Tấm huy chương đầu tiên trên hành trình vươn lên đẳng cấp toàn cầu
May 09, 2020

Tấm huy chương đầu tiên trên hành trình vươn lên đẳng cấp toàn cầu

May 09, 2020

Tháng 7 năm 2019, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright chính thức ghi tên mình vào bản đồ các trường chính sách công đẳng cấp toàn cầu khi trở thành cơ sở giáo dục thứ năm ở châu Á đạt chuẩn kiểm định của Mạng lưới các trường chính sách công, hành chính công và quản lý công (NASPAA). Đối với giới học thuật quốc tế, chứng nhận của NASPAA luôn được xem như “tiêu chuẩn vàng về chất lượng đào tạo trong lĩnh vực chính sách công và quản lý”. 

Đối với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh và các cộng sự, chứng nhận NASPAA có ý nghĩa như tấm huy chương đầu tiên trên hành trình “chạy việt dã” không mệt mỏi để vươn tới đẳng cấp quốc tế của FSPPM trong suốt hơn hai thập niên vừa qua.  Cho dù Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), và sau này là FSPPM đã xác lập được uy tín vững chắc như một trung tâm đào tạo và nghiên cứu chính sách công hàng đầu Việt Nam, nhưng những thành viên Fulbright luôn ý thức được cái bẫy nguy hiểm của việc “tự so sánh với chính mình”. Tự hài lòng và thỏa mãn với vị thế hiện có, với hào quang quá khứ đã từng khiến nhiều tổ chức bị mắc kẹt, trở nên trì trệ và tụt hậu lúc nào không hay.

Bởi lẽ đó, kiểm định quốc tế không đơn thuần là tìm kiếm “tấm huy chương” mà quan trọng hơn, là để tạo ra áp lực “tự sánh mình với thế giới”. Nói như Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh: “Kiểm định quốc tế thực ra không phải là mục đích cuối cùng của Trường Fulbright. Chúng tôi muốn tự chuyển hóa mình thành một đơn vị học thuật có đẳng cấp ở khu vực và trên thế giới, vươn tới những chuẩn mực cao nhất về học thuật, qua đó tạo ra những đóng góp có ý nghĩa cho xã hội Việt Nam, mà cụ thể là qua hoạt động nghiên cứu và giảng dạy có chất lượng của nhà trường”.

TS. Terry Buss

Vô cùng ấn tượng với những “bước tiến vượt bậc của FSPPM trên hành trình vươn lên tầm quốc tế”, Tiến sĩ Terry Buss, nguyên Giám đốc Trường Chính sách Công Carnegie Mellon tại Australia tin rằng “Trường Fulbright đang sở hữu tiềm năng khổng lồ vươn lên trở thành một học viện hàng đầu ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.

Áp lực “tự nâng mình lên để vươn tới tầm vóc toàn cầu”

Có lẽ đối với những thế hệ cựu học viên của FETP từng theo học ở ngôi trường nhỏ bé, ẩn mình trong con hẻm Võ Thị Sáu ngày nào, nơi các lớp học với giảng viên nước ngoài vẫn phải có phiên dịch và trợ giảng người Việt, hẳn khó có thể tưởng tượng ra một ngày không xa, các thế hệ sinh viên kế tiếp có thể đặt chân đến những trường đại học danh giá bậc nhất thế giới như Harvard và đầy tự tin khi học tập và tương tác với các bạn học, các giảng viên quốc tế nổi tiếng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, học viên Thạc sĩ Chính sách Công chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý khóa 2020 vẫn nhớ mãi trải nghiệm đặc biệt trong khóa học “Doanh nghiệp, thị trường và phát triển kinh tế Đông Á” hồi tháng 8 năm ngoái ở trường Harvard Kennedy. Trong hơn hai tuần, họ đã được học trực tiếp với mười giáo sư, học giả hàng đầu trong lĩnh vực của họ, cùng nghiên cứu và thảo luận những thành công và thất bại của doanh nghiệp cũng như tác động của nó đến tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Học viên MPP, khóa LM (thứ nhất từ trái qua)

“Dù chỉ kéo dài trong hai tuần nhưng khóa học tại Harvard đã gói ghém một khối lượng tri thức phong phú đáng kinh ngạc. Chúng tôi được nhúng mình trong môi trường học tập đáng mơ ước ở Harvard, được học hỏi và thảo luận với những giáo sư không chỉ đứng đầu trong lĩnh vực chuyên môn của họ mà còn am hiểu sâu sắc về khu vực và Việt Nam, sẵn sàng giải đáp thấu đáo những câu hỏi mà sinh viên Fulbright nung nấu bấy lâu. Chúng tôi không chỉ được trang bị góc nhìn mới mẻ và đa chiều hơn về các vấn đề chính sách, kinh tế - chính trị nóng bỏng mà còn được trau dồi những kỹ năng thực tế cần thiết cho công tác quản lý dù ở khu vực công hay tư”, chị Diệp chia sẻ. 

