Khi dữ liệu không chỉ là con số
July 18, 2022

Khi dữ liệu không chỉ là con số

July 18, 2022

Trong học kỳ Xuân vừa qua, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) bắt đầu triển khai giảng dạy môn học Nhập môn Khoa học Dữ liệu cho lớp chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý (MPP2023) trong khuôn khổ đào tạo chính quy Thạc sĩ Chính sách công. Như tinh thần tên gọi môn học, các học viên "nhập môn" với các khái niệm và nguyên lý cơ bản, qua đó thu nhận kiến thức nền tảng về Khoa học Dữ liệu. Môn học đang là xu thế bắt buộc mới, được các trường chính sách công hàng đầu trên thế giới cập nhật đưa vào danh mục đào tạo học thuật do tính thiết yếu, quan trọng trong thế kỷ 21.

Tiến sĩ Huỳnh Nhật Nam, giảng viên cao cấp, phụ trách Nhập môn Khoa học Dữ liệu chào các học viên đầu tiên trên lớp dí dỏm: "Xin chào những người dũng cảm nhất!". Lời chào vui vẻ của ông mang nhiều hàm ý. Giảng dạy môn khoa học mới, hơn hết trong bối cảnh ứng dụng dữ liệu còn mới mẻ ở Việt Nam, người phụ trách hiểu rằng thiết kế môn học thiết thực cho người học là một vấn đề.

 

 

Trong kỳ học này, Tiến sĩ Huỳnh Nhật Nam kết hợp với ông Phan Văn Hoàng Sơn, giảng viên thỉnh giảng, hiện là quản lý cấp cao về Dữ liệu tại Zalo. Cấu trúc bài giảng bao gồm lý thuyết của Tiến sĩ Huỳnh Nhật Nam kết hợp với các nghiên cứu tình huống do ông Phan Văn Hoàng Sơn soạn thảo từ thực tiễn làm việc tại Zalo.

Thay đổi tư duy

Môn học không đi sâu vào những khái niệm mang tính kỹ thuật của Khoa học Dữ liệu hay kiến thức về toán và lập trình. Môn học chủ đạo cung cấp kiến thức tổng quan, các công cụ kỹ thuật để xử lý, khám phá dữ liệu và rút ra những đánh giá từ dữ liệu, cũng như ứng dụng các công cụ này trong tình huống thực tiễn.

Dù không đặt nặng kiến thức về toán hay lập trình, nhưng học viên Trần Thị Bích Ngọc cho hay, khi chưa nhập môn, nhiều học viên có tâm lý ban đầu e ngại môn học khô khan với lý thuyết khó nắm bắt. Nhưng họ nhận thức rõ, xu hướng tích hợp dữ liệu trong đời sống không còn là điều hồ nghi.

Là một nhà sản xuất phim, Trần Thị Bích Ngọc, học viên lớp MPP2023 nhìn rõ xu hướng công nghệ thâm nhập rất sâu vào ngành điện ảnh và dữ liệu là một bên liên quan. Trong ngành này, công nghệ đã dần thống trị đến mức hình thành cả những cuộc thi viết kịch bản phim bằng AI.

 

 

"Trước đây tôi luôn thờ ơ với công nghệ trong điện ảnh, không thích phim có quá nhiều kỹ xảo, CGI... Giờ đây, công nghệ đã trở nên quá đỗi thân thuộc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ở một khía cạnh hẹp hơn, khoa học dữ liệu đã trở thành một xu thế của thời đại mà mình cần biết và hiểu về nó. Dù thích hay không thích, điều quan trọng mình phải hiểu các khái niệm về dữ liệu," Bích Ngọc chia sẻ.

Là trợ giảng môn học, Võ Tuấn Kiệt, học viên lớp MPP2022 nhận ra những trải nghiệm đã giúp anh thay đổi tư duy về dữ liệu và cách sử dụng dữ liệu. "Trước giờ tôi cứ nghĩ dữ liệu là cái gì đó khô khan, hoặc nghe về AI, big data cảm thấy rất xa vời. Giờ đây tôi thấy nó không xa vời như mình tưởng. Tôi nhận ra khối dữ liệu có thể tạo ra rất nhiều thứ, và người không có nền tảng về toán và lập trình vẫn có thể làm việc với dữ liệu và tối ưu hóa lợi ích từ nó," anh Kiệt chia sẻ.

