Đánh giá chính sách thương mại của bộ kit xét nghiệm Covid-19: Góc nhìn từ dữ liệu toàn cầu
December 21, 2020

Đánh giá chính sách thương mại của bộ kit xét nghiệm Covid-19: Góc nhìn từ dữ liệu toàn cầu

December 21, 2020

Với mức độ lây lan và quy mô toàn cầu, đại dịch COVID-19 là một cú sốc y tế và kinh tế lớn đối với thế giới trong năm 2020. Trước bối cảnh đó, nhiều nhà khoa học đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu để gia tăng sự hiểu biết của cộng đồng quốc tế đối với đại dịch lần này. Nhìn chung, nghiên cứu khoa học về COVID-19 trong lĩnh vực phân tích kinh tế có thể tạm phân chia thành hai xu hướng chính: (1) đề xuất các kịch bản mô phỏng theo mô hình kinh tế-dịch tễ học; (2) tỷ lệ lây nhiễm và chính sách hạn chế di chuyển ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của quốc gia và thế giới.

Gần đây, có một ngả rẽ khác – đó là nghiên cứu về chính sách ngoại thương trong bối cảnh đại dịch; trong bộ công cụ hoạch định chính sách, chính sách thương mại được coi là một công cụ sẵn có với chi phí thấp và có thể bổ sung cho các chính sách khác như hạn chế di chuyển, các gói kích thích kinh tế và tài khóa. Phần lớn nghiên cứu về vai trò của chính sách thương mại chỉ tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến lương thực, vì an ninh lương thực có liên quan trực tiếp và mật thiết đến sinh kế của người dân.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID hiện nay là việc cung cấp kịp thời các vật tư y tế cần thiết nhằm chủ động ngăn ngừa và phát hiện sự lây lan của virus. TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Nghiên cứu Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cùng với TS. Võ Hải Long, Đại học Western Australia đã cùng nhau tiến hành nghiên cứu mang tính tiên phong nhằm phát hiện các tác động kinh tế tiềm tàng của các rào cản thương mại đối với phúc lợi người tiêu dùng ở một số nước nhập khẩu bộ kit xét nghiệm.

Bắt nguồn từ tính chất ‘không có triệu chứng” của dịch bệnh lần này, bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 có thể góp phần lây lan dịch nhanh chóng, ngay cả khi họ không biết mình đang mang mầm bệnh trong người, hoặc không cảm thấy triệu chứng gì trong cơ thể. Điều đó càng nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ kit xét nghiệm trong cuộc chiến chống lại virus corona. Vì không thể xác định rõ ràng thời gian và vị trí lây nhiễm, việc tiến hành xét nghiệm hàng loạt (mass testing) là điều cần thiết cho đến khi chúng ta có thể xác định được mô hình lây lan của virus.

Một điểm bất lợi rõ ràng của việc tổ chức xét nghiệm hàng loạt là chi phí cao và sự thiếu hụt ngày càng tăng của bộ kit xét nghiệm do cú sốc cả về nhu cầu và nguồn cung trên diện rộng, và điều này có thể gây bất lợi với biện pháp xét nghiệm hàng loạt” phân tích của TS. Thái Hà.

Trong số 4 loại kit xét nghiệm được liệt kê trên Cổng Dữ liệu Giải pháp Thương mại Tích hợp Thế giới (World Integrated Trade Solutions), xét nghiệm PCR hay còn gọi là xét nghiệm sinh học phân tử, do nhà khoa học người Mỹ Kary Mullis phát minh vào năm 1985, được Tổ chức Hải quan Thế giới (World Customs Organization) đánh giá có vai trò quan trọng trong kiểm soát đại dịch Covid-19. Dựa trên cơ chế tạo ra bản sao DNA mục tiêu trong ống nghiệm, xét nghiệm PCR có độ nhạy và độ chính xác cao, hạn chế tối đa những trường hợp âm tính giả hay dương tính giả. Trong nghiên cứu này, TS. Thái Hà và đồng tác giả quyết định chọn xét nghiệm PCR, loại kit được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới để thu được phạm vi dữ liệu dài nhất nhằm đảm bảo độ chính xác của mô hình ước tính nhu cầu.

