Cập nhật về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Singapore của Thủ tướng Lý Hiển Long, ngày 9/10/2021: Bảo vệ người dễ bị tổn thương, giữ vững tương lai
October 11, 2021

Cập nhật về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Singapore của Thủ tướng Lý Hiển Long, ngày 9/10/2021: Bảo vệ người dễ bị tổn thương, giữ vững tương lai

October 11, 2021

Kính thưa nhân dân Singapore,

Số ca nhiễm COVID-19 trong nước đang tăng nhanh trong vài tuần vừa qua. Tất cả mọi người có lẽ đang cảm thấy lo lắng. Một số người cảm thấy khó khăn trong việc tiếp nhận các chính sách mới và những thay đổi trong biện pháp chống dịch. Tôi hiểu nỗi lo lắng và sự hoang mang của người dân. Một số người sẽ đặt câu hỏi: Điều gì đã xảy ra với kế hoạch xây dựng quốc gia thích ứng với COVID? Có phải chính phủ đã thay đổi tư duy? Chúng ta có đang thực hiện lộ trình mở cửa lại đất nước? Và một số khác sẽ tự hỏi: Vì sao có quá nhiều ca dương tính? Liệu chúng ta có nên tiếp tục phong tỏa hoàn toàn? Tất cả đều là những câu hỏi xác đáng.

Vì vậy tôi quyết định trao đổi trực tiếp với nhân dân để giải thích tình hình hiện tại của đất nước, những gì đã thay đổi, chiến lược ứng phó với giai đoạn này của đại dịch, và lộ trình tiến đến trạng thái bình thường mới.

Tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ và lo lắng của tôi với nhân dân cả nước, bởi vì sự đồng lòng và đoàn kết vì mục tiêu chung là vô cùng quan trọng để giúp chúng ta vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.

Chiến lược ban đầu của Singapore – "Zero COVID"

Năm ngoái, khi dịch bệnh vừa bùng phát, chúng ta phải đối phó với một căn bệnh lạ. Hiểu biết của các nhà khoa học trên thế giới về COVID-19 khi đó còn rất ít ỏi. Nhưng nhờ có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh SARS trước đó mà chúng ta biết nên bắt đầu từ đâu. Khi chúng ta càng hiểu hơn về con vi-rút này, chúng ta đã điều chỉnh chiến lược của mình để thích ứng với tình thế đang biến đổi liên tục.

Chiến lược ban đầu của Singapore là cố gắng hết sức để không một người dân Singapore nào bị phơi nhiễm trước dịch bệnh COVID-19. Chúng ta thắt chặt các Biện pháp Quản lý An toàn (SMM) với mức độ cần thiết để đưa số ca nhiễm xuống mức rất thấp. Chính phủ Singapore đánh giá đây là cách tốt nhất để giảm tối thiểu các ca bệnh nặng và tử vong.

"Zero COVID" là chiến lược đúng đắn tại thời điểm đó. Lúc đó người dân trong nước chưa được tiêm chủng. Mọi người hầu như không có kháng thể để chống lại COVID-19. Hậu quả của việc bị nhiễm vi-rút là hết sức nghiêm trọng. Nhưng vì thời điểm đó vi-rút không có khả năng lây lan nhanh, các biện pháp của chúng ta đã có hiệu quả trong việc phá vỡ chuỗi lây nhiễm. Chiến lược này đã thành công. Chúng ta tránh được những tổn thất lớn về sinh mạng mà các nước khác phải chứng kiến. Chúng ta là một trong những nước có tỉ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới.

