Hội thảo về Đề án Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang
January 04, 2020

Hội thảo về Đề án Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang

January 04, 2020

Sáng ngày 4-1-2020, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến góp ý về Đề án "Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang: Tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững". Đề án được thực hiện trên cơ sở đề nghị của Tỉnh ủy tỉnh An Giang, và được kỳ vọng là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng cho việc định hướng chiến lược phát triển kinh tế của An Giang trong giai đoạn 2021-2030.

Tham dự Hội thảo có Ông Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; Ông Phan Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội. Hội nghị cũng có sự tham dự của các lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang gồm Bà Võ Thị Ánh Xuân – Bí thư Tỉnh ủy; Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, Ông Đỗ Tấn Kết – Phó Chủ tich Hội đồng Nhân, và Ông Lê Văn Nưng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, cùng một số nhà lãnh đạo địa phương trong các nhiệm kỳ trước.

Tham dự Hội thảo còn có các thành viên thuộc Tổ soạn thảo và Bộ phận giúp việc của Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, các thành viên trong Hội đồng Thẩm định Đề án, hầu hết lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan trên địa bàn và sự góp mặt của một số chuyên gia đến từ các trường đại học tại TP.HCM, Cần Thơ và An Giang.

Hội thảo tập trung đánh giá năng lực cạnh tranh của An Giang, thảo luận các nút thắt chính đang cản trở sự phát triển của tỉnh trong 20 năm qua, từ đó đề xuất định hướng chiến lược và sáu chương trình trọng điểm để hiện thực hóa kỳ vọng phát triển của người dân, mong muốn của doanh nghiệp, quyết tâm của chính quyền, và khát vọng của lãnh đạo tỉnh An Giang.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy An Giang - Bà Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: "An Giang cần thay đổi về tư duy, nhìn nhận đầy đủ và khách quan những hạn chế và thách thức, bình tĩnh lựa chọn cho đúng định hướng chiến lược, đồng thời thay đổi cách nghĩ của lãnh đạo và tạo cảm hứng cho người dân và doanh nghiệp... Những yêu cầu này đòi hỏi "cuộc cách mạng lần thứ hai của An Giang" không hề dễ dàng, thậm chí khó hơn cuộc cách mạng lần thứ nhất hồi 1986."

Trước đó, khi góp ý cho Báo cáo của Trường Fulbright, Ông Phan Thanh Bình "đánh giá cao nghiên cứu của Fulbright vì nó giàu tính kỹ trị, dám nhìn thẳng và nói thẳng sự thật, song quan trọng hơn là được thực hiện với tinh thần trách nhiệm và tính xây dựng cao."

Là đại biểu được mời góp ý đầu tiên, Ông Nguyễn Văn Giàu ôn lại một số sáng kiến của An Giang đã đóng góp cho công cuộc đổi mới thành công của vùng và quốc gia, bao gồm: việc chuyển đổi Tứ giác Long Xuyên; cơ chế quản lý, đặc biệt là kinh tế hộ; cho vay chính sách trực tiếp hộ nông dân; hạt nhân phát triển cá da trơn; và mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ông cũng gửi gắm "Đề án phải trả lời được câu hỏi cơ cấu kinh tế của An Giang sẽ thay đổi như thế nào trong 10 năm tới? Các chương trình triển khai nỗ lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế là gì? Quy hoạch sẽ thay đổi thế nào để phù hợp với định hướng chiến lược và thực hiện cơ cấu mới?". Cuối cùng ông nói, một ưu tiên quan trọng là "trong 10 năm tới phải thay đổi cái nhìn của Trung ương cho cả Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và cho tỉnh An Giang nói riêng."

Hội thảo đã tập trung thảo luận hai nút thắt quan trọng nhất của An Giang, đó là tư duy phát triển và khả năng kết nối giao thông với vùng Đông Nam Bộ. Đây cũng là hai nguyên nhân gốc rễ giải thích tạo sao An Giang có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt liên quan đến phát triển nông nghiệp và du lịch, nhưng các kết quả kinh tế lại suy giảm so với thập niên 2010 và thu nhập của người dân đang dần tụt lại so với các địa phương khác trong vùng. Hội thảo cũng tập trung thảo luận, đánh giá và góp ý thẳng thắn cho các đề xuất, kiến nghị mà An Giang có thể cân nhắc, để từ đó lựa chọn hướng đi một cách đúng đắn trong các giai đoạn tiếp theo.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'