Kỷ niệm từ bức hình “Fletcher Gang” của ngài Đại sứ
November 30, 2020

Kỷ niệm từ bức hình “Fletcher Gang” của ngài Đại sứ

November 30, 2020

Đại sứ Nguyễn Vũ Tú xúc động chỉ tay lên màn hình LED phóng lớn bức ảnh thủa trẻ của ông và các bạn học Việt Nam chụp cùng những người bạn Mỹ trong khuôn viên trường Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, Massachusetts. Bức hình chụp bên lề hội thảo về gỡ bỏ cấm vận tại Boston năm 1993 gồm có Thượng nghị sĩ John Kerry, Nguyễn Trung Thành, Thomas Vallely, lúc đó là Giám đốc Chương trình Việt Nam của Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, và ông Phạm Bình Minh (sau này là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).

“Lúc đó tôi không nghĩ bức hình sau này trở thành một kỷ niệm với những con người gắn bó với những di sản lịch sử trong quan hệ Việt-Mỹ”, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú mở đầu câu chuyện gắn bó của ông với một trong những di sản hợp tác giáo dục quan trọng bậc nhất trong quan hệ Việt – Mỹ.

Gần 30 năm trước, một nhóm cán bộ ngoại giao trẻ tuổi của Việt Nam đến Mỹ theo diện học bổng Fulbright. Người làm cầu nối để chương trình học bổng danh giá toàn cầu này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyển được những học viên Việt Nam đầu tiên là Thomas J. Vallely, người sáng lập và là giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard. Nhóm cán bộ ngoại giao này có Phạm Binh Minh, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Vũ Tú, sau này đều là những nhà ngoại giao cốt cán của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Họ đã theo học về quan hệ quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, Massachusetts, Mỹ trong giai đoạn từ 1991 đến 1995.

Ông Thomas Vallely đã nỗ lực thúc đẩy chương trình trao đổi giáo dục trên như một cầu nối mở ra giai đoạn gỡ bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ. Nhưng những nỗ lực vận động gắn kết Việt Nam vào chương trình này thời kỳ đầu gặp khó khăn lớn nhất đó là tìm được những ứng viên biết tiếng Anh. Một đất nước trong thời kỳ cấm vận, đóng cửa với thế giới, kinh tế khó khăn và đang từng bước khôi phục, tái thiết đất nước sau chiến tranh khiến ông Thomas rất chật vật tìm kiếm những người Việt giỏi tiếng Anh. Chia sẻ suy tư này với nhóm cán bộ ngoại giao theo học ở Tufts, ông để ngỏ một ý tưởng.

“Trong những lần nói chuyện ở Boston, Thomas Vallely đã nói một ý với chúng tôi rằng: Tại sao mình không thể vượt qua được trở ngại này nhỉ? Nếu như một chương trình như vậy mở tại Việt Nam, các giảng viên người Mỹ dạy học có kèm phiên dịch tiếng Việt thì sẽ có nhiều cán bộ của Việt Nam được truyền đạt kiến thức quản lý kinh tế mới” – Đại sứ Nguyễn Vũ Tú kể lại.

Việc gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam vào đầu năm 1994 mang đến chất xúc tác cho ý tưởng trên. Thomas Vallely đã nhanh chóng vận động để đưa chương trình Fulbright đến Việt Nam trong thời điểm Việt Nam – Hoa Kỳ kết nối các nỗ lực vận động ngoại giao cho việc chính thức bình thường hóa quan hệ. Đây là lúc ý tưởng sơ khởi trong câu chuyện ở Boston với nhóm học viên Việt Nam ở trường Fletcher của Thomas Vallely trở thành hiện thực. Sau khi du học về nước năm 1994, trong khi Phạm Bình Minh, Nguyễn Trung Thành trở lại Bộ Ngoại giao công tác thì Nguyễn Vũ Tú về lại cơ quan cũ là Sở Ngoại vụ TP.HCM. Nguyễn Vũ Tú đã đại diện cơ quan ngoại vụ địa phương này trở thành đầu mối kết nối những nỗ lực vận động đưa chương trình Fulbright vào Việt Nam.

