Tác động của du lịch đối với môi trường
March 29, 2021

Tác động của du lịch đối với môi trường

March 29, 2021

Tiến sĩ Lê Thái Hà*, Giám đốc Nghiên cứu - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright và Tiến sỹ Nguyễn Phúc Cảnh, giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh gần đây đã công bố một nghiên cứu có tựa đề "Tác động của du lịch đến phát thải CO2: nhận định từ 95 quốc gia" (The impact of tourism on carbon dioxide emissions: insights from 95 countries). Dựa vào dữ liệu thu thập ở 95 quốc gia trên thế giới, nhóm tác giả nghiên cứu tác động của du lịch đến lượng phát thải CO2 trong môi trường. Mặc dù đã có nhiều thảo luận về ảnh hưởng của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế nhưng tác động của du lịch đến lượng phát thải CO2 trên toàn cầu là một chủ đề hầu như chưa được nghiên cứu chuyên sâu. Thông qua nghiên cứu, nhóm tác giả tìm hiểu tính bền vững về môi trường của du lịch, một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Nghiên cứu chỉ ra, mặc dù đóng góp đáng kể vào các nền kinh tế quốc gia và địa phương trên thế giới, sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch đã tác động đến lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Được công bố vào tháng 8/2020 trên tạp chí Applied Economics chuyên về lĩnh vực Kinh tế học và Kinh tế lượng ứng dụng, nghiên cứu khảo sát 95 quốc gia trong giai đoạn 1998–2014, được chia làm 3 nhóm dựa theo mức thu nhập xác định và phân loại bởi Ngân hàng Thế giới.

Các kết quả thực nghiệm của nghiên cứu cho thấy, du lịch làm giảm tổng lượng phát thải CO2 và phát thải CO2 từ sản xuất điện và nhiệt nhưng lại làm tăng lượng khí thải CO2 từ phương tiện giao thông. Đồng thời, lượng khách du lịch là một tác nhân góp phần làm tăng lượng khí thải CO2 bình quân đầu người. Nghiên cứu cũng nhận thấy tác động của du lịch đối với phát thải CO2 khác nhau tùy thuộc vào mức thu nhập khác nhau của các quốc gia. Ở cấp độ toàn cầu, du lịch dường như làm tăng lượng khí thải CO2 từ giao thông vận tải, cho thấy cần đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ các công nghệ và thực hành cơ sở hạ tầng giao thông "xanh" trong ngành du lịch. Từ đó nhóm tác giả chỉ ra sự cần thiết cải thiện quản lý du lịch ở các quốc gia bất kể thuộc nhóm thu nhập nào để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ du lịch có lượng carbon thấp.

Ba phát hiện chính

Công nghiệp hóa được coi là nguyên nhân chính của tình trạng ấm lên toàn cầu. Một nguyên do khác là biến đổi khí hậu, chủ yếu do tiêu thụ năng lượng và cường độ năng lượng cao hơn, dẫn đến tạo ra một lượng lớn khí thải carbon. Theo nghiên cứu của Bernardini và Galli (1993), trong giai đoạn tiền công nghiệp hóa, nền kinh tế thường bị chi phối bởi nông nghiệp và các hoạt động liên quan (vốn có cường độ năng lượng ít hơn).

Sau đó, quá trình công nghiệp hóa diễn ra làm tăng mạnh lượng khí thải CO2 do nhu cầu và tiêu thụ năng lượng tăng nhanh. Khi đạt đến một ngưỡng nhất định, nền kinh tế sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển hiện đại hơn, theo định hướng dịch vụ, được gọi là giai đoạn hậu công nghiệp hóa. Du lịch, với tư cách là một ngành dịch vụ quan trọng, được kỳ vọng sẽ thay thế các ngành sản xuất và nông nghiệp, dẫn đến giảm tiêu thụ năng lượng và cường độ năng lượng, do đó giảm phát thải carbon.

