Người thủ thư ấm áp ở Trường Fulbright
August 28, 2020

Người thủ thư ấm áp ở Trường Fulbright

August 28, 2020

Một ngày giữa năm 2007, trong căn phòng làm việc của Ben Wilkinson, Đại diện Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) có một ứng viên đến chờ phỏng vấn cho công việc thư viện bán thời gian. Trương Minh Hoà, người chờ Ben phỏng vấn tuyển dụng, mới tốt nghiệp ngành Thư viện – Thông tin học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chưa lâu. Hồ sơ kinh nghiệm của Hoà còn mới mẻ, với công việc gần nhất có thể chia sẻ với Ben là làm thủ thư toàn thời gian tại Đại học Văn Hiến. 

Hoà tỏ ra lo lắng và hồi hộp vì chưa bao giờ tiếp xúc với người nước ngoài, còn là người thứ 3 liên tiếp mà Ben phỏng vấn cho vị trí này. Vốn tiếng Việt sành sỏi của anh cán bộ chương trình người Mỹ nhanh chóng biến cuộc trò chuyện giữa hai bên trở nên gần gũi, thoải mái hơn. Trong khi đó, vì muốn giữ phép lịch sự, Hoà đã gọi Ben là “Ngài” khiến anh cười phá lên và chỉnh huấn rành rọt: “Anh không phải quan chức ngoại giao đâu!”. Chuyện này trở thành kỷ niệm đầu tiên của Hoà về FETP.

Sau cuộc gặp, thư viện của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) trong khuôn viên bé nhỏ ở Võ Thị Sáu, Quận 3 có thêm góc bàn làm việc của Hoà bên cạnh chị Mai, cán bộ thư viện đang làm toàn thời gian. Và, Hoà không ngờ sự khởi đầu này đã kéo mình ở lại hơn một thập kỷ với công việc chuyên môn ở một thư viện dù nhỏ nhưng có những trải nghiệm quá đỗi sinh động, thú vị, không giống bất cứ trường đại học nào ở Việt Nam.

Từ văn hoá phụng sự tri thức 

Không có một kho sách đồ sộ bề thế như của một đại học lâu đời nhưng thư viện của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP – tiền thân Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) đã làm Hoà ngỡ ngàng trong những ngày đầu mới đến. Đó không phải là kiểm soát chặt chẽ nguồn sách, thực hiện công việc mượn – trả tài liệu, hay bảo quản – lưu trữ cẩn thận mà chính là ở triết lý phụng sự, hỗ trợ tiếp cận tri thức tối đa cho người học. Với cách tổ chức theo cấu trúc mở, kích thích người đọc, thư viện của Trường Fulbright chào đón cả những bạn đọc không phải học viên của trường, có thể tiếp cận dễ dàng tất cả các nguồn sách, kể cả những cuốn sách quý hiếm mà trường có.

Điều này khác biệt hoàn toàn với những trải nghiệm, hiểu biết của Hoà về thư viện ở một số trường đại học Việt Nam, nơi các đầu sách được quản lý khá  chặt chẽ theo các quy định, thậm chí có những đầu sách giới hạn đọc rộng rãi. Vì thế, Hoà phải lòng ngay lập tức và nhanh chóng hoà hợp với các công việc ở Trường Fulbright. Cách tiếp cận người đọc ở đây khiến Hoà nhận ra sự khác biệt của môi trường thư viện truyền thống - nơi sinh viên luôn có một khoảng cách nhất định với thủ thư, giữ thái độ e ngại khi tiếp xúc và lâu dần tạo nên một cảm giác họ tìm đến mình chỉ với một mục đích duy nhất là cần sách.

Trương Minh Hòa - Thủ thư, Thư viện Đại học Fulbright Việt Nam.

Có lẽ, sinh viên vẫn giữ quan điểm rằng thủ thư là những người khó gần, cau có, nên họ không có sự gắn kết với mình. Nhưng ở Fulbright, học viên có thể tự tìm kiếm, lựa chọn những cuốn sách trong một thư viện mở hoàn toàn, nếu muốn mượn về nhà, họ mới đăng ký với thủ thư. Từ không gian thư viện, những sự hỗ trợ, tương tác với học viên thường xuyên dần dần hình thành nên một môi trường học thuật thân thiện, thoải mái và văn hóa ứng xử giữa giảng viên và nhân viên, giữa cán bộ thư viện và học viên tạo ra cảm giác thân thiết, gần gũi như một gia đình. FETP đã thay đổi hoàn toàn tư duy của mình về nghề nghiệp, về cách tương tác với đồng nghiệp và với học viên giúp tôi hiểu rằng, người thủ thư là một phần làm nên văn hoá phụng sự tri thức” – Hoà chia sẻ.

