Giám sát tự chủ đại học, ba điểm cần lưu ý
November 18, 2020

Giám sát tự chủ đại học, ba điểm cần lưu ý

November 18, 2020

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa (*)

Nguồn: https://daibieunhandan.vn

Các quy định này có tính khái quát, trong quá trình tổ chức thực hiện có thể xuất hiện các trục trặc cần được nhận diện và điều chỉnh. Trục trặc có thể diễn ra trong lĩnh vực lập pháp (ví dụ tiếp tục phải sửa đổi để đồng bộ hóa pháp luật đầu tư công, quản lý công sản, pháp luật đất đai, ngân sách cho phù hợp với tinh thần tự chủ đại học), song dự báo sẽ diễn ra trong quá trình thực thi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhất là bởi năng lực, nhận thức và lợi ích phức tạp giữa các bên liên quan trong quá trình thực thi đạo luật này (cơ quan quản lý, ban lãnh đạo hiện hữu tại các trường).

Cũng như các lĩnh vực khác, việc thực thi pháp luật về tự chủ đại học có thể gặp trục trặc do ba nguyên nhân chính dưới đây.

Thứ nhất là nhận thức và tầm nhìn. Tự chủ không có nghĩa thoát khỏi chủ sở hữu, độc lập hoàn toàn. Được cấp quyền sử dụng đất không thu tiền, cấp kinh phí đầu tư cơ bản, được ưu tiên nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực, sau khi tự chủ, trường đại học công lập vẫn là một thực thể thuộc sở hữu 100% vốn của cơ quản chủ quản (bộ, tập đoàn doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, hoặc UBND cấp tỉnh). Không có căn cứ nào để buông lỏng hay bỏ chế độ chủ quản, mà đúng ra chỉ là thay đổi cách thực thi các quyền sở hữu ấy một cách hợp thời hơn, ví dụ một phần thông qua các đại diện của chủ sở hữu tại hội đồng trường, một phần khác thông qua chế độ báo cáo, thanh tra, giám sát tuân thủ.

Nếu chủ sở hữu buông lỏng quản lý, nếu hội đồng trường không thực quyền, chế độ minh bạch thông tin chưa được thiết lập, thì công sản đã đầu tư vào các đại học công lập có nguy cơ bị khai thác vì lợi ích tư. Chất lượng đại học và công bằng xã hội khó có thể được cải thiện. Vì thế, cần thảo luận thêm rằng, với đại học công lập, tự chủ không phải là bỏ hẳn chế độ chủ quản cũ, mà là một hình thức quản lý mới, trao quyền nhiều hơn cho những người đại diện ở hội đồng trường, tăng minh bạch và giám sát của xã hội với đại học công lập.

Thứ hai là năng lực triển khai, thi hành. Theo quy định hiện hành, để hưởng cơ chế tự chủ, một trường đại học chí ít phải đáp ứng các điều kiện: (i) đã thành lập/vận hành hội đồng trường, (ii) đã được kiểm định, (iii) đã ban hành và thực hiện các quy chế quản lý nội bộ, tuân thủ các quy định về công khai, công bố thông tin. Trong điều kiện nước ta, tất cả các điều kiện này có thể trở nên hình thức, không thực chất. Khi các tiêu chí này chỉ là hình thức, các quyền hưởng dụng công sản đã đầu tư vào các trường đại học công có thể được trao cho những nhóm nhà quản lý cá nhân, mà thiếu đi sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan điều tiết.

Sau nhiều nỗ lực lập pháp, nguyên tắc pháp luật về tự chủ đại học đã được quy định tại Điều 32, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và nhắc lại tại Điều 13, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP. Có thể chia các quy định pháp luật này theo hai nhóm nội dung: (i) Các điều kiện để một trường đại học được tự chủ, và (ii) các khía cạnh thể hiện quyền tự chủ ấy, nhất là về nghiên cứu - đào tạo, quản trị nhà trường, quản lý nhân sự, tài sản-tài chính. Tương ứng với trao quyền tự chủ, các trường cũng phải thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch, công bố thông tin, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, người học, và xã hội nói chung.

Thứ ba là động cơ lợi ích của các bên liên quan. Trong bối cảnh khái niệm tự chủ đại học mới đạt được sự đồng thuận về nguyên tắc, các nội dung chi tiết có thể được giải thích, suy diễn, khai thác rất khác nhau giữa cơ quan quản lý, nhà quản lý trường, nhân viên và người học. Suy cho cùng các bên liên quan này theo đuổi những lợi ích khác nhau. Hiển nhiên, nhà quản lý trường muốn sự thuận tiện, linh hoạt, tăng quyền định đoạt tài sản ở những lĩnh vực mang lại lợi ích cho trường (trong đó có lợi ích cá nhân nhà quản lý), song sẽ cố gắng né tránh trách nhiệm ở các quyết định ít mang lại lợi ích cho họ. Khai thác có tính chất thương mại đất công để hưởng dụng lâu dài, tăng học phí, ví dụ núp bóng dưới các chương trình chất lượng cao hoặc quốc tế, tối đa hóa sử dụng lao động, ví dụ tăng giờ giảng, trì hoãn tăng thu nhập cho người lao động có thể là các chiến lược ưu tiên của các nhà quản lý. Như vậy, các nhà quản lý đại học công sẽ ưu tiên diễn giải quyền tự chủ đại học để theo đuổi các lợi ích riêng. Bởi vậy, khi giám sát thực thi tự chủ đại học, cần hình dung được sự phức tạp cố hữu của các lợi ích này, để các đánh giá bám sát các mục tiêu mà tự chủ đại học muốn hướng tới.

(*) Giám đốc chương trình MPP, Giảng viên trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) 

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'