Trước khi thực hiện mô phỏng dữ liệu, các tác giả tiến hành phân tích cơ bản để tìm hiểu mối quan hệ giữa tỉ lệ xét nghiệm theo khu vực địa lý và theo thu nhập. Trong phép phân tích đầu tiên, kết quả từ mô hình hồi quy đưa ra kết luận nước giàu hơn sẽ có xu hướng thực hiện xét nghiệm nhiều hơn. Kết luận này tương đối hợp lý và chính xác căn cứ trên giá thành cao của dụng cụ, hóa chất và máy móc cần thiết để thực hiện xét nghiệm PCR và trên cơ sở thực nghiệm, kết luận này cũng có ý nghĩa về mặt thống kê (R2 61%)

Tuy nhiên tỉ lệ xét nghiệm có kết quả dương tính không phụ thuộc vào thu nhập, kết luận rằng các nước nghèo có tỉ lệ xét nghiệm dương tính lớn hơn không có ý nghĩa về mặt thống kê. Quan sát trên thực tế, những nước có tỉ lệ nhiễm bệnh cao đều xuất hiện ở nhiều khu vực địa lý như Nam Á, Châu Mỹ và không có sự phân biệt về thu nhập giàu hay nghèo.

Hình 1: Test-kit Demand Shortage by Geography and Income

Tương tự như các sản phẩm y tế công nghệ cao khác, thị trường cho bộ kit xét nghiệm COVID-19 cũng bị chi phối bởi một số ít những nhà sản xuất có thu nhập cao, có công nghệ tiên tiến. Nhìn vào biểu đồ dây cung đại diện cho dòng chảy thương mại của các bộ kit xét nghiệm, có thể xác định được ngay hai khu vực xuất khẩu bộ kit xét nghiệm lớn nhất trên thế giới là khu vực Châu Âu & Trung Á (Europe and Central Asia – ECA) và khu vực Bắc Mỹ (North America – NA). Đây cũng là hai khu vực thống trị thị trường trong lĩnh vực các sản phẩm y tế chuyên sâu trong cả hai thập kỷ.

Hình 2: Regional Test-kit Trade Network, 2019

Nếu phân tích bộ kit xét nghiệm theo nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ sản phẩm nhập khẩu từ khối nước có thu nhập cao lần nữa áp đảo so với các nhóm nước còn lại. Một điểm đáng lưu ý là những nước thuộc nhóm thu nhập thấp (low income) có nguồn nhập khẩu đa dạng hơn so với các nhóm nước còn lại.

Hình 3: Regional Test-kit Import-Share Decomposition, 1996 – 2018

Sử dụng mô hình hàm cầu Rotterdam, TS. Thái Hà và đồng tác giả chọn ra 26 quốc gia đến từ các khu vực địa lý khác nhau và phân tích độ co giãn cầu đối với bộ kit xét nghiệm từ 5 nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là Mỹ, Đức, Hà Lan, Anh, và Singapore và mô hình phân tích được thực hiện với độ co giãn của cầu theo thu nhập (income elasticity) và độ co giãn của cầu theo giá (price elasticity).

Tuy độ co giãn của cầu theo giá của top 5 nhà xuất khẩu lớn hơn phần còn lại của thế giới, độ co giãn trung bình đều nhỏ hơn 1. Kết quả này ngụ ý rằng thay đổi về giá của bộ kit xét nghiệm có thể tác động tiêu cực đến thặng dư của người tiêu dùng. Những nước nghèo và có nhiều ca nhiễm bệnh có độ co giãn trung bình thấp hơn dẫn đến tổn thất phúc lợi cao hơn.

Sử dụng giá trị nhập khẩu (import values) và thuế suất (tariff rate), TS. Thái Hà ước tính tổn thất phúc lợi của người tiêu dùng, cụ thể con số này dao động từ 0,4 triệu đô la đối với bộ kit nhập khẩu từ Hà Lan đến 7,2 triệu đô la nếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Cũng cần lưu ý là những quốc gia lớn hơn thì giá trị nhập khẩu nhiều hơn và vì vậy tổn thất phúc lợi cũng sẽ cao hơn.

So sánh với các mặt hàng nhập khẩu khác và với tổng giá trị nhập khẩu, những quốc gia nghèo và kém phát triển về y tế như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan có thể chịu tổn thất cao hơn và chiếm ¼ (25%) tổng giá trị thương mại. Diễn giải con số 25%, TS. Thái Hà giải thích cứ mỗi đô la chi cho việc nhập khẩu bộ kit xét nghiệm thì ¼ số tiền đó bị thiệt hại do các rào cản thương mại và tổn thất sẽ càng khuếch đại nếu quốc gia đó phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và có hàng rào thuế quan cao. Trong khi đó, đối với những quốc gia có thu nhập cao như Úc, Thụy Sĩ với rào cản thương mại không đáng kể, tổn thất phúc lợi của người tiêu dùng ít hơn rất nhiều.