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh tin rằng việc đưa sinh viên “ra biển lớn”, cọ xát trong môi trường quốc tế, tương tác với sinh viên và giảng viên ở các trường quốc tế hàng đầu là một hướng đi chiến lược của FSPPM. Nếu như trong suốt hai thập niên trước đó, Fulbright nỗ lực “Việt hóa tri thức toàn cầu”, đem những tri thức toàn cầu vào áp dụng trong hoàn cảnh Việt Nam nhằm đào tạo thế hệ các nhà lãnh đạo có tri thức và kỹ năng quản lý kinh tế thị trường – trong bối cảnh đất nước đổi mới và chuyển mình theo hướng hiện đại hóa thì giờ đây, Trường đặt trọng tâm vào các nỗ lực quốc tế hóa nhằm xây dựng một thế hệ lãnh đạo mới có “tầm nhìn và tư duy toàn cầu, sẵn sàng kiến tạo ảnh hưởng tích cực trong bất kỳ lĩnh vực nào mà họ theo đuổi, dù ở khu vực công hay tư”. Như bài học đã được kiểm chứng thành công của FETP suốt hai mươi lăm năm qua: “muốn trở nên xuất sắc, ta phải so sánh mình với thế giới”, các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế sẽ tạo ra nguồn cảm hứng cũng như áp lực để “sinh viên phải tự nâng mình lên để vươn tới tầm vóc toàn cầu”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh lý giải. 

Ở chiều ngược lại, Tiến sĩ Douglas Elmendorf, Hiệu trưởng Trường Harvard Kennedy, đối tác học thuật truyền thống của Fulbright tin tưởng rằng bản thân các sinh viên Kennedy cũng có thể học hỏi và mở mang nhiều góc nhìn thú vị khi tham gia các chương trình trao đổi tại FSPPM.

TS. Douglas Elmendorf, Hiệu trưởng Trường Harvard Kennedy (thứ hai từ trái qua)

“Xét ở góc độ nào đó thì những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt không quá xa lạ với những thách thức mà chúng tôi phải giải quyết ở Hoa Kỳ nhưng được được đặt trong một bối cảnh và thể chế khác. Bởi vậy, khi hai trường (Kennedy và FSPPM) cùng gánh vác sứ mệnh giải quyết những vấn đề toàn cầu này, sự trao đổi và chia sẻ ý tưởng sẽ là nền tảng thúc đẩy tiến bộ. Tôi tin rằng sinh viên Kennedy có thể trực tiếp cảm nhận và hiểu biết sâu sắc hơn về những bài toán phát triển đặt ra cho một nước đang phát triển như thế nào, từ đó bồi đắp thêm những góc nhìn mới và trải nghiệm mới”, Tiến sĩ Elmendorf giải thích. 

Không ngừng đổi mới – DNA của một tổ chức tiên phong

“So sánh mình với thế giới để cạnh tranh và sáng tạo tri thức mới” – triết lý phát triển được trường Fulbright theo đuổi từ những ngày đầu tiên đã đóng vai trò chìa khóa mở ra những thành công vượt bậc của một tổ chức hơn hai mươi năm tuổi đời. Nhưng điều quan trọng hơn cả là niềm tin ấy giúp cho Fulbright luôn tìm thấy cảm hứng đổi mới, sẵn sàng “tự làm mới chính mình” ngay cả khi Trường đã ghi danh mình vào hàng ngũ các trường chính sách công hàng đầu khu vực.

Đối với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh và các cộng sự, hành trình “không ngừng đổi mới” ấy không chỉ diễn ra trong các hoạt động giảng dạy với các chương trình đào tạo mới bắt kịp xu thế và nhu cầu của thời đại như chương trình Thạc sĩ Chính sách Công trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý hay chương trình Thạc sĩ chuyên ngành tài chính, luật, hay kinh doanh trong tương lai. Nguồn cảm hứng “tự làm mới chính mình” còn bắt nguồn từ cách FSPPM luôn trăn trở tìm lời giải cho các bài toán phát triển hóc búa mà Việt Nam đang phải đối mặt, từ vấn đề đô thị hóa, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, cho tới đất đai, môi trường và rộng hơn là phát triển bền vững. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho biết, các giảng viên Fulbright đang trong quá trình thảo luận với các đồng nghiệp tại Harvard để tổ chức các dự án nghiên cứu chung nhắm vào các thách thức lớn này của Việt Nam mà ông tin rằng sẽ “mở ra các cách nhìn nhận mới và khung tham chiếu mới cho các nhà làm chính sách Việt Nam” – sản phẩm của sự kết hợp giữa tri thức toàn cầu với hành động chính sách ở địa phương. 

