Phát triển thành phố Thủ Đức: Cần nghĩ mới, làm mới
February 11, 2021

Phát triển thành phố Thủ Đức: Cần nghĩ mới, làm mới

February 11, 2021

TS. Huỳnh Thế Du (*)

Nguồn: https://theleader.vn

Để mô hình thành phố Thủ Đức, thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước thành công cần phải có cách nghĩ và cách làm mới với quyết tâm của cả Trung ương và thành phố; trong đó đặc biệt là tính chủ động của thành phố. Nhìn vào các dự án thành công của một số nước trên thế giới có thể thấy, trong vòng một thế hệ (30 năm), hoàn toàn có thể đưa Thủ Đức trở thành một đô thị hiện đại và phát triển - một nhân tố tạo dựng năng lực cạnh tranh và sự phát triển của TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, những trục trặc của mô hình thành phố trong thành phố và thực tiễn triển khai các siêu dự án ở Việt Nam cho thấy, khả năng Thủ Đức không có được kết quả như kỳ vọng cũng rất lớn.

Xuất phát điểm của Thủ Đức

Theo số liệu được công bố, Thủ Đức có diện tích hơn 211km2, dân số chính thức 1,014 triệu người và GDP chiếm khoảng ⅓ của TP.HCM và 7% của cả nước. GDP của Thủ Đức năm 2020 vào khoảng 450 nghìn tỷ đồng. Như vậy, GDP bình quân đầu người là gần 450 triệu đồng, gấp khoảng 3 lần bình quân chung của TP.HCM và hơn 6 lần bình quân chung của cả nước.

Điều cần lưu ý là GRDP của Thủ Đức tập trung vào một số trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ như cảng, khu công nghệ cao, một số nhà máy. Do vậy, thu nhập bình quân đầu người của Thủ Đức về cơ bản không cao hơn bình quân của cả thành phố.

Số liệu về ngân sách được nêu trong Tờ trình của Chính phủ là giai đoạn 2016 - 2019, thu ngân sách đạt 37.158 tỷ đồng, chi ngân sách 11.174 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là ngân sách của các quận. Trên thực tế, ngân sách thu được từ các cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn này với con số 450 nghìn tỷ đồng nêu trên là rất lớn.

So về dân số, Thủ Đức hiện tại cao hơn dân số bờ Nam sông Hàn (Gangnam) của Seoul vào cuối thập niên 1960 một chút và tương đương với dân số của Phố Đông, Thượng Hải vào đầu thập niên 1990 - thời điểm hai đô thị (hai siêu dự án) này bắt đầu được triển khai. So về diện tích thì Thủ Đức tương đương với Gangnam và bằng gần một nửa quy hoạch ban đầu của Phố Đông.

Về các cơ sở kinh tế và hạ tầng, Thủ Đức đang có điều kiện thuận lợi và dư địa phát triển rất lớn với các hạ tầng kết nối và hạ tầng nội khu được đầu tư cơ bản. So với Nam Sài Gòn và Thủ Thiêm, Thủ Đức có quy mô và các điều kiện tốt hơn rất nhiều.

Kinh nghiệm quốc tế

Sau hơn hai thập niên, Gangnam đã trở thành một vùng đô thị hiện đại với dân số khoảng 5 triệu người. Ngày nay, hai trung tâm mới của Seoul là Gangnam và Yeouido được xem là biểu tượng phát triển của Hàn Quốc. Những trung tâm phát triển và kinh doanh sầm uất của Seoul thuộc về phía Nam sông Hàn. Giang Nam chính là một thành tố quan trọng tạo nên Kỳ tích sông Hàn giúp Hàn Quốc trở thành nước phát triển sau ba thập niên.

Sau gần ba thập niên Phố Đông đã trở thành một vùng đô thị hiện đại, có dân số tương đương với Singapore và GDP/người hơn 33.000 USD, gấp khoảng 1,5 lần Thượng Hải và cao hơn Hàn Quốc một chút. Phố Đông được xem là biểu tượng phát triển và quyết tâm không chỉ của Thượng Hải mà cả Trung Quốc.

Trong cả hai trường hợp, tầm nhìn gắn với quyết tâm làm bằng được của lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo thành phố là nhân tố quyết định thành công cho hai siêu dự án nêu trên.

