Giãn cách giữa các địa phương sẽ hạn chế lây lan dịch Covid-19
July 15, 2021

Giãn cách giữa các địa phương sẽ hạn chế lây lan dịch Covid-19

July 15, 2021

TS. Trần Thị Quế Giang*

Nguồn: https://zingnews.vn

Chính phủ cần cân nhắc khung chính sách quốc gia về giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm là giãn cách giữa các địa phương để hạn chế dịch lây lan.

Những ngày đầu tháng 5, khi Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh đang có số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày, vượt qua các kỷ lục của những đợt dịch trước, thì TP.HCM và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hầu như không ghi nhận ca nhiễm nào.

Thế rồi từ tuần cuối tháng 5, TP.HCM bắt đầu ghi nhận số lượng ca nhiễm tăng dần, hết kỷ lục này đến kỷ lục khác tiếp tục được ghi nhận và chưa có vẻ gì là sẽ dừng lại.

Đầu tháng 7, một số địa phương phía Bắc được coi là đã kiểm soát dịch thành công, bắt đầu gỡ bỏ dần giãn cách xã hội, thậm chí tính tới việc cho học sinh đi học lại.

Thế nhưng, dịch bệnh đã không dừng lại ở TP.HCM, Bình Dương, Long An và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Từ 26 tỉnh thành xuất hiện ca mắc mới covid-19 trong đợt sóng thứ 4 (tính đến 15/5), tới nay 58/63 tỉnh thành đã ghi nhận ca nhiễm mới, trong đó nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc ghi nhận số ca kỷ lục (so với mỗi địa phương) ở đợt dịch lần này.

Thành quả chống dịch của Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và nhiều thành phố khác trong đợt đầu của làn sóng thứ 4 liệu có duy trì được? Nếu không có một chính sách kịp thời, phối hợp đồng bộ trên toàn quốc thì liệu làn sóng thứ 4 này có dứt điểm được hay sẽ chỉ tạo những con sóng ngầm, dồn qua dồn lại và tích tụ thành những đợt sóng thần với hệ quả khó lường?

Bài học cũ về khuôn khổ chính sách

Sau ca nhiễm có tính "chỉ báo" ngày 06/03/2020 (BN16), từ 18/3/2020, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực nhập cảnh. Tiếp đó, từ 25/3, tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài và người Việt Nam. Ngày 1/4/2020, khi có hơn 100 ca nhiễm ghi nhận tại dưới 10 tỉnh thành, chính phủ công bố dịch toàn quốc và áp dụng Chỉ thị 16, cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc cho 2 tuần (đến 15/4), sau đó phân nhóm nguy cơ từng địa phương để tiếp tục thực thiện theo Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 15 cho 1-2 tuần.

Từ tuần cuối tháng 4, học sinh tại 30 địa phương được trở lại trường, sau 1/5/2020, học sinh trên cả nước đã được đi học trở lại.

Làn sóng thứ nhất này ghi nhận khoảng 160 ca nhiễm trong cộng đồng tại 13 tỉnh thành. Trên cơ sở đó, chúng ta đã có một năm 2020 bình an hơn rất nhiều so với tình hình chung trên thế giới. Thành công đó nhờ đâu? Liệu có phải nhân lực (số lượng y bác sĩ, điều dưỡng...), vật lực (hệ thống cơ sở y tế, trang thiết bị kỹ thuật...) và tài chính của chúng ta vượt trội hơn các nước hàng đầu thế giới?

Một cách khách quan, chúng ta biết câu trả lời này.

Chính nhờ nhận thức rất rõ về năng lực y tế của mình, lãnh đạo các cấp đã có những quyết sách mạnh mẽ, kịp thời và đồng bộ, ngăn chặn sự xâm nhập nguồn dịch từ bên ngoài và sự lây lan dịch trong nước, tập trung nguồn lực để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng và chăm sóc kỹ càng được từng ca bệnh (điển hình là trường hợp bệnh nhân người Anh (BN91)).

Bên cạnh đó, người dân cũng nhận thức rõ về năng lực của hệ thống y tế, đồng thời nhìn nhận dịch bệnh ở mức rủi ro cao (phân biệt rõ Covid-19 rủi ro lây nhiễm và hệ lụy khác cao hơn hẳn cúm mùa, trong khi vaccine và thuốc đặc trị chưa có) nên cũng chủ động tự giác phòng tránh, tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Đợt dịch tháng 7/2020 ghi nhận 554 ca nhiễm tại 15 địa phương, trong đó tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng. Tiếp đó, đợt dịch tháng 1/2021 ghi nhận tổng số 910 ca nhiễm tại 13 tỉnh thành. Chiến lược chống dịch theo hướng "phong tỏa hẹp" (cụ thể từng điểm dịch), giãn cách rộng trong phạm vi địa phương liên quan.

Những thách thức mới

Chiến lược này tiếp tục được áp dụng cho đợt dịch khởi phát từ 27/4, tuy nhiên chúng ta đối mặt với một số thách thức mới.

Thứ nhất là sự xuất hiện của biến chủng Ấn Độ với tốc độ lây nhiễm rất nhanh, triệu chứng khởi phát ít thấy hoặc rất chậm khiến mầm bệnh khó được nhận diện kịp thời và có thời gian để lây lan nhanh, rộng.