Kết quả là, Quốc hội Mỹ đã thông qua chương trình Fulbright Việt Nam và được Chính phủ Việt Nam đồng ý để Bộ GD-ĐT Việt Nam hợp tác với Hội đồng các tổ chức học thuật Mỹ (ACLS) và Viện Phát triển quốc tế Harvard (HIID) thực hiện dự án đào tạo chuyên gia về quản lý kinh tế tại trường Đại học kinh tế TP.HCM. Đây là một chương trình độc lập, không liên quan đến Chương trình học bổng Fulbright toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ dành riêng cho Việt Nam. Chưa đầy hai tháng sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ thông báo quyết định bình thường hoá quan hệ ngoại giao, chương trình Fulbright Việt Nam dưới cái tên gọi Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) tổ chức đào tạo khoá đầu tiên từ tháng 9.1995 đến tháng 7.1996, với 52 học viên là cán bộ nhà nước, nhà kinh doanh và giảng viên đại học.

Đại sứ Nguyễn Vũ Tú và các cựu học viên FETP&FSPPM

Giáo sư Dwight Perkins, lúc đó là Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard cùng Thomas Vallely và các cộng sự đã đưa ra 3 định hướng quan trọng để phát triển FETP ở Việt Nam một cách khác biệt và hiệu quả. Trong đó có việc xác định đối tượng đào tạo sẽ không nhắm vào các cán bộ trung ương nơi dễ huy động nguồn lực. Thay vào đó, chỉ tập trung đào tạo kiến thức quản lý kinh tế, nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền cấp địa phương, mà ở thời kỳ thập niên 90, kiến thức kinh tế quản lý hiện đại, kết nối với nhịp đập thế giới là điều xa xỉ đối với họ. Những giáo sư người Mỹ từ Harvard tham vọng tập trung được đội ngũ học viên đông đảo, đa dạng thành phần đến từ tất cả các tỉnh, thành Việt Nam theo học tại FETP dưới sự giảng dạy trực tiếp của họ.

Nhưng để có được phiên dịch với chuyên môn kinh tế lúc bấy giờ không phải việc dễ dàng.

“Lúc đó tôi trình bày với sếp (Giám đốc Sở Ngoại vụ Vũ Hắc Bồng) là trường thiếu nguồn lực phiên dịch về kinh tế. Chú nói với tôi qua giúp trường. Trong suốt thời kỳ FETP khoá 1 đến khoá 5, các học viên gặp tôi suốt ngày trên lớp phiên dịch và giảng dạy cùng các giáo sư của Harvard”, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú kể lại.

Nguyễn Vũ Tú trở thành trưởng nhóm phiên dịch của trường cùng các đồng nghiệp khác gồm Lửa Hạ, Thạch Quân, Kim Chi, Hiếu Hạnh, Xinh Xinh và Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Quý Tâm, luân phiên thay nhau dịch các tài liệu học thuật kinh tế của Harvard và đứng lớp phiên dịch, trợ giảng cho các giáo sư của Harvard. Trong đó, Nguyễn Xuân Thành và Nguyễn Quý Tâm sau này trở thành giảng viên gắn bó với Trường cho đến ngày nay.

Một trong những thách thức lớn của nhóm phiên dịch này đó là các thuật ngữ kinh tế hiện đại của thế giới chưa từng có trong từ điển tiếng Việt. Nhiều khái niệm kinh tế, thị trường của thế giới chưa từng xảy ra trong thực tiễn Việt Nam do nền kinh tế bao cấp, đóng cửa hội nhập trong nhiều năm. Do đó, FETP có thể được coi là một nơi “sản sinh” ra các thuật ngữ kinh tế học hiện đại tiếng Việt. Ông Nguyễn Vũ Tú còn có sáng kiến mở chương trình đào tạo về kiến thức kinh tế và thuật ngữ kinh tế cho các phiên dịch viên để ngày càng phổ biến được nhiều hơn các khái niệm kinh tế mới trong tiếng Việt.

