Chế độ trọng dụng nhân tài và chìa khoá của quản trị tốt
May 22, 2021

Chế độ trọng dụng nhân tài và chìa khoá của quản trị tốt

May 22, 2021

Cuối năm 2020, dư luận xôn xao khi một số cán bộ nhà nước bị phát hiện nằm trong số 600 cá nhân sử dụng bằng giả do Đại học Đông Đô cấp. Một số người dùng tấm bằng giả này để tiếp tục theo học các chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ, trong khi một số khác sử dụng chúng để tham gia vào các kì thi tuyển dụng công chức hay thi nâng bậc chuyên viên.

Lâu nay không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới có một niềm tin phổ biến rằng chế độ trọng dụng nhân tài là giải pháp để một người có thể vươn lên những nấc thang xã hội cao hơn bằng tài năng và sự chăm chỉ, hơn là nhờ của cải hay các đặc quyền đặc lợi được thừa hưởng sẵn. Điều này đặc biệt đúng đối với các chính trị gia và công chức nhà nước, những người mong muốn chứng minh cho người dân thấy họ đã làm việc hết sức để xứng đáng với vị trí của mình trong hệ thống. Chế độ trọng dụng nhân tài, tuy vậy, có những vấn đề riêng của nó.

Tính chuyên chế của Chế độ trọng dụng nhân tài

Trong cuốn sách mới nhất, The Tyranny of Merit (tạm dịch: Tính chuyên chế của chế độ trọng dụng nhân tài), triết gia có ảnh hưởng bậc nhất thế giới đương đại, Giáo sư Michael Sandel đã chỉ ra một số nhược điểm cố hữu của chế độ trọng dụng nhân tài. Các diễn ngôn chính thống ca ngợi chế độ trọng dụng nhân tài vì đem lại cho "những nhóm người kém may mắn" một cơ hội bình đẳng để vươn lên cao hơn trên thang bậc thành công và nhờ vậy, thay đổi được hoàn cảnh xuất thân bằng nỗ lực của chính bản thân họ. Mặc dù vậy, Giáo sư Sandel cho rằng "nó (chế độ trọng dụng nhân tài) lại không nói được gì về khoảng cách nên là bao xa giữa các bậc trên chiếc thang thành công đó".

Chế độ trọng dụng nhân tài được mặc định là một sân chơi bình đẳng cho mọi cá nhân tham gia và nếu ai đó không vươn lên được thì đó là bởi vì họ chưa đủ cố gắng. Tuy nhiên, điều này lại không đúng với thực tế. Bất bình đẳng trong giáo dục vẫn luôn tồn tại ở mọi xã hội. Những ai có khả năng tiếp cận tốt hơn với giáo dục bậc cao thường sẽ nắm giữ nhiều cơ hội hơn để chuyển hoá những thành tích học tập của mình thành công việc tốt, của cải và nói chung là những cơ hội tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Hậu quả là thế giới ngày nay tồn tại một sự phân chia bằng cấp trong đó những người được thừa nhận tài năng, được gọi là giới tinh hoa, có quyền chịu trách nhiệm về cuộc sống của những người còn lại, có thể là trong lĩnh vực kinh doanh, văn hoá, xã hội hay chính trị. Điều này làm phát sinh hai vấn đề sâu xa.

Vấn đề thứ nhất, theo Sandel, là giới tinh hoa "cho thấy sự hiểu biết ít ỏi về những bất mãn đang làm chao đảo nền chính trị trên khắp thế giới." Các chính trị gia dần dần trở nên lạc lõng với thực trạng kinh tế của những người dân đang phải sống trong nghèo đói, hay thậm chí những người đang vật lộn để thoát nghèo. Mặc dù vậy, khía cạnh tích cực của nhóm này là họ vẫn làm việc chăm chỉ, hi sinh thời gian và công sức để đạt được các bằng cấp. Họ tự giành lấy sự tưởng thưởng cho mình.

Ngược lại, vấn đề thứ hai là nhóm những người không có cơ may nào. Sống trong một xã hội mà quyền lực rơi vào tay một nhóm thiểu số, đôi khi khát khao trở thành một trong số những thành viên ưu tú và gia nhập vào giới tinh hoa trở nên vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, không nhiều người sẵn sàng trả giá về thời gian và công sức. Nhóm này thường tìm cách hoặc hoàn thành những khoá học ngắn hạn thiếu uy tín và dễ dãi về chất lượng, hoặc "mua" bằng một cách bất hợp pháp. Hậu quả của những hành động như vậy có thể khiến cho công chúng ngày càng mất lòng tin và trở nên cảnh giác hơn.

Cho đến nay người ta vẫn tranh luận về việc làm thế nào tái thiết kế chế độ trọng dụng nhân tài để các kết quả trở nên công bằng hơn. Các giải pháp được nêu ra bao gồm trao học bổng, hỗ trợ tài chính cho đến các chính sách hỗ trợ nhóm thiểu số trong giáo dục và việc làm nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội này trong những nhóm kém may mắn hơn và tận dụng tối đa các cơ hội để thu hẹp khoảng cách. Tuy nhiên, những giải pháp nói trên không thể được triển khai và thực thi nếu không có một hệ thống chính phủ tốt. Chúng ta vẫn cần các công chức nhà nước tinh hoa.

