Di dân ở đồng bằng sông Cửu Long đúng theo quy luật phát triển
May 04, 2021

Di dân ở đồng bằng sông Cửu Long đúng theo quy luật phát triển

May 04, 2021

Nguồn: nongnghiep.vn

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du là giảng viên cao cấp của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ông là tác giả của nội dung về di dân, đô thị hóa và phát triển trong "Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2020" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright thực hiện.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về câu chuyện di dân và phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những vấn đề xoay quanh con số đã gây sốc - hơn 1,1 triệu người di cư trong một thập niên qua.

Di dân tạo ra nhiều lợi ích cho những người ở lại

Thưa ông, vấn đề di dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút sự chú ý và bàn tán xôn xao của dư luận. Câu chuyện này, ông có thể lý giải thấu đáo hơn chăng?

Chúng ta phải hiểu bản chất của vấn đề di dân và phát triển. Khi sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, thì một nơi đất đai trù phú như đồng bằng sông Cửu Long trở thành điểm đến hấp dẫn. Thế nhưng, quy luật phát triển lại đi theo hướng khác, chưa có quốc gia nào có thể thịnh vượng mà chỉ dựa vào nông nghiệp. Nông nghiệp chỉ chiếm 5% ở nền kinh tế của các quốc gia phát triển, mà sức bật nghiêng về công nghiệp và dịch vụ.

Vì sao? Vì diện tích sản xuất thường theo xu hướng giảm, có tăng năng suất bằng cách cải tạo giống hay áp dụng công nghệ mới, cũng nằm trong chừng mực mà thôi. Hơn thế sự thay đổi này chỉ xảy ra từng lần chứ không gia tăng đều đặn. Muốn thu nhập của những người làm nông nghiệp có sở hữu đất tăng thì cần phải tăng diện tích đất mà họ có. Đối với những người không có đất thì thu nhập của họ tăng lên khi lao động di dân đi nơi khác, làm nguồn cung hạn chế hơn dẫn đến mức thu nhập tăng.

Có phải bởi lý do mà ông kiến nghị "để vùng đất này phát triển bền vững hơn và đa phần người dân ở đó có cuộc sống khấm khá hơn thì giải pháp là di dân chứ không phải là cố giữ người dân ở lại"?

Quá trình di dân ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là hợp tự nhiên. 10 năm gần đây, hơn 1,1 triệu dân ở đây đã di dân đi nơi khác (chủ yếu là vùng TPHCM). Trung bình mỗi năm 100 nghìn người rởi khỏi kênh rạch miền Tây để tìm cơ hội đổi đời mới, hoàn toàn đáng ủng hộ. Đó là một điều tốt, chứ không có gì bất lợi.

Di dân tạo ra nhiều lợi ích cho những người ở lại. Trong đó, thu nhập được gửi về của những người ra đi cũng rất đáng kể cùng với những lợi ích tại chỗ mà tôi nêu ở trên.

Theo ông, bên cạnh sự di dân thì làm sao có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đồng bằng sông Cửu Long?

Ngoài sự hỗ trợ tài chính ngược lại từ lực lượng di dân dám chấp nhận cái mới, thì giá trị thụ hưởng của những người ở lại là sự cân bằng môi trường sống. Trong tương lai gần, tôi cho rằng cần đầu tư để đồng bằng sông Cửu Long có thể bền vững và chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu toàn cầu, chứ không phải là cố gắng tạo ra nhiều cơ hội kinh tế, gây tổn hại thêm cho môi trường. Đây là một thực tế cần phải chấp nhận.

Phải quan tâm đến giá trị chứ không phải sản lượng

Xin ông trao đổi về bản chất của những nông sản lạ như trái cây có hình thù đặc biệt tạo ra các cảm hứng và kỳ vọng rất lớn lúc đầu, nhưng thường không kéo dài?

Khi những trái bưởi hình quả bầu hoặc những trái dưa hấu hình vuông xuất hiện thì giá của chúng rất đắt. Đó là hiệu quả từ chất xám, sự năng động sáng tạo và tinh thần kinh doanh của những người đi tiên phong.

Thế nhưng, khi kỹ thuật ấy phổ biến ai cũng làm được, thì giá bán lại quay về như cũ. Rất khó có thể làm giàu từ nông sản bằng mô hình đi bắt chước thiên hạ. Những người mang cái mới cái lạ về và tạo ra lợi nhuận là từ chất xám của họ, còn những người bắt chước sau đó thì gần như không được gì.

