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, bên trong và bên ngoài vẫn luôn đan xen, song những gì khó khăn và thách thức mang tính quyết định vẫn đến từ nội tại bên trong. Hầu hết những nan đề phát triển của Việt Nam đã được xơi xáo trong năm 2018 cũng như các năm trước đây, và năm 2019, như thông điệp của Chính phủ, phải làm sao khơi dậy được tinh thần dân tộc, khát vọng thịnh vượng cho đất nước. Trên tất cả, mọi tư duy và hành động của Chính phủ phải nhất quán và thống nhất thành một khối, trong đó xem việc đặt người dân vào vị trí trung tâm, không để ai bị bỏ ra ngoài lề của sự tăng trưởng, không ai không được thụ hưởng các thành quả phát triển. Dù tư tưởng đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển thì không mới nhưng hiểu và vận dụng tư tưởng đó vào thực tiễn như thế nào là không hề đơn giản. Mỗi một vị trí công tác trong các cơ quan nhà nước đều có ảnh hưởng ít nhiều đến quyền và lợi ích người dân, thậm chí là có quyền quyết định tương lai và sinh mệnh của nhiều thế hệ. Làm sao để tư tưởng đó không chỉ thấm hiểu trong mỗi cá nhân từng lãnh đạo mà cần phải lan tỏa đến với mỗi cán bộ công chức nhà nước, biến tư tưởng thành thực tiễn, biến nhận thức thành hành động, biến ý tưởng thành giải pháp mới được xem là nhân tố quyết định thành công cho năm 2019 này.

(*) Giảng viên Chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'