Cán cân Kinh tế - Thương mại trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
August 22, 2022

Cán cân Kinh tế - Thương mại trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

August 22, 2022

Qua hơn một phần tư thế kỷ hợp tác, Việt Nam – Hoa Kỳ đã cùng nhau chia sẻ những cột mốc quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế – thương mại của cả hai nước, từ đó mang đến một thực tại hội nhập toàn cầu đầy sôi động và hướng tới một tương lai nhiều tiềm năng. Điểm lại quá khứ, đánh giá hiện trạng, và bàn luận về triển vọng sắp tới, phiên thảo luận về Kinh tế – Thương mại với sự tham gia của các chuyên gia đã diễn ra sôi nổi trong khuôn khổ Hội thảo kỷ niệm 27 năm Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ do Đại học Fulbright Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức.

Điểm lại chặng đường hơn một phần tư thế kỷ cùng nhau

Tháng 7 năm 1995 đánh dấu sự khởi đầu mới của quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khi cả hai nước cùng gác lại quá khứ để trở thành đối tác, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ song phương. Xuyên suốt 27 năm qua, giữa hai nước đã có những dấu son trong sự phát triển quan hệ toàn diện về mọi mặt, từ chính trị, an ninh quốc phòng, đến quan hệ giao lưu nhân dân, trao đổi học thuật, v.v., và không thể không kể đến những bước tiến vượt bậc trong kinh tế – thương mại.

Chỉ một năm sau khi chính thức bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ đã gửi đến Việt Nam bản dự thảo Hiệp định Thương mại Song phương và với những nỗ lực của hai đoàn đám phán cũng như những sự cập nhật, cân chỉnh các khung pháp lý, kinh tế của Việt Nam dựa trên những điều khoản và cơ sở nguyên tắc của nền kinh tế số một thế giới, hai nước đã thành công đưa hiệp định thương mại này vào hiệu lực năm 2001. Cho đến tận bây giờ, giới chuyên môn vẫn đánh giá BTA là một hiệp định thương mại vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam vì nó đóng vai trò đòn bẩy cho sự lấn sân của kinh tế nước ta ra thị trường thế giới.

Tiến sĩ Jonathan Pincus – Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP Việt Nam, cho hay: “Hiệp định Thương mại Song phương quả là một bước đột phá, mở đường cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập toàn cầu. […] Sự đàm phán thành công của BTA phần nào đã đem lại sự tự tin cho Chính phủ Việt Nam để tiếp tục tham gia, ký kết các hiệp định thương mại khác và giúp Việt Nam dần khẳng định vị thế trên đấu trường khu vực và toàn cầu.”

Tiến sĩ Jonathan Pincus – Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP Việt Nam.

Nối tiếp BTA, Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập trường đua quốc tế, chính thức ghi tên mình vào Tổ chức Kinh tế Thế giới WTO năm 2007, và tính đến năm ngoái, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do FTA.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cũng chỉ ra điểm đáng lưu ý: Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tích cực tham gia vào các FTA mới đa dạng như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP, và gần đây nhất là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương IPEF. Chính nhờ sự xúc tác của sự thành công đầu tiên – Hiệp định Thương mại Song phương BTA với Hoa Kỳ – và nhờ biết cách nắm bắt thời cơ một cách có chiến lược, Việt Nam ngày càng tăng tốc hòa nhập với các sân chơi lớn.

Với sự thúc đẩy của BTA, hoạt động thương mại giữa hai quốc gia và đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã có một sự bứt phá, tăng trưởng phi mã gần 250 lần từ 450 triệu USD năm 1995 lên đến hơn 111 tỷ USD năm 2021. Trong nhiều năm liên tục, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Hoa Kỳ.

Cán cân thương mại có bao giờ cân bằng?

Một trong những bài học vỡ lòng cũng như quan trọng nhất về phát triển kinh tế chính là vai trò tối quan trọng của hoạt động xuất khẩu” – Tiến sĩ Pincus nhấn mạnh. Xét chung, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản và hàng chế tạo lớn và quan trọng trong khu vực và toàn cầu. Xét riêng với Hoa Kỳ, xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng ở tất cả các ngành hàng “với sức cạnh tranh lớn”, kim ngạch song phương của hai nước năm 2021 tăng gần 21 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020, và đây là một điểm cực kỳ ấn tượng khi đặt vào bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn diến phức tạp làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, những mặt hàng chúng ta xuất khẩu vẫn còn hạn chế như giày dép và nông sản với thị phần không có sự tăng trưởng đáng kể, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam “chưa năng động như một số nước khác”.

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau nhưng vẫn thường xuyên bị đánh giá là mất cân bằng với “xuất siêu” là từ khóa hay được nhắc tới. Trong khi Việt Nam có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như thủy sản, hạt điều, dệt may, giày da, v.v., thì Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó phải kể đến các dự án đầu tư năng lượng hay các hợp đồng mua máy bay mà dường như kinh tế Việt Nam chưa đủ sức nhập.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN.

