Hiện trạng hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ: Những góc nhìn mới
August 28, 2021

Hiện trạng hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ: Những góc nhìn mới

August 28, 2021

Trong phiên thảo luận đầu tiên của Hội thảo trực tuyến về thực trạng và triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ, các vấn đề liên quan đến thặng dư thương mại và thao túng tiền tệ, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và tương lai thú hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã được các chuyên gia trình bày, phân tích và nhận định. Sự kiện do Đại học Fulbright Việt Nam phối hợp cùng Vụ Châu Mỹ (Bộ Ngoại giao) đồng tổ chức vào ngày 20/8 vừa qua.

Nguyên nhân khiến xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng cao

Từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được ký kết vào năm 2000, Hoa Kỳ luôn đóng vai trò là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng nhanh theo mỗi năm, Việt Nam lại không nằm trong top 10 các nước nhập khẩu nhiều từ Hoa Kỳ. Mở đầu cho phiên thảo luận, ông Nguyễn Đình Lương – nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA – đã nêu lên một số đặc điểm và nguyên nhân khiến cho cán cân thương mại của Việt Nam nghiêng theo hướng "xuất nhiều, nhập ít".

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) phát biểu tại hội thảo

 

Trong số đó, điểm nổi bật nằm ở sự khác biệt về cơ cấu kinh tế và xuất nhập khẩu của hai nước. Hoa Kỳ là nước xuất siêu về dịch vụ và nhập siêu về hàng hóa. Ngược lại, Việt Nam lại nhập về rất ít những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo từ phía Hoa Kỳ như dịch vụ, nông sản, và trang thiết bị hiện đại. Lý do vì sức mua của thị trường Việt còn khá khiêm tốn, chưa kể đến chiến lược đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ với các nước, cũng như biện pháp bảo hộ một số ngành nghề thiết yếu trong nước.

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở thị trường lớn hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ là điều mà Việt Nam có thể đáp ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã biết cách giải quyết bài toán về sản xuất hàng hóa cho thế giới. "Thị trường cần gì, nhiều ít bao nhiêu, chất lượng thế nào, mẫu mã ra sao, yêu cầu vệ sinh dịch tễ và xuất xứ hàng hóa gồm những gì, ta đều có thể sản xuất theo đó," ông Nguyễn Đình Lương nhận định.

Giáo sư David Dapice – chuyên gia hàng đầu về kinh tế Đông Nam Á tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard – cũng cùng quan điểm với ông Nguyễn Đình Lương về mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. "Không có một từ nào khác ngoài 'ngoạn mục' để mô tả những bước tiến đạt được trong quan hệ kinh tế hai nước," Giáo sư Dapice chia sẻ.

GS. David Dapice, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Đông Nam Á tại Trường Quản lý Nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard

 

Giải thích cho những con số tăng trưởng về xuất khẩu đáng kinh ngạc trong vài năm trở lại đây, ông cho rằng căng thẳng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đã buộc các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải chuyển đổi tư duy từ ‘Trung Quốc cộng một’ (‘China plus One’) sang ‘ABC’ (‘Anywhere but China’, tức ‘bất kỳ đâu ngoài Trung Quốc’). Việt Nam thường là điểm đến mà các doanh nghiệp này lựa chọn nhờ tận dụng tốt và triệt để những lợi thế sẵn có như môi trường kinh doanh và đầu tư thân thiện; lực lượng nhân công trẻ, dồi dào và ham học hỏi; cùng với đó là nỗ lực cải thiện và nâng cao cơ sở hạ tầng, và việc ký kết các hiệp định thương mại quan trọng trên trường quốc tế.

Giáo sư David Dapice cũng chỉ ra thực tế: Một bất cập khiến lượng xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam còn thấp là vì các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang gặp bất lợi khi cạnh tranh với doanh nghiệp các nước đã có hiệp định thương mại tốt với Việt Nam. Đơn cử, Hoa Kỳ cần tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoặc đàm phán một hiệp định thương mai tự do mới với Việt Nam nhằm củng cố khả năng và tăng cường cơ hội doanh nghiệp Hoa Kỳ thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và đại dịch COVID-19

Tiến sĩ Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương – nhấn mạnh: “Để giải quyết bài toán thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thì bên cạnh cái nhìn song phương, ta cần một cái nhìn tổng thể hơn.” Điều mà ông đi sâu vào phân tích, trình bày chính là hệ thống và mạng lưới chuỗi cung ứng, vốn gắn liền với luồng hàng hóa được sản xuất và xuất-nhập khẩu.

Tiến sĩ Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương

 

Khoảng 10 năm trở lại đây, xu hướng thu hẹp chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang diễn ra. Những bước tiến trong công nghệ số hóa và tự động hóa đã giúp các doanh nghiệp ít phải phụ thuộc vào người lao động, đồng thời tối ưu hóa và rút ngắn tuyến đường vận chuyển. “Do tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ càng tập trung vào vấn đề duy trì và phục hồi hơn là chi phí vận hành,” Giáo sư David Dapice cũng chia sẻ cùng quan điểm. Theo ông, các cơ sở sản xuất sẽ được tái định vị và thiết lập ở những nơi gần Hoa Kỳ hơn (ví dụ như Mexico) nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển cùng những tắc nghẽn phát sinh.

