Nhìn lại 35 năm Đổi Mới: Những bài học suy ngẫm
February 18, 2021

Nhìn lại 35 năm Đổi Mới: Những bài học suy ngẫm

February 18, 2021

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vừa có cuộc nói chuyện về kinh tế vĩ mô Việt Nam với học viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM).

Chủ đề bài nói chuyện của Tiến sĩ Trần Đình Thiên tựa: "Việt Nam: Lợi thế đi sau và khả năng tận dụng trong một thế giới biến đổi", cung cấp một bức tranh bao quát về kinh tế Việt Nam sau hơn ba thập kỷ đổi mới, với những kết quả lạc quan nhưng còn đó những bài học, trăn trở về định hướng phát triển tiếp theo.

Năm 2021 đánh dấu 35 năm Việt Nam thực hiện chương trình cải cách "Đổi Mới". Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, trong hơn ba thập kỷ qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, Những cải cách thực hiện từ năm 1986, đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, biến Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Quy mô kinh tế Việt Nam đã tăng nhanh sau Đổi mới, gấp 12 lần sau 35 năm.

Nhưng đặt trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, ông Thiên cho rằng, cần có sự nhìn nhận thẳng thắn về sự phát triển kinh tế của Việt Nam để xem xét thứ hạng phát triển khi đến nay vẫn chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc đã "hóa Rồng, hóa Hổ." TS. Trần Đình Thiên cung cấp những biểu đồ so sánh cho thấy sự tụt hậu của Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh những hạn chế của một đất nước "đi sau" phát triển khi bước vào cuộc đua với xuất phát điểm thấp, đẳng cấp phát triển chưa thoát khỏi trình độ gia công, lắp ráp, cơ chế vận hành về cơ bản chưa thoát khỏi cơ chế "xin-cho" và "phân biệt đối xử," mở cửa nhưng tâm thế đóng, môi trường kinh tế kém công khai, minh bạch... Ngay trong học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, một trong những bài học của nước bạn mà Việt Nam áp dụng là thành lập các tập đoàn kinh tế lớn của quốc gia, tạo động lực cho việc bứt phá và trở thành "cường quốc kinh tế", thực tế cũng chứng tỏ Việt Nam chưa thật sự thành công. Thay vì cho phép và tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế tư nhân (chaebol) như Hàn Quốc, Việt Nam lại dành sự ưu đãi đặc biệt cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước, với khu vực kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao nền kinh tế Việt Nam thiếu những trụ cột mạnh, khó tận dụng các cơ hội mang tính lịch sử - thời đại để tiến vượt lên, cho dù về định hướng đường lối, Nhà nước Việt Nam vẫn tuyên bố triết lý nền kinh tế nhiều thành phần và không hạn chế sự phát triển của kinh tế tư nhân.

"Việt Nam cũng thực hiện chiến lược "làm tổ đón Đại bàng," dành những chính sách ưu đãi đầu tư tốt nhất để chào đón các tập đoàn đa quốc gia như Samsung; tuy nhiên thực tế cho thấy hiệu quả của việc nâng nền kinh tế lên nhờ những tập đoàn ngoại này không cao. Việc thu hút đầu tư nước ngoài tuy giúp kéo về một lượng lớn doanh nghiệp nhưng đa phần là "chim sẻ", là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, do đó lợi ích mang lại cho phát triển quốc gia không tương xứng", theo TS. Trần Đình Thiên.

Kinh tế tư nhân – động lực của phát triển

Khi bắt đầu Đổi mới, một trong những chính sách quan trọng nhất ban hành đó là cho phép tồn tại kinh tế nhiều thành phần. Nhưng khu vực kinh tế tư nhân chịu lép vế sự quan tâm và phân biệt đối xử so với các thành phần kinh tế khác. Chỉ sau nhiều thập kỷ, kinh tế tư nhân mới được nhìn nhận lại là động lực quan trọng của phát triển kinh tế quốc gia. Theo TS. Trần Đình Thiên, Chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã có những đột phá quan trọng về quan điểm tái cấu trúc và phát triển bền vững của Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó có 3 nội dung tái cấu trúc đều tập trung vào khu vực kinh tế nhà nước.

