Phát triển kinh tế tư nhân hướng tới một Việt Nam thịnh vượng
January 06, 2021

Phát triển kinh tế tư nhân hướng tới một Việt Nam thịnh vượng

January 06, 2021

Trong buổi chia sẻ với học viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng đã trình bày về vai trò của khu vực tư nhân trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Một khu vực tư nhân không chịu lớn

Trong báo cáo Khát vọng Việt Nam Thịnh vượng 2035 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư hợp tác cùng Ngân hàng Thế giới thực hiện, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 chỉ có thể đạt được với điều kiện tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người là 7%/năm liên tục trong 20 năm.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một trong những tác giả của báo cáo Việt Nam 2035, đất nước Việt Nam thịnh vượng trước hết phải do khối óc và bàn tay người Việt. Một trong ba trụ cột tạo nên Việt Nam 2035 là kinh tế phát triển bền vững trong đó khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng.

 

 

Điểm lại quá trình phát triển của kinh tế tư nhân, diễn giả Chi Lan cho hay, kinh tế tư nhân từng là đối tượng cải tạo XHCN sau 1954 (ở miền Bắc) và 1975 (ở miền Nam). Trải qua nhiều nghi kỵ và đấu tranh, đến năm 1999, khi Luật doanh nghiệp ra đời, kinh tế tư nhân (KTTN) mới được công nhận vị thế hợp pháp với quyền tự do kinh doanh của mình.

Tuy không phải là một đầu tàu kinh tế trọng điểm theo định hướng của nhà nước, đến năm 2015, doanh nghiệp tư nhân vượt khu vực nhà nước về tỷ trọng đóng góp cho GDP và tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước (tư nhân) chiếm 83.3%. Dù có nhiều đóng góp và thành tích nổi bật, KTTN ở Việt Nam tới nay vẫn bị phân biệt đối xử và chịu nhiều rào cản.

Đầu tiên, nói về quy mô, khu vực KTTN Việt Nam chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 3,2% cùng với 5,4 triệu hộ kinh doanh gia đình. Trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam có 291 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân (số liệu năm 2019), tuy nhiên khi thu hẹp dần phạm vi như top 100, 50 và 20 doanh nghiệp lớn nhất, khu vực tư nhân dần lọt ra khỏi danh sách và nhường chỗ lại cho các tập đoàn kinh tế nhà nước hoặc các công ty đa quốc gia FDI. Và danh sách 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam chỉ có duy nhất 1 ứng viên là đến từ khu vực tư nhân.

Hiện tượng missing middle (thiếu vắng những doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa) ở Việt Nam đã có từ cách đây hơn 20 năm và đến bây giờ vẫn là một vấn đề chưa thể giải quyết. Chúng ta vẫn chưa đưa được đông đảo doanh nghiệp nhỏ trở thành doanh nghiệp vừa và lớn hay đưa khu vực phi chính thức (hộ kinh doanh gia đình) vào chính thức, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

 

 

Doanh nghiệp tư nhân trong Danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Nguồn: http://vnr500.com.vn/)

Với quy mô nhỏ và chậm chuyển dịch, KTTN có chất lượng và hiệu quả hoạt động hạn chế, khó tăng năng suất lao động bằng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô (economies of scale). Bên cạnh đó, KTTN Việt Nam thiếu niềm tin và triết lý kinh doanh dài hạn khi có tới 5,4 triệu hộ kinh doanh gia đình trong đó phần lớn do những lao động không tìm được việc làm đứng ra kinh doanh để mưu sinh.

Nhìn từ góc độ khách quan, KTTN phải cạnh tranh không bình đẳng với DNNN, FDI và doanh nghiệp thân hữu do nước ta chưa có môi trường cạnh tranh hoàn hảo. Thể hiện rõ rệt nhất của việc đối xử bất bình đẳng là có quá nhiều quy định và giấy phép ràng buộc hoạt động của KTTN. Luật Doanh nghiệp 1999 đã cắt bỏ được 158 trong tổng số 400 giấy phép con nhưng vài năm sau các giấy phép này lại phục hồi với số lượng nhiều hơn và nhanh hơn.

Các đời thủ tướng khác nhau cũng đã có nhiều nỗ lực cắt bỏ và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, ví dụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu cắt bỏ 50% trong tổng số hơn 5700 điều kiện kinh doanh. Nhưng để cải cách có hiệu lực thực sự thay vì đạt được mục tiêu một cách máy móc hình thức như cách làm gộp nhiều điều kiện kinh doanh thành những yêu cầu nhỏ trong cùng một mục, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vẫn là quá trình gian nan nhọc nhằn.

 

 

Một bất lợi khách quan nữa và cũng là nguyên nhân chính cho nhận xét “doanh nghiệp Việt không chịu lớn” là quyền tài sản (vật chất và trí tuệ) chưa được đảm bảo. Hay nói cách khác đó là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không dám lớn trong một môi trường pháp lý về quyền tài sản còn lỏng lẻo chưa đủ sức bảo vệ và chưa thể tạo niềm tin cho người kinh doanh. Rất nhiều doanh nghiệp Việt tương đối thành công đã vội vã tham gia vào các thương vụ M&A bán lại cổ phần cho các tập đoàn nước ngoài để bảo toàn tài sản cho chủ sở hữu.