Kiến thức gắn thực tiễn

Do học viên là những người nắm giữ các vị trí quản lý trong các cơ quan, tổ chức, công ty, không trực tiếp làm việc với dữ liệu, các giảng viên Huỳnh Nhật Nam và Phan Văn Hoàng Sơn đã thiết kế môn học để người học không phải trực tiếp làm công việc lập trình, viết code. Thay vào đó, họ được dạy cách "đọc" khối dữ liệu đã được lập trình, viết code sẵn để đánh giá những dạng dữ liệu cần quan tâm, dữ liệu tốt và những dữ liệu "có vấn đề". Điều này giúp học viên biết những tiêu chí để so sánh và lựa chọn một mô hình dữ liệu.

Cấu trúc kiến thức nhập môn theo cách như vậy khiến trợ giảng Võ Tuấn Kiệt cho hay, với vị trí quản lý cấp trung ở một công ty tư nhân, việc đánh giá được khối dữ liệu đối với anh rất cần thiết để có thể đưa ra những đề xuất công việc với lãnh đạo cấp cao.

"Những công ty nổi tiếng thế giới với mô hình kinh doanh B2B, B2C đều khai thác dữ liệu để sử dụng cho các mục đích khác nhau. Vậy tại sao ở Việt Nam có dữ liệu mà không biết cách tận dụng và coi như tài sản? Việc có thể áp dụng những kiến thức học vào công việc của tôi phụ thuộc vào việc lãnh đạo công ty có thấy dữ liệu có ý nghĩa hay không? Nếu không có dữ liệu đó sẽ làm mất đi lợi thế của cho doanh nghiệp ra sao và ngược lại nếu có những dữ liệu đó, chúng sẽ tạo ra lợi nhuận như thế nào cho công ty."

 

Học viên Trần Thị Bích Ngọc cho biết sau kỳ học đã không còn sợ những khái niệm của Khoa học Dữ liệu, và hiểu được ý nghĩa của con số, thông điệp mà con số chuyển tải.

"Mỗi một bộ dữ liệu kể một câu chuyện. Phải hiểu được ý nghĩa đằng sau những con số đấy chứ không phải lo lắng về công cụ chạy số đó như thế nào," Bích Ngọc nhận xét.

Học viên Nguyễn Thị Tuyết Nhung hiện là Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng của báo Vietnamnet, nhận xét môn học thú vị vì dạy cho người ở quản lý cấp trung hoặc cấp cao hơn cách phản biện dữ liệu.

"Sau khi học, tôi có thể nhìn vào một mô hình dữ liệu và biết cách đặt câu hỏi. Có nghĩa tôi đã lĩnh hội được nền tảng kiến thức để có tư duy phản biện về dữ liệu."

Theo trợ giảng Võ Tuấn Kiệt, các giảng viên đã truyền đạt những khái niệm cơ bản của môn học cho các đối tượng học viên không biết viết code, không có nền tảng về toán học, không có nền tảng về kinh tế và dữ liệu và làm việc trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Cách tốt nhất đó là diễn dịch lý thuyết trong ứng dụng tình huống cụ thể thực tiễn. Cụ thể, các giảng viên thiết kế buổi học với nửa đầu về lý thuyết bao gồm các công thức tính toán và sau đó giới thiệu, diễn giải các tình huống thực tiễn ứng dụng những lý thuyết đó.

Học viên Nguyễn Thị Tuyết Nhung nhận xét: "Thầy Huỳnh Nhật Nam và thầy Phan Văn Hoàng Sơn là sự bổ trợ rất tuyệt vời. Những tình huống thực tiễn thầy Sơn trình bày trong lớp giúp tôi hiểu nhiều vấn đề liên quan công việc của mình như việc làm dữ liệu trong các chiến dịch quảng cáo".

 

Học viên Tuyết Nhung tâm đắc môn học giúp cho học viên nhận thức không thiên kiến với một mô hình dữ liệu hoặc một vấn đề nào đó của dữ liệu. Từ đó nên tránh việc duy trì thiên kiến trong bất cứ quyết đinh nào, hay khi tiếp cận bất kỳ vấn đề gì thì nên tránh thiên kiến cá nhân ảnh hưởng đến việc xử lý vấn đề.

"Chỉ với 8 buổi học, môn học đã cung cấp một nền tảng cơ sở nhất định cho người quản lý để từ đó có thể tiếp tục dung nạp thêm kiến thức về dữ liệu nâng cao trình độ trong công việc," học viên nhận xét.

Với sự hào hứng khi vượt qua môn học tưởng chừng như thử thách giới hạn của bản thân với kết quả tốt, học viên Bích Ngọc cho hay bản thân không còn thấy dữ liệu khô khan và bức ảnh giảng viên Huỳnh Nhật Nam đứng giảng bài bên cạnh bảng mô hình dữ liệu với các điểm kết nối chằng chịt trở nên "giống như thầy đang chỉ tay vào một bức tranh trừu tượng và tôi thấy dữ liệu bay trong vũ trụ thật đẹp."

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'