Đồng thời chúng ta đã chủ động lên kế hoạch và đặt hàng để đảm bảo nguồn cung vắc-xin. Vắc-xin trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi, là chiếc áo bảo hộ cho mỗi người trong đại dịch. Chiến lược tiêm chủng toàn quốc của Singapore đã cực kỳ thành công. Nhờ vào sự tin tưởng và hợp tác của người dân, hiện nay Singapore là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới, khoảng 85%. Điều này đã gia tăng đáng kể khả năng bảo vệ chúng ta trước vi-rút. Dữ liệu của Singapore và các nước khác trên thế giới chứng minh vắc-xin làm giảm đáng kể tỉ lệ bệnh trở nặng. Đại đa số các ca dương tính trong nước (hơn 98%) đều có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Chỉ 2% hoặc thấp hơn chuyển nặng. Trong số đó, 0,2% tử vong hoặc cần điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt, nghĩa là chỉ có 2 ca trong số 1000 ca nhiễm. Số còn lại chỉ cần hỗ trợ thở oxy trong một vài ngày. Nói cách khác, nhờ có vắc-xin, COVID-19 không còn là căn bệnh nguy hiểm đối với hầu hết mọi người.

Tình hình đã thay đổi

Nhưng sự xuất hiện của biến thể Delta đã đặt chúng ta vào một tình thế hoàn toàn khác.

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cực nhanh và đã lây lan ra toàn thế giới. Thậm chí khi toàn bộ dân số đã được tiêm chủng, chúng ta vẫn không thể loại bỏ nó bằng các biện pháp phong tỏa và quản lý an toàn như trước đây. Hầu như mỗi quốc gia đều phải chấp nhận thực tế này.

Hơn nữa, ngay cả khi chúng ta cố gắng kéo giảm số ca COVID-19 bằng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, vi-rút vẫn sẽ nhanh chóng lây lan trở lại khi chúng ta nới lỏng phong tỏa. Điều này đặc biệt đúng ở Singapore, và cũng chính vì chiến lược "Zero COVID" của chúng ta. Đa số người dân chưa bao giờ bị nhiễm vi-rút. Hoặc như các bác sĩ nói, chúng ta là một đất nước ngây thơ trước COVID. Kết quả là, miễn dịch tự nhiên (miễn dịch cộng đồng) của chúng ta ở mức thấp. Dù đã được chích ngừa, chúng ta vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Đó là lý do vì sao chúng ta phải chuẩn bị tâm lý đón nhận nhiều ca dương tính COVID-19 sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, Singapore không thể phong tỏa và đóng cửa mãi mãi. Biện pháp này không còn hiệu quả và sẽ vô cùng tốn kém. Chúng ta không thể quay trở lại cuộc sống thường nhật, tham gia vào các hoạt động xã hội, mở cửa biên giới, và hồi phục nền kinh tế. Mỗi lần chúng ta siết chặt biện pháp phòng dịch, thì hoạt động kinh doanh bị gián đoạn hơn nữa, người lao động mất việc, trẻ em bị tước đi trải nghiệm trẻ thơ và cuộc sống học đường. Các gia đình bị chia cách lâu hơn. Đặc biệt những gia đình có thân nhân ở nước ngoài và những đại gia đình không thể chăm lo cho nhau. Tất cả sẽ gây ra áp lực tâm lý và cảm xúc, khiến chúng ta kiệt quệ về tinh thần, đối với người dân và những người đang định cư ở Singapore, bao gồm cả lao động nhập cư.

Vì vậy, cách đây vài tháng, chính phủ đưa ra kết luận chiến lược "Zero COVID" đã không còn khả thi. Vì vậy chúng ta cần phải thay đổi chiến lược, trở thành "sống chung với COVID-19".

Sống chung với COVID-19

"Sống chung với COVID-19" không phải là một chặng đường suôn sẻ và dễ dàng. Vào tháng 8, sau khi đạt tỉ lệ tiêm chủng 80%, chúng ta nới lỏng mức độ Cảnh giác Nâng cao. Chúng ta dự đoán số ca nhiễm sẽ tăng lên khi nhiều người khởi động lại sinh hoạt thường nhật và bắt đầu tương tác với nhau nhiều hơn, nhưng số ca nhiễm đã tăng nhanh hơn so với dự đoán của chính phủ, vì chủng Delta có tốc độ lây nhiễm quá cao.