Mặc dù khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng tỷ trọng của khu vực này vẫn còn nhỏ và trì trệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn thấp. Nền kinh tế tập trung chuyển đổi đã tạo ra các thị trường phát triển không đồng bộ khiến doanh nghiệp Việt "chậm lớn". Trong khi đó, nhờ hội nhập kinh tế, Việt Nam đã chào đón dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì tìm cách kết nối các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa, để các doanh nghiệp FDI đưa doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng, Nhà nước lại ưu ái doanh nghiệp FDI.

Theo TS. Trần Đình Thiên, doanh nghiệp "quốc tịch Việt Nam" yếu là do việc duy trì quá lâu thái độ kỳ thị, chính sách phân biệt đối xử và cơ chế "xin-cho."...Trái với kỳ vọng kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh, thống kê năm 2019 cho thấy, khu vực này mới chỉ sản xuất ra chưa được 10% GDP trong khi khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp gần 25% GDP, tức gấp 2,5 lần khu vực doanh nghiệp bản địa.

"Thống kê cho thấy 95 – 96% tổng số doanh nghiệp Việt là nhỏ và siêu nhỏ, nghĩa là thực lực yếu và kém. Toàn bộ khu vực kinh tế bản địa chỉ đóng góp 30% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khu vực FDI đóng góp tới 70%", theo ông Trần Đình Thiên.

Khả năng tận dụng trong thế giới biến đổi

TS. Trần Đình Thiên đưa ra các phân tích cho thấy các xu hướng dịch chuyển đầu tư cơ bản trên thế giới do hệ quả của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và khả năng Việt Nam có thể tận dụng những xu hướng dịch chuyển này.

Các xu hướng có thể bao gồm việc các doanh nghiệp trên thế giới rút vốn khỏi Trung Quốc, hoặc chuyển hướng tìm cơ hội đầu tư ở nơi khác thay vì đầu tư vào Trung Quốc như dự định ban đầu; ngoài ra còn có sự dịch chuyển đầu tư của Trung Quốc ra khỏi Trung Quốc, và Trung Quốc tái định hướng đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ASEAN nổi lên như một địa chỉ đầu tư hấp dẫn.

Đối với Việt Nam, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung để lại những tác động do hai quốc gia này là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Tác động trên mặt tích cực và tiêu cực nhưng tạo ra khả năng đột phá rất lớn cho Việt Nam. Theo TS. Trần Đình Thiên, sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu tạo cơ hội cho Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào một thị trường đơn lẻ như Trung Quốc hay Mỹ.

Năm 2020, trong khi hầu hết tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều suy giảm tăng trưởng và bất ổn vì đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,91%. Trong đó, sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Việt Nam tăng mạnh, thương mại thay đổi, chịu tác động cả tiêu cực (thị trường Trung Quốc) và tích cực (thị trường Mỹ).

Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên nhân của những điều trên không chỉ vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mà còn nhờ cải cách của Việt Nam trong 3 năm gần đây (kinh tế tư nhân, Chính phủ kiến tạo và kiểm soát vĩ mô, khởi nghiệp, các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tiếp tục mở rộng trên các lĩnh vực then chốt (tài chính-tiền tệ, công nghiệp công nghệ cao, pháp lý) và sẽ tiếp tục kéo dài với mức độ khốc liệt gia tăng. Tuy nhiên, kết cục của cuộc chiến này rất khó đoán, và chiến tranh chỉ thực sự chấm dứt khi Mỹ - hoặc Trung Quốc - đạt mục tiêu chiến lược của mình theo từng giai đoạn - chia lại thị trường thế giới và khu vực ảnh hưởng, xác lập vị thế thống trị hay chi phối kinh tế thế giới). Ông cho rằng Việt Nam có thể tận dụng thời gian bằng nỗ lực cải cách thể chế, xây dựng nền tảng hạ tầng, nhân lực mới, chuẩn bị các điều kiện nền tảng của một cấu trúc kinh tế mới, có đẳng cấp phát triển "ngang tầm thời đại".

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'