Một trong những bài toán phát triển quan trọng nhất của Việt Nam, theo ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, cũng là người sáng lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Đại học Fulbright Việt Nam chính là “làm thế nào để các đô thị, đặc biệt là các siêu đô thị như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có thể phát triển tương xứng với tiềm năng và bền vững, thực sự đảm đương vai trò đầu tàu đưa Việt Nam tiến lên đẳng cấp hiện đại hóa”.

Từ trái qua, ông Thomas Vallely và TS. Douglas Elmendorf

Bởi vậy, ông Vallely tin rằng trường Fulbright, với sứ mệnh dấn thân vào trung tâm những vấn đề nóng bỏng nhất của tiến trình phát triển ở Việt Nam, cần tái định hướng những nỗ lực nghiên cứu và đối thoại chính sách của Trường vào các đô thị lớn, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu vắng những chiến lược phát triển các trung tâm đô thị một cách hiệu quả. 

Chia sẻ tầm nhìn này của người sáng lập Fulbright, trong vài năm qua, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh và các cộng sự đã miệt mài theo đuổi các dự án nghiên cứu, tư vấn chính sách cho TP. HCM, từ việc lập chiến lược xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế - tài chính khu vực, đến các nghiên cứu cải thiện tình trạng giao thông, ô nhiễm môi trường ở các đô thị Việt Nam.

Điều may mắn cho các chuyên gia Fulbright là giờ đây họ có trong tay rất nhiều công cụ hữu hiệu để thực hiện những nghiên cứu chuẩn xác hơn, hiệu quả hơn, trong đó phải kể đến công cụ dữ liệu lớn (big data). Mặc dù công cụ dữ liệu lớn mới chỉ được một vài trường chính sách công hàng đầu như Carnegie Mellon, Georgia Tech đưa vào ứng dụng trong nghiên cứu chính sách vài năm trở lại đây nhưng Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh tin rằng đây sẽ là xu thế tương lai mà mọi trường chính sách công đều phải nắm bắt nếu không muốn bị tụt hậu trong kỷ nguyên công nghệ. Để đón đầu xu hướng này, FSPPM đã nhanh chóng bổ sung vào đội ngũ những chuyên gia quốc tế uy tín về phát triển dữ liệu lớn, như Tiến sĩ Huỳnh Nhật Nam, người có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các đại học Úc và Chính phủ Úc trong các dự án về phân tích dữ liệu và xây dựng mô hình mô phỏng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Ngay sau khi gia nhập Fulbright, Tiến sĩ Nam và các cộng sự đã giành được gói tài trợ gần 10 tỷ đồng từ Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup để triển khai dự án sử dụng dữ liệu lớn nhằm tối ưu hóa, giảm chi phí cho giao thông ở TP.HCM. 

TS. Vũ Thành Tự Anh nhận tài trợ từ Quỹ Đổi mới sáng tạo của Vingroup

Đặc biệt, trong suốt đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, FSPPM đã đóng vai trò tích cực trong các hoạt động tư vấn chính sách cho Chính phủ và chính quyền TP.HCM. Sử dụng công cụ dữ liệu lớn, nhóm nghiên cứu của FSPPM đã thực hiện các mô hình mô phỏng diễn biến của dịch Covid-19 ở TP.HCM, một trong hai tâm điểm dịch ở Việt Nam nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách có được các thông tin và dự báo chuẩn xác hơn, tạo cơ sở cho các quyết sách hợp lý và kịp thời trong cuộc chiến kiểm soát dịch bệnh. Các giảng viên của Trường cũng dẫn dắt các cuộc thảo luận trực tuyến mở về tác động của dịch Covid-19 đối với Việt Nam, từ kinh tế, y tế công cho tới pháp luật và quản trị công trong những nỗ lực nhằm giúp công chúng hiểu đích xác điều gì đang diễn ra. 

Tiến sĩ Douglas Elmendorf, Hiệu trưởng Trường Harvard Kennedy trong chuyến thăm Fulbright hồi tháng 1 năm nay nhân dịp kỉ niệm 25 năm quan hệ hợp tác đã bày tỏ ấn tượng đặc biệt với cách Chương trình FETP và nay là Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright không ngừng đổi mới và vươn lên nhằm duy trì vai trò tiên phong trong sứ mệnh phụng sự các giá trị và lợi ích công. 

“Ngày nay, có rất ít vấn đề mà chỉ mình chính phủ, hay khu vực tư nhân có thể giải quyết được mà buộc phải có sự hợp tác giữa mọi khu vực, thành phần trong xã hội. Tôi tin rằng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright đang ở vị thế tuyệt vời để xây dựng các mối quan hệ kết nối này cũng như đem đến các góc nhìn rộng mở hơn nhằm giúp giải quyết những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt”, Tiến sĩ Elmendorf nhận xét.  

  • Việt Lâm

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'