Sự sụp đổ của giá dầu thô trong đại dịch Covid-19
May 26, 2020

Sự sụp đổ của giá dầu thô trong đại dịch Covid-19

May 26, 2020

Do đại dịch Covid-19 là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ giá dầu hiện tại, thị trường dầu thô của thế giới chỉ có thể trở lại bình thường (hoặc trở thành một trạng thái “bình thường mới”) khi virus SARS-CoV-2 bị đánh bại hoàn toàn. Có như vậy các lệnh phong tỏa mới được gỡ bỏ, các nền kinh tế trên thế giới mới được tái khởi động lại dẫn đến sự gia tăng trở lại của nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Tiến Sĩ (TS) Lê Thái Hà, Giám đốc Nghiên cứu – Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright vừa có buổi thảo luận trực tuyến với công chúng về chủ đề: Sự sụp đổ của giá dầu thô trong đại dịch Covid-19.

Tổn thương kép

Dầu thô là một trong những loại hàng hóa thiết yếu được giao dịch rộng rãi nhất. Sự biến động của giá dầu trên toàn cầu có thể có tác động lớn đến sức khỏe kinh tế của nhiều quốc gia, bất kể đó là quốc gia sản xuất hay tiêu thụ dầu. Trong bài trình bày những nghiên cứu công phu về thị trường dầu thô thế giới, TS Lê Thái Hà nhìn lại những cuộc khủng hoảng giá dầu xảy ra trong năm thập kỷ qua để xây dựng nền tảng cơ bản về các nguyên nhân có thể dẫn đến khủng hoảng giá dầu.

Lê Thái Hà đề cập những tiêu chuẩn dầu thô chính của thế giới và tại sao dầu thô West Texas Intermediate (WTI) lại đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thị trường dầu khí toàn cầu. Lí do đó là năm 2015, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu áp dụng suốt 40 năm qua giữa lúc sản lượng dầu thô Mỹ đạt mức cao kỷ lục nhờ việc nước này đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Khi sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng, vai trò của WTI sẽ ngày càng được củng cố.

Bài trình bày đi sâu vào các kết quả thực nghiệm trong bài nghiên cứu mới nhất do TS. Lê Thái Hà và hai đồng tác giả thực hiện, trong đó đưa ra các bằng chứng về các yếu tố góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng giá dầu hiện tại. Với việc sử dụng các phương pháp phân tích cùng mô hình kinh tế lượng phù hợp cho chuỗi dữ liệu kéo dài từ ngày 17/01 đến 30/04, các kết quả nghiên cứu cho thấy tính bất định của chính sách kinh tế của Mỹ (đo lường bởi biến EPU) có tác động tiêu cực đáng kể đến giá dầu thô WTI trong dài hạn. Theo lý giải của tác giả nghiên cứu, vì mức độ bất định trong chính sách kinh tế càng cao sẽ càng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế, dẫn đến nhu cầu về dầu thô giảm, do đó giá dầu giảm. Thêm vào đó, căng thẳng và biến động thị trường tài chính Mỹ (đo lường bởi biến VIX) cũng được xác định là có tác động tiêu cực đáng kể đến giá dầu WTI trong dài hạn. Kết quả nghiên cứu của TS. Thái Hà và các đồng tác giả cũng cho thấy rằng sự lao dốc của các chỉ số thị trường chứng khoán toàn cầu có tác động đáng kể và tiêu cực đến giá dầu thô trong dài hạn (Đồ thị 1).

Đồ thị 1: Xu hướng tương quan giữa giá dầu WTI và tính bất định của chính sách kinh tế Mỹ (EPU), biến động thị trường tài chính Mỹ (VIX) và chỉ số thị trường chứng khoán toàn cầu (MSCI). Các dữ liệu của các biến đã được chuẩn hóa, giai đoạn: từ 17/1 đến 30/4. Nguồn: Tác giả.