Ban đầu, hệ thống y tế trong nước vẫn còn khả năng đáp ứng. Nhưng chính phủ lo ngại hệ thống y tế sẽ chịu sức ép to lớn và quả thật điều đó đang diễn ra. Các nhân viên y tế cũng chịu áp lực lớn. Khi số ca tăng theo cấp số nhân, số ca bệnh nặng cũng tăng tương ứng. Và khi số ca dương tính tăng lên số lượng lớn, thì 2% của số lớn đó cũng có nghĩa là rất nhiều bệnh nhân cần phải nhập viện và điều trị trong ICU. Hệ thống y tế của chúng ta sẽ nhanh chóng bị quá tải.

Đó là lý do vì sao trong tháng vừa qua chính phủ phải thắt chặt các biện pháp phòng dịch. Mục đích là để giảm tốc độ tăng của số ca dương tính và giảm gánh nặng đặt lên vai các nhân viên y tế và giữ ổn định cho hệ thống y tế. Chúng ta tận dụng thời điểm này để tiếp tục mở rộng năng lực của hệ thống y tế và tăng cường khả năng quản lý các ca bệnh. Nhờ đó chúng ta có thể phát hiện ra các bệnh nhân COVID-19 với triệu chứng nhẹ và có thể tự điều trị tại nhà. Và đảm bảo chúng ta có thể chăm sóc tốt cho những người có dấu hiệu chuyển nặng, và tiếp tục chăm lo cho những bệnh nhân không bị COVID-19 nhưng cần điều trị khẩn cấp vì các vấn đề về y tế khác.

Các bước tiếp theo

Chúng ta phải tiếp tục kiên trì với chiến lược "sống chung với COVID-19". Vậy những bước tiếp theo của chúng ta là gì?

Đầu tiên và cơ bản nhất, chúng ta cần phải cập nhật tư duy. Chúng ta dè chừng COVID-19, nhưng không bị tê liệt vì sợ hãi. Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thường nhật bình thường nhất có thể, thực hiện các biện pháp phòng dịch và tuân thủ các quy định kiểm soát an toàn. Nhờ có vắc-xin, COVID-19 trở thành căn bệnh nhẹ và có thể điều trị được đối với hầu hết mọi người. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn còn trẻ. Hoặc thậm chí khi bạn không còn trẻ nhưng đã được chích ngừa đầy đủ. Nguy cơ COVID-19 giờ đây chủ yếu là đối với những người lớn tuổi: 60 tuổi trở lên nếu chưa được chích ngừa, 80 tuổi trở lên nếu đã được chích ngừa. Vì vậy đối với 98% người dân Singapore, nếu bị nhiễm COVID-19, chúng ta có thể tự điều trị tại nhà giống như khi chúng ta bị mắc bệnh cảm cúm.

Đó là lý do vì sao chúng tôi chuyển sang dựa vào cách tiếp cận Phục hồi tại nhà. Đây sẽ là quy chuẩn đối với các ca nhiễm COVID-19. Bạn có thể tự điều trị trong ngôi nhà của mình và không cần phải trải qua cảm giác căng thẳng và phiền toái khi phải vào cơ sở cách ly. Nếu hầu hết người bệnh có thể tự phục hồi tại nhà, điều này sẽ giảm gánh nặng cho các bệnh viện, cho lực lượng y bác sĩ và y tá. Nó cũng giúp giải phóng giường bệnh cho những bệnh nhân COVID-19 có rủi ro bệnh chuyển nặng cao hơn, đặc biệt là những người lớn tuổi. Dĩ nhiên, nếu trong gia đình bạn có người thân thuộc nhóm rủi ro, bạn có thể đến khu cách ly để điều trị. Tôi biết nhiều người vẫn còn lo lắng và hoang mang về việc tự điều trị tại nhà. Họ sợ chính căn bệnh này. Họ lo lắng về nguy cơ lây nhiễm cho người thân trong gia đình. Họ cũng lo sẽ không nhận được sự điều trị và hỗ trợ cần thiết khi ở nhà trong trường hợp bệnh chuyển nặng. Tôi hiểu những lo lắng của mọi người. Tôi cam đoan với cách tiếp cận điều trị tại nhà, tất cả bệnh nhân đều sẽ nhận được sự quan tâm và hỗ trợ cần thiết trong suốt quá trình hồi phục. Đúng là trước đây đã xảy ra tình trạng thiếu hụt dịch vụ điều trị này. Nhưng chính phủ đã nỗ lực để khắc phục điều này và đưa mọi thứ đi đúng hướng. Nếu tại bất kỳ thời điểm nào bạn cần nhập viện hoặc phải đến cơ sở điều trị COVID-19, chúng tôi đảm bảo bạn sẽ được đáp ứng.