Đây là điều cần phải ý thức rất rõ khi áp dụng các mô hình nông nghiệp mới. Cái gì có thể áp dụng đại trà một cách dễ dàng thì giá trị gia tăng tạo ra thường không cao. Ví dụ, một vài người trồng được măng tây thì có thể giá rất đắt, nhưng khi cả Đồng bằng có thể trồng nó thì vẫn là điệp khúc được mùa mất giá và ngược lại.

Nhân đây, tôi xin nói một chút về việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra gần đây. Đây là sự thay đổi mang tính chiến lược. Chúng ta cần phải quan tâm đến giá trị mang lại của mỗi loại sản phẩm nông nghiệp cho nền kinh tế mà cụ thể là việc làm với thu nhập ngày càng gia tăng cho người dân và nguồn thu ngân sách cho nhà nước chứ không phải sản lượng.

Vậy, theo quan sát của ông, đồng bằng sông Cửu Long còn tiềm tàng ưu điểm gì để vượt trội những vùng đất khác trong tương lai?

Nhìn một cách thẳng băng, thì gần như không thể hy vọng có dòng di dân từ nơi khác về đồng bằng sông Cửu Long. Vì diện tích đất đai ở đồng bằng sông Cửu Long không thể khai phá thêm, nghĩa là nông nghiệp đã có giới hạn. Còn về công nghiệp và dịch vụ, thì miền Đông Nam bộ có lợi thế hơn về sự gần gũi và sự thông thương với đô thị trung tâm TPHCM. Đồng bằng sông Cửu Long có thể tạo ra lợi thế cho mình trong tương lai nếu có thể tập trung vào yếu tố phát triển bền vững, mang thiên nhiên hài hòa đến cho con người. Khi đó, số người ở đó, đương nhiên, còn ít hơn đáng kể so với hiện nay.

Muốn thay đổi thực trạng ấy, thì cần nguồn vốn, nhân lực hay chính sách?

Cần cả ba, mà quan trọng nhất là cần chiến lược cụ thể. Phát triển kinh tế thì địa phương nào cũng muốn, nhưng doanh nghiệp cần lao động có trình độ, sự kết nối thương mại và độ dày thị trường thì dĩ nhiên sẽ chọn đặt nhà máy ở miền Đông Nam bộ, chứ không phải đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, trong ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, thì đồng bằng sông Cửu Long phải ưu tiên cho xã hội và môi trường. Hiện nay, hai thách thức cho đồng bằng sông Cửu Long là nước biển dâng và ngập mặn. Đặc biệt, sau khi dòng di dân tìm về những nơi có năng suất lao động cao hơn, thì những người có thể nói là ở vị thế yếu hơn còn ở lại, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để họ có cuộc sống ổn định tiếp tục bám đất, bám làng.

Sự kiến tạo không phải chỉ địnhh chỗ nào trồng cây gì, nuôi con gì?

Hiện nay, xu hướng nông nghiệp kết hợp du lịch đang được đẩy mạnh. Tôi nghĩ, đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể chọn lựa giải pháp ấy. Xin được nghe ý kiến của ông?

Tôi cũng cho rằng đó là cách tiếp cận hợp lý cho đồng bằng sông Cửu Long. Khi làn sóng di dân đã an bài, thì diện tích đất canh tác và diện tích đất tự nhiên trên đầu người sẽ tăng lên. Nông nghiệp chỉ khống chế ở năng suất vừa phải gắn với nâng cao chất lượng, và tăng cường những nhân tố liên quan đến du lịch. Khi yếu tố bền vững được đảm bảo, thì đồng bằng sông Cửu Long tạo ra một bầu khí quyển trong lành cho cả khu vực Nam bộ và trở thành nơi thư giãn lý tưởng cho du khách.

Khi chúng ta hồ hởi với công nghệ 4.0, thì bài toán đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bằng sông Cửu Long càng trở nên cấp bách. Bên cạnh thủ phủ Tây Đô có đại học Cần Thơ thì hiện nay đã có rất nhiều đại học ở các tỉnh như Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp... Đó là một cơ sở để chờ đợi sự cất cánh?

Đó là điều tích cực. Câu hỏi đặt ra là sức hút của những trường đại học ở đây như thế nào và khả năng đóng góp cho sự phát triển như thế nào. Đương nhiên, sinh viên tốt nghiệp ra trường thì cũng có một số phụng sự cho đồng bằng sông Cửu Long. Càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, tôi chỉ lưu ý về tính lợi ích tổng thể của việc đầu tư giáo dục đại học.

