Đưa TP.HCM thành Trung tâm Tài chính Quốc tế
November 17, 2020

Đưa TP.HCM thành Trung tâm Tài chính Quốc tế

November 17, 2020

Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa tổ chức buổi seminar chính sách chủ đề: “Năng lực cạnh tranh để trở thành Trung tâm Tài chính khu vực & quốc tế của TP.HCM” do diễn giả Trần Thị Quế Giang, Giảng viên Cao cấp chuyên ngành Tài chính của FSPPM, trình bày.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9,36% dân số và 0,63% diện tích, nhưng trong năm 2019, TP.HCM vẫn đóng góp 22,3% GDP, 26,6% số thu ngân sách, thu hút 22% nguồn vốn FDI của cả nước. Lĩnh vực mà TP.HCM có tỷ trọng đóng góp lớn nhất so với cả nước hiện nay là tài chính – ngân hàng. So với cả nước, giá trị gia tăng (GTGT) ngành tài chính – ngân hàng của TP chiếm tới 34% vào năm 2019. Xét về hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổng vốn huy động trên địa bàn TP.HCM chiếm 28,1% và tổng dư nợ cho vay ở TP.HCM cũng chiếm tới 26,9% so với cả nước vào cuối năm 2019. Trên thị trường vốn, tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) chiếm 94,5% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường.TP.HCM từ lâu đã được nhận định là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại và trung tâm tài chính quốc gia. Tham vọng của Thành phố không chỉ là duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước, mà còn thu hẹp và tiến tới bắt kịp các thành phố thành công trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung.

Nghị quyết số 16-NQ-TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đã xác định: “Xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.”

Trong buổi seminar, TS. Trần Thị Quế Giang tập trung phân tích những lợi thế vốn có của thành phố và những điểm mà thành phố cần phải cải thiện nếu muốn chuyển mình trở thành một trung tâm tài chính quốc tế có khả năng phục vụ thị trường trong nước, khu vực và sau đó là quốc tế.

Tại sao là TP.HCM?

Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng không những có những lợi thế về vị trí địa lý nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, môi trường kinh doanh ổn định, triển vọng tăng trưởng kinh tế cao mà còn là một trong những điểm đến cho các hoạt động dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, đi kèm là các dịch vụ tài chính trong thời gian tới.

Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế - vốn được kỳ vọng như một định hướng chiến lược để đưa kinh tế TP.HCM bứt phá trong tương lai.

TS. Quế Giang và nhóm nghiên cứu của ĐH Fulbright đã sử dụng các công cụ so sánh, phân tích để làm rõ lợi thế vốn có của thành phố cũng như đưa ra những khuyến nghị chính sách để hiện thực hóa tham vọng đưa thành phố thành trung tâm tài chính quốc tế trong đề án nghiên cứu khả thi này.

Nhóm nghiên cứu đưa ra định nghĩa Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) là một không gian đô thị tập hợp các dịch vụ tài chính, khách hàng và tổ chức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, phạm vi hoạt động và lưu chuyển dòng vốn vượt ra ngoài biên giới quốc gia, tuân theo những chuẩn mực quốc tế với quy mô và ảnh hưởng nhất định xét trên góc độ nghiệp vụ (chuyên môn hóa) hay cấp độ địa lý.  

TP.HCM có vị trí địa lý rất thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung để phát triển thành một trung tâm tài chính quốc tế: chỉ mất hơn 2 tiếng cho đường bay từ TP.HCM đến thủ đô các nước Đông Nam Á.

Vị thế và tầm quan trọng của TP.HCM trong nền kinh tế Việt Nam đặt ra nhu cầu cấp thiết đối với Thành phố và Trung ương trong việc lựa chọn chiến lược phát triển tạo sự đột phá cho Thành phố, để Thành phố tiếp tục là động lực tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Về định hướng, TP.HCM trước hết cần đóng vai trò trung tâm tài chính cung cấp sản phẩm dịch vụ hỗ trợ sự phát triển kinh tế cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm TP.HCM và cả nước, tiến tới trở thành TTTC khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa là TTTC quốc tế.

Những lợi thế so sánh

Trước những năm 1960, hầu như không có tổ chức nào trên thế giới đứng ra xếp hạng các trung tâm tài chính. Trong những năm gần đây có một số tổ chức đã xây dựng và xuất bản các bảng xếp hạng, trong đó một xếp hạng khá uy tín là GFCI (Global Financial Centres Index) của hãng tư vấn và nghiên cứu Z/Yen (Vương quốc Anh).

Kể từ tháng 3/2007, Z/Yen đã đưa ra 27 báo cáo cung cấp đánh giá về tính cạnh tranh và xếp hạng các trung tâm tài chính trên toàn thế giới, công bố mỗi năm hai lần. Năm nay, báo cáo GFCI số 27 khảo sát 120 trung tâm tài chính, trong đó 108 trung tâm tài chính được đưa vào danh sách chính thức còn 12 trung tâm còn lại là các trung tâm liên kết (associate centres), đang chờ được đưa vào danh sách chính thức. Vào tháng 3/2020, lần đầu tiên TP.HCM đã xuất hiện trong bảng xếp hạng GFCI 27 với tư cách là một trung tâm liên kết.

TS. Quế Giang và nhóm nghiên cứu chọn 14 trung tâm tài chính khác ở trong khu vực để đánh giá, so sánh với TP.HCM, trong đó có các trung tâm tài chính ở Đông Nam Á là Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Manila, và Jakarta – là các trung tâm trong bảng xếp hạng chính thức. Theo đó, TP.HCM đạt 553 điểm trong đợt khảo sát tháng 6/2020, thấp hơn các trung tâm tài chính Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur và Manila nhưng lại cao hơn trung tâm tài chính Jakarta (513 điểm).