Nếu phân chia các nước theo nhóm thu nhập, tổn thất phúc lợi vượt mức cao nhất diễn ra ở nhóm các nước nghèo có thu nhập trung bình thấp với con số cụ thể là 19,6 triệu đô la. Đối với những nước thuộc nhóm thu nhập trung bình cao, giá trị trung bình của tổn thất do rào cản thương mại rơi vào khoảng 6,48 triệu. Trong khi đó, nhóm nước có thu nhập cao có tổn thất vượt mức rất nhỏ vào khoảng 0,9 triệu đô la.

Nhìn từ góc độ khu vực địa lý, khu vực châu Âu nơi tập trung đa số nhóm nước có thu nhập cao, tổn thất tiêu dùng ở mức rất thấp; trong khi đó, các quốc gia ở châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ có tổn thất vượt mức tăng liên tục theo thời gian do tỉ lệ xét nghiệm dương tính tăng theo thời gian. Một điều thú vị, trong khi toàn thế giới thể hiện xu hướng tăng, có một khu vực duy nhất là châu Đại Dương thể hiện tổn thất phúc lợi mô phỏng thấp hơn mức ban đầu. Nguyên nhân của hiện tượng này, theo TS. Thái Hà là do số lượng kết quả xét nghiệm dương tính có xu hướng giảm dần đều ở khu vực này chứng minh thành công trong cuộc chiến chống dịch ở châu Úc trong giai đoạn khảo sát.

Hình 4: Tổn thất phúc lợi tiêu dùng dư thừa được mô phỏng, theo khu vực

Dựa trên những kết quả nghiên cứu trên, TS. Lê Thái Hà cùng đồng tác giả đưa ra khuyến nghị các nhà nhập khẩu có thu nhập thấp cần đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một nguồn hàng nhất định. Bên cạnh đó, các rào cản thương mại cần phải được giảm bớt từ cả hai phía nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại – khi chúng ta đang trải qua một đại dịch toàn cầu, và để chiến thắng bệnh dịch cần một nỗ lực chung của cộng đồng thế giới.

Các nhà xuất khẩu nên xem xét tăng sản lượng hoặc giảm giá cho những nhà nhập khẩu phụ thuộc nhiều nhất vào sản phẩm của họ và đồng thời cũng dễ bị ảnh hưởng nhất từ những cú sốc về y tế,” nhận định của TS. Thái Hà.

Tuy nhiên, tác giả lưu ý những đề xuất này chỉ nhằm tăng hiệu quả phân phối của bộ kit xét nghiệm và có thể không đơn giản nếu triển khai trong thực tế - đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang trải qua một đại dịch có quy mô lớn bất thường khiến bản thân những nước xuất khẩu bộ kit xét nghiệm cũng đang chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, cần phải xét đến yếu tố kinh tế-chính trị của hoạt động quản lý thương mại quốc tế trong đó chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng và các cuộc chiến tranh thương mại diễn ra ở quy mô toàn cầu, như vậy việc sản xuất bộ kit xét nghiệm kể cả ở những quốc gia phát triển vẫn sẽ đặt ưu tiên hàng đầu là đáp ứng nhu cầu trong nước.

Trong bức tranh ảm đạm toàn cầu vì dịch bệnh, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng nhờ khống chế tốt mức độ lây lan của virus trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những thành công bước đầu trong việc phát triển những bộ kit xét nghiệm mang thương hiệu “made in Vietnam”, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn. Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào các bộ xét nghiệm do WTO cung cấp. Tuy nhiên, đã có nhiều đơn vị trong nước thành công trong việc nghiên cứu và phát triển bộ kit xét nghiệm riêng cho Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có 8 quốc gia sử dụng bộ kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất trong đó có những quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Indonesia và nhiều nước ở châu Âu như Ba Lan, Áo, Hungary và Ukraine. Tổng số lượng kit xét nghiệm xuất khẩu từ Việt Nam đã vượt hơn 20.000 bộ. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam và đặc biệt khi đang có những đàm phán để bộ kit xét nghiệm của Việt Nam chuẩn bị tiếp cận những thị trường lớn hơn ở châu Âu và Mỹ,” TS. Thái Hà nhận xét.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'