FSPPM X Harvard Kennedy: Phát triển bền vững trong một thế giới phân cực
December 27, 2022

FSPPM X Harvard Kennedy: Phát triển bền vững trong một thế giới phân cực

December 27, 2022

Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, khóa học tự chọn dành cho các học viên Thạc sĩ Chính sách công của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tại Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy (Trường HKS – Đại học Harvard, Mỹ) đã được tái khởi động vào đầu tháng 11/2022. Đây là khóa học do trường Fulbright và trường HKS đồng tổ chức trên nền tảng hợp tác 28 năm qua.

Đây là chương trình được thực hiện dựa trên nền tảng hợp tác giữa Trường FSPPM và Trường HKS – Đại học Harvard, Mỹ từ năm 1994 đến nay. Với nội dung chương trình phổ quát mang tính quốc tế được thiết kế phù hợp với bối cảnh Việt Nam, các giáo sư Harvard hy vọng học viên đã có được những góc nhìn và khung phân tích mới để áp dụng cho công việc và những mục tiêu tương lai, giải quyết những thách thức của thời đại.

Trải nghiệm di sản giáo dục tại khuôn viên Harvard

Trong khuôn viên của ngôi trường Harvard danh giá bậc nhất thế giới, 39 học viên FSPPM trải qua khóa học cường độ cao kéo dài một tuần (từ 7-11/11/2022) xoay quanh chủ đề “Phát triển bền vững trong một thế giới phân cực.” Sau những bỡ ngỡ ban đầu, các học viên nhanh chóng bắt nhịp học tập sôi nổi và đắm mình trong những bài giảng, các cuộc thảo luận, những chuyến tham quan thực địa trong không gian học thuật của Harvard.

Không phải ngẫu nhiên mà FSPPM lựa chọn Trường HKS làm điểm đến cho khóa học này. FSPPM được khởi nguồn từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) - dự án hợp tác giữa Trường HKS thuộc Đại học Harvard và Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Kể từ năm 1994, với chương trình giảng dạy được thiết kế dựa trên triết lý và phương pháp đào tạo tiên phong về chính sách công và quản lý của Trường Harvard Kennedy kết hợp nhuần nhuyễn với những hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, FETP, nay là FSPPM đã góp phần đào tạo thế hệ những người làm chính sách, những người phản biện chính sách, tư vấn chính sách, góp phần xây dựng năng lực và hiểu biết chính sách cho cả khu vực tư và phi lợi nhuận, thúc đẩy nền chính sách công mang tính dung hợp vì sự phát triển của Việt Nam.

Trường HKS là cái nôi đào tạo ra những chính khách nổi tiếng khắp thế giới; do đó, trải nghiệm lắng nghe những quan điểm, những góc nhìn từ các chuyên gia và giảng viên hàng đầu về chính sách công Hoa Kỳ ngay tại giảng đường Harvard là một điều rất đặc biệt. “Khi các bạn đến ngôi trường hàng đầu thế giới về chính sách công, các bạn thấy được giá trị mà trường Fulbright đã tạo ra từ năm 1994 tới nay, và được mở rộng tầm nhìn hơn so với những kiến thức mà các bạn đã được tiếp nhận ở Fulbright. Các học viên sẽ thấy một bằng chứng rất rõ ràng là Fulbright gắn liền với những đỉnh cao trí tuệ của nền học thuật thế giới, gắn liền với thực tiễn, hơi thở của cuộc sống,” TS. Huỳnh Thế Du nhận xét.

Cựu học viên Ngô Nguyễn Thảo Vy, khóa MPP2022 thì cho rằng khóa học ngắn hạn tại trường Harvard Kennedy không chỉ biến ước mơ được đặt chân lên ngôi trường lừng danh về chính sách công Harvard Kennedy của chị thành hiện thực, mà còn cho chị trải nghiệm trực tiếp lắng nghe những chuyên gia, những giảng viên có trình độ học thuật chuyên môn sâu sắc và kinh nghiệm làm việc thực tế với chính phủ Hoa Kỳ. “Vì vậy chúng tôi có cái nhìn sâu sát hơn về mặt thực tiễn và hiểu được cách họ đã thúc đẩy để các vấn đề chính sách công được diễn ra như thế nào và đáp ứng được những nhu cầu của xã hội về mặt thực tế ra sao,” chị Vy cho hay.

“Nếu như trước đây nghe tên Harvard thì tôi chỉ nghĩ nó như một cái tên nổi tiếng và một thương hiệu nổi tiếng, nhưng phải đến đây thì mình mới hiểu được điều làm nên Harvard là con người của Harvard, là bầu không khí này, là môi trường mà họ đã tạo ra, là sự cạnh tranh mà họ đã vô tình hay hữu ý đặt vào để làm nổi bật các giá trị của dân chủ và học thuật,” chị Ngô Nữ Huyền Trang, cựu học viên Khóa MPP2021 chia sẻ.

