Nhìn nhận đại dịch Covid-19 từ nhiều góc độ
September 20, 2021

Nhìn nhận đại dịch Covid-19 từ nhiều góc độ

September 20, 2021

Thực tế đã chứng minh Covid-19 là một vấn đề hóc búa (wicked problem) vì tính phức tạp và đa chiều của nó. Dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng cũng gây ra hàng loạt vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường... Để nhìn nhận một cách đầy đủ về Covid-19 và tìm kiếm những giải pháp đối phó với dịch bệnh cần một cách tiếp cận liên ngành hơn là những nỗ lực đơn lẻ của ngành dịch tễ học. Trong môi trường học thuật như Đại học Fulbright Việt Nam, Covid-19 chính là một nghiên cứu tình huống vô cùng thực tế, sống động và mở ra nhiều không gian thảo luận rộng rãi.

Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) mới đây đã cùng phối hợp với Chương trình Cử nhân ĐH Fulbright (Fulbright Undergraduate Studies) tổ chức hội thảo về chủ đề "Pandemia" dành riêng cho đội ngũ giảng viên của chương trình cử nhân và thạc sĩ của Đại học Fulbright Việt Nam để thảo luận về Covid-19 dưới các góc nhìn chuyên môn từ kinh tế vĩ mô, kinh tế học hành vi, khoa học dữ liệu, cho đến nhân chủng học.

Tiến sĩ Lê Thái Hà, Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của FSPPM, trong vai trò điều phối cuộc thảo luận đã có bài thuyết trình với cái nhìn tổng quan về các đại dịch nguy hiểm nhất đã từng xảy ra trong lịch sử, sự khác biệt giữa các khái niệm "đợt bùng phát" (outbreak), "dịch bệnh" (epidemic) và "đại dịch" (pandemic), sau đó là các số liệu cập nhật về Covid-19 trên khắp thế giới. Từ đó, chúng ta thấy được mức độ nghiêm trọng của Covid-19 so với các dịch bệnh khác đã xảy ra trên thế giới.

Tiến sĩ Lê Thái Hà cũng đưa ra những ví dụ về "sự bùng phát" của nghệ thuật (các bộ phim, tiểu thuyết, và các tác phẩm hội họa) được truyền cảm hứng bởi các đại dịch trong lịch sử. Những tác phẩm này giúp người xem mở mang kiến thức về những gì mà nhân loại chưa biết qua các đại dịch trong quá khứ và khơi mở những viễn cảnh tương lai mà nhân loại sẽ phải đối mặt, đặc biệt là nỗi sợ hãi phải đối mặt với những đại dịch có thể xảy đến sắp tới. Đối với một số người, những câu chuyện như trong phim hoặc trong tiểu thuyết sẽ giúp giải thích cho một số "thuyết âm mưu" xung quanh đại dịch.

Những góc nhìn đa chiều

Tiến sĩ Khiếu Văn Hoàng, giảng viên Kinh tế học của chương trình cử nhân ĐH Fulbright, trình bày bài phát biểu: "Covid-19 và bất bình đẳng về thu nhập: Mối quan hệ một chiều hay hai chiều?". Theo TS. Khiếu Văn Hoàng, một quan điểm được phổ biến rộng rãi cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập giữa các quốc gia. Một mặt, các quốc gia kém phát triển có hệ thống y tế yếu kém hơn, do đó ít được chuẩn bị để đối phó với đại dịch hơn. Mặt khác, sự bất bình đẳng về thu nhập cũng gây ra khoảng cách về điều kiện sống giữa công dân ở các quốc gia khác nhau. Những người sống trong điều kiện tồi tệ hơn dễ bị lây nhiễm bệnh hơn, và họ không có đủ nguồn lực để ứng phó với các hậu quả kinh tế gây ra bởi dịch bệnh.

Dựa vào các dữ liệu so sánh các quốc gia thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) với các quốc gia không thuộc OECD, và so sánh giữa các quốc gia không thuộc OECD với nhau, Tiến sĩ Khiếu Văn Hoàng nhận thấy mối quan hệ tỉ lệ thuận giữa Covid-19 và thu nhập, cụ thể là thu nhập cao hơn sẽ gắn với nhiều ca tử vong hơn. Các nước thu nhập cao lại có số ca tử vong do Covid-19 cao hơn. Đây là một luận điểm thách thức với tiền giả định "giàu có là có sức khỏe" (wealth is health), nhưng cũng đặt ra câu hỏi liệu đó có phải là do các quốc gia thu nhập thấp không công bố đầy đủ dữ liệu về số ca tử vong hay không?

