Đóng góp ý kiến về Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL 2021
March 26, 2021

Đóng góp ý kiến về Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL 2021

March 26, 2021

Tiếp nối Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL 2020, Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) sẽ tiếp tục tham gia thực hiện Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2021. Báo cáo do nhóm các chuyên gia kinh tế và chính sách hàng đầu Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với FSPPM, trong đó FSPPM chịu trách nhiệm chính về nội dung khoa học.

Vừa qua, VCCI Cần Thơ và Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright đã nhóm họp kỹ thuật tại Cần Thơ để lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế, chính sách, doanh nghiệp, từ đó xác định khung nội dung của Báo cáo Thường niên 2021.

Dựa trên các thảo luận và khuyến nghị từ các chuyên gia, doanh nghiệp, Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL 2021 được xác định bao gồm 3 đề tài chính, có mối liên hệ mật thiết với nhau: Đánh giá quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, mô hình chuyển đổi nông nghiệp (agricultural transformation) cho ĐBSCL, và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông gắn với chuyển đổi nông nghiệp. Báo cáo sẽ cung cấp các cơ sở khoa học giúp chính quyền Trung ương nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ĐBSCL, từ đó xác định rõ các ưu tiên chiến lược và trình tự thực hiện quy hoạch ĐBSCL trong 10 năm tới.

 

 

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright cho biết, Báo cáo 2021 sẽ tập trung giải quyết những vấn đề then chốt đối với sự phát triển của ĐBSCL, làm cơ sở cho các nghiên cứu về chính sách chuyên sâu sau này. Nhóm biên soạn cũng khuyến nghị tổ chức một chuỗi các hội thảo đan xen trong suốt quá trình triển khai dự án nghiên cứu trước khi công bố Báo cáo vào tháng 11/2021.

Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2020 là báo cáo đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện một vùng kinh tế của Việt Nam. ĐBSCL được chọn do sự tương đồng giữa các địa phương trong vùng cũng như sự độc lập tương đối của toàn vùng, với mục tiêu hướng đến hình thành thiết chế vùng kinh tế cho Việt Nam trong tương lai.

Thời gian qua, việc triển khai nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chính sách của Chính phủ về phát triển ĐBSCL chưa theo kịp thực tiễn phát triển nơi đây. Sự chậm trễ trong triển khai nghị quyết và thực thi chính sách đang là một trở ngại trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, cộng thêm tác động lớn của BĐKH đang khiến cho vùng kinh tế ĐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

 

 

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 245/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tống thể phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, An Giang và Kiên Giang) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó xác định vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được ban hành vào năm 2017 cũng một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của vùng ĐBSCL.

Thế nhưng cho đến nay, những quyết định và nghị quyết này vẫn chưa phát huy tác dụng, do đó đặt ĐBSCL vào vị thế hết sức bất lợi, nhất là khi đứng trước những thách thức to lớn từ bên ngoài như biến đổi khí hậu và các con đập thượng cũng như từ bên trong như an ninh lương thực và tập quán canh tác gây tác hại cho môi trường sinh thái.

Báo cáo Thường niên Kinh tế ĐBSCL của VCCI và FSPPM với ba nguyên tắc chính là độc lập, khoa học, và kịp thời kỳ vọng sẽ thực sự trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà làm chính sách cả ở cấp trung ương và địa phương cũng như cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'