Khi tinh thần doanh nhân công dẫn đến thông thái tập thể: nhìn từ bài học Việt Nam
December 20, 2021

Khi tinh thần doanh nhân công dẫn đến thông thái tập thể: nhìn từ bài học Việt Nam

December 20, 2021

TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa trình bày bài nghiên cứu của mình về lý thuyết lựa chọn công và tinh thần doanh nhân công dưới tình huống thực tiễn là Đổi Mới ở Việt Nam năm 1986.

Lựa chọn công hay lựa chọn tập thể được TS. Huỳnh Thế Du diễn giải bằng ví dụ ưa thích của ông là câu chuyện “tôm hùm và pizza”. Nếu như một nhóm người với thu nhập trung bình đi ăn nhà hàng và lựa chọn món ăn thì có thể phần lớn sẽ chọn món pizza vừa túi tiền. Nhưng nếu như số tiền cho bữa ăn được chia đều cho cả nhóm thì tất cả đều chọn món tôm hùm đắt tiền, bởi vì ai cũng sợ nếu lựa chọn pizza sẽ bị thiệt vì người khác sẽ ăn tôm hùm mà chỉ phải trả mức tiền bằng nhau. Nói cách khác, mặc dù khả năng chi trả cho bữa ăn của mỗi người chỉ là 5 đô-la cho món pizza, nhưng do cơ chế lựa chọn tập thể nên tất cả mọi người đều lựa chọn món tôm hùm 20 đô-la.

Dưới góc nhìn của cả xã hội, nếu như mỗi người đều tiêu 5 đô-la đúng với khả năng chi trả của tập thể thì xã hội sẽ phát triển lên. Trái lại, nếu khả năng chi trả của tập thể chỉ là 5 đô-la mà tất cả mọi người đều gọi tôm hùm thì phúc lợi chung của toàn xã hội sẽ giảm đi do nguồn lực không được sử dụng tối ưu.

 

TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

 

Lý thuyết về lựa chọn công được chia làm hai nhóm: lý thuyết lựa chọn công “cứng” (không duy lý, kẻ được người mất) và lý thuyết lựa chọn công “mềm” (duy lý, tất cả cùng được hay là sự thông thái tập thể). Nói một cách đơn giản, lựa chọn công “cứng” là các khoản đầu tư hay chi tiêu kém hiệu quả, còn lựa chọn công “mềm” thì vẫn có những quyết định hiệu quả. Một ví dụ điển hình của lựa chọn công “cứng” là sự sụp đổ của mô hình kinh tế kế hoạch, khi khả năng kinh tế của xã hội không gồng gánh được quyết định chính trị của các cá nhân vì quyền lợi cá nhân hạn hẹp.

 

TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

 

TS. Huỳnh Thế Du nêu ra khái niệm “tinh thần doanh nhân công”, theo định nghĩa của Alan Altshuler và David Luberoff, (2003) là “những nhà lãnh đạo khu vực công năng động và khéo léo, biết mở rộng phạm vi của các hành động khả thi bằng cách vận động sự ủng hộ của các lực lượng khác nhau, ứng biến với những người chỉ trích, đảm bảo nguồn lực và quản lý xung đột, thường là qua nhiều năm lập kế hoạch và triển khai”. Hiểu một cách đơn giản, doanh nhân công là những người làm trong khu vực công, hiểu được hệ thống và quyết tâm làm những điều có giá trị cho xã hội.

Nhìn lại tình huống Việt Nam

Vào năm 1989, trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự sụp đổ mang tính hệ thống của các nhà nước chủ nghĩa xã hội, Francis Fukuyama đã xuất bản bài viết gây tiếng vang “Sự cáo chung của lịch sử?” (The end of history or the last man) trong đó ông cho rằng sự sụp đổ của mô hình XHCN là điểm kết thúc trong cuộc tiến hóa tư tưởng của loài người, và rằng mô hình phát triển của nhân loại chỉ có thể là mô hình kinh tế thị trường và dân chủ. Tuy nhiên, thực tế đã không đúng như vậy. Mức tăng GDP bình quân đầu người theo giá năm 2017 giai đoạn 1990-2020 thì ba quốc gia cải cách tiệm tiến là Trung Quốc, Việt Nam và Lào đạt mức tăng trưởng cao nhất chứ không phải là những quốc gia xóa ngay mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

 

 

Thêm vào đó, trong bối cảnh thế giới đang khủng hoảng về mô hình phát triển và với cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ cuối thập niên 2000 thì niềm tin về mô hình kinh tế thị trường đã có sự giảm sút đáng kể. Tính thị trường, đặc biệt ở trong những ngành kinh tế mới của Hoa Kỳ như ngành công nghệ, đã không còn mang tính thị trường thuần túy mà nó đã chuyển sang tính độc quyền khi một nhóm các doanh nghiệp độc quyền thâu tóm toàn bộ thị trường và làm nảy sinh những hệ lụy (big tech hiện nay). Đặc biệt khi chủ nghĩa dân túy nổi lên từ năm 2015 đến nay thì niềm tin vào mô hình dân chủ cũng có sự giảm sút đáng kể. Trong khi đó, Singapore, Trung Quốc và một số nước khác tuy không thực sự theo mô hình dân chủ nhưng lại có những bước tiến đáng kể về mặt phát triển.

Theo TS. Huỳnh Thế Du, nhìn lại lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, Đổi Mới là một lựa chọn đúng trong trạng thái thức tỉnh hay sự thông thái tập thể, sự thông thái của số đông mà hiểu một cách đơn giản là các quyết định tốt cho cái chung. Đổi Mới đã được dẫn dắt bởi những doanh nhân công, những người rất hiểu hệ thống với tinh thần dám nghĩ, dám làm và biết cách làm.

 

 

Theo lý thuyết lựa chọn tập thể, để có được sự thông thái tập thể hay nói cách khác là những lựa chọn công có tính duy lý thì phải có những doanh nhân công dám nghĩ, dám làm, có khát vọng và chịu áp lực từ bên ngoài nhưng phải có liên minh vận hành và ủng hộ rất mạnh, đồng thời phải có sự tham gia của các đối tác có lợi ích dài hạn. Trong 6 thập kỷ (1930-1986), ba nhân vật chính lãnh đạo ĐCSVN là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và Trường Chinh, những người có tinh thần doanh nhân công đã dẫn dắt tập thể đưa đến những lựa chọn và quyết định đúng, trong đó có Đổi Mới năm 1986. Quá trình đổi mới từ dưới lên, tức là từ cải cách nông nghiệp (khoán Hải Phòng, khoán Vĩnh Phúc) rồi tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung ương, phá rào ở Thành phố Hồ Chí Minh... là những ví dụ chứng minh tinh thần doanh nhân công trong đêm trước Đổi Mới, và chứng tỏ rằng Đổi Mới không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Tinh thần doanh nhân công được thể hiện rất rõ trong các lãnh đạo của ĐCSVN, và sự thông thái tập thể đã xuất hiện nhiều lần trong ĐCSVN.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'