Bên cạnh đó, TS. Khiếu Văn Hoàng dẫn số liệu từ IMF và World Bank cho thấy số ca tử vong do Covid-19 và tăng trưởng có mối tương quan nghịch. Số ca tử vong càng tăng thì càng dẫn đến sự giảm thu nhập bình quân đầu người (vì số ca tử vong càng cao thì càng giảm lực lượng lao động tạo ra thu nhập). Do đó, điểm mấu chốt trong cuộc chiến chống Covid-19 là giảm thiểu số ca tử vong. Trong phần kết luận, Tiến sĩ Khiếu Văn Hoàng gợi ý việc giảm bất bình đẳng về thu nhập bằng các khoản trợ cấp, giảm thuế, v.v. có thể giúp ngăn chặn đại dịch.

 

 

TS. Huỳnh Nhật Nam, Giảng viên, Nghiên cứu viên cao cấp của FSPPM, trong bài trình bày "Đại dịch: Những quan sát từ góc nhìn dữ liệu" đã chia sẻ những quan sát của mình về cách dữ liệu có thể tạo ra tác động như thế nào trong đại dịch Covid-19. TS. Nam chỉ ra các khía cạnh khác nhau của dữ liệu, từ thu thập dữ liệu, mô hình hóa, mô phỏng và phân tích, cho đến báo cáo và truyền đạt kết quả; tất cả đều đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp bằng chứng để truyền đạt các quyết định của chính phủ trong ứng phó với Covid-19. Mặc dù các mô hình và mô phỏng Covid-19 rất hữu ích, điều quan trọng là phải hiểu được sự phức tạp và bất định của các phân tích này, cũng như sự cần thiết phải truyền thông cho công chúng về những sự bất định đó. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu có thể tránh được sự hiểu lầm của công chúng về tính hữu ích của các mô hình như vậy. Không nên tập trung vào độ chính xác của các kết quả ước tính mà nên tập trung vào các tác động liên quan của các kịch bản được đưa ra, theo TS. Huỳnh Nhật Nam.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu kinh tế học hành vi, TS. Graeme Walker, giảng viên Kinh tế học chương trình cử nhân, phân tích tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt xã hội gây ra bởi Covid-19 bằng cách sử dụng lý thuyết trò chơi. Bằng cách phân tích sở thích và thiên kiến ​​nhận thức (cognitive bias) của công dân, Tiến sĩ Walker đã đưa ra lời giải thích khả thi cho hành vi bất hợp tác trong việc tuân theo các biện pháp phòng chống Covid-19 do chính quyền đưa ra. Ông đề xuất giải pháp cho vấn đề này là truyền thông với ba trọng tâm chính, đó là tham khảo các nhóm công chúng với cách tiếp cận phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau, định hình thông tin theo hướng tích cực và thúc đẩy bản sắc xã hội cho các hành vi tập thể.

TS. Ian Kalman, Giảng viên Khoa học Xã hội chương trình cử nhân, trình bày bài nghiên cứu "Khoa học và Xã hội – Sự phân chia sai lầm: Những bài học từ đại dịch Covid-19, hay Bạn không thể đọc "Giãn cách xã hội" mà không có từ "Xã hội". TS. Kalman đưa ra một cách tiếp cận khác để giải quyết các tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19. TS. Kalman chỉ ra rằng tình trạng khó xử về khái niệm của nhận thức luận "truyền thống" và "hiện đại", và cách các khái niệm khác nhau ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về Covid-19, sau đó định hình các hành vi và quyết định của chúng ta để đối phó với căn bệnh này.

 

Nhận thức luận truyền thống coi con người là một phần của tự nhiên, và vạn vật đều có kết nối với nhau; từ đó có cách tiếp cận tổng thể và tập trung vào tính bền vững. Trong khi đó, nhận thức luận hiện đại cho rằng con người thống trị tự nhiên, mọi thứ đều có thể tách rời; do đó luôn tập trung vào tính hiệu quả.

TS. Kalman cho rằng trong khi nhận thức luận truyền thống thường được coi là "văn hóa" và nhận thức luận hiện đại là "khoa học" thì bối cảnh hiện tại của các phản ứng của chính phủ, truyền thông công chúng và sự hiểu biết về đại dịch hóa ra là sự thiếu hiểu biết và đánh giá quá cao cách tiếp cận theo chủ nghĩa hiện đại, và bỏ qua nhận thức luận truyền thống. TS. Kalman gợi ý các hành động của chính phủ đối với Covid-19 có thể linh hoạt hơn, tập trung vào các phản ứng bền vững đối với Covid-19 và sự phục hồi trong tương lai. Ông cũng đề nghị cần nhấn mạnh hơn nữa về giáo dục khai phóng, nghiên cứu khoa học và công nghệ, và khoa học xã hội nên được ưu tiên để chuẩn bị cho sinh viên sự nhận thức vấn đề một cách tổng thể.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'