Với kinh nghiệm làm việc sâu sát với các công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN, chia sẻ: “Việt Nam được coi là một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho thị trường Hoa Kỳ. Năm ngoái khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris có chuyến công du đến Việt Nam, chúng tôi [các nhà khai thác sản xuất hàng đầu của Hoa Kỳ tại Việt Nam] đã có dịp ngồi bàn tròn thảo luận với phái đoàn về an ninh chuỗi cung ứng vốn đã bị gián đoạn bởi đại dịch. Trong đó, Hoa Kỳ nhấn mạnh quan tâm đến sự hồi phục và ổn định của nền kinh tế Việt Nam hậu Covid-19 vì Việt Nam là một mắt xích quan trọng giúp đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu cho thị trường Hoa Kỳ.”

Ông Nguyễn Xuân Thành nhận định tình trạng “xuất siêu” giữa Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục tăng vì tính chất của những sản phẩm mà chúng ta xuất và nhập. Ông bày tỏ sự tin tưởng vào hai phái đoàn đàm phán kinh tế giữa hai nước, khi cả hai xuất phát với thiện chí, sẵn sàng chia sẻ các cơ sở dữ liệu, hứa hẹn đảm bảo sự minh bạch trong việc quản lý tỉ suất ngoại tệ, thì đó chính là cách tốt nhất để duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô lẫn vi mô.

“Bài toán về sự mất cân bằng trong mối quan hệ kinh tế, cụ thể là giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, không phải là một bài toán của kinh tế học. Bởi lẽ, cán cân thương mại cân bằng là khi ta có mối quan hệ xuất siêu với một số nước, một số ngành hàng, và nhập siêu với các nước khác, các ngành hàng khác” – Tiến sĩ Pincus nêu quan điểm rất rõ ràng. Theo ông, việc tận dụng, phát huy thế mạnh của nền kinh tế nước nhà chính là chiến lược sáng suốt nhất. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt với sự xúc tác của những hiệp định thương mại tự do, mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia sẽ cân bằng khi các nước tích cực bổ trợ lẫn nhau.

Bắt nhịp quy chuẩn toàn cầu

Đi kèm với những cơ hội của các giao dịch hàng hóa và dịch vụ quốc tế ngày càng mở rộng cũng chính là một số rào cản về yêu cầu chất lượng tối thiểu trước khi có thể tiếp cận và thâm nhập vào thị trường toàn cầu. Và không ngạc nhiên khi quyền lực đặt ra các quy chuẩn quốc tế ấy nằm trong tay các “ông lớn”, tuy có thể có một số yêu cầu với độ khó thử thách, nhưng đó mới chính là thứ thúc đẩy sự phát triển sức mạnh nội lực nền kinh tế của các nước đang phát triển.

Các hiệp định thương mại vùng và toàn cầu cũng thúc đẩy các cuộc thảo luận của Chính phủ về tiêu chuẩn lao động, môi trường, v.v., và gần đây nhất là những quy định về nền kinh tế số trong khuôn khổ IPEF. Ông Tú Thành cho hay, “một số điểm của IPEF đã là đòn bẩy hiệu quả cho công tác vận động chính sách về kinh tế số với các chính phủ khắp ASEAN”. Khi thông tin, dữ liệu và ý kiến của ngành công nghiệp số được chia sẻ và soi chiếu giữa các quốc gia thành viên để tìm ra một quy chuẩn chung, ta có thể cùng nhau định hướng, soạn thảo và thông qua các quy định quan trọng, từ đó cùng nhau phát triển và trao đổi, cạnh tranh một cách công bằng, lành mạnh.

Tương lai kinh tế của Việt Nam cũng giống như của các quốc gia khác, phần lớn sẽ được quyết định bởi khả năng phát triển, tiếp thu và sử dụng công nghệ mới. Ngoài kinh tế số, các ngành công nghiệp công nghệ cao cũng là điểm đáng lưu tâm. Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ quan tâm đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất của họ tại Việt Nam, hoặc rót vốn đầu tư mới vào để tái tổ chức chuỗi cung ứng, đáng kể đến phải bao gồm ngành công nghệ bán dẫn (như Apple, Dell đang dần chuyển nhà máy về Việt Nam), hoặc năng lượng sạch (như các dự án tỷ đô về điện gió). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một chặng đường để cân chỉnh các khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư như vậy, và bắt nhịp với quy chuẩn quốc tế để có thể đón nhận những đơn hàng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright.

Nhìn vào lịch sử đổi mới kinh tế của Việt Nam, ông Xuân Thành chỉ ra: “mỗi khi Việt Nam đi theo các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế, ta sẽ thắng lớn, còn bất cứ lúc nào Việt Nam cố gắng tự tạo ra các quy tắc riêng của mình, áp dụng “chủ nghĩa ngoại lệ”, ta lại thua”. Thực vậy, mỗi một yếu tố ngoại lực mà Việt Nam phải đối mặt đều tạo điều kiện cho một cuộc cải cách nội bộ. Và với Hoa Kỳ là một trong những thị trường lớn nhất, sức tiêu thụ mạnh nhất thì việc Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ hợp tác phát triển toàn diện chính là cách giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu trường quốc tế.

  • Bảo Trâm

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'