Bước ngoặt công việc của Hoà với Fulbright là khi chị Mai chuyển công tác. Quyết định về Trường Fulbright làm việc toàn thời gian, Hoà như con ong cần mẫn xây tổ, một mình vận hành thư viện với tất cả sự hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ của mình, tỉ mẩn từ những công việc nhỏ nhất là phân loại sách, đăng ký, dán nhãn, mã vạch… cho từng ấn phẩm và xếp lên kệ sách của trường trong suốt hơn một thập kỷ.

Không chỉ dừng lại ở công việc của một thủ thư chăm chút kho tri thức của Fulbright, những trải nghiệm mở rộng ngoài công việc làm Hoà hào hứng. Nó mang đến cơ hội trau dồi tư duy, học hỏi và bồi đắp tri thức không ngừng. Xuất phát điểm là chương trình đào tạo kinh tế ứng dụng cho các cán bộ quản lý của Việt Nam, dưới sự bảo trợ học thuật của Harvard, chương trình học thuật của FETP là một phiên bản của Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy. Đây là cái nôi học thuật kinh điển hàng đầu thế giới, cập nhật tri thức nhanh nhất với những đầu sách giảng dạy kinh tế, quản lý mới nhất, phổ biến nhất của thế giới. Vì lẽ đó, tài liệu, sách phục vụ cho FETP luôn theo dòng cập nhật của Harvard.

“Một trong những nỗ lực lớn xây dựng không gian học thuật của trường Fulbright đó là mua một khối lượng lớn các sách về kinh tế học hiện đại, kinh tế thị trường bao gồm kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế lượng, kinh tế phát triển và rất nhiều các sách viết về kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước Đông Á, Đông Nam Á và thế giới”, theo giảng viên Nguyễn Xuân Thành.

Những năm cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000, khi Amazon mới chỉ phục vụ thị trường nước Mỹ và chưa trở thành website bán lẻ lớn nhất thế giới như hiện nay, việc tìm mua sách cho Trường Fulbright không thuận tiện, dễ dàng. Trong khi đó, các sách ngoại văn xuất bản ở nước ngoài khi mang vào Việt Nam phải qua thẩm định nội dung kỹ càng. Nhưng các sách giáo khoa, giáo trình, khảo cứu, giảng dạy về kinh tế mới nhất của thế giới vẫn luôn được trường cập nhật kịp thời để phục vụ các học viên. Trường Quản lý Nhà nước Kennedy của Harvard đã trở thành trung gian kết nối, giúp FETP và sau này là trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tiếp cận các nguồn tài liệu học thuật kinh tế quan trọng. Ngoài ra, hầu hết các đầu sách kinh tế của nước ngoài đều được trường chuyển ngữ để phục vụ khảo cứu và học tập trong điều kiện các cán bộ học về chính sách công, ở các địa phương còn hạn chế về ngoại ngữ. Thư viện song ngữ của trường Fulbright từ những năm đầu thập niên 2000 đã có rất nhiều tài liệu, sách về kinh tế thị trường hiện đại, mới xuất bản của nước ngoài mà khó có thể tìm thấy trong các thư viện khác ở Việt Nam.

Thư viện Đại học Fulbright Việt Nam.

Với văn hoá phụng sự tri thức đặt học viên, sinh viên làm trung tâm, trường Fulbright kết nối chặt chẽ 3 bộ phận quan trọng gồm giảng viên, giáo vụ và thư viện. Hoà đã hỗ trợ đắc lực trong việc giúp giảng viên tìm kiếm tài liệu, tổ chức dịch thuật, mang tri thức toàn cầu phổ biến không chỉ trong cộng đồng Fulbright mà cả bên ngoài xã hội Việt Nam. Thậm chí có nhiều đầu sách không có trong danh mục của trường mà học viên chủ động “đặt hàng” Hoà cũng lao tâm tìm kiếm.

Môi trường Fulbright làm mình thay đổi hoàn toàn, từ người thụ động chờ sinh viên đến mượn sách thành người chủ động hơn. Khi học viên cần những tài liệu mà trong thư viện không có, mình không ngại ra bên ngoài tìm kiếm và mượn về cho họ,” anh nói.

Nhưng không chỉ kho sách cứng, Học liệu mở của Fulbright mới là thứ làm Hoà lao tâm công sức, ngốn thời gian và đòi hỏi sự bền bỉ, công phu nhất. Đây là một nền tảng trực tuyến quan trọng trong giảng dạy, đào tạo và học tập của trường Fulbright được xây dựng từ những năm đầu thập niên 2000. Khi đó, Internet ở Việt Nam mới chỉ phổ biến trong những con hẻm phục vụ chơi game, trò chuyện ảo thì trường Fulbright đã ứng dụng để xây dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ giảng dạy và học tập dưới Sáng kiến Học liệu mở và sự hỗ trợ của viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Học liệu mở bao gồm tất cả đề cương môn học, bài giảng, danh mục tài liệu đọc, bài tập và bài nghiên cứu tình huống sử dụng trong các môn học được đưa công khai lên mạng, cho phép truy cập, tải miễn phí để người dạy và học tiếp cận, tương tác tri thức trực tiếp, rộng rãi.