Bên cạnh đó là bằng chứng về tác động tiêu cực của cuộc chiến giá dầu Nga-Ả Rập Xê Út lên giá dầu WTI. Các kết quả thực nghiệm của TS. Lê Thái Hà chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 đã góp phần đáng kể vào sự sụp đổ của giá dầu và tác động dài hạn (Đồ thị 2). Trên thực tế, nhu cầu dầu toàn cầu đã trải qua một cú sốc chưa từng có do lệnh phong tỏa của các nước trên thế giới để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Nhưng nguồn cung lại tăng mạnh do việc Ả Rập Xê Út đã khởi xướng một cuộc chiến giá dầu rầm rộ vào ngày 08 tháng 3 năm 2020. Điều này đã tạo nên “tổn thương kép” khiến việc giá dầu lao dốc trong thời gian ngắn có thể dễ lý giải.

TS Thái Hà cũng nhấn mạnh về ảnh hưởng của sự đầu cơ trên thị trường tài chính của dầu thô WTI và đánh giá đây cũng là một yếu tố quan trọng đẩy dầu WTI về mức âm lần đầu tiên trong lịch sử. Cụ thể, hợp đồng tương lai giao tháng 5 của WTI đã giảm hơn 300% xuống mức âm 37,63 đô la một thùng vào thứ Hai (20 tháng 4 năm 2020).

Đồ thị 2: Xu hướng tương quan giữa giá dầu WTI và tác động của dịch Covid-19 được đo lường bởi bốn chỉ số: số ca nhiễm mới (NCASE), tổng số ca nhiễm (TCASE), số ca tử vong mới (NDEATH) và tổng số ca tử vong (TDEATH). Các dữ liệu của các biến đã được chuẩn hóa, giai đoạn: từ 17/1 đến 30/4. Nguồn: Tác giả.

Ảnh hưởng thị trường Việt Nam

Về tác động của khủng hoảng giá dầu thô tới Việt Nam, TS. Thái Hà nhận định, do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, giá dầu sụt giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ, bao gồm cả khía cạnh tích cực và tiêu cực.

Giá dầu thô giảm tác động tích cực đối với hoạt động của doanh nghiệp, giúp làm giảm chi phí đầu vào đối với sản xuất trong nước, hạ chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Nhóm vận tải được hưởng lợi lớn nhất do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí vận tải. Việc giảm chi phí vận chuyển này giúp tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang ngày càng mở cửa hơn với khu vực và thế giới qua việc ký kết một loạt các hiệp định thương mại đa phương và song phương gần đây. Ngoài ra, giá dầu thô giảm giúp số đông người dân có thể tiết kiệm được chi phí đi lại, từ đó tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, tạo cơ hội thúc đầy nền kinh tế. Thêm vào đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô và hấp dẫn các hoạt động đầu tư. Giá dầu thô giảm mạnh cũng làm giảm việc chi ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, gas và các sản phẩm khác từ hóa dầu, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, TS. Thái Hà đưa ra khuyến cáo rằng phần lớn những tác động tích cực này sẽ chỉ trở thành hiện thực và đáng kể nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được hoạt động kinh tế an toàn trong mùa dịch.

Về tác động tiêu cực, TS. Thái Hà cho biết giá dầu thế giới giảm khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam giảm. Cũng phải nói rằng, những năm gần đây, sản lượng xuất khẩu dầu thô của nước ta vốn cũng đang có chiều hướng giảm mạnh, dẫn đến tỷ trọng đóng góp của nguồn thu từ dầu thô cho ngân sách nhà nước đã đang trên đà đi xuống mạnh (Đồ thị 3). Vì vậy, tác động tiêu cực này có lẽ cũng không quá đáng kể. Thị trường chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng do nhóm cổ phiếu doanh nghiệp ngành dầu khí có thể đi xuống (hoạt động thu hút đầu tư cho nhóm ngành này sẽ giảm đi).

Đồ thị 3: Tỷ trọng thu ngân sách từ dầu thô: Giai đoạn: 2006-2019. Nguồn: Tác giả tự tổng hợp.

