“Người làm vườn” kết nối cộng đồng và ngã rẽ với Fulbright
July 26, 2022

“Người làm vườn” kết nối cộng đồng và ngã rẽ với Fulbright

July 26, 2022

Lê Minh Nhựt, học viên Thạc sĩ Chính sách công khóa 2023 (MPP23), chuyên ngành Phân tích Chính sách, một gương mặt của Forbes 30 Under 30 năm 2022, vừa giành được học bổng Community Change-Maker (Những người Kiến tạo Thay đổi Cộng đồng) do Temasek dành riêng cho sinh viên hệ cử nhân và học viên hệ thạc sĩ của Đại học Fulbright Việt Nam. Minh Nhựt có một hành trình khai phóng năng lực trở thành một người hoạt động tích cực vì cộng đồng nhờ sự cộng hưởng của môi trường tri thức theo đuổi.

Lê Minh Nhựt hiện là Cố vấn Chương trình Phát triển hệ thống Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NISD). Hành trình hoạt động xã hội của Lê Minh Nhựt luôn gắn với một mục tiêu: Kết nối để xây dựng cộng đồng hỗ trợ hoạt động hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển hệ thống doanh nghiệp khắp Việt Nam. Ngay từ thời sinh viên tại Đại học Kinh tế TP. HCM, Minh Nhựt đã say mê với các dự án kết nối để hỗ trợ các doanh nghiệp ở các địa phương. Sau thời gian dài tích lũy kinh nghiệm trong sự nghiệp, Minh Nhựt quyết định chọn dừng lại để chiêm nghiệm, quan sát những điều mình còn thiếu và cần cho công việc. Đó cũng là thời điểm anh quyết định theo học chương trình Thạc sĩ Chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.

Gắn bó với địa phương

Khi là sinh viên Đại học Kinh tế TP. HCM, Lê Minh Nhựt gây ấn tượng với một dự án kinh tế mang tên "Sơ ri Gò Công, một hướng đi" nhằm mục đích giúp nông dân trồng trái sơ-ri ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cải thiện cuộc sống. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, Minh Nhựt băn khoăn giữa ngã rẽ theo đuổi sự nghiệp ngành tài chính hoặc theo đuổi các dự án hoạt động vì cộng đồng. Sau đó, Minh Nhựt bắt đầu công việc đầu tiên làm chuyên viên tư vấn tài chính ở công ty cổ phần I.Value, nhưng, như một mối duyên tình cờ, công ty này thành lập Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF) – tổ chức xã hội hóa phi lợi nhuận hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua đổi mới sáng tạo và hệ tư duy mở. Minh Nhựt chính thức làm việc tại SVF từ tháng 1/2016 như một trong những nhân sự đầu tiên trong quá trình xây dựng nền tảng của tổ chức với nhiều bỡ ngỡ.

Những tháng ngày sau đó là quá trình dấn thân vào công việc hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, với các dự án ở khắp các địa phương trong cả nước. "Công việc của tôi giống như một người làm vườn, mà mỗi địa phương là một khu vườn trong đó mỗi doanh nghiệp là một cái cây. Nhiệm vụ của tôi là xem khu vườn đang thiếu phân, thiếu nước, thiếu ánh sáng... như thế nào, rồi tìm hiểu các nguồn lực bên ngoài để kết nối, thiết kế các chương trình hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp ở từng địa phương đó," Minh Nhựt chia sẻ.

Đến nay, Minh Nhựt đã đi đến 31 tỉnh thành khắp Việt Nam và tích luỹ hiểu biết đặc thù phát triển của mỗi địa phương. Trong sáu năm qua, Minh Nhựt tập trung sự nghiệp vào ba trụ cột chính: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp địa phương, xây dựng và quản lý mạng lưới tận dụng nguồn nhân lực từ cộng đồng sinh viên Việt Nam, hình thành mạng lưới các nhà cố vấn khởi nghiệp trên toàn quốc. Những đóng góp của Minh Nhựt góp phần giúp SVF mở rộng mối quan hệ hợp tác toàn diện từ một lên tám tỉnh thành trên cả nước (Đồng Tháp, Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum). Hiện SVF đang đồng hành với hơn 20 địa phương khác trong xây dựng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Vì những nỗ lực hoạt động vì cộng đồng, Minh Nhựt được Forbes Việt Nam ghi danh vào danh sách 30 Under 30 năm nay, mà theo Forbes, đó là những người trẻ "với những dấu ấn thành công ban đầu trong sự nghiệp, họ đang tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng. Họ tràn đầy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm, với những cá tính mạnh mẽ và dấn thân. Họ đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam năng động, tri thức, mang khát vọng thành công."

