Luật và phát triển: Câu chuyện của người trong cuộc
January 08, 2021

Luật và phát triển: Câu chuyện của người trong cuộc

January 08, 2021

Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng được mệnh danh là “mạnh thường quân” đỡ đầu cho các thể chế phi tòa án ở Việt Nam nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện có thể tin cậy được cho nhà đầu tư nước ngoài và doanh nhân Việt Nam. Trong buổi trò chuyện với học viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, luật sư Nguyễn Mạnh Dũng đã chia sẻ lại quá trình biên soạn và vận động để thông qua hai luật quan trọng đặt nền móng cho tranh tụng thương mại quốc tế là Luật Trọng tài thương mại và Nghị định của Chính phủ về hòa giải thương mại cùng với tầm nhìn của ông về đào tạo thế hệ luật sư trẻ cho Việt Nam. 

Hành trình xây dựng luật trọng tài thương mại tại Việt Nam 

Vào tháng 11/2008, Hội luật gia Việt Nam được Quốc Hội giao chủ trì soạn thảo Luật Trọng tài Thương mại; đây là một trong ba luật mà Hội luật gia là cơ quan biên soạn trong khi thông thường ở Việt Nam các luật sẽ do cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm soạn thảo. 

Tại thời điểm năm 2008, hai năm sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã hội nhập sâu và rộng hơn với hệ thống thương mại quốc tế. Sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài cùng với các hợp đồng thương mại có giá trị cao và độ phức tạp tinh vi ngày càng tăng đòi hỏi phải có một hệ thống pháp lý đủ năng lực đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp khi có mâu thuẫn xảy ra giữa các đối tác trong những hợp đồng đầu tư, mua bán và tài chính. 

 

 

Tuy nhiên, thực tiễn lúc đó là tòa án quá tải thụ lý hơn 108.000 vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động và chỉ có 81.000 vụ được giải quyết tại tòa. Trọng tài thương mại còn là một khái niệm xa lạ với công chúng và cả giới kinh doanh. Các tranh chấp thương mại lớn có đối tác nước ngoài rất ít được giải quyết tại các tổ chức trọng tài. Đồng thời chưa có một bộ luật chính thức nào được ban hành để điều chỉnh hành vi và hoạt động của các tổ chức trọng tài thương mại và quy trình giải quyết tranh chấp của các trọng tài viên. 

Lúc đó, luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, là một trong những luật sư hiếm hoi ở Việt Nam được đào tạo bài bản về trọng tài thương mại, vừa trở về nước sau thời gian học tập tại Trường Đại học Queen Mary London, Anh Quốc đã được mời tham gia vào tổ biên tập. Ông hồi tưởng lại trong quá trình soạn thảo, tổ biên tập đã cố gắng tham chiếu với các bộ luật thế giới như UNCITRAL với mục tiêu đưa Việt Nam tiếp cận và hòa nhập với các chuẩn mực quốc tế cao nhất về trọng tài thương mại. Tuy nhiên, khó khăn thực sự lại xuất hiện trong quy trình thẩm định và ban hành. Theo nguyên tắc, dự luật phải được trình lên Vụ Tư Pháp, Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội, sau khi ủy ban này hoàn tất quá trình thẩm định chuyên môn, luật sẽ được đưa lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cuối cùng là đưa ra để các đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu ban hành hay bác bỏ. 

Quá trình thẩm định luật tại Vụ Tư pháp giúp việc cho Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội kéo dài hơn một năm, lúc đó tôi và một số thành viên khác của ban soạn thảo là những người trực tiếp giải trình. Vì cơ quan thẩm định không tham gia vào quá trình soạn thảo và vì lĩnh vực trọng tài thương mại mới du nhập vào Việt Nam, những vấn đề nêu ra trong luật không tương thích với lăng kính của các thành viên hội đồng thẩm định khi họ nhìn nhận sự việc chủ yếu từ góc độ của tòa án. 

 

 

Luật sư Dũng cùng với các thành viên soạn thảo đã phải giải thích gần như toàn bộ các điều luật và nội dung của bộ luật; tuy vậy, vẫn có nhiều chương và nội dung điều chỉnh lại từ luật mẫu nước ngoài bị Hội đồng Thẩm định đánh giá là mâu thuẫn hoặc chưa phù hợp với khung pháp lý hiện tại của Việt Nam. 

Sau giai đoạn thẩm định sơ bộ tại Ủy ban Tư pháp, luật được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì một luật khi được ban hành sẽ có hiệu lực và tác động trên toàn quốc, lúc này các đại biểu trong Ủy ban Thường vụ và trong Quốc Hội có thể đặt ra những câu hỏi đa dạng hơn mang màu sắc và yếu tố chính trị thể hiện quan điểm và tiếng nói cho địa phương hay tầng lớp mà họ đại diện. Ví dụ, trong quy định ngôn ngữ sử dụng trong trọng tài thương mại, có đại biểu nêu ý kiến cần phải bổ sung thêm tiếng của dân tộc thiểu số thay vì chỉ tiếng Việt và tiếng nước ngoài (tiếng Anh) như đề xuất ban đầu của dự luật. 

