Buổi học thỉnh giảng về Luật Doanh nghiệp 1999 với TS. Lê Đăng Doanh
June 02, 2022

Buổi học thỉnh giảng về Luật Doanh nghiệp 1999 với TS. Lê Đăng Doanh

June 02, 2022

Ngày 24/5, các học viên thạc sĩ Chính sách công của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) có buổi học thỉnh giảng với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương về chủ đề Lãnh đạo thúc đẩy đổi mới với nghiên cứu tình huống Luật Doanh nghiệp 1999. Buổi học xoay quanh câu chuyện về sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999, bộ luật mang tính đột phá, là một bước ngoặt để giải phóng kinh tế tư nhân mà TS. Lê Đăng Doanh là một thành viên trong nhóm soạn thảo.

 

 

Luật Doanh nghiệp 1999 được Chính phủ dưới sự lãnh đạo của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trình lên Quốc hội và được Quốc hội Khóa X thông qua ngày 12 tháng 6 năm 1999, thay thế Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990. Một trong những điều khoản quan trọng trong Luật Doanh nghiệp 1999 là Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định trong luật này, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp, thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của các hoạt động kinh doanh.

 

 

Công việc soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999 được giao cho Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), một cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện với TS. Lê Đăng Doanh là Viện trưởng lúc đó. Bộ luật mang ý nghĩa “cởi trói” cho kinh tế tư nhân bởi trước đó, theo Luật Công ty 1990, doanh nghiệp muốn thành lập phải có chữ ký của chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Một điều tra của CIEM năm 1998-1999 cho thấy để thành lập Công ty theo thủ tục này, doanh nhân phải xin được 35 chữ ký và 32 con dấu trong thời gian bình quân 12 đến 36 tháng với chi phí “bôi trơn” khoảng từ 10 đến 30 triệu VNĐ (tương đương 2.000 USD), một khoản tiền lớn thời đó.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối trong nội bộ hệ thống chính trị vì cả về vấn đề tư duy, nhưng phần nhiều đến từ sự xung đột lợi ích của cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương. Quá trình thực hiện Luật cũng không dễ dàng, các bộ không tự phát hiện được những quy định nào của bộ không còn phù hợp với Luật Doanh nghiệp để bãi bỏ, dẫn tới việc thực thi Luật rất chậm. Để thúc đẩy việc thực hiện Luật, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư làm Tổ trưởng, làm việc với từng bộ, ngành để bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, được gọi là “giấy phép con”.

 

 

Luật Doanh nghiệp là một Luật đổi mới ra đời trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bị tác động sâu rộng bởi khủng hoảng tài chính Đông và Đông Nam Á. Sự phát triển mạnh của khu vực kinh tế tư nhân kể từ khi Luật ra đời và được quyết liệt thực thi không chỉ là một bài học cải cách kinh tế mang tính kỹ thuật mà còn là bài học về lãnh đạo thích ứng và thực thi chính sách.

  • Thúy Hằng

 

 

 

 

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'