Lãnh đạo sáng tạo trong khủng hoảng Covid-19: bài học của Hàn Quốc
October 07, 2020

Lãnh đạo sáng tạo trong khủng hoảng Covid-19: bài học của Hàn Quốc

October 07, 2020

Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa khởi động lại chuỗi Hội thảo Chính sách trực tiếp tại Crescent Campus từ tháng 10/2020. Mở đầu cho chuỗi hội thảo mùa thu năm nay là seminar của TS. Bae Yooil về cách thức xử lý khủng hoảng Covid-19 của Hàn Quốc dưới lăng kính phân tích của tư duy thiết kế và lãnh đạo sáng tạo.

Đại dịch Covid-19 đã đặt các chính phủ trên thế giới vào những tình huống phải lựa chọn các công cụ chính sách phù hợp với hạ tầng thể chế của từng quốc gia, cơ cấu kinh tế cũng như các yếu tố văn hóa, lối sống, các vấn đề về công bằng xã hội... Đối với một nền kinh tế mở, tập trung vào xuất khẩu như Hàn Quốc, biện pháp phong tỏa toàn bộ đất nước đã không được lựa chọn mặc dù nước này đã từng là ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc vào cuối tháng 2/2020.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã trở thành một điểm sáng trong bản đồ khống chế dịch corona ở khu vực Đông Á, được thế giới ca ngợi vì khống chế dịch tốt nhờ sự kết hợp linh hoạt nhiều giải pháp sáng tạo. Phân tích chính sách xử lý khủng hoảng Covid-19 của Hàn Quốc chính là một nghiên cứu tình huống tiêu biểu cho các học viên FSPPM đến từ cả khu vực công và tư.

Vấn đề hóc búa

Trong hoạch định và chính sách, một vấn đề hóc búa (wicked problem) là một vấn đề khó hoặc không thể giải quyết được vì những yêu cầu không hoàn chỉnh, mâu thuẫn và hay thay đổi. Hơn nữa, nỗ lực giải quyết một khía cạnh nào đó của vấn đề hóc búa này có thể tạo ra những vấn đề khác.

Theo TS. Bae Yooil, đại dịch Covid-19 chắc chắn là một vấn đề hóc búa vì tính phức tạp và đa chiều của nó: liên quan đến sức khỏe cộng đồng, kinh tế, nạn nghèo đói, giáo dục... Dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng cũng gây ra hàng loạt vấn đề về kinh tế, môi trường và dân số. Đây không chỉ là trách nhiệm của một cơ quan đơn lẻ nào đó. Vấn đề này vượt ra ngoài năng lực hành chính và y tế công cộng của mỗi nước, và ngay cả nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này vẫn chưa rõ ràng và gây ra bất đồng khi thảo luận. Trên thực tế, Covid-19 còn hơn cả một vấn đề hóc búa nếu xét tới phạm vi và tốc độ lây lan của dịch, đòi hỏi phản ứng nhanh nhạy của chính phủ mỗi nước tương ứng với diễn biến phức tạp của dịch.

Covid-19 rất khó để giải quyết bằng các hệ thống cơ quan quản lý nhà nước theo cách tiếp cận truyền thống, cụ thể là cách tiếp cận từ trên xuống (top-down), nghĩa là người dân làm theo chỉ đạo từ cơ quan kiểm soát dịch bệnh của mỗi nước, bởi vì những vấn đề này đòi hỏi phải có những giải pháp nhanh nhạy và sáng tạo nằm ngoài phạm vi của lằn ranh phân chia giữa khu vực công và khu vực tư.

Theo quan sát của TS. Bae Yooil, cách tiếp cận từ trên xuống là chưa đủ để giúp Hàn Quốc khống chế dịch; những sáng kiến từ các cá nhân trong xã hội, ví dụ các sinh viên đại học hoặc doanh nghiệp tư nhân đã góp phần tích cực cho quá trình này. Nói cách khác, đây chính là cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up), tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại bổ trợ cho cách tiếp cận truyền thống trong nỗ lực khống chế dịch của Hàn Quốc.

Tư duy thiết kế và agile

Tư duy thiết kế và tư duy agile (tạm gọi là tư duy linh hoạt) xuất phát từ khu vực tư và dần được du nhập vào khu vực công.

Phương pháp tư duy thiết kế chú trọng và nhấn mạnh sự hợp tác của nhiều đối tượng (người dùng) trong việc giải quyết những vấn đề hóc búa. Trọng tâm của tư duy thiết kế là lặp đi lặp lại quá trình thử nghiệm và tiếp nhận phản hồi để đáp ứng nhu cầu của công dân sử dụng dịch vụ công. Năm giai đoạn của quy trình tư duy thiết kế gồm có: Đồng cảm, Định nghĩa (vấn đề), Tưởng tượng, Dựng mẫu và Kiểm tra.

