Bài học lãnh đạo từ bảo tồn di sản Hội An
April 22, 2021

Bài học lãnh đạo từ bảo tồn di sản Hội An

April 22, 2021

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An Nguyễn Sự mới đây nhận lời mời của các cựu học viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tham gia cuộc toạ đàm trao đổi về chủ đề quản trị và lãnh đạo, nhìn từ công tác bảo tồn di sản Hội An (Di sản Văn hoá thế giới thuộc tỉnh Quảng Nam).

Ông Nguyễn Sự nguyên là Chủ tịch UBND thị xã Hội An, Bí thư Thành ủy Hội An. Sự nghiệp của ông gắn bó trọn vẹn với Hội An trong suốt 21 năm, từ khi nơi đây còn đìu hiu đến trở thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Hội An, với khu phố cổ trung tâm là một trong những đô thị cổ hiếm hoi trên thế giới được bảo tồn gần như nguyên vẹn về kiến trúc và văn hoá truyền thống địa phương. Bằng những quyết sách lãnh đạo quyết liệt trong suốt hơn hai thập kỷ, ông Nguyễn Sự đóng vai trò nhạc trưởng định hướng phát triển nơi đây thành điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới nhưng vẫn bảo tồn, gìn giữ được linh hồn, bản sắc văn hoá của nó. Với di sản quản lý Hội An, năm 2011, ông được trao giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục của giải thưởng Phan Chu Trinh - vì những hoạt động tiêu biểu góp phần bảo tồn di sản văn hóa nước nhà.

Nhìn lại chặng đường, nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An cho rằng, trong sự nghiệp ông đã từng phải đưa ra những quyết sách cho Hội An bằng sự dấn thân, dám chấp nhận những rủi ro. Có những quyết sách có cả được và mất, có những quyết sách khiến ông hài lòng nhưng cũng có những điều ông nuối tiếc. Tuy nhiên, điều khiến ông được đông đảo người dân Hội An yêu mến là mọi chính sách đều xuất phát từ mục tiêu mang dung hoà lợi ích cho người dân và gìn giữ những giá trị văn hoá, linh hồn của mảnh đất Hội An.

Câu chuyện chè đậu ván và tư duy bảo tồn không phải "bảo tàng"

Câu chuyện về gánh hàng rong bán món chè đậu ván trứ danh của hai người phụ nữ ở Hội An được ông Nguyễn Sự "nhâm nhi" về bài học lãnh đạo nhìn thấu từ cái gốc rễ văn hoá. Món chè trứ danh vì hạt đậu nguyên không bị nát và sự ngọt ngon của nước đường hóa ra xuất phát từ một "bí quyết" nhỏ: bà cô bán chè khéo léo pha trộn một loại đường mía thấp cấp dành cho người nghèo và đường phèn là loại đường cao cấp nhất. Theo ông Nguyễn Sự, văn hóa Hội An cũng chính là vậy: là sự kết hợp của thứ hạ đẳng nhất với thứ cao cấp nhất.

Ông kể lại câu chuyện chè đậu ván và nêu ví dụ Chùa Cầu ở Hội An là sự kết hợp văn hóa người Hoa và người Nhật, là biểu tượng của "đạo" và "đời" luôn song hành với nhau, để chứng minh rằng văn hóa Hội An là sự hội nhập, sự kết hợp của nhiều văn hóa khác nhau. Người dân Hội An có thể đến từ nhiều vùng đất khác nhau nhưng họ chung sống trong hòa bình, một người đạp xích lô có thể uống cà phê sáng với một anh tỷ phú và trả tiền cho nhau như một việc bình thường. Người Hội An vẫn phải bắt kịp cuộc sống hiện đại, không tụt hậu nhưng không đánh mất mình. Theo quan điểm của ông Nguyễn Sự, văn hóa Hội An không phải là cái bất biến mà luôn chuyển động không ngừng, dung nạp những thứ phù hợp và khai trừ những thứ không phù hợp.

Do vậy, nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An tâm niệm việc bảo tồn các di sản ở Hội An không phải giữ những di tích của quá khứ chỉ để ngắm nhìn như trong các bảo tàng. "Bảo tồn phải mang yếu tố "động", tức phải biến Hội An thành một di tích sống để người tham quan nhìn thấy được nhịp sống thực tại ở Hội An; mỗi ngôi nhà, mỗi con đường, mỗi góc phố Hội An phải gắn liền với đời sống của người dân. Có như vậy, văn hóa mới được nối dài" ông cho biết.

Xuất phát từ tâm niệm đó, ông Nguyễn Sự luôn trăn trở tìm cách khơi mở những chính sách cho phép người dân được chủ động và sáng tạo trong việc chỉnh tu những căn nhà cổ thuộc dạng di sản nhưng vẫn giữ nguyên trạng di sản (ví dụ như cho phép người dân bán vé tham quan nhà di sản, không thu thuế...). Đồng thời, ông chủ động có những quyết sách để tạo ngân sách hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cổ như bán vé tham quan trọn gói vào phố cổ Hội An nhằm trích phần lớn tổng doanh thu từ vé cho quỹ trùng tu, tôn tạo di tích.