Điều này cho thấy nếu TP.HCM có thể được vào danh sách chính thức thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vị trí của TP.HCM không thua kém các trung tâm tài chính lân cận như Jakarta, Manila hay Kuala Lumpur,” TS. Quế Giang phân tích.

Theo báo cáo GFCI, những tiêu chí chính để đánh giá năng lực cạnh tranh của một trung tâm tài chính gồm có: 1) Môi trường kinh doanh, 2) Nguồn vốn con người, 3) Cơ sở hạ tầng, 4) Mức độ phát triển của ngành tài chính và 5) Danh tiếng của thành phố. Bên dưới 5 yếu tố cạnh tranh chính sẽ là 138 chỉ số cấu thành để có thể đánh giá khả năng hình thành một trung tâm tài chính.

Nhóm nghiên cứu bóc tách và so sánh TP.HCM với 14 trung tâm tài chính nói trên dựa trên từng chỉ số trong 5 yếu tố cạnh tranh chính, sau đó tổng hợp tất cả các chỉ số cấu thành để thấy được tác động và mức độ quan trọng của các yếu tố cạnh tranh trong bức tranh tổng thể của TP.HCM.

Theo TS. Quế Giang, nhìn chung trong 5 yếu tố cạnh tranh chính thì TP.HCM có lợi thế nhất ở yếu tố nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, còn môi trường kinh doanh là yếu tố đang cần được cải thiện. Ví dụ, trong yếu tố nguồn nhân lực, những chủ số cấu thành tạo nên lợi thế cho thành phố có thể kể đến như: TP.HCM là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ những người tốt nghiệp từ các ngành khoa học xã hội, kinh doanh và luật có thể là nguồn cung tốt cho thị trường lao động của trung tâm tài chính, môi trường an toàn không có khủng bố, và tính đa dạng về ngôn ngữ.

Thách thức và định hướng chính sách

Nhóm nghiên cứu nhận định những thách thức mà TP.HCM gặp phải trong việc hiện thực hóa tham vọng đưa thành phố trở thành một trung tâm tài chính khu vực và thế giới, trước hết là thách thức liệu Việt Nam có thống nhất chính sách tổng thể để chọn TP.HCM là nơi ưu tiên phát triển trung tâm tài chính chủ yếu của quốc gia, vươn tới tầm khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, trong khi các trung tâm tài chính lớn trên thế giới lại không dựa nhiều vào ngân hàng, mà họ đa dạng hóa các sản phẩm tài chính và dựa nhiều vào thị trường hơn.

Nguồn sản phẩm của chúng ta dựa nhiều vào doanh nghiệp nhà nước, kể cả nhu cầu vốn lẫn các sản phẩm tài chính (cổ phiếu, trái phiếu...), mà các doanh nghiệp này rất chậm cổ phần hóa để có thể có thêm nguồn cung sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, một số chính sách về thuế, phí và nhiều chính sách quan trọng khác, đặc biệt là những chính sách liên quan đến khả năng chuyển đổi của đồng tiền, tự do hóa tài khoàn vốn ở phạm vi quốc gia mà TP.HCM không dễ can thiệp được,” TS. Quế Giang phân tích.

Có một số yếu tố mà TP.HCM có thể can thiệp được như môi trường kinh doanh: tính hiệu quả của hệ thống, tính chế tài của chính sách... thông qua cải thiện chất lượng hành chính công. Với việc triển khai chính sách minh bạch, trong sạch và hiệu quả, TP.HCM có thể cải thiện các chỉ số đang thấp như chỉ số tham nhũng, chỉ số hối lộ, chỉ số an toàn (giảm thiểu bạo lực, trộm cắp, tội phạm…); điều này sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh của TP.HCM.

Theo TS. Quế Giang, một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện chất lượng hành chính công chính là chất lượng tòa án; ở khía cạnh này, TP.HCM có số lượng các chuyên gia trong lĩnh vực tòa án tương đối nhiều hơn các địa phương khác. Ngoài ra, các trung tâm tài chính lớn nhất trên thế giới đều vận hành theo hệ thống Thông luật hay còn gọi là hệ thống Luật Anh-Mỹ (common law) thay vì hệ thống Luật dân sự hay còn gọi là hệ thống Luật Châu Âu lục địa (civil law), và quan sát cho thấy TP.HCM gần gũi với hệ thống luật Anh-Mỹ nhiều hơn các địa phương ở phía bắc.

TP.HCM có chỉ số nguồn nhân lực tốt xét về mặt số lượng, do vậy điều cần làm là cải thiện về mặt chất lượng; điều này có thể thực hiện bằng cách cải thiện hệ thống hành chính công hỗ trợ tính linh hoạt, giảm bất cân xứng thông tin, tuân thủ chuẩn mực quốc tế và thúc đẩy tính đổi mới sáng tạo của thị trường lao động và hệ thống giáo dục, TS. Quế Giang cho biết.

Đối với khía cạnh phát triển ngành, TP. HCM có thể gia tăng vị thế với việc đa dạng sản phẩm dịch vụ, phát huy thế mạnh trong việc phát triển lĩnh vực Fintech, thị trường giao dịch phái sinh hàng hóa và các sản phẩm tài chính xanh.

Ngoài ra, những yếu tố như quy hoạch đô thị, môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ và kỹ thuật và xây dựng thương hiệu TP.HCM cũng góp phần vào mục tiêu đưa TP.HCM thành một trung tâm tài chính khu vực và thế giới.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'