Hành trình tại Fulbright

Mặc dù gắn bó với các hoạt động kết nối doanh nghiệp ở các địa phương, Minh Nhựt nhận ra hạn chế chiều sâu trong các hoạt động của mình, trong đó có những hạn chế về kiến thức.

"Các hoạt động của tôi thiên về networking (kết nối) chứ chưa có chiều sâu thực sự. Tôi cần một nền tảng kiến thức, khung tư duy để có thể am hiểu địa phương một cách sâu sắc, để có thể thực thi những dự án và tạo ra những tác động tích cực thực sự cho địa phương," Minh Nhựt chia sẻ.

Minh Nhựt quyết định nộp đơn vào chuyên ngành Phân tích Chính sách của chương trình Thạc sĩ Chính sách công Fulbright. Anh kỳ vọng quãng thời gian 15 tháng tập trung toàn thời gian học ở Fulbright sẽ giúp bản thân điền vào những khoảng trống còn thiếu trong sự nghiệp và sự trưởng thành của bản thân, đúc kết những tích lũy để có thể vững vàng thực hiện những mục tiêu trong tương lai, như một chiếc lò xo cần nén lại để có thể bật lên cao hơn.

"Tôi đã đi nhiều trong một quãng thời gian khá dài, đã đến lúc cần "mài" lại cây rìu cho sắc bén hơn. Tôi đã tương tác khá nhiều với khối công và khối tư trong quá trình làm việc, thấy được những vấn đề của địa phương nhưng vẫn chưa biết cách xây dựng một chương trình thực thi," Minh Nhựt cho hay.

Trong một số dự án ở địa phương, Minh Nhựt có dịp gặp gỡ và làm việc với một số cựu học viên Thạc sĩ Chính sách công Fulbright hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Ấn tượng về tinh thần làm việc chuyên nghiệp, chỉn chu của các cựu học viên Fulbright, từ các bài viết phân tích hay xây dựng các khung chính sách, Minh Nhựt nhận ra sự khác biệt của FSPPM so với các chương trình thạc sĩ khác. Đó là sự bắt rễ sâu sắc vào bối cảnh của Việt Nam thông qua những nghiên cứu tình huống (case studies) mang tính đặc thù của địa phương.

"Để có sự am hiểu về địa phương, đúng như những gì tôi cần, thì chỉ có trường Fulbright mới có thể cung cấp được. Và để có được những công cụ nền tảng nhất, những khung phân tích cơ bản nhất thì tôi chọn chuyên ngành Phân tích Chính sách tại đây," Minh Nhựt giải thích về lựa chọn của mình.

Minh Nhựt cho rằng, việc am hiểu địa phương khi thực hiện những dự án tham vấn, tư vấn là khả năng "nói cùng ngôn ngữ với địa phương". Đó không chỉ là việc tư duy và diễn đạt sao cho mạch lạc, rõ ràng và thuyết phục được người nghe mà còn là việc áp dụng các khung phân tích học được ở Fulbright vào các hoạt động thực tiễn để tìm ra những giải pháp chính thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp tại các địa phương Việt Nam.

Một tin vui vừa đến với Minh Nhựt là Mùa 2 của dự án mang tên "Bệ phóng tài năng" (Business Bootcamp) do Minh Nhựt thiết kế và điều hành tổ chức dưới sự bảo trợ từ Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) được nhà tài trợ Temasek lựa chọn trao Học bổng Community Change-Maker (Những người Kiến tạo Thay đổi Cộng đồng) năm nay. Học bổng trao cho sinh viên hệ cử nhân và học viên hệ thạc sĩ tại Đại học Fulbright Việt Nam tập trung vào các dự án cam kết phụng sự xã hội Việt Nam và góp phần cải thiện cộng đồng chung.

Nửa quãng đường gắn bó với Fulbright của Minh Nhựt dần hé lộ cho anh những lời giải đáp cho những câu hỏi luôn ấp ủ cho sự nghiệp hỗ trợ cộng đồng. Những môn học như Tài chính phát triển, Quản lý công... đã giúp Minh Nhựt soi chiếu, liên hệ lại những hoạt động anh đã làm và cung cấp các công cụ để nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại và trả lời các câu hỏi. Ngoài ra, tính kỷ luật mà Fulbright rèn luyện cho học viên qua hạn nộp bài (deadline), hay sự nghiêm khắc với các vấn đề như đạo văn, viết luận trong số chữ quy định... là những điều tưởng như nhỏ mà rất có giá trị, theo Minh Nhựt.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'