Nhưng không giống những cuốn sách đóng bìa cố định, Học liệu mở đòi hỏi việc cập nhật, điều chỉnh, đổi mới hàng năm tất cả các môn học, bài giảng cho đến bài tập. Đặc biệt, có những môn sử dụng phương pháp giảng dạy tình huống luôn đòi hỏi phải điều chỉnh, cập nhật những tình huống thực tiễn mới để bài giảng mang hơi thở cuộc sống. Và chính Hoà đã bền bỉ quản lý nguồn học liệu này trong suốt hơn một thập kỷ qua. Trực tiếp vận hành nền tảng tri thức trực tuyến này của trường, Hoà nỗ lực góp phần biến Học liệu mở trở thành một di sản tri thức trực tuyến đồ sộ độc đáo của Fulbright, phục vụ cho việc học tập và làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách. Ngày nay, khi tri thức đã trở nên dễ dàng tiếp cận nhờ sự phát triển bùng nổ của các nền tảng công nghệ trực tuyến, Hoà tiếp tục cần mẫn với Học liệu mở với việc hệ thống hoá, tổ chức nguồn học liệu này theo khuôn khổ quy định chặt chẽ của Luật bản quyền.

“Cho đến nay, mỗi năm  Học liệu mở Fulbright đã đạt hơn 1,5 tỉ lượt truy cập, không chỉ phục vụ người học ở Fulbright mà cả những người dùng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam” – Hoà cho biết thêm.

Người ấm áp

Năm 2008, khi Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) chuyển đổi từ chương trình đào tạo 1 năm về kinh tế ứng dụng thành Chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP), Hoà tham gia hỗ trợ học viên tìm kiếm số liệu thống kê phục vụ nghiên cứu bên cạnh việc nhanh chóng bổ sung tài liệu học tập cho thư viện. Do học viên đa dạng, đến từ nhiều tỉnh, thành nên nội dung đề tài luận văn, nghiên cứu luôn phong phú, đòi hỏi tiếp cận các số liệu thống kê, dữ liệu của rất nhiều địa phương. Hoà đã nỗ lực liên hệ với Tổng cục Thống kê, hoặc Cục thống kê của từng tỉnh, thành phố khắp cả nước để có được số liệu niên giám thống kê hàng năm. Cho đến nay, Trường Fubright có được bộ sưu tập niên giám thống kê, các số liệu điều tra ở các hạng mục phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các địa phương, được cập nhật liên tục, phục vụ cho nghiên cứu, học tập của giảng viên và học viên.

“Công việc thu thập số liệu, niên giám thống kê là một trải nghiệm, học hỏi vô cùng thú vị khi gắn bó với Trường Fulbright. Bắt đầu từ nhu cầu thực hiện các báo cáo, nghiên cứu kinh tế vĩ mô, các giảng viên đã dạy cho mình cách khai thác số liệu chính thức từ các cơ sở dữ liệu của các tổ chức quốc tế như WB, UNDP, IMF, UN, Economist Intelligence Unit (EIU)…từ thời số liệu chưa công khai trên mạng rộng rãi như hiện nay. Kinh nghiệm tìm kiếm số liệu giúp ích cho mình rất nhiều trong việc hỗ trợ giảng viên và học viên nghiên cứu và học tập” – Hoà chia sẻ.

Đặng Thị Mạnh, học viên lớp MPP2 vẫn không quên những ngày làm luận văn tốt nghiệp với biết bao lo lắng bởi đúng lúc vừa nhận công việc mới. Chọn chủ đề nghiên cứu so sánh mô hình tài chính công của Đà Nẵng và Bình Dương trong mối liên hệ với mô hình phát triển kinh tế - xã hội, chị Mạnh cần một nguồn số liệu quan trọng nhưng không dễ có đó là số liệu thu chi ngân sách của hai địa phương này.

“Đề tài luận văn khó nhằn khiến việc thu thập số liệu trở thành một gánh nặng. Mình thực sự rất cảm kích sự quan tâm và tinh thần sẵn sàng hỗ trợ thu thập các tài liệu liên quan tới đề tài của Hòa. Hồi đó, mình mong ngóng từng ngày chờ Niên giám thống kê năm 2010 để cập nhật số liệu cho luận văn. Ngày cuốn niên giám có mặt ở thư viện, Hoà điện thoại báo ngay cho mình. Nhờ đó, mình có thể khớp số liệu, kịp đưa ra các phân tích, nhận định để hoàn thành luận văn đúng tiến độ” - học viên chia sẻ. 