Riêng về vấn đề sản xuất theo hướng dây chuyền tự động, Giáo sư David Dapice cũng nêu lên thực tế mà một nghiên cứu gần đây của Nhật Bản đã chỉ ra: Các doanh nghiệp có 100% vốn Việt Nam (không tính đến doanh nghiệp FDI) chỉ đóng góp 1/4 vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Nhưng phần lớn lượng hàng ấy lại là hàng gia công xuất khẩu, thay vì tiêu dùng trong nước. Vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào sản xuất tự động tại Việt Nam sẽ có lý do để dè chừng hơn. Sự thiếu sót về mạng lưới cung cấp đó có thể được cải thiện, theo Giáo sư, nhờ những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện để thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng cho rằng, giải pháp cho vấn đề dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu là nằm ở chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam. Dù gặp phải những khó khăn về nguồn lực khi ứng phó với đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư nước ngoài vào nghiên cứu khảo sát, tìm hiểu và trao đổi lập dự án đầu tư. Trong đó phải kể đến quá trình cải cách và hoàn thiện thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh một cách mạnh mẽ, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực và kỹ năng lao động mới, phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng các khu công nghiệp sạch, v.v…

Một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng

Giáo sư David Dapice nhận định, lĩnh vực mà Việt Nam và Hoa Kỳ có thể và nên tăng cường hợp tác chính là y tế, đặc biệt là sản xuất vaccine. “Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ không chỉ quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang ứng phó đẩy lùi dịch bệnh hiện tại, mà còn đóng vai trò không nhỏ trong khả năng đương đầu của Việt Nam với các tình huống tương tự trong tương lai và trên thế giới, vốn được các chuyên gia dự đoán gần như chắc chắn sẽ diễn ra,” ông chia sẻ.

Hợp tác y tế giữa hai nước cũng là mối lưu tâm của Tiến sĩ Võ Trí Thành. Ông xem trang thiết bị y tế là một mặt hàng thiết yếu và quan trọng – hoàn toàn nằm trong năng lực sản xuất và đầu tư xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, số liệu năm 2019 lại cho thấy, Việt Nam không nằm trong top 20 của ngành thương mại trị giá trên 1000 tỷ USD tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Riêng Giáo sư David Dapice cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh mạng, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững – những lĩnh vực mà Hoa Kỳ với kinh nghiệm và nguồn lực dồi dào có thể hỗ trợ Việt Nam. Ngoài ra, giáo dục cũng là lĩnh vực mà hai vị chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ có thể hỗ trợ và đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Ông Võ Trí Thành đề cập: “Đại học Fulbright Việt Nam là một bức tranh đẹp giúp khắc họa mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.”

Bà Maria Goravanchi – Giám đốc điều hành Khu vực Hạ lưu sông Mê Kông của Tổ chức Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC)

 

Cũng trong tháng 7/2021, Tổ chức Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã công bố cam kết tài chính trị giá 37 triệu USD dưới hình thức một khoản vay trực tiếp 20 năm để hỗ trợ việc xây dựng cơ sở mới của Đại học Fulbright Việt Nam tại TP. HCM. Tham dự phiên thảo luận, bà Maria Goravanchi – Giám đốc điều hành Khu vực Hạ lưu sông Mê Kông của DFC – cho biết: “Khoản đầu tư của DFC vào Đại học Fulbright Việt Nam, tiếp nối các hỗ trợ trước đó của Chính phủ Mỹ, sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ hội giáo dục của Việt Nam.”

Là tổ chức thuộc chính phủ Hoa Kỳ thành lập vào tháng 1/2020, DFC có mối quan hệ đối tác với khu vực tư nhân nhằm cung cấp tài chính cho các giải pháp giải quyết những thách thức lớn mà các quốc gia đang phát triển ngày nay phải đối mặt. 5 lĩnh vực mà DFC ưu tiên đầu tư gồm năng lượng, chăm sóc sức khỏe, công nghệ số, an ninh lương thực và kinh doanh nông nghiệp, và tài chính toàn diện. Tổ chức hiện đang quản lý danh mục đầu tư trị giá 34 tỷ USD với nhiều dự án tại 100 quốc gia.

Đối tác toàn diện và lòng tin chiến lược

Trên hết, Giáo sư David Dapice hoàn toàn có cái nhìn tích cực về triển vọng và tiềm năng phát triển mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sự độc lập tự chủ, tự lực tự cường của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung chính là nhân tố quan trọng.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng tin tưởng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc và đại dịch COVID-19, Việt Nam và một số nước ASEAN đang nằm trong tầm ngắm của Hoa Kỳ trong định hướng chiến lược về thương mại và đầu tư. Theo ông, nền tảng quan trọng nhất của mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ chính là niềm tin. “Chúng ta là đối tác toàn diện, nhưng chúng ta có lòng tin chiến lược dài hạn.” – ông khẳng định.

Cũng như ông Nguyễn Đình Lương đã nhấn mạnh rằng quan hệ giữa hai nước đã và đang phát triển tốt đẹp, bởi “thương mại là trụ cột”: “Khi ta buôn bán càng nhiều, đi lại và gặp nhau càng nhiều, thì hai bên sẽ hiểu nhau hơn, giúp niềm tin đôi bên được củng cố. Từ đó, các quan hệ khác sẽ ngày một phát triển.”

Các chuyên gia cho rằng tuy còn nhiều thách thức về phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhưng đây vẫn là cơ hội lớn để Việt Nam vươn vai chuyển mình, tạo bước ngoặt trong cải cách toàn diện và phát triển kinh tế theo hướng bền vững và bao trùm, dựa trên năng suất và sáng tạo công nghệ. Tiềm năng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn rất lớn, và đòi hỏi những chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa từ Việt Nam để trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao.

  • Bảo Quyên

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'