Đặt thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh thế giới đương đại, tận dụng trí tuệ đa chiều

Ban giảng viên hai trường FSPPM và HKS đã hợp tác để xây dựng khóa học “Phát triển bền vững trong thế giới phân cực” nhằm tạo dựng sự tham chiếu thực tiễn với những thách thức mà Việt Nam đang và sẽ đối mặt trong tương lai. Theo GS. Anthony Saich của Trường HKS, chương trình học được thiết kế xoay quanh những chủ đề liên quan phát triển bền vững như biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường; đây cũng là những vấn đề đang tạo ra nhiều thách thức trong quỹ đạo phát triển của Việt Nam. Khóa học đặt những vấn đề thực tiễn này trong bối cảnh rộng lớn hơn của thế giới, để Việt Nam có thể tham chiếu và học hỏi từ kinh nghiệm hữu ích của các quốc gia khác, một số buổi học cũng tập trung vào vấn đề năng lượng của Trung Quốc, Indonesia... hay bàn về quỹ đạo phát triển của các cường quốc có tầm ảnh hưởng quyết định đến tương lai của khu vực Đông Nam Á như Trung Quốc và Hoa Kỳ.

“Điều mà chúng tôi muốn các học viên có thể rút ra từ khóa học là một phần câu trả lời cho những thách thức cấp bách mà Việt Nam đang phải đối mặt. Chúng tôi cũng muốn học viên có thể thực sự lắng nghe những ý tưởng và đề xuất khác nhau có thể hữu ích để áp dụng cho Việt Nam và đưa vào các thảo luận chính sách tại Việt Nam,” GS. Anthony Saich cho hay.

Không chỉ đa dạng về nội dung học thuật và thảo luận, khóa học còn được “đo ni đóng giày” để thực sự hữu ích về mặt thực tiễn cho Việt Nam, thể hiện qua những hàm ý chính sách từ các bài giảng sau khi đưa ra bức tranh toàn cảnh về thị trường năng lượng thế giới, những ưu điểm và nhược điểm của các giải pháp năng lượng mà các quốc gia đã áp dụng, những giải pháp khả thi về mặt chính sách hướng tới mục tiêu giảm khí thải carbon và phát triển năng lượng thay thế, v.v. Từ đó, Việt Nam có thể lựa chọn đâu là giải pháp phát triển bền vững trong tương lai.

Ở trường Harvard Kennedy, giảng viên tham gia các hoạt động nghiên cứu liên quan đến chính sách công để có thể chia sẻ những tri kiến với sinh viên. Điều này thể hiện một sự tương đồng giữa Trường HKS và Trường FSPPM. Tại FSPPM, nghiên cứu là một trong ba trụ cột quan trọng, bên cạnh giảng dạy và đối thoại chính sách. Trong những năm qua, FSPPM đã nỗ lực thực hiện những nghiên cứu chất lượng cao, dựa trên bằng chứng và hướng đến các giải pháp thực tiễn, trong đó biến đổi khí hậu và năng lượng là những chủ đề nghiên cứu mà các giảng viên và nghiên cứu viên của trường đã dành nhiều tâm huyết, chẳng hạn như các dự án về biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Học viên Dương Hoàng Long, khóa MPP2023, hiện đang công tác tại Sở Ngoại Vụ TP. Hải Phòng, cho rằng giá trị mà khóa học ở Harvard mang lại chính là sự liên hệ về mặt thực tiễn mà anh nhận được từ những bài giảng và các buổi thảo luận. “Ở đây, các giáo sư khuyến khích học viên đưa các vấn đề thực tiễn của công việc của mình tại Việt Nam ra thảo luận tại lớp học. Thực sự điều này đã biến quá trình đào tạo trở thành tự đào tạo. Mặc dù đang ở nước Mỹ cách Việt Nam nửa vòng trái đất và thảo luận những vấn đề rất vĩ mô, tôi vẫn cảm thấy có giá trị thực tiễn và gần gũi với những công việc mình đang làm ở Việt Nam.” 

Tìm kiếm một góc nhìn rộng lớn hơn cũng chính là điều đã thôi thúc chị Ngô Nữ Huyền Trang, cựu học viên MPP2021 đăng ký tham gia khóa học dù chị đã tốt nghiệp FSPPM và trở lại làm việc trong lĩnh vực của mình. “Nếu mình nhìn càng gần thì mình sẽ thấy càng ít, do vậy tôi cho rằng đây là một thời điểm rất hay để tôi đi xa khỏi lĩnh vực mình đang làm việc, cũng như đi xa khỏi Việt Nam để nhìn vào những vấn đề của Việt Nam từ một đất nước khác, từ một phương diện khác và từ những lĩnh vực khác bên ngoài ngành của mình,” chị Trang chia sẻ. Theo chị, cách mà các giáo sư Harvard nhìn nhận một vấn đề với nhiều thông tin, từ nhiều khía cạnh và khơi gợi, khuyến khích học viên đặt câu hỏi, thảo luận và phản biện đã giúp học viên khơi mở tư duy và học hỏi thêm nhiều kỹ năng, công cụ để giải quyết những vấn đề của mình.

GS. Anthony Saich cho rằng những vấn đề mà khóa học đặt ra quá to lớn, khó có thể tìm được ngay những câu trả lời thỏa đáng. Điều quan trọng là khóa học giúp cho các học viên Việt Nam hiểu được góc nhìn từ phía Hoa Kỳ cũng như các góc nhìn tham chiếu khác, giúp các bạn rút ra được quan điểm của chính mình về các thách thức mà cả thế giới đang đối mặt. Những ai quan tâm các vấn đề phát triển bền vững, cũng như trăn trở về hiện tại và tương lai của Việt Nam, hoặc bất kỳ ai có tinh thần ham học hỏi, muốn có một khung tư duy rộng lớn hơn về những thách thức này và đặt nó vào góc nhìn tham chiếu đa chiều, đều có thể hưởng lợi từ khóa học.

  • Thúy Hằng

 

 

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'