Đặc biệt, TS. Thái Hà cho rằng giá dầu thấp đe dọa sự ổn định của ngành công nghiệp dầu mỏ – ngành dự kiến vẫn là một phần thiết yếu trong hoạt động của nền kinh tế không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, TS. Thái Hà đưa ra một số khuyến nghị về hàm ý chính sách để góp phần làm thuyên giảm sự sụp đổ giá dầu lịch sử này.

Tuy nhiên, TS. Thái Hà nhấn mạnh các biện pháp chính sách được khuyến nghị chỉ có thể giúp giảm thiểu phần nào sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô. Vì đại dịch Covid-19 là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ giá dầu ở thời điểm hiện tại, thị trường dầu thô chỉ có thể trở lại bình thường (hoặc trở thành một trạng thái “bình thường mới”) khi thế giới có thể đánh bại hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Qua đó, các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, các nền kinh tế trên thế giới được tái khởi động lại, dẫn đến sự gia tăng trở lại nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

TS Thái Hà cũng nhận định về khả năng về mức giá âm lần nữa của dầu thô WTI. Cụ thể, cô cho rằng, so với giai đoạn tháng 4, những yếu tố dẫn đến giá dầu về âm đang có những sự thay đổi đáng kể. Về phía cung, những nỗ lực cứu vớt giá dầu của OPEC+ đã ghi nhận những thành công bước đầu khi cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Xê Út đã chính thức kết thúc cũng như những thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô trong liên minh OPEC+ đã đạt những cột mốc ấn tượng trong lịch sử. Tin tốt lành này góp phần khiến giá dầu hồi phục 60% trong ba tuần qua. Về phía cầu, một vài nước đã dần gỡ bỏ các lệnh phong tỏa nên các nền kinh tế cũng dần đi vào hoạt động trở lại, dẫn đến nhu cầu dầu thô tăng dần lên. Do đó, chúng ta đã có sự cân bằng hơn về cung-cầu trên thị trường dầu thô quốc tế. Về yếu tố đầu cơ, các nhà đầu cơ trên thị trường dầu thô tương lai đã có tâm lý thận trọng hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây vài tháng. Vì vậy, sẽ khó có sự mua và bán ồ ạt của hợp đồng tương lai như giai đoạn nửa cuối tháng 4.

Do đó, TS. Thái Hà nhận định giá dầu thô sẽ khó về âm lần nữa, dù cô nhấn mạnh – về lý thuyết thì điều đó vẫn có khả năng xảy ra, do hai yếu tố. Thứ nhất, dịch Covid-19 hoàn toàn có thể bùng phát mạnh trở lại và các lệnh phong tỏa kinh tế sẽ được áp đặt trở lại – điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu dầu thô. Thứ hai, sẽ phải mất thời gian để có thể tăng dung lượng lưu trữ dầu thô trên phạm vi toàn cầu. Nếu không có các thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+, các kho lưu trữ dầu thô có khả năng sẽ bị lấp đầy trong thời gian vài tuần. Nói như vậy, không có nghĩa là việc cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ sẽ giúp giải quyết ngay được vấn đề này, nó chỉ khiến quá trình này chậm lại.

Cuối cùng, TS. Thái Hà lưu ý rằng việc giá dầu về âm chỉ diễn ra trong một ngày. Sau ngày thứ Hai đen tối với mức giá giảm mạnh nhất trong lịch sử (hơn 300%), giá dầu đã quay đầu về dương trở lại 1 ngày sau đó (Thứ Ba 21/04/2020). Cụ thể là hợp đồng tương lai WTI giao tháng 5 đã hết hạn giao dịch và đóng cửa ở mức giá 10,01 đô la một thùng, tương ứng với mức tăng 126,6% sau một ngày, cũng là mức tăng giá trong ngày lớn nhất lịch sử. Điều này nói lên dầu thô vẫn được xem là một mặt hàng hấp dẫn (được gọi là “vàng đen”) và có tiềm năng với rất nhiều người mua cũng như các nhà đầu tư trên thị trường.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'