Với một nền kinh tế tư nhân “không chịu lớn”, đưa khu vực này trở thành động lực phát triển mới cho Việt Nam trở thành một thách thức thật sự đòi hỏi cải cách thể chế và tháo gỡ các nút thắt đang “trói chân” doanh nghiệp.

Kinh tế tư nhân trong bức tranh Việt Nam thịnh vượng 2035

Theo đề nghị của chính phủ, vào năm 2016, Ngân hàng Thế giới cùng với đơn vị chủ trì đại diện cho phía Việt Nam là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện Báo cáo Việt nam 2035. Tổng cộng có khoảng 300 chuyên gia trong nước và quốc tế cùng nhau tham gia và xây dựng báo cáo này.

Để đạt được khát vọng 2035, các chuyên gia đã đưa ra những tiêu chí cụ thể định nghĩa thế nào là thu nhập trung bình cao như GDP bình quân đầu người đạt 18000 USD tính theo sức mua tương đương năm 2011, 50% dân sống ở khu vực đô thị và tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt tối thiểu 80%, v.v. Đặc biệt, kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nền kinh tế.

 

 

Các kịch bản tăng trưởng để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 (Nguồn: Báo cáo Việt Nam 2035)

Về hội nhập kinh tế, chúng ta đang cực kỳ hăng hái và lập ra nhiều kỷ lục lớn về tham gia các FTA. Nhưng nếu tham gia nhiều mà không có được năng lực cạnh tranh cần thiết thì hội nhập đó không mang lại được nhiều giá trị thực chất cho đất nước. Cho đến nay, có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt rất giỏi các cơ hội ở Việt Nam trong quá trình hội nhập trong khi người Việt mình thì lại chưa thực sự được hưởng lợi bằng họ từ những cơ hội này.

Khuyến nghị đầu tiên của chuyên gia Phạm Chi Lan là nhà nước phải tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng lành mạnh để thúc đẩy KTTN phát triển với tất cả khả năng và sức sáng tạo. Từ năm 2016, chính phủ có nhiều chính sách về cách mạng công nghiệp 4.0, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn rất nhiều người trẻ Việt Nam chọn Singapore làm nơi đăng ký kinh doanh cho startup công nghệ.

 

 

Hai yếu tố quan trọng nhất mà diễn giả nhấn mạnh nhà nước cần thực hiện để có một khu vực tư nhân mạnh mẽ và năng động hơn là tăng cường các thể chế thị trường và tự do hóa thị trường các nhân tố. Đối với thể chế thị trường, các luật chơi cần được xác định rõ ràng, minh bạch, tiên liệu được và được thi hành nghiêm túc. Ngoài ra, cần đảm bảo chính sách cạnh tranh lành mạnh và quyền tài sản cũng như bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực. Về thị trường các nhân tố, có 4 thị trường mà KTTN gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và còn bị phân biệt đối xử nặng nề so với khối nhà nước và khu vực FDI là thị trường tài chính, thị trường đất đai, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Đồng thời, chúng ta cũng phải hiểu chuỗi giá trị đang thay đổi như thế nào trong cách mạng 4.0. Những công đoạn mà trước nay Việt Nam có tỉ lệ tham gia cao như lắp ráp không còn đem lại giá trị gia tăng cao trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và tiền lương thấp sẽ nhanh chóng bị xói mòn trong giai đoạn cạnh tranh mới. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do và mở cửa thị trường trong nước là một sự “hy sinh” của doanh nghiệp Việt khi chấp nhận cạnh tranh cao hơn và sự hy sinh này phải đi đôi với cơ hội doanh nghiệp nhận được từ bên ngoài cũng như trong nước. 

 

 

Chuỗi giá trị thay đổi trong Cách mạng Công nghiệp 4.0

Để làm được điều này, doanh nghiệp cần tự “nâng chuẩn” bản thân để đáp ứng được yêu cầu hàng hóa từ những thị trường khó tính nhằm tận dụng tối đa cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài từ những hiệp định như EV-FTA, CPTPP hay RCEP. Bà Phạm Chi Lan cũng cảnh báo những thị trường truyền thống như Trung Quốc cũng không còn dễ tính, tiêu chuẩn và thủ tục cho sản phẩm nhập khẩu vào họ đang tăng lên, mỗi năm có hàng ngàn xe container nông sản trái cây đến biên giới bị trả về và phải kêu gọi trong nước giải cứu.

Cuối cùng, chuyên gia còn khuyến cáo kinh tế tư nhân phải đẩy mạnh hội nhập từ bên trong trước và song song với hội nhập bên ngoài.

 

 

Trong quá trình công tác công tác tại VCCI, chúng tôi chủ yếu xúc tiến giúp doanh nghiệp hội nhập với bên ngoài. Nhưng tôi nhớ mãi báo cáo Đông Á Phục Hưng của Ngân hàng Thế giới với khuyến nghị khu vực Châu Á cũng cần tăng cường hội nhập từ bên trong'. Mặc dù rất hăng hái hội nhập với bên ngoài, tự do hóa cho doanh nghiệp và hàng hóa bên ngoài vào nước ta, nhưng bên trong vẫn còn là một môi trường phân biệt đối xử, đầy rẫy rào cản đối với khu vực tư nhân, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, chưa phân định rõ chức năng và quan hệ tương tác giữa nhà nước và thị trường.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'