Hội thảo vinh danh những đóng góp của cố Giáo sư Ngô Văn Long với nền học thuật của thế giới
March 03, 2023

Hội thảo vinh danh những đóng góp của cố Giáo sư Ngô Văn Long với nền học thuật của thế giới

March 03, 2023

Ngày 22-23/02 vừa qua, tạp chí Fulbright Review of Economics and Policy (FREP) – tạp chí học thuật của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) đã tổ chức thành công hội thảo “From Economic Theory to Economic Policy: Contributions of Ngo Van Long” để vinh danh những đóng góp của cố Giáo sư Ngô Văn Long với nền học thuật của thế giới.

Một số bài trình bày trong hội thảo tập trung vào việc xây dựng mô hình toán để mô tả các hiện tượng xã hội. GS. Lê Văn Cường (Paris School of Economics và CNRS, Pháp) với bài trình bày “Comparing the Harold-Domar, Solow and Ramsey growth models and their implications for economic policies” đã giới thiệu ba mô hình tăng trưởng Harold-Domar, Solow, và Ramsey, và so sánh ba mô hình này khi xuất hiện các giả định về chi tiêu công, nợ chính phủ, và cú shock COVID-19.

GS. Carmen Camacho (Paris School of Economics và CNRS, Pháp) trình bày “Optimal coalition splitting with heterogenous strategies” nhằm xây dựng chiến lược tối ưu cho các thành viên trong một liên minh khi có một thành viên rời khỏi liên minh, giả định rằng hành vi của các bên là khác nhau.

“Kantian - Nashian interaction and petty tax corruption in developing countries”, được trình bày bởi GS. Trần Nam Bình (UNSW, Australia và DEPOCEN, Việt Nam), phân tích tương tác giữa người thu thuế và người nộp thuế dưới các kịch bản về hành vi của các bên là Kantian hoặc Nashian, từ đó phân tích về vấn đề tham nhũng tại các nước đang phát triển.

Cũng áp dụng lý thuyết về hành vi Kantian – Nashian, nhưng GS. Phạm Hoàng Văn (Baylor University, USA) áp dụng vào thị trường lao động trẻ em với bài trình bày “Kantian and Nashian firms in a model of child labor”. Trong bài nghiên cứu, GS giả định các hành vi khác nhau của các doanh nghiệp với những kịch bản khác nhau về nhu cầu lao động, và tác động của nó lên sự tham gia của lao động trẻ em vào thị trường lao động.

Bên cạnh các mô hình lý thuyết, hội thảo cũng mang đến những bài nghiên cứu thực nghiệm. Bài trình bày “Cigarette tax pass-through in Vietnam: evidence from retailers’ data” của Võ Thị Mai Hương (National Chengchi University, Đài Loan – Trung Quốc và DEPOCEN, Việt Nam) tìm hiểu mức độ san sẻ phần chi phí tăng thêm do tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam và kết luận rằng phần lớn chi phí sẽ do người tiêu dùng chi trả thay vì người sản xuất. Bài trình bày cũng đề xuất một số khuyến khích nhằm cải thiện chính sách thuế thuốc lá với mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá.

PGS. Chu Hoàng Long (Australian National University, Australia) tìm hiểu lợi ích của việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế thông qua bài trình bày “Standards compliance, participation in the global value chain, and the value-added of labour: Evidence from Vietnam’s small-and-medium-sized enterprises”. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế có nhiều khả năng tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài hơn, và cũng có giá trị tạo ra trên mỗi lao động lớn hơn.

Tiếp nối chủ đề về các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, TS. Phạm Thị Bích Ngọc (Trường Đại học Kinh Tế TPHCM, Việt Nam), với bài trình bày “Total factor productivity and outsourcing: The case of Vietnamese small and medium sized enterprises” đã chỉ ra rằng việc thuê ngoài một số hoạt động trong doanh nghiệp giúp gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp.

Sau đó, GS. Nguyễn Văn Phú (ECONOMIX, CNRS, University of Paris Nanterre, và FERDI, Pháp) cùng bài trình bày “Capital diversion in Vietnam state-owned enterprises” phân tích hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Qua quá trình phân tích, tác giả kết luận nhìn chung, các doanh nghiệp nhà nước quan trọng sử dụng vốn khá hiệu quả, nhưng vẫn còn một số ít các doanh nghiệp vận hành rất không hiệu quả về mặt vốn. Việc sử dụng vốn thiếu hiệu quả có thể xem là một dạng lãng phí tài nguyên hoặc là một dạng chi phí chìm do hoạt động hối lộ gây ra.

Tiếp theo, TS. Lý Đại Hùng (Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam) phân tích mối liên hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam thông qua bài trình bày “Economic growth as cost of inflation across central provinces and cities in Vietnam”. Bằng việc phân tích dữ liệu từ 63 tỉnh thành Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2021, tác giả đã kết luận rằng lạm phát có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

GS. Phạm Thị Kim Cương (University Paris-Nanterre, Pháp) với bài trình bày “Public services, environmental quality and subjective well-being in a European city: The case of Strasbourg metropolitan area” đã chỉ ra rằng các yếu tố như dịch vụ công, môi trường sống, và cảm giác an toàn là những yếu tố quan trọng trong việc cải thiện mức độ hài lòng của cư dân về cuộc sống. Thu nhập, đáng ngạc nhiên chỉ ảnh hưởng đến mức độ hài lòng ở nhóm người có thu nhập thấp; Nhóm thu nhập trung bình và cao không có ảnh hưởng.

Ngoài những bài trình bày của các diễn giả, hội thảo còn đem đến cho sinh viên Đại học và học viên Cao học bài giảng đặc biệt về “The phases of late industrialization”, giảng dạy bởi GS. Phạm Hoàng Văn (Baylor University). Trong bài giảng của mình, GS đã giới thiệu các mô hình tăng trưởng quốc gia, cũng như phân tích lịch sử tăng tưởng của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'