Tương tự, tư duy agile hướng tới sự phản ứng nhanh nhạy trong những hoàn cảnh hỗn loạn và không chắc chắn, hiểu rõ những gì đang xảy ra, xác định hoàn cảnh không chắc chắn mà chính phủ phải đối mặt và tìm ra cách thích nghi với hoàn cảnh đó. Tư duy agile tương phản với cách tiếp cận truyền thống vì nhấn mạnh tính thử nghiệm, tính thân thiện với công dân và sự hợp tác của công dân trong việc giải quyết vấn đề.

Trong bài nghiên cứu, thông qua phân tích các giải pháp xử lý khủng hoảng Covid-19 tại Hàn Quốc như phát triển ứng dụng Bản đồ Corona, phát triển ứng dụng cung cấp khẩu trang trên di động và chương trình hỗ trợ thu nhập cho người dân, TS. Yooil Bae chứng minh tư duy thiết kế và tư duy agile đã thành công tạo ra sự hợp tác liên ngành, liên tổ chức giữa công và tư để đưa ra được những giải pháp sáng tạo trong giai đoạn khủng hoảng tại Hàn Quốc.

Khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã công bố thông tin về lịch trình di chuyển của các bệnh nhân nhiễm virus corona trên trang web chính phủ. Tuy nhiên, hình thức này nhanh chóng bộc lộ bất cập vì không thân thiện với người dùng.

Vào ngày 30/1/2020, Lee Dong-hoon, một sinh viên đến từ Đại học Kyung Hee đã phát triển một bản đồ số có tên Corona Map dựa trên nguồn dữ liệu chính thức được cung cấp bởi KCDC về những người bị nhiễm bệnh do virus corona gây ra. Người dùng khi truy cập vào bản đồ này có thể lựa chọn bất cứ trường hợp người nhiễm bệnh nào. Từ đó, bản đồ sẽ đưa ra thông tin cụ thể về người bị bệnh bao gồm cả nơi cư trú, quốc tịch và giới tính của họ. Sau đó, bản đồ sẽ liệt kê ra tất cả những địa điểm mà người đó đã có mặt theo thời gian thực cũng như số lượng người mà bệnh nhân đó từng tiếp xúc. Sau 3 tháng, ứng dụng Corona Map đã có hơn 42 triệu người dùng.

Đầu tháng 3/2020, khi Hàn Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề thiếu hụt khẩu trang trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, 19 nhà phát triển công nghệ của nước này yêu cầu chính phủ cũng cấp dữ liệu chính thức để phát triển 100 ứng dụng cung cấp thông tin theo thời gian thực về tình trạng khẩu trang có sẵn tại các cửa hàng.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, một số chính trị gia Hàn Quốc lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ biện pháp hỗ trợ thu nhập cho công dân, cụ thể là chi trả tiền mặt trực tiếp đến công dân. Tuy nhiên, chính quyền trung ương không đạt được sự đồng thuận về vấn đề này. Do đó, vào tháng 3/2020, các chính quyền địa phương đã ra tay hành động trước bằng cách cung cấp nhiều loại trợ cấp thiên tai khẩn cấp (tiền mặt) dựa vào mức thu nhập cơ bản của người bị ảnh hưởng bởi dịch. Các phương thức chuyển tiền đến người dân và doanh nghiệp cũng rất linh hoạt, từ các loại thẻ đến voucher. Tới tháng 4/2020, chính quyền trung ương bắt đầu công bố các gói hỗ trợ ứng phó dịch bệnh.

Theo TS. Bae Yooil, ba giải pháp xử lý khủng hoảng Covid-19 của Hàn Quốc là minh họa cho những ưu điểm của tư duy thiết kế và agile: tính linh hoạt, đặt công dân làm trung tâm, khuyến khích sự tham gia của công dân trong quá trình thiết kế chính sách, và sự tập trung vào thử nghiệm bằng cách nhanh chóng tạo ra dịch vụ thử nghiệm ban đầu và phản hồi liên tục để cải thiện chính sách. “Dịch vụ công hậu Covid-19 có thể sẽ là một “phiên bản thử nghiệm vĩnh viễn”, đòi hỏi sự tham gia và phản hồi liên tục của công dân,” tác giả cho biết.

Ngoài ra, tác giả cũng lý luận rằng chính phủ Hàn Quốc đã thể hiện tinh thần lãnh đạo sáng tạo trong xử lý khủng hoảng, thích nghi nhanh với hoàn cảnh, khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan, giữa khu vực công và tư, và cởi mở thông tin cho người dân được tiếp cận các dữ liệu công khai. Thay vì tìm kiếm một người “anh hùng” như phong cách lãnh đạo truyền thống, cách lãnh đạo sáng tạo kiểu mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, cho phép tất cả những người tham gia chính sách được thực hành lãnh đạo trong các thời điểm khác nhau, và giúp xoa dịu “nỗi sợ thất bại” của các nhân viên trong tổ chức.

Các vấn đề hóc búa như Covid-19 đòi hỏi cách tiếp cận phi truyền thống, hợp tác, linh hoạt và hướng tới thiết kế, vượt ra ngoài bộ máy hành chính thông thường,” TS. Bae Yooil kết luận.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'