Sự kiện Bắc Âu tại Trường Fulbright
February 22, 2019

Sự kiện Bắc Âu tại Trường Fulbright

February 22, 2019

Ngày 22/2, nhân kỷ niệm Ngày Bắc Âu 2019, Đại sứ quán bốn nước Bắc Âu tại Việt Nam (Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch) phối hợp cùng Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tính liên tục và sự thay đổi trong mô hình xã hội Bắc Âu – Thích ứng với kỷ nguyên số”.

Tọa đàm có sự tham gia của các vị Đại sứ bốn quốc gia Bắc Âu; bốn chuyên gia nổi tiếng gồm: Ông Adam Lebech, Phó Giám đốc Tổng cục Số hóa của Đan Mạch; Bà Anna Sundstrom, Tổng thư ký, Trung tâm Quốc tế Olof Palme của Thụy Điển; Tiến sĩ Paula Saikkonen, Học giả - Học viện Nghiên cứu Chăm sóc Sức khỏe & Phúc lợi Quốc gia – Phần Lan,  và Tiến sĩ Silvija Seres, nhà toán học và đầu tư công nghệ của Na Uy. 

Tham dự tọa đàm còn có 70 khách mời và đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế, phát triển và công nghệ ở TP.HCM. 

Đại biểu và khách mời tham dự hội thảo 

Tại hội thảo, các diễn giả và khách mời đã thảo luận đa chiều và sâu rộng về mô hình nhà nước phúc lợi của các nước Bắc Âu, chính sách phân chia của cải và đầu tư xã hội cùng với biện pháp các nước Bắc Âu thực hiện để ứng phó với làn sóng cách mạng công nghệ 4.0 trong tương lai.

Theo các chuyên gia, cách đây 100-150 năm xuất phát điểm của các nước Bắc Âu là những quốc gia nghèo so với mặt bằng chung châu Âu; tuy nhiên,với chính sách phân bổ của cải công bằng giữa các tầng lớp xã hội giúp thu hẹp khoảng cách trong giáo dục, y tế, dịch vụ và cơ hội phát triển giữa người giàu và người nghèo, các nước Bắc Âu đã thành công xây dựng được mô hình xã hội có độ tin cậy cao giữa con người và giữa người dân với chính phủ. 

Đại sứ Na Uy phát biểu khai mạc hội thảo  

TS. Paula Saikkonene cho biết “Ở các nước Bắc Âu, chính phủ chi tiền cho các dự án phát triển xã hội không được gọi là chi tiêu công mà được xem là chiến lược đầu tư xã hội. Đầu tư xã hội sẽ tạo ra một vòng tuần hoàn lợi ích đối lập với vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Ví dụ, đầu tư vào giáo dục sẽ sản sinh ra lực lượng lao động tri thức cao, lực lượng lao động tri thức có khả năng sáng tạo công nghề và sáng tạo trong công nghệ đem đến nhiều tiền thuế và tiền thuế sẽ được tái đầu tư vào trong giáo dục. Đầu tư xã hội tạo ra sự tin tưởng xã hội xây dựng xã hội tốt đẹp hơn và hoàn thành được nhiều mục tiêu hơn.”

Bài thuyết trình của ông Adam Lebech về chính phủ điện tử tại Đan Mạch khẳng định “một trong những ưu điểm của chính phủ điện tử là công nghệ tạo ra sự minh bạch trong quản lý và dữ liệu và giúp giảm tỉ lệ tham nhũng. Vì vậy chính phủ điện tử giúp Đan Mạch trở thành quốc gia có tỉ lệ tham nhũng thấp nhất trên thế giới…Chính phủ điện tử cũng giúp giảm chi phí cho chính phủ…Và Việt Nam đang ở tình thế rất tốt để tận dụng các tiến bộ công nghệ cải thiện quản trị và minh bạch trong chính quyền, nếu một giải pháp công nghệ tốt và khả thi có thể được triển khai nhanh chóng và đem lại kết quả tức thì.”

Bà Anna Sunstrom, Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Olof Palme nhấn mạnh vai trò của hệ thống phúc lợi và bảo hiểm xã hội khi ứng phó với những biến đổi công nghệ “hệ thống phúc lợi cần có bảo hiểm thất nghiệp đem lại sự đảm bảo về mặt thu nhập, hệ thống giáo dục và chính sách thị trường lao động tốt tạo cơ hội mới cho những người thất nghiệp trên thị trường lao động. Nếu người lao động có cảm giác an toàn và được bảo vệ, họ sẽ không e ngại thay đổi trong công nghệ. Nhờ vào hệ thống phúc lợi tốt, những thay đổi lớn trong công nghệ và sản xuất trong thị trường lao động Thụy Điển diễn ra một cách nhẹ nhàng và không có nhiều xáo trộn.” 

Ông Adam Lebech chia sẻ về chính phủ điện tử tại Đan Mạch  

Đồng ý với chia sẻ của các chuyên gia, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright khẳng định, “Công nghệ không chỉ là kỹ thuật đơn thuần, công nghệ giữ vai trò quan trọng trong định hình mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.”

Kết thúc hội thảo, TS. Tự Anh khuyến khích các Đại sứ Bắc Âu kết nối nhiều hơn và mạnh mẽ hơn với chính phủ Việt Nam trong giai đoạn này khi Việt Nam có những quyết định táo bạo trong thay đổi và tái cấu trúc mô hình phát triển. 

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright phát biểu kết thúc hội thảo 

Một số hình ảnh tiêu biểu trong hội thảo   

Khán giả đặt câu hỏi cho diễn giả về mô hình xã hội Bắc Âu  

Các đại biểu chia sẻ trong giờ nghỉ giữa hội thảo 

Khách mời lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia 

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'