Thận trọng nhưng dám chấp nhận rủi ro

Trong lịch sử nhiều thăng trầm của di sản văn hóa thế giới Hội An, có những thời điểm Hội An vốn là khu đô thị sầm uất nhưng bị rơi vào quên lãng. Năm 1999, khi UNESCO ghi tên Hội An vào danh sách các di sản thế giới, đô thị cổ Hội An dần phồn vinh trở lại nhờ những hoạt động du lịch. Theo ông Nguyễn Sự, đó là điều may nhưng cũng đặt Hội An vào thế nguy hiểm nếu lãnh đạo không tỉnh táo để Hội An phát triển một cách quá nhanh chóng, và một bộ phận người Hội An đánh mất mình vì những toan tính kinh tế.

Ông kể, có một thời kỳ các cán bộ lãnh đạo lên kế hoạch tạo nên một "phố Tây" ở Hội An và vấp phải sự phản đối quyết liệt từ ông.

"Tôi nói với anh em: Khách Tây đến Hội An để tìm đặc trưng của Hội An, đặc trưng của Việt Nam chứ không phải tìm thứ mà họ đã có. Nếu tư duy như vậy thì văn hóa Hội An sẽ mất và bị thay thế bằng thứ văn hóa khác. Một thứ văn hóa Tây không ra Tây, ta không ra ta. Người ta có thể biến đồng ruộng thành đô thị, nhưng trong lịch sử tôi không thấy ai biến đô thị thành đồng ruộng hết," ông kể lại.

Ông Nguyễn Sự cũng nhiều lần lên tiếng ngăn cản những kế hoạch phát triển Hội An theo hướng "bê tông hóa" bởi tin rằng, Hội An phải là một điểm đến sinh thái trước khi là điểm đến văn hóa và điểm đến du lịch. Hội An cần thu hút khách du lịch vì những dòng sông, những rặng dừa, những cánh đồng rau hơn là những khối bê tông vô hồn; phải tạo ra ý thức tôn trọng thiên nhiên, biết nương tựa vào tự nhiên và không cách biệt với tự nhiên, từ người quản trị cho đến người dân.

"Nếu các bạn sau này làm trong một lĩnh vực nào đó có tham gia quản trị trung ương hay quản trị địa phương, hãy lưu ý: cái gì làm thì dễ mà sửa thì khó, hãy vô cùng thận trọng. Khi một mảnh đất còn trống thì hãy nghĩ một điều: không nên xây cái gì chứ ko phải là nên xây cái gì, bởi vì xây rồi thì khó làm lại," ông chia sẻ với các học viên FSPPM.

Thận trọng trong những quyết sách với Hội An nhưng ông Nguyễn Sự cũng rất quyết đoán trong một số trường hợp cần sự dấn thân và dám chấp nhận rủi ro của người lãnh đạo. Chủ trương đầu tiên của ông sau khi Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới là không cho phép các nhà mặt tiền trong phố cổ trưng bày sản phẩm ra vỉa hè, chỉ trưng bày trong nhà. Trong khi đó vỉa hè được làm thông thoáng, chỉ cho phép những người dân bán hàng rong. Ban đầu, chủ trương này của ông bị người dân phố cổ phản ứng quyết liệt. Gần một năm sau người dân mới dần chấp nhận và quen với nếp trật tự này.

Sản phẩm "Đêm phố cổ" và "Phố đi bộ" cũng là sáng kiến của ông Nguyễn Sự. Xuất phát từ quan sát vẻ đẹp của phố cổ Hội An trong một đêm mất điện, ông nảy ra ý tưởng thuyết phục người dân tắt hết điện, mặc trang phục truyền thống, thắp hương và đèn lồng vào các đêm rằm, đồng thời cấm các phương tiện giao thông vào phố cổ vào ban đêm. Ban đầu ý tưởng của ông bị phản ứng, nhưng đến nay những sáng kiến này đã trở thành nét sinh hoạt thường xuyên của Hội An.

Với tâm thế đặt lợi ích của người dân lên trên hết, ông Nguyễn Sự đã áp dụng nhiều chính sách như giao thêm đất, hỗ trợ tiền trồng rau, làm gốm cho người dân ở làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà để phục hồi những làng nghề này. Đến nay, những điểm đến này của Hội An hấp dẫn du khách quốc tế và giúp nhiều gia đình xây biệt thự và có thu nhập cao.

"Khi người lãnh đạo làm điều gì, hãy nghĩ người dân được hưởng lợi như thế nào. Đừng nghĩ là mình được gì, hay ngân sách được bao nhiêu," ông chia sẻ với các học viên FSPPM.

Trả lời câu hỏi từ một cựu học viên FSPPM về lý do mà Hội An vẫn giữ gìn được những di tích lịch sử suốt chiều dài thời gian, ông Nguyễn Sự cho rằng tư duy của lãnh đạo Hội An và ý thức của người dân trong bảo tồn di sản là những yếu tố quyết định cho câu chuyện thành công của Hội An.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'