Trương Minh Hòa và chị Cao Thị Diễm Trang, Học viên Thạc sĩ Chính sách công, khóa MPP1 - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.

Trong những năm tháng gắn bó với Fulbright, Hòa đã trải nghiệm những khoảnh khắc đáng nhớ, những kỷ niệm buồn vui cùng các học viên, những người học hết sức, chơi hết mình. Kỷ niệm vui nổ trời Hoà nhập hội với các học viên lớp MPP4 đó là thường tụ tập sau bữa trưa để ăn chè dưới tán cây me trong trường ở Võ Thị Sáu, Quận 3. Một người sẽ bị trả tiền cho tất cả nếu rơi vào vòng quay số ngẫu nhiên. Tất cả những người ăn chè nhập được nhập trong danh sách, rồi dùng kiến thức chạy một hàm tạo số ngẫu nhiên để tính và cho ra kết quả người phải trả tiền cho chầu chè. Hay đó còn là kỷ niệm nộp bài trước 8h20 phút sáng mà Hoà thường đóng vai “Bao Công” bấm giờ dấu đỏ nếu nộp “Trễ”.

Trong các thế hệ học viên, mỗi người đều giữ những kỷ niệm, tình bạn với Hoà như một người ấm áp, chân thành và luôn hết mình vì họ.

Hòa luôn hiểu rõ mỗi học viên quan tâm nghiên cứu đề tài gì và sẵn sàng giới thiệu sách liên quan đến chủ đề đó. Mỗi khi trường hoặc lớp mình có sự kiện đặc biệt, Hòa lặng lẽ cầm máy len lỏi vào nhiều góc khác nhau để chụp hình cho học viên. Và những khi có thời gian rỗi hoặc nghỉ ngơi, Hòa luôn tranh thủ trò chuyện với các học viên. Những buổi trưa cùng nhau chia sẻ mấy ly chè bên gốc me, hỏi han nhau về tình hình học tập, sinh hoạt, về gia đình, quê hương... đã giúp Hòa trở nên gắn bó, thân thiết với các học viên như những người bạn. Nếu đếm số lượng cựu học viên tới dự đám cưới của Hòa, hẳn ai cũng sẽ rất ngỡ ngàng làm sao anh chàng thủ thư trẻ này lại có nhiều bạn đến vậy!” – học viên Đặng Thị Mạnh kể.

Trước ngày cuối cùng hạn nộp luận văn, học viên Nguyễn Thị Ngọc Diệp, lớp LM2020 nhớ mình loay hoay gần một ngày trời chỉnh sửa bản thảo. Chị chủ động nhắn tin từ sớm hẹn Hoà xem giúp luận văn trình bày theo đúng quy định của trường trước khi nộp. Nhưng đến tận cuối ngày chị mới hoàn chỉnh bản thảo. Hoà vẫn nhiệt tình chờ đợi và hướng dẫn cặn kĩ học viên chỉnh sửa để luận văn hoàn thiện, gửi đi vào lúc gần 12h đêm.

“Do lớp của tôi thuộc chương trình học bán thời gian nên tôi ít sử dụng thư viện trực tiếp, dẫn đến lơ mơ về cách sử dụng. Tôi rất hay quên password. Cứ nửa đêm đang làm bài, cần tra cứu lại ới Hòa. Hòa hay mua sách giúp chúng tôi, tôi có lần không đến trường nhận sách được, nhờ Hòa gửi giúp, lần nào cậu ấy cũng vui vẻ, nhiệt tình. Hòa làm cho thư viện vốn là không gian dễ khô cứng trở nên thân thiện, dễ chịu hơn. Giờ học tốt nghiệp xong rồi, tôi mới có nhiều thời gian hơn để truy cập vào thư viện, tự hỏi không hiểu sao cậu ấy có thể làm từng ấy việc trong từng ấy thời gian. Làm nhiều việc, hay bị chúng tôi nhờ vả, làm phiền, mà sao lúc nào cậu cũng cười, nụ cười hiền lành không thể nào quên. Sau lễ tốt nghiệp một hôm, bài chào tạm biệt với khoá chúng tôi trên Facebook của Hoà khiến tôi chảy nước mắt. Tôi nghĩ, học viên rời trường, có thể quên người này người kia nhưng riêng Hòa, chắc ai cũng nhớ. Ở Fulbright, tôi học được một điều: Việc nhỏ, dẫu làm tới nơi tới chốn bằng cả con tim và khối óc, chắc chắn sẽ tạo nên giá trị. Việc hàng ngày Hòa đang làm, cách mà Hòa đang thể hiện với học viên chúng tôi, là một phần giá trị của Fulbright.”

  • Xuân Linh – Đoàn Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'