Tiếp theo, vì COVID-19 hiện giờ đã trở thành căn bệnh có thể điều trị được, chúng ta sẽ đơn giản hóa các thủ tục y tế. Không còn những phác đồ phức tạp. Người dân cần nắm rõ những gì cần làm nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, hoặc nếu có tiếp xúc với người bị nhiễm vi-rút.

Chúng ta cũng cần biết rõ những gì bản thân mình có thể tự thực hiện. Mỗi người trong chúng ta đều phải có trách nhiệm với bản thân và với xã hội; Tự thực hiện xét nghiệm khi cần thiết, tự cách ly nếu có kết quả dương tính, tham vấn với bác sĩ nếu có các triệu chứng. Hiểu rõ những việc cần làm, chúng ta sẽ không còn thấy COVID-19 là căn bệnh đáng sợ. Mỗi người sẽ phải làm trọn nghĩa vụ của mình để giữ an toàn cho cộng đồng, đặc biệt những người dễ bị tổn thương xung quanh chúng ta.

Bộ phận dân số khiến tôi lo lắng nhiều nhất là những người cao tuổi, đặc biệt là những người chưa được tiêm vắc-xin. Cho đến hiện tại chúng ta đã nỗ lực duy trì số ca tử vong ở mức rất thấp. Nhưng đáng buồn thay, con số rất thấp đó vẫn là 142 ca tử vong. Hầu hết đều là người cao tuổi và những người có bệnh nền. Họ là các cô chú bác ở độ tuổi 60, 70 và 80 sống trong cộng đồng. Tỉ lệ những người cao tuổi này chưa được tiêm vắc-xin là không tương xứng. Họ chỉ chiếm 1,5% dân số nhưng khi nhiễm vi-rút lại chiếm 2/3 số ca cần điều trị tại ICU hoặc số ca tử vong. Một phần ba còn lại là những người lớn tuổi đã được tiêm vắc-xin. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự mất mát này và xin gửi lời chia buồn tới thân nhân của những trường hợp tử vong này.

Khi số ca COVID-19 ngày càng tăng, hầu hết mọi người đều sẽ tiếp xúc hoặc quen biết ai đó đã từng bị nhiễm COVID-19. Sớm hay muộn, tất cả chúng ta cũng sẽ chạm trán với con vi-rút này. Điều này có nghĩa là tất cả những người lớn tuổi cũng sẽ tiếp xúc với vi-rút, và với người lớn tuổi, rủi ro này nghiêm trọng hơn rất nhiều. Như tôi đã nói, COVID-19 hiện là nguy cơ chính đối với những người cao tuổi: 60 trở lên nếu chưa được chích ngừa và từ 80 trở lên nếu đã được chích ngừa.

Khi số ca bệnh tăng thì số ca bệnh trong nhóm người lớn tuổi cũng sẽ tăng. Nếu chúng ta có 5000 ca dương tính COVID-19 một ngày, thì đồng nghĩa trong ngày đó sẽ có khoảng 100 người trở nặng – một con số không hề nhỏ.

Các y bác sĩ của chúng ta đã nỗ lực hết sức để điều trị cho mỗi bệnh nhân. Không may là dù họ đã nỗ lực hết sức, không phải bệnh nhân nguy kịch nào cũng có thể qua khỏi được. Đáng buồn là một số bệnh nhân đã gục ngã. Cũng như bệnh viêm phổi, mỗi năm có hơn 4000 người qua đời vì viêm phổi ở Singapore, hầu hết đều là người lớn tuổi và những người có bệnh nền. Trong vài tuần và tháng sắp tới, chúng ta có thể sẽ chứng khiến số ca tử vong liên quan tới COVID-19 tiếp tục tăng.

Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm được và bản thân những người lớn tuổi có thể làm để tự bảo vệ chính mình và giảm số ca bệnh nặng. Đối với những người cao tuổi chưa được chích vắc-xin, chúng tôi sẽ tiếp tục thuyết phục và chích vắc-xin cho họ. Nếu quí vị đã trên 60 tuổi và chưa chích vắc-xin, quí vị đang đứng trước nguy cơ rất cao, xin hãy chích vắc-xin ngay! Đối với người lớn tuổi đã được chích vắc-xin, hãy chích tăng cường mũi 3 để nâng cao khả năng miễn dịch. Vắc-xin sẽ giảm đáng kể nguy cơ cho quí vị nhưng mức rủi ro này vẫn cao hơn những người trẻ. Mũi tiêm tăng cường sẽ giảm rủi ro hơn nữa. Nếu quí vị là người cao tuổi và đã chích vắc-xin, mũi 3 sẽ giảm nguy cơ bệnh nặng hơn 10 lần. Hay nói cách khác, đối với vi-rút, mũi tăng cường sẽ biến một người 80 tuổi đã được chích vắc-xin thành một người hơn 50 tuổi đã được tiêm 2 mũi! Đó là lý do vì sao tôi rất vui khi thấy có nhiều người cao tuổi đến tiêm mũi 3 khi đủ điều kiện, thậm chí trước khi nhận được tin nhắn mời đi tiêm qua điện thoại. Bản thân người cao tuổi cũng nên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Quí vị vẫn có thể đi tập thể dục và hít thở không khí nhưng nên giảm bớt các buổi ăn hàng quán, cà phê và bia rượu với bạn bè. Điều này sẽ giảm khả năng tiếp xúc với vi-rút. Chúng tôi muốn những người lớn tuổi vẫn tiếp tục sống khỏe mạnh! Người trẻ sống chung với người cao tuổi cũng có thể giúp bảo vệ người thân bằng cách giảm các giao tiếp trong xã hội ở thời điểm hiện tại, và thường xuyên tự xét nghiệm để đảm bảo mình không đem vi-rút về nhà.

Một nhóm dân số khác mà các bậc phụ huynh rất quan tâm là trẻ em dưới 12 tuổi. Vắc-xin vẫn chưa được phê duyệt để tiêm cho trẻ nhỏ. Khi số ca dương tính tăng, hiển nhiên là bậc phụ huynh đang rất lo lắng về việc con mình sẽ bị nhiễm vi-rút. Mặc dù dữ liệu chứng minh trẻ em bị mắc COVID-19 thường hiếm khi trở bệnh nặng, phụ huynh vẫn lo. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tiến độ thử nghiệm vắc-xin đối với trẻ em ở Mỹ. Chính phủ sẽ bắt đầu tiêm chủng cho trẻ ngay khi vắc-xin cho trẻ em được phê chuẩn, và các chuyên gia chính phủ xác nhận vắc-xin là an toàn cho trẻ nhỏ. Dự kiến việc tiêm chủng này sẽ vào đầu năm sau.

Trong lúc này, chúng tôi sẽ tăng cường năng lực của hệ thống y tế để có thể điều trị cho những người bị bệnh nặng, cung cấp máy thở khí oxy và giường bệnh ở khu ICU khi bệnh nhân cần. Tuy nhiên, khả năng mở rộng hệ thống y tế cũng có giới hạn. Chính phủ có thể xây thêm bệnh viện mới và mua sắm trang thiết bị và chính phủ Singapore đang thực hiện những việc này, nhưng không thể ngay lập tức bổ sung thêm nhiều bác sĩ và y tá cho các bệnh viện này. Đó là lý do vì sao chúng ta phải kìm hãm số ca nhiễm COVID-19 để không tăng quá cao.