Hơn cả công tác giảng dạy, sự gắn bó trực tiếp với Trường Fulbright của ông Nguyễn Vũ Tú cũng như sự hỗ trợ theo sát của Sở Ngoại Vụ TP.HCM còn góp phần giúp cho hoạt động của FETP trong giai đoạn đầu vượt qua những trở ngại, nhất là đặt trong bối cảnh giai đoạn đầu bình thường hoá quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ còn nhiều nghi kị nặng nề, chập chững xây dựng lòng tin. Một câu chuyện được ông chia sẻ đó là cơ sở đào tạo của FETP được đặt trong khu nhà cổ của Viện Kinh tế TP.HCM – Đại học Kinh tế TP.HCM.

Một cách tình cờ, ngôi nhà trong hẻm Võ Thị Sáu, Quận 3 này nằm ở phía sau dãy nhà trụ sở của Thành uỷ TP.HCM. Khi FETP mới đi vào hoạt động, vị trí nhạy cảm này đã trở thành nguồn cơn cho những tin đồn thổi mang nặng “thuyết âm mưu”, đặt dự án đào tạo và cơ quan ngoại vụ địa phương vào tình thế khó xử. Những câu chuyện thêu dệt vô căn cứ rồi cũng lắng xuống nhưng FETP khó lòng tồn tại đến ngày nay nếu không có vai trò của nhiều người “gác cửa” những sự vụ giống như phép thử của lòng tin Việt-Mỹ thủa ban sơ.

“Năm 2010, tôi đi công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Lúc bấy giờ, có người đến gặp và nói với tôi rằng: cảm ơn Tú trong thời gian làm việc ở Fulbright đã giữ cho trường không bị điều tiếng như đồn thổi” – Đại sứ Nguyễn Vũ Tú chia sẻ.

Sự nghiệp ngoại giao của ông Nguyễn Vũ Tú sau này có nhiều dấu gạch sống động khác nhưng sự gắn kết của ông với Trường Fulbright vẫn luôn nối dài hơn hai thập kỷ. Những giảng viên người Việt của trường là những cộng sự, bạn bè đồng nghiệp thân thiết của ông. Ở Trường Fulbright, ông là một thầy giáo, một viên gạch làm nên FETP thời kỳ đầu tiên.

Sau này khi công tác nhiệm kỳ ở Philippines, ông từng giới thiệu một nhóm sinh viên Philippines tới tìm hiểu về ViệtNam và một trong những địa điểm tới thăm của họ chính là chương trình FETP.

Khi về họ rất ấn tượng với chương trình. Họ nói với tôi rằng, “tại sao chương trình này chỉ dành cho Việt Nam mà không làm cho cả Đông Nam Á để cho các nước khác cùng được hưởng?” Cho đến giờ, mô hình của FETP vẫn là chương trình duy nhất mà Mỹ từng thực hiện trên thế giới”.

Theo Đại sứ Nguyễn Vũ Tú, 25 năm thành lập trường Fulbright, kể từ FETP và đến nay là FSPPM (Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) thuộc Đại học Fulbright, có một sự thật đã được chứng minh. Những năm đầu, trường ra đời trước thời kỳ bình thường hoá quan hệ được xem như một sáng kiến rất can đảm.

“Đó là thời kỳ vô cùng khó khăn, làm gì với Mỹ cũng khó. Bây giờ thế giới đã xoay chiều, Việt Nam hội nhập sâu rộng và người Việt đã hiểu rõ hơn đâu là đối tác, đâu là đối tượng. Có nhiều chương trình trao đổi giáo dục quốc tế nhưng chương trình Fulbright là chương trình duy nhất đến nay còn tồn tại, phát triển ở một tầm cao mới và trở thành tài sản của Việt Nam. Những gì Trường Fulbright tạo dựng trong 25 năm qua đã kiến tạo một di sản giáo dục quan trọng bậc nhất trong quan hệ Việt – Mỹ – Đại sứ Nguyễn Vũ Tú.

  • Xuân Linh

*Đại sứ Nguyễn Vũ Tú là nhà ngoại giao kỳ cựu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines, Hàn Quốc, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'