Thực chất, đây là vấn đề con gà và quả trứng: chúng ta không thể thu hẹp hố ngăn cách bất bình đẳng nếu không có chế độ trọng dụng nhân tài. Sự hoài nghi đối với chế độ trọng dụng nhân tài không nên là lý do để chúng ta ngừng theo đuổi những ý định tốt đẹp và nhu cầu thực tế của hoạt động quản trị: sử dụng quyền lực để đạt được những mục tiêu chung. Những cá nhân ưu tú không nên bị kìm hãm chỉ bởi vì họ là "nhóm đặc quyền". Hơn bao giờ hết, xã hội cần buộc họ hành xử có trách nhiệm nhằm đảm bảo chất lượng quản trị hiệu quả.

Chìa khoá của Quản trị tốt

Từ xa xưa trong lịch sử, Việt Nam đã sử dụng các kì thi tuyển quan lại/công chức để tìm kiếm nhân sự cho bộ máy chính quyền. Các kì thi này thậm chí còn ra đời trước những hệ thống tương tự ở Tây Âu và Nhật Bản và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Chế độ trọng dụng nhân tại là cần thiết để giúp một xã hội tiến bộ.

Trong khi cuộc tranh luận chống lại chế độ nhân tài và kỹ trị vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng, là một tổ chức giáo dục, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) có niềm tin của riêng mình về chìa khoá của quản trị tốt. Rõ ràng là chúng ta cần lựa chọn được những người giỏi nhất và được trang bị tốt nhất để tham gia công tác quản lý điều hành; chúng ta cũng cần những cá nhân có phẩm chất đạo đức và ý thức công dân. Thiếu một vế trong phương trình này, chúng ta sẽ không thể có một chính phủ vận hành đầy đủ.

Tại FSPPM, chúng tôi nỗ lực xây dựng chương trình giảng dạy Thạc sĩ Chính sách công (MPP) theo hướng kết hợp chặt chẽ những lý thuyết tiên tiến và tri thức toàn cầu với sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh Việt Nam. Chương trình được thiết kế dựa trên những tiêu chuẩn học thuật xuất sắc để chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng đương đầu với những thách thức khu vực và toàn cầu, đồng thời đưa ra được những giải pháp có thể triển khai hiệu quả ở Việt Nam. Nếu không có một thế hệ những người kiến tạo thay đổi giàu hiểu biết và kỹ năng, Việt Nam sẽ không thể thành công trong công cuộc Đổi mới.

Đó chính là chế độ trọng dụng nhân tài, nhưng không phải là một thể chế thiếu sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Chúng ta đang sống trong một thời đại nơi tốc độ tăng trưởng được thúc đẩy bởi nền kinh tế dựa trên tri thức, ở đó top 1% giành được nhiều phần thưởng hơn 90% dân chúng còn lại. Những tiến bộ công nghệ nhanh chóng chỉ làm trầm trọng thêm vấn nạn bất bình đẳng. Những thay đổi này dẫn đến tình trạng phân bổ tiền lương ngày càng bất công và đe dọa khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa những người lao động kỹ năng cao và kỹ năng thấp, nơi những người lao động kỹ năng thấp có nguy cơ thất nghiệp vĩnh viễn.

Giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng và duy trì tính cơ động xã hội đang tiếp tục là những thách thức và chúng ta không thể giải quyết chúng nếu thiếu những công chức tận tâm. Các chính sách cần được xây dựng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để người dân Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ. Đó là lý do vì sao các giá trị công được FSPPM khởi xướng – tính liêm chính, sự công tâm, tính dung hợp, trách nhiệm giải trình, đổi mới sáng tạo và phản biện mang tính xây dựng, đã trở thành niềm tự hào của cộng đồng Fulbright, cũng như nguồn cảm hứng cho các nhà phân tích và nghiên cứu chính sách ở Việt Nam.

Để đảm bảo ngày càng có nhiều người được tạo điều kiện tận dụng các cơ hội giáo dục mà chúng tôi đem đến ở FSPPM, học phí được xác định ở mức vừa phải, cùng với các khoản tài trợ và học bổng luôn sẵn sàng dành cho những học viên không đủ khả năng chi trả toàn bộ chi phí học tập. Với một mạng lưới hơn 1,400 cựu học viên đang làm việc trên khắp Việt Nam, FSPPM cũng mang tới cho học viên nhiều cơ hội đa dạng để thu thập những kiến thức vô giá và mở rộng tương lai nghề nghiệp của họ.

Được thiết kế để trang bị hành trang tốt nhất cho các công chức tương lai, Chương trình MPP chuyên ngành Phân tích Chính sách tại FSPPM mặc dù vậy không phải dành cho tất cả mọi người. Đó là một chương trình với những chuẩn mực học thuật nghiêm ngặt nhất nhằm đào tạo, kiểm nghiệm và chuẩn bị những thế hệ tương lai có khả năng kiến tạo thay đổi tích cực và trở thành những nhà lãnh đạo khu vực công hàng đầu. Như Giáo sư Sandel đã diễn tả một cách ngắn gọn: "quản trị tốt đòi hỏi trí tuệ thực tiễn và phẩm chất công dân – một năng lực tư duy nghiêm túc về lợi ích chung và theo đuổi nó một cách hiệu quả." Tuy vậy, đó là một con đường dài với phần thưởng xứng đáng dành cho những người thực sự cam kết.

  • Thạch Thảo

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'