Đã có những nghiên cứu giải thích rằng những thay đổi cơ cấu xảy ra trong quá trình chuyển đổi kinh tế từ tiền công nghiệp hóa, công nghiệp hóa sang hậu công nghiệp hóa mang lại những giải pháp thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vì những tiến bộ thực sự của công nghệ gắn liền với sự phát triển kinh tế, mà mức độ phát triển kinh tế lại khác nhau giữa các quốc gia, nên sự phát triển của ngành du lịch sẽ có những tác động khác nhau đến mức độ phát thải trên toàn cầu.

Để phân tích một cách kỹ lưỡng, tác giả Lê Thái Hà và Nguyễn Phúc Cảnh đã sử dụng ba chỉ số biến đại diện về mức độ phát triển du lịch và bốn chỉ số đo lường lượng khí thải CO2 để so sánh. Nghiên cứu cũng chia các quốc gia trong mẫu điều tra thành 3 nhóm dựa trên mức thu nhập khác nhau theo cách xác định của Ngân hàng Thế giới.

Những phát hiện chính của bài nghiên cứu là như sau:

Thứ nhất, du lịch (xét về doanh thu đô la Mỹ và số lượng khách đến) dường như có những tác động tích cực đáng kể đến môi trường ở các quốc gia đến bằng cách giảm tổng lượng phát thải CO2 và phát thải CO2 từ sản xuất điện và nhiệt ở các quốc gia đến.

Thứ hai, du lịch làm tăng lượng khí thải CO2 từ giao thông vận tải, đồng nghĩa với những tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường thông qua các kênh giao thông.

Thứ ba, số lượng khách du lịch quốc tế góp phần quan trọng tạo ra lượng khí thải CO2 bình quân đầu người cao hơn ở các quốc gia đến. Điều thú vị là tác động của du lịch đối với lượng khí thải CO2 là khác nhau giữa các quốc gia có mức thu nhập khác nhau. Các phát hiện của nghiên cứu này đưa ra những gợi ý chính sách hướng tới du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là ở các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao (upper-middle income).

Những hàm ý về môi trường

Phân tích thực nghiệm của bài nghiên cứu đưa đến những hàm ý về quản lý môi trường cho các quốc gia có ngành du lịch phát triển.

Đầu tiên, kết quả của nghiên cứu cho thấy phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và tiêu thụ năng lượng là những yếu tố chính đóng góp vào tổng lượng khí thải CO2, lượng khí thải CO2 bình quân đầu người và lượng khí thải CO2 từ sản xuất điện và nhiệt. Do đó, một kế hoạch phát triển bền vững liên quan đến chất lượng môi trường nên xem xét các yếu tố này, chẳng hạn như cải thiện hiệu quả năng lượng hoặc sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường hơn.

Thứ hai, du lịch làm tăng lượng khí thải CO2 từ giao thông vận tải, ngụ ý cần đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ các hoạt động vận tải tạo ra carbon thấp trong ngành du lịch để nâng cao khả năng giảm phát thải. Hơn nữa, ở cấp độ toàn cầu, du lịch dường như làm giảm tổng lượng khí thải CO2 và phát thải CO2 từ sản xuất điện và nhiệt ở các nước đến. Điều này ngụ ý rằng các chính phủ nên hỗ trợ các chính sách khuyến khích sự phát triển của du lịch thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, du lịch tạo ra phát thải CO2 thông qua các hoạt động giao thông vận tải. Do đó, chính phủ nên áp dụng các luật lệ rõ ràng về vận tải để giảm các thiệt hại về môi trường do du lịch gây ra. Đối với tất cả các nhóm quốc gia ở các mức thu nhập khác nhau trong nghiên cứu, các hoạt động du lịch dường như dẫn đến mức phát thải CO2 trên đầu người cao hơn. Do đó, cần cải thiện quản lý du lịch ở các nước này để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ du lịch "xanh", nghiên cứu kết luận.

  • Thúy Hằng

* Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của FSPPM. Cô có hơn 40 công trình nghiên cứu khoa học xuất bản trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín, bao gồm nhiều tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế ứng dụng, kinh tế năng lượng và môi trường.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'