Tác động của Covid-19 đối với lao động và việc làm ở Việt Nam
January 22, 2021

Tác động của Covid-19 đối với lao động và việc làm ở Việt Nam

January 22, 2021

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu suy giảm ở nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trên thế giới vì thành công trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước chỉ có 35 ca tử vong do Covid-19 (trên tổng số gần 100 triệu dân), và trong 46 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Tuy nhiên, cái giá của thành công này đối với một đất nước có lực lượng lao động trẻ và năng động như Việt Nam là gì? Để trả lời câu hỏi này, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa tổ chức seminar với diễn giả khách mời là ông Đặng Hoàng Hải Anh, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp hiện đang công tác tại Đơn vị Sản xuất Dữ liệu và Phương pháp, Bộ phận Dữ liệu, Ngân hàng Thế giới.

Seminar chủ đề: "Cái giá của thành công chống dịch COVID-19? Tác động của đại dịch đối với lao động và việc làm ở Việt Nam" tóm tắt những kết quả nghiên cứu của tác giả Đặng Hoàng Hải Anh và Nguyễn Việt Cường trong báo cáo do Viện Nghiên cứu kinh tế lao động IZA xuất bản tháng 12.2020. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên về tác động của quyết định giãn cách xã hội do Covid-19 đối với lao động và việc làm ở Việt Nam.

Đã có nhiều nghiên cứu về tác động tiêu cực về mặt kinh tế của đại dịch trên thế giới, nhưng có rất ít nghiên cứu định lượng được những tác động của giãn cách xã hội do Covid-19 đối với lao động và việc làm ở các quốc gia thu nhập thấp. Trong một nghiên cứu về tác động của đại dịch Covid-19 đối với chỉ số khoảng cách giới tính (gender gap) ở Ấn Độ trong thời gian giãn cách xã hội từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2020, tác giả Ashwini Deshpande nhận thấy phụ nữ có mức thất nghiệp cao hơn nam giới sau đợt bùng phát đầu tiên của dịch và thu nhập ở khu vực nông thôn giảm nhiều hơn cho cả hai giới tính. Một nghiên cứu khác của nhóm tác giả Ronak Jain, Joshua Budlender, Rocco Zizzamia và Ihsaan Bassier xuất bản vào tháng 7/2020 ghi nhận 40% việc làm bị sụt giảm chỉ sau một tháng phong tỏa ở Nam Phi, trong đó một nửa là chấm dứt việc làm.

Nghiên cứu của Đặng Hoàng Hải Anh và Nguyễn Việt Cường là một trong số ít các nghiên cứu thực nghiệm phân tích một loạt các chỉ số về việc làm để thấy được tác động tiêu cực của giãn cách xã hội đối với tình hình lao động và việc làm ở Việt Nam. Các tác giả sử dụng mô hình ước lượng khác biệt trong khác biệt (difference in difference) để ước tính hiệu ứng nhân quả của giai đoạn giãn cách xã hội toàn quốc. Phương pháp DID tính tới hai khác biệt: khác biệt theo thời gian tính theo đơn vị quý và năm, trước và sau khi giãn cách xã hội. Ngoài ra, hai tác giả cũng so sánh sự khác biệt giữa các nhóm được khảo sát chịu ảnh hưởng của giãn cách xã hội như nhóm lao động có lương và nhóm lao động không có lương, nhóm lao động có kỹ năng và nhóm lao động không có kỹ năng, lao động ở các tỉnh thành bị phong tỏa và lao động ở các tỉnh thành không bị phong tỏa...

Bài nghiên cứu phân tích dữ liệu từ Khảo sát Lực lượng Lao động từ năm 2017 đến 2020; khảo sát được thực hiện hàng quý bởi Tổng Cục Thống kê. Trong nghiên cứu này, các tác giả xem xét tác động của đại dịch Covid-19 đối với một loạt các yếu tố bao gồm thất nghiệp, sa thải tạm thời, có việc làm được trả lương, có việc làm với hợp đồng lao động, có việc làm với bảo hiểm xã hội, số lượng giờ làm (trong bảy ngày gần nhất), thu nhập và tiền lương.

