Học mô phỏng tình huống
August 12, 2020

Học mô phỏng tình huống

August 12, 2020

Một phần thú vị của môn học Quản trị Nhà nước do PGS.TS Phạm Duy Nghĩa giảng dạy trong khuôn khổ chương trình đào tạo Thạc sĩ Chính sách công - MPP (Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) đó là học viên được tham gia những phiên mô phỏng tình huống thực tiễn.

Đặc trưng của môn học Quản trị Nhà nước tại Trường Fulbright đó là học viên không chỉ học, thảo luận những nền tảng trong quản trị quốc gia ở góc độ kiến thức mà còn trực tiếp đối diện với các thách thức hiện hữu tại Việt Nam và thế giới thông qua các phiên mô phỏng tình huống thực tiễn.

 

 

Các phiên mô phỏng luôn khác nhau trong mỗi lớp học tuỳ thuộc vào những vấn đề nổi lên trong xã hội. Nếu như lớp Thạc sĩ Chính sách công MPP19 (năm 2017) có các bài tập mô phỏng tình huống về BOT Cai Lậy, hiện thực hóa cơ chế tự chủ của TP.HCM thông qua thử nghiệm nâng lương cho công nhân viên chức... thì lớp MPP20 (năm 2018) là giai đoạn sôi nổi với Luật đặc khu, Luật an ninh mạng...

Học viên Nguyễn Đỗ Thuyên cho hay, hình thức học mô phỏng thảo luận giúp học viên thực sự hiểu được những khó khăn mà mỗi cá nhân/tổ chức phải đối mặt trong quy trình xây dựng chính sách. 

“Khi mô phỏng đóng vai là một thành viên của UBND TP.HCM, mình mới hiểu rõ những khó khăn về mặt kỹ thuật khi UBND muốn vận động thông qua chính sách ‘cho thuê vỉa hè để kinh doanh’ (tính toán giá thuê đất có mâu thuẫn gì với các chính sách hiện tại, những vấn đề về vệ sinh, an toàn hay bất ổn xã hội sẽ phát sinh ra sao, nguồn lực nào sẽ được dùng để thực thi.... Đồng thời, mình cũng nhận ra những mối quan tâm khác nhau của các nhóm khác nhau. Ví dụ, Hội đồng Nhân dân thật sự muốn điều gì và chịu sức ép từ đâu, phản ánh của báo chí và phản ứng của công luận.... Đó là cách học mang tính thực chất và đem lại giá trị lớn cho người học cả về kỹ thuật lẫn về tính ứng dụng và cập nhật” – học viên nhấn mạnh.

 

 

Năm 2020, lớp Quản trị Nhà nước thực hiện 3 phiên mô phỏng về 3 chủ đề gai góc hiện hữu tại Việt Nam: Dự án Đường sắt cao tốc, đoạn Cát Linh – Hà Đông, Luật Biểu tình, Luật về Hội.

Trong 3 phiên mô phỏng này, học viên phải trực tiếp đóng vai vào các vị trí thách thức bao gồm: Đại biểu dân cử (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân), các cơ quan nhà nước liên quan trực tiếp đến từng chủ đề (Bộ Công an, Bộ Nội vụ, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải), các doanh nghiệp – Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và cử tri.

 

 

Bằng hình thức nhập vai thảo luận, lớp sẽ chia ra các nhóm tùy theo đề bài: Hội đồng Nhân dân/UBND báo chí... nếu đó là phiên thảo luận giữa UBND với Ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng Nhân dân với sự theo dõi của công luận đối với một đề xuất chính sách cấp địa phương; hay là Bộ/Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội/Chuyên gia... nếu đó là một phiên điều trần của một Bộ nào đó tại Quốc hội.... 

Tại phiên mô phỏng Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, các học viên vào vai cơ quan nhà nước đối diện với thách thức giải trình, quá trình thực thi và chịu trách nhiệm trong dự án. Không chỉ vậy, trong phiên mô phỏng, các bên đã thảo luận những vấn đề mới ít được đề cập như quyền lợi của người dân, doanh nghiệp dọc theo dự án, vấn đề bồi thường thiệt hại do quá trình thực hiện dự án kéo dài.

 

 

Trong khi đó ở phiên mô phỏng Luật về Hội, học viên nhập vai các bên liên quan thảo luận về dự thảo luật với các góc nhìn khác biệt và những thách thức dung hòa. Trong phiên mô phỏng này, cả chủ trì và các bên liên quan thảo luận những khó khăn và tìm kiếm các giải pháp khả dĩ để hiện thực hoá Luật về Hội.

 

 

Ở phiên mô phỏng Luật Biểu tình, học viên lại tìm hiểu những thách thức lớn trong việc luật hoá các quy định trong Hiến pháp trong bối cảnh Việt Nam, những khó khăn, thách thức trong quá trình hiện thực hoá Luật Biểu tình cũng như các kinh nghiệm quốc tế có liên quan đến việc tổ chức, quản lý và xử lý khủng hoảng liên quan đến hoạt động biểu tình. 

 


"Học mô phỏng một phiên điều trần là cách mình đang trải nghiệm ở Fulbright. Nó thú vị vì giúp tất cả các học viên phải tìm hiểu tài liệu, thông tin từ báo chí, luật pháp, kiến thức của bạn cùng học và cả những người đang vận động cho một luật nào đó. Sau đó bạn phải chọn vai để đóng và bảo vệ quyền lợi của nhóm bạn tham gia chứ không phải quan điểm cá nhân của mình. Điều này giúp cho học viên hiểu được suy nghĩ của các bên liên quan để từ đó nghiệm ra các giải pháp nếu họ có cơ hội tham gia vận động luật ngoài đời", học viên Phạm Trường Sơn, lớp LM 21 cho biết.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'