Theo diễn giả, để Quốc Hội thực hiện hiệu quả chức năng lập pháp đặc biệt là trong những vấn đề chuyên môn hẹp cần phải tăng cường đội ngũ hỗ trợ tại các Vụ chuyên môn như Vụ Tư pháp và năng lực của đội ngũ này cho các đoàn đại biểu hoặc cá nhân từng đại biểu. Đồng thời, phải khuyến khích và đẩy mạnh quá trình cộng tác giữa các hệ thống và cá nhân định hình một bộ luật như ban biên soạn, ban thẩm định và cuối cùng là các đại biểu Quốc Hội. 

Câu chuyện đào tạo từ góc độ thị trường 

Là thế hệ luật sư đầu tiên trong lĩnh vực thương mại quốc tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Dũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của ngành nghề này sau khi đất nước bắt đầu mở cửa. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và rộng với hoạt động kinh tế thế giới đi kèm với đó là nhu cầu về một đội ngũ luật sư có chuyên môn và năng lực để giải quyết những tranh chấp thương mại ở tầm cỡ quốc tế giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hay thậm chí là những vụ kiện giữa chính phủ với tập đoàn quốc tế. 

Theo định nghĩa của WTO, trọng tài và hòa giải là một ngành kinh tế dịch vụ. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã nhận ra nhu cầu của thị trường và chủ động tìm cách phát triển thế hệ luật sư mới có năng lực tranh tụng quốc tế, ví dụ như trong năm 2008 lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tìm đến Hội luật sư ở Anh và xứ Wales để nhờ tư vấn hay việc Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về chiến lược phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. 

 

 

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, chúng ta nên thay đổi cách tiếp cận và nhìn câu chuyện đào tạo nhân sự nghề luật từ góc độ mới. Những hoạt động như khuyến khích mở thêm trường đào tạo hoặc tăng số lượng cử nhân luật quốc tế chỉ mới giải quyết khía cạnh cung của thị trường; nên nhìn nhận từ góc độ xây dựng và tạo lập thị trường luật sư thương mại quốc tế. 

Đồng thời, nhờ kinh nghiệm tham gia vào quá trình lập pháp, luật sư Nguyễn Mạnh Dũng chỉ ra một lỗ hổng lớn đó là khoa học pháp lý trong nước chưa bắt kịp với sự phát triển của thực tiễn luật pháp quốc tế du nhập vào Việt Nam. Trong quá trình soạn thảo Luật trọng tài, ông và các đồng nghiệp rất khó khăn để dựa vào các nghiên cứu luật học trong nước làm cơ sở khoa học cho bộ luật họ đang soạn thảo. 

Trong thời gian học tập tại Queen Mary, chúng tôi thường xuyên được tiếp xúc với các trường phái học thuật khác nhau và vì có sự tranh luận của các trường phái và chủ thuyết học thuật đó dẫn đến kết quả là thực tiễn lập pháp thể hiện rõ ràng một trường phái học thuật. Tôi hy vọng các bạn những người đang học tập chính sách công ở Trường Fulbright có thể thay đổi hiện trạng này và làm sao để nghiên cứu có thể đi trước và dẫn đường cho thực tiễn. 

 

Kết thúc bài thuyết trình, diễn giả cũng chỉ ra cho dù là quá trình lập pháp, hành pháp hay tư pháp, yếu tố con người luôn là chìa khóa quyết định. Ông đặt kỳ vọng những môi trường đào tạo tiên tiến hiện đại như Trường Fulbright nơi học viên liên tục được tiếp xúc với các dòng chảy tri thức cập nhật và đa chiều trên thế giới sẽ là nơi ươm dưỡng cho những nhân tố kiến tạo thay đổi cho tương lai. 

 

Đằng sau những bộ luật chính là con người, nếu có được những người tài năng sẽ tạo ra được những văn bản luật tốt, những thể chế tốt và bộ máy tốt. Trong tổ biên tập Luật trọng tài thương mại, chúng tôi rất may mắn có những con người tâm huyết và tài năng như PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa. Tôi đặt niềm tin Trường Fulbright và các học viên đang học tập ở đây có thể giúp chúng tôi rút ngắn lại quá trình này và chúng ta không cần đợi đến 10 hoặc 20 năm để chứng kiến sự tiến bộ xảy ra mà có thể là ngay bây giờ và ngay lúc này.

*** 

Trước thời gian du học tại Trường Trọng tài quốc tế, Trường Luật Queen Mary thuộc Đại học tổng hợp Luân Đôn, luật sư Nguyễn Mạnh Dũng đã có 14 năm hành nghề luật chuyên sâu trong lĩnh vực hàng hải quốc tế và thành lập nên Công ty TNHH Tư vấn Độc Lập. Về nước, luật sư Nguyễn Mạnh Dũng trực tiếp tham gia biên tập, soạn thảo Luật trọng tài thương mại Việt nam năm 2010, các văn bản hướng dẫn thi hành và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.

Là một trong số ít luật sư Việt nam được đào tạo bải bản về cả trọng tài thương mại và trọng tài đầu tư quốc tế, Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng là người duy nhất ở Việt nam vừa có kinh nghiệm soạn thảo luật, điều hành tổ chức trọng tài, hành nghề luật sư tư vấn luật trọng tài và trọng tài viên cho nhiều loại tranh chấp khác nhau và được mời tham gia giảng dạy và phát biểu tại nhiều diễn đàn học thuật trong nước và quốc tế.

 


Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'