Đồng thời, một phần trong chiến lược sống chung với COVID-19, chúng ta phải kết nối với thế giới bên ngoài. Cụ thể là chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa biên giới một cách an toàn. Các công ty và nhà đầu tư cần phải thực hiện hoạt động kinh doanh khu vực và toàn cầu từ Singapore. Nhân viên làm việc cho các công ty này cũng cần phải di chuyển để làm việc. Học sinh cần phải ra nước ngoài để học tập và thực tập mà không phải thực hiện cách ly tại nhà sau khi nhập cảnh. Gia đình và bạn bè trong nước và ở nước ngoài cũng cần thỉnh thoảng gặp gỡ nhau.

Chúng tôi đã khởi động Đường bay An toàn cho du khách đã tiêm vắc-xin đến Đức và Brunei, và vừa thông báo nối thêm đường bay với Hàn Quốc. Các dự án thử nghiệm này sẽ chứng minh người đã tiêm chủng đầy đủ có thể di chuyển một cách an toàn, trong khi vẫn chấp nhận có vài ca dương tính nhập cảnh. Chính phủ đang thực hiện thêm nhiều kế hoạch như thế này, đặc biệt với các quốc gia mà tình hình COVID-19 đã ổn định. Điều này sẽ giúp đất nước chúng ta kết nối lại với chuỗi cung ứng toàn cầu và giúp chúng ta bảo tồn vị thế trung tâm của Singapore.

Những tháng sắp tới

Những tháng sắp tới sẽ rất cam go. Tôi dự đoán số ca nhiễm mỗi ngày sẽ tiếp tục tăng trong vài tuần. Hệ thống y tế của chúng ta sẽ chịu áp lực rất lớn. Chúng ta có thể làm chậm nhưng không thể chấm dứt hoàn toàn biến thể Delta.

Đến một thời điểm nhất định, số ca sẽ đi ngang và sau đó số ca nhiễm sẽ bắt đầu giảm. Chúng ta không biết chính xác là khi nào nhưng từ kinh nghiệm của các nước khác, hy vọng là sẽ trong vòng khoảng một tháng. Khi áp lực đối với hệ thống y tế bắt đầu giảm bớt, chúng ta có thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Nhưng chúng ta vẫn phải cẩn thận để tránh khởi phát một làn sóng lây nhiễm mới.

Chúng ta phải bảo vệ hệ thống y tế và các y bác sĩ của mình bằng mọi giá để có thể vượt qua đại dịch một cách an toàn. Tôi muốn nói điều này với đội ngũ y bác sĩ của cả nước. Tôi biết các bạn đang phải chịu sức ép khủng khiếp và khối lượng công việc nặng nề mà các bạn đang gánh vác. Các bạn đã chiến đấu rất kiên cường trong thời gian dài. Hiện tại có lẽ chúng ta đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong hành trình này. Nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Sau khi đạt đến đỉnh dịch, mọi chuyện sẽ dần tươi sáng hơn. Chúng tôi đang làm mọi việc có thể để bảo vệ các bạn và hệ thống y tế, để chúng ta cùng vượt qua làn sóng này. Nếu chúng tôi không bảo vệ các bạn, các bạn không thể bảo vệ chúng tôi. Thay mặt cho tất cả người dân Singapore, tôi xin gửi lời cảm ơn đến lực lượng y bác sĩ. Chúng tôi luôn đồng hành cùng các bạn và cam kết hỗ trợ các bạn ở mức tối đa.

Và với tất cả người dân Singapore, chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ của các bạn. Các bệnh viện và đội ngũ nhân viên y tế là tuyến phòng ngự cuối cùng của chúng ta. Hãy cùng với chúng tôi bảo vệ họ. Hãy để mỗi người chúng ta trở thành tuyến phòng ngự đầu tiên. Tiếp tục tuân thủ theo các quy định phòng chống dịch an toàn, cắt giảm các hoạt động xã hội để giảm tốc độ lay lan, và chích ngừa ngay nếu chưa thực hiện. Điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ trở nặng, và tương tự là hãy tiêm mũi thứ 3 khi đến lượt. Thường xuyên tự xét nghiệm để tránh lây nhiễm cho người khác, đặc biệt những người cao tuổi xung quanh mình. Nếu bị nhiễm vi-rút, thực hiện tự điều trị tại nhà, trừ khi bệnh trở nặng hoặc trong nhà có người dễ bị tổn thương. Vui lòng không đổ xô đến khu vực cấp cứu của bệnh viện khi có triệu chứng nhẹ. Hãy dành năng lực điều trị tại các bệnh viện cho những người thực sự cần nhất, cho các ca bệnh nặng và những người có bệnh nền nghiêm trọng.