Ở phía ngược lại, mô hình thành phố trong thành phố có những vấn đề của nó. Jakarta được cấu trúc với 5 thành phố (Đông, Tây, Nam, Bắc, trung tâm) và một đơn vị trực thuộc (nghìn đảo). Mô hình này đã tạo ra sự chia cắt và phân mảnh hơn là phát huy được mục tiêu như thiết kế ban đầu. Tính cát cứ còn được thể hiện rõ hơn ở Manila khi vùng đô thị này được chia thành 14 thành phố nhỏ gần như độc lập với nhau và chính quyền Manila có vai trò rất mờ nhạt.

Trong trường hợp của Jakarta và Manila, sự thiếu tầm nhìn và phải tập trung vào những vấn đề sự vụ (kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm) cùng với tham nhũng và kém năng lực của chính quyền là những nguyên nhân gây ra trục trặc của hai đô thị này nói chung, mô hình thành phố trong thành phố nói riêng.

Thực tiễn của TP.HCM

Khi Thượng Hải bắt đầu xây dựng Phố Đông thì TP.HCM cũng bắt đầu triển khai dự án phát triển khu Nam. Quy hoạch tổng thể cho một vùng đô thị rộng 26km2 do các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới đã được trao giải thưởng danh giá. Sự đúng đắn của bản quy hoạch này đã được minh chứng bằng sự thành công của Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, thành công trong diện tích 4km2 quả là khiêm tốn. Dân số của cả khu Nam trong ba thập niên qua chỉ tăng khoảng một triệu người, bằng khoảng 1/2 số tăng dân số tuyệt đối của thành phố.

Nếu đúng như quy hoạch được duyệt vào năm 1996 thì dân số nửa Đông Nam của thành phố có thể đã lên đến 3 triệu người, thay vì tập trung chủ yếu vào những nơi phát triển tự phát ở nửa Tây Bắc. Nói cách khác, nếu có được sự thành công như Gangnam thì mọi thứ cũng đã rất khác.

Điều đáng chú ý là đối với dự án này, cách làm và cơ chế là nhân tố tạo ra sự thành công mà thành phố đã không phải dùng tới ngân sách hay các nguồn lực của mình. Tổng vốn đầu tư cho các dự án then chốt (khu chế xuất, đường Nguyễn Văn Linh và khu đô thị Phú Mỹ Hưng) chỉ có 331 triệu USD.

Kế hoạch phát triển Thủ Thiêm đã được bắt đầu từ đầu thập niên 1990 và các bước triển khai cụ thể từ giữa thập niên 1990. Tổng chi phí phải trả, theo Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổng vốn đầu tư đến tháng 09/2018 là 83.336 tỷ đồng (tương đương với 3,6 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay). Số tiền này gần bằng tổng dự toán chi ngân sách năm 2019 của thành phố. Tuy nhiên, sau gần ba thập kỷ, kết quả là rất đáng thất vọng với những vụ việc đã và đang xảy ra.

Hướng tiếp cận cho Thủ Đức

Từ những phân tích trên cho thấy những hướng tiếp cận chính sách mà chúng định hình sự phát triển của Thủ Đức trong vòng 3 thập niên tới.

Nếu Thủ Đức được xem là một dự án trọng điểm quốc gia với cơ chế như một đặc khu dựa trên quyết tâm của Chính phủ và lãnh đạo thành phố thì khả năng thành công như kỳ vọng là rất lớn.

Trái lại, nếu Thủ Đức chỉ là một dự án hay một ý tưởng của việc ghép các đơn vị hành chính hiện tại (Thủ Đức, quận 9 và quận 2) lại với nhau đi kèm với các chính sách và cơ chế không rõ ràng, nguồn lực không được dành để đầu tư cần thiết thì khả năng rơi vào trục trặc là rất lớn.

Điều cần lưu ý là các hành động thực tiễn mới là nhân tố quyết định biến những tầm nhìn hay chiến lược thành hiện thực. Thủ Đức đang có dư địa phát triển rất nhiều (đất có sẵn cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác, nhất là ở Thủ Thiêm và khu công nghệ cao). Thêm vào đó, việc phát triển thuộc khả năng và quyết sách của TP.HCM là chủ yếu chứ không phụ thuộc quá lớn vào các chính sách của quốc gia. Do vậy, thành phố cần quyết tâm và có những chính sách cụ thể để có thể làm cho bằng được các dự án và công trình cụ thể.

Tóm lại, muốn có thể thành công thì Thủ Đức cần phải có cách nghĩ và cách làm mới với quyết tâm củacả Trung ương và thành phố. Trong đó, những việc có thể làm và tính chủ động củathành phố là rất lớn. Nếu không, khả năng rơi vào vết xe đổ của các mô hìnhkhông thành công là rất cao.

(*) Giảng viên, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'