Những kết quả chính

Nghiên cứu chỉ ra rằng lệnh giãn cách xã hội đã tăng tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ thôi việc tạm thời, và giảm chất lượng việc làm. Phong tỏa và giãn cách cũng giảm số giờ làm việc của người lao động và thu nhập và tiền lương hàng tháng của họ.

Để đối phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện phong tỏa toàn quốc trong hai tuần vào tháng 4 năm 2020. Do đó, bất kỳ tác động tiêu cực nào của phong tỏa đối với việc làm và thu nhập đã xảy ra trong quý 2 và 3 năm 2020. So sánh các chỉ số việc làm trong quý 2 và quý 3 năm 2020 so với các chỉ số việc làm của ba năm trước cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong quý 2 và quý 3 năm 2020 cao hơn các năm trước và sự chênh lệch về tỷ lệ này khá cao. Tỷ lệ sa thải tạm thời cao hơn đáng kể trong quý 2 năm 2020. Trước năm 2020, tỷ lệ sa thải tạm thời ở mức dưới 0,1%, nhưng đã tăng mạnh lên 3,1% trong quý 2 năm 2020, trước khi giảm xuống 0,3% trong quý 3 năm 2020.

Không những ảnh hưởng đến tỷ lệ việc làm mà Covid-19 còn ảnh hưởng đến chất lượng việc làm. Tỷ lệ lực lượng lao động làm công ăn lương của Việt Nam là 47,4% vào năm 2019, nhưng đại dịch đã làm giảm 1,3 điểm phần trăm tỷ lệ việc làm nhận lương trong quý 2 năm 2020. Trong năm 2019, tỷ lệ lực lượng lao động có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam lần lượt là 30% và 26%, nhưng đại dịch đã làm giảm tỷ lệ có việc làm với hợp đồng lao động lần lượt là 1,1 điểm phần trăm và 1,4 điểm phần trăm trong quý 2 và quý 3 năm 2020. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội giảm tương ứng là 0,9 điểm phần trăm và 1,3 điểm phần trăm trong quý 2 và quý 3 năm 2020.

Đại dịch đã làm giảm 3,2 giờ làm việc trong 7 ngày gần nhất trong quý 2 năm 2020, tương đương 8,2% số giờ làm việc trung bình trong năm 2019. Tuy nhiên, tới quý 3 năm 2020 thì số giờ làm việc trở lại mức trước đại dịch. Việc tăng tỷ lệ sa thải và giảm giờ làm việc đã góp phần làm giảm thu nhập và tiền lương của người lao động. Do đại dịch, thu nhập hàng tháng giảm 11% trong quý 2 và 6,3% trong quý 3 năm 2020. Ảnh hưởng đến tiền lương hàng tháng của người lao động có lương và thu nhập hàng tháng của người lao động không có lương là tương tự nhau, với tác động trong quý 2 lớn hơn quý 3.

Nghiên cứu cũng cho thấy tác động khác nhau của giãn cách xã hội với các nhóm lao động: những người có trình độ học vấn thấp hơn tiểu học ít bị ảnh hưởng hơn những người có thành tích học tập cao hơn. Điều này có thể giải thích là do những người có thành tích học vấn thấp có xu hướng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nó cũng cho thấy những người trung niên bị ảnh hưởng nhiều hơn những người lớn tuổi. Trong khi đó, không có sự khác biệt lớn về mặt thống kê về ảnh hưởng của đại dịch đối với nam và nữ.

Xét tới các ngành nghề khác nhau, đại dịch có ít tác động nhất đối với những lao động trong khu vực công, với thu nhập hàng tháng chỉ giảm 3,6%. Tuy nhiên, nó làm giảm thu nhập của lao động hộ gia đình phi chính thức, lao động khu vực tư nhân và lao động khu vực FDI ở mức 9%. Lao động không có kỹ năng ít bị ảnh hưởng nhất, trong khi lao động có kỹ năng và lao động trong các ngành vận tải và dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch. Cụ thể, thu nhập hàng tháng của lao động trong lĩnh vực vận tải và du lịch bị giảm 17%, trong khi lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, nước, dầu khí không bị ảnh hưởng nhiều.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'