Con đường phía trước

Chiến dịch chống COVID-19 đã và vẫn còn kéo dài. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn nhưng chúng ta đang ở thế trận tốt hơn so với cách đây một năm hoặc thậm chí là cách đây 6 tháng. Đôi khi bạn sẽ không cảm thấy như vậy, nhưng chúng ta đang từng bước tiến đến trạng thái bình thường mới.

Sau khi làn sóng này ổn định lại, có thể chúng ta sẽ chứng kiến tiếp những đợt bùng phát mới trong tương lai, đặc biệt khi có sự xuất hiện của biến thể mới. Chúng ta có thể phải chững lại nếu số ca nhiễm tăng quá nhanh để bảo vệ hệ thống y tế và đội ngũ y bác sĩ. Nhưng chúng ta sẽ có khả năng ứng phó tốt hơn với các đợt bùng phát dịch trong tương lai. Năng lực và quy trình xử lý của chúng ta sẽ tiếp tục được cải thiện. Khi ngày càng có nhiều người phơi nhiễm với vi-rút và phục hồi, năng lực miễn dịch của chúng ta sẽ tăng. COVID-19 sẽ bớt lây nhanh trong cộng đồng. Và mỗi ngày trôi qua, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn. Và chúng ta hiện sẵn sàng sống chung với con vi-rút này hơn lúc nào hết.

Làm sao biết được đến khi nào chúng ta bước vào thời kỳ bình thường mới? Đó là khi chúng ta có thể nới lỏng các biện pháp phòng dịch, áp dụng các biện pháp nhẹ nhàng hơn và khi số ca nhiễm có chiều hướng ổn định, có thể là vài trăm ca một ngày nhưng không tiếp tục tăng. Khi các bệnh viện có thể quay trở lại hoạt động như bình thường, khi chúng ta có thể bắt đầu lại các hoạt động thường nhật trước đây, và khi chúng ta có thể tổ chức các sự kiện đông người mà không cần lo lắng hay cảm thấy xa lạ. Một số quốc gia đã đạt được trạng thái này như ở châu Âu, nhưng họ đã trả cái giá rất đắt, mất mát nhiều sinh mạng trong quá trình đi đến trạng thái này. Chúng ta sẽ mất ít nhất 3 tháng nữa hoặc có lẽ là 6 tháng để đến được trạng thái bình thường mới. COVID-19 đã khiến chúng ta bất ngờ rất nhiều lần trước đây và có thể sẽ tiếp tục khiến chúng ta bất ngờ trong tương lai. Nhưng đến lúc đó, chúng ta sẽ bất ngờ với tư thế an toàn và cẩn trọng, không một ai bị bỏ lại phía sau và với ít thiệt hại nhân mạng nhất có thể trong hành trình này.

Kết luận

Với sự hợp tác của mọi người dân, chúng ta sẽ bỏ lại dịch bệnh đằng sau, hy vọng là trong thời gian sớm nhất. Chúng ta có nguồn lực, quyết tâm và dũng cảm vượt qua khủng hoảng này. Đại dịch đã bộc lộ những điều tuyệt vời nhất ở người dân Singapore. Chúng ta đã đoàn kết và quyết tâm bất chấp mọi khó khăn. Hãy tiếp tục giữ vững tinh thần này và tiếp tục cùng nhau nỗ lực để đi hết chặng đường này để trở thành một quốc gia dẻo dai với COVID.

Xin cảm ơn.

 

Bản dịch của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.

Nguồn: https://www.pmo.gov.sg/

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'