March 25, 2021

"Kế" phát triển cho Tp.Hồ Chí Minh từ Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh

March 25, 2021

Nguồn: https://soha.vn

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng TPHCM không cần cạnh tranh với ngành chế biến vốn là thế mạnh của khu vực Tây Nam Bộ hay công nghiệp của các tỉnh còn lại trong khu vực Đông Nam Bộ. Chỉ cần TPHCM đồng hành, hỗ trợ các khu vực trên thì sẽ đi được xa hơn.

Tại sự kiện "Lãnh đạo TPHCM đối thoại, gặp gỡ với doanh nhân trẻ" ngày 24/3, nhiều chuyên gia, doanh nhân đã hiến kế để phát triển TPHCM. Trong đó, phải kể đến phần phát biểu của TS Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) và các doanh nhân đến từ PNJ, Tiki.

TPHCM: Đất lành, chim đậu

TP.HCM có lực lượng lao động, GDP địa phương dẫn đầu cả nước. Ngoài ra, tỷ lệ thu ngân sách của TP.HCM cũng dẫn đầu và cao gấp nhiều lần các tỉnh thành khác, riêng TP.HCM đã chiếm khoảng 1/4 nguồn thu ngân sách cả nước.

Đó là trong nước, còn ở tầm quốc tế, TPHCM đang đứng ở đâu?

Theo cập nhật xếp hạng và triển vọng 120 thành phố toàn cầu năm 2020, thứ hạng thành phố toàn cầu của TPHCM đứng thứ 97, cách khá xa so với một số thành phố khác trong khu vực như Jakarta (hạng 70), Kuala Lumpur (hạng 58), Bangkok (hạng 36), Singapore (hạng 9).

Tuy vậy, tiến sĩ Tự Anh cho rằng động cơ bứt phá thiên về số lượng và chiều rộng trước đây tại TP.HCM đã hết đà, nhưng những động cơ mới đang dần định hình rõ nét hơn nên TP cần nắm bắt thời cơ để bứt tốc.

Ông chỉ ra 4 yếu tố mà TPHCM cần tập trung: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân; phát triển đô thị; phát triển khu vực tài chính và phát triển môi trường sống, môi trường văn hóa, xã hội.

Thứ nhất, về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, giai đoạn 2015-2019, khu vực kinh tế tư nhân vẫn giữ vai trò then chốt, chiếm ổn định từ 52-54% trong cơ cấu các thành phần kinh tế. Trong khi đó, các thành phần kinh tế khác như thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế cá thể có xu hướng giảm. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua được Chính phủ thường xuyên khuyến khích và tạo điều kiện.

Thứ hai, về phát triển đô thị, chuyên gia cho rằng các đô thị lớn trên thế giới là động lực phát triển kinh tế của toàn thế giới. Cụ thể, 123 đô thị lớn nhất thế giới tuy chỉ giữ 13% dân số thế giới nhưng chiếm đến 32% GDP toàn cầu, 27% dòng FDI, 65% bằng phát minh và 82% tổng vốn mạo hiểm.

Dù vai trò của đô thị của TP.HCM đang dẫn đầu cả nước nhưng chuyên gia cho rằng tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn, nên sẽ có nhiều dư địa để cải cách và bứt phá.

Thứ ba, về việc đưa TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính quốc tế theo ông là nên thực hiện bởi giai đoạn 10 năm qua, nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tại TP.HCM đã có nhiều bứt phá và TP cũng có lợi thế cạnh tranh về ngành này nhiều hơn so với các tỉnh thành khác.

Thứ tư, TP.HCM cần phải phát triển môi trường sống, môi trường văn hóa xã hội lẫn môi trường đầu tư, kinh doanh. Ông cho rằng đây là điều kiện rất cần thiết để TP.HCM trở thành nơi "đất lành chim đậu", nếu không cải thiện các điều kiện này cũng khó thu hút người lao động, nhà đầu tư để phát triển kinh tế.

Nhấn mạnh với cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo TP, TS. Vũ Thành Tự Anh nhận định thế mạnh của TP.HCM chính là ngành dịch vụ, tài chính - bảo hiểm - ngân hàng, logistics, y tế. Ông cho rằng TPHCM không cần cạnh tranh với nghề chế biến vốn là thế mạnh của Tây Nam Bộ hay ngành công nghiệp của các tỉnh còn lại trong khu vực Đông Nam Bộ. TPHCM chỉ cần đồng hành, hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực phía Nam thì sẽ đi được xa hơn.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn: Logistics, kho bãi là vấn đề tồn đọng của thương mại điện tử

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của Tiki, cho rằng một trong những quan tâm lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada... chính là logistics, kho bãi. Nhu mua sắm trực tuyến trong năm 2020 đã tăng mạnh do Covid-19 và dự báo các năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Tại TPHCM, ông Sơn cho biết, mỗi ngày có khoảng 1 triệu đơn hàng và năm tới có thể là vài triệu. Ông đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng kho bãi. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xe điện để bảo vệ môi trường và giải quyết nạn kẹt xe.

TPHCM nên đối thoại với startup công nghệ

Bà Trần Phương Ngọc Thảo, Giám đốc chuyển đổi số tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Bà cho rằng Việt Nam đang thu hút rất nhiều người trẻ, đặc biệt là người trẻ từ nước ngoài bắt đầu có xu hướng về nước làm việc.

Bà Ngọc Thảo cho rằng đây là dòng chảy rất quý giá và vấn đề là làm sao để tận dụng được cơ hội này. Và đương nhiên, về vấn đề môi trường, vẫn còn nhiều nút thắt.

Theo bà, lãnh đạo TPHCM nên có những cuộc đối thoại với nhóm startup công nghệ này để giải quyết những nút thắt trong quá trình hoạt động tại Việt Nam để vừa có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng, đổi mới sáng tạo thực sự và môi trường kinh doanh lành mạnh.

  • Đỗ Lan

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'