Thứ hai là tâm lý chủ quan, bàng quan của người dân (và thậm chí của các nhà chuyên môn, lãnh đạo, quản lý phòng chống dịch) về mức độ nguy hại của dịch bệnh do những nhận thức không chính xác về "tỷ lệ bệnh có biểu hiện nhẹ", "tỷ lệ tử vong thấp", "Covid-19 cũng như cúm mùa", "có vaccine là yên tâm" và nhất là quan niệm "sống chung với dịch".

Chiến lược nhân văn "phong tỏa hẹp", nhận phần khó cho lực lượng chống dịch (đặc biệt là nhân sự ngành y tế), hạn chế ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội, đã thể hiện nhiều bất cập.

Thứ nhất là với biến chủng Delta, việc nhận diện để khoanh vùng, phong tỏa hẹp đã không thể kịp thời và đầy đủ nên dễ để lọt các ca mang mầm bệnh đến địa phương khác.

Tại khu vực được khoanh vùng, việc thực thi (giám sát và chế tài) khi phong tỏa hẹp cũng khó khăn hơn rất nhiều nên mầm bệnh vẫn có cơ hội lọt ra ngoài. Thêm vào đó, chi phí xã hội, đặc biệt là nguồn lực nhân viên y tế, nhân viên tham gia giám sát truy vết, rào dậu tại vùng phong tỏa và tại các địa phương khác (để ngăn chặn xâm nhập) rất lớn.

Hệ quả hiện tại là khởi đầu đợt dịch 27/4 từ dưới 10 tỉnh thành, đến 27/5 dịch đã xuất hiện ở 30 tỉnh và nay là 58 tỉnh thành. Không những thế, số ca ghi nhận mỗi ngày tiên tục lập các kỷ lục mới, từ hai chữ số, đến 3 chữ số, và bây giờ là 4 chữ số (trên 2.000 ca/ngày) và từ tổng số ca nhiễm trong đợt dịch 27/1 là 910 tới nay đợt dịch mới đã ghi nhận gần 35.000 ca nhiễm.

Sự quá tải thể hiện rõ khi chính quyền địa phương buộc phải tiến hành thí điểm cách ly một số F1 tại nhà và chấp nhận để một số F0 không có biểu hiện lâm sàng tự điều trị tại gia.

Sự khác biệt chính sách giữa các địa phương trong bối cảnh thiếu khung chính sách chung khiến việc phòng chống xâm nhập và lây lan dịch bệnh tại từng địa phương trở nên khó khăn hơn.

Cần khung chính sách về giãn cách quốc gia

Trước thực tế này, để mỗi địa phương có thể tập trung nguồn lực, chủ động thực hiện 5 nguyên tắc chống dịch ("Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch") kịp thời và hiệu quả, chính quyền trung ương cần cân nhắc khung chính sách quốc gia về giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm là giãn cách giữa địa phương với địa phương để hạn chế dịch lây lan giữa các địa phương.

Trong đó, tại mỗi địa phương, tùy mức độ dịch bệnh có thể áp dụng Chỉ thị 19, Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 hoặc biện pháp khác trên phạm vi toàn tỉnh hay cục bộ khu vực để cân đối mục tiêu duy trì kinh tế nội tỉnh/thành với nhiệm vụ phòng chống dịch.

Tuy nhiên, cần đặt mục tiêu chung là tranh thủ thời gian giãn cách với các địa phương khác để tập trung làm sạch dịch của địa phương mình (thông qua xét nghiệm tầm soát nhanh tập trung vào nhóm về từ vùng dịch thời gian gần đây, truy vết/xét nghiệm tầm rộng với nhóm về từ vùng dịch phía Bắc - Nam trong khoảng thời gian dài hơn, tính từ đầu tháng 5 đến nay).

Khi áp dụng biện pháp mạnh trên phạm vi toàn quốc và tại mỗi địa phương, chính sách an sinh xã hội, chính sách thương mại - đảm bảo nhu yếu phẩm và chính sách giao thương liên vùng sẽ phải được cân nhắc, chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo an dân và cân đối các hoạt động kinh tế trọng điểm cần duy trì.

Chiến lược chống dịch 2020 đã thành công nhờ một mặt chúng ta có những quyết sách nhanh nhất, sớm nhất, quyết liệt nhất về đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội (truy vết, phong tỏa) và mặt khác nhờ chúng ta nhận thức cao nhất về hạn chế năng lực, vật lực của hệ thống y tế và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Hiện nay, số lượng ca nhiễm liên tục gia tăng và liên tục hình thành kỷ lục mới, cùng với số lượng tỉnh thành có ca nhiễm mới gần khắp toàn quốc (58/63), dường như là hệ quả của tình trạng chúng ta đã thay đổi cả quyết sách lẫn hành vi.

Để có thể đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh, mong rằng những quyết sách quyết liệt hơn sẽ kịp thời được triển khai và người dân điều chỉnh hành vi, nhận thức cùng chung sức với chính quyền để việc thực thi chính sách đạt kết quả tốt nhất.

*Giảng viên Chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'