Nếu bỏ ra 100 đồng để đầu tư mà hiệu quả thu được hơn 100 đồng thì dứt khoát phải làm ngay. Ngược lại, nếu kết quả lượng hóa không khả quan thì phải cân nhắc. Đào tạo tại chỗ là một lập luận có vẻ logic, nhưng chất lượng giáo dục đại học rất cần đặt trong hệ sinh thái tương tác cao giữa lý thuyết và thực tiễn, điều ấy thì các tỉnh miền Tây Nam bộ không thể so sánh với Hà Nội và TP. HCM.

Rõ ràng đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn, nhưng quá khứ thì nơi đây từng là vùng đất hứa. Đã có nhiều ý kiến sốt ruột về việc quy hoạch lại đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra những vùng chuyên canh cây ăn trái hoặc nuôi thủy sản. Vai trò điều tiết của Nhà nước cần phải hiểu như thế nào?

Tầm nhìn về quy hoạch của Nhà nước phải giống như "trị thủy", nghĩa là xử lý dòng chảy uốn lượn để con sông xuôi theo tự nhiên, chứ không phải đắp đập ngăn sông để con sông chảy theo sở thích riêng. Sự kiến tạo không phải chỉ định chỗ nào trồng cây gì, chỗ nào nuôi con gì. Đó là công việc của thị trường. Khi và chỉ khi hạ tầng cứng và hạ tầng mềm đều phát triển, thì sẽ hình thành những phân khu chức năng. Nơi có thủy lợi tốt sẽ có nông sản khác, mà nơi có giao thông tốt sẽ có nông sản khác.

Trong cuốn sách "Những ngày cuối của dòng Mê Kong hùng vĩ",tác giả Brian Eyler đã đưa ra nhiều cảnh báo rất đáng lo ngại. Chúng ta nên chuẩn bị tâm lý ra sao cho đồng bằng sông Cửu Long?

Chúng ta ở cuối dòng Mê Kong, trước đây được hưởng lợi từ phù sa bồi lắng để có được một vùng đất trù phú, nhưng giờ đây sẽ bị thiệt thòi. Những thỏa thuận chung mang tính quốc tế cũng chỉ có ý nghĩa chừng mực thôi, chúng ta không thể đòi hỏi các quốc gia khác phải đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải có kịch bản ứng phó để bảo đảm nguồn tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long và thích ứng trước những tác động không tốt do cả thiên nhiên và con người gây ra.

Nông dân là thành phần bị thiệt thòi nhiều hơn

Ông là một chuyên gia kinh tế đã đi qua nhiều quốc gia trên thế giới, ông thấy nông dân Việt Nam có gì khác với nông dân các nước không?

Không, không khác gì cả. Nông dân ở đâu cũng là thành phần bị thiệt thòi nhiều hơn. Có khác chăng là mặt bằng chung của xã hội. Các nước phát triển thì mặt bằng chung cao hơn, khiến đời sống nông dân của họ cũng cao hơn nông dân Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, rất nhiều đại gia đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào nông nghiệp. Và họ tin rằng với sức bật cơ giới hóa và chuyên môn hóa thì sẽ tạp ra chuỗi giá trị "nông nghiệp xanh, nông sản sạch" có sức cạnh tranh để nông dân bớt khổ. Theo ông, lộ trình nông dân trở thành công nhân nông nghiệp có khả quan?

Khái niệm "công nhân nông nghiệp" thì nghe trừu tượng quá. Đơn giản là từ những người nông dân sản xuất nhỏ lẻ được đưa vào dây chuyền sản xuất tập trung có quy mô lớn hơn để có năng suất cao hơn. Tuy nhiên, thu nhập của mỗi người do kỹ năng (nhân tố chính tạo ra năng suất) của người đó quyết định.

Từ nông dân từ lao động không có kỹ năng trở thành lao động có kỹ năng, cũng là một bước chuyển thú vị. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn nằm ở giáo dục đào tạo. Nông dân thế hệ mới phải được trang bị kiến thức khoa học, chứ không thể làm việc theo kinh nghiệm cha truyền con nối.

Xin cảm ơn ông đã dành cho Báo Nông nghiệp Việt Nam một cuộc trò chuyện cởi mở và chân thành.

  • Lê Thiếu Nhơn

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'