Tạp chí khoa học quốc tế của trường Fulbright ra mắt số xuất bản đầu tiên
September 05, 2021

Tạp chí khoa học quốc tế của trường Fulbright ra mắt số xuất bản đầu tiên

September 05, 2021

Tạp chí Fulbright Review of Economics and Policy (FREP), tạp chí khoa học quốc tế đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam, vừa xuất bản số đầu tiên vào ngày 31/8/2021 (truy cập trực tuyến https://www.emerald.com/insight/publication/issn/2635-0173/vol/1/iss/1). Với gần hai năm chuẩn bị trong bối cảnh cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh Covid-19, sự ra đời của FREP thể hiện nỗ lực không mệt mỏi của Ban biên tập để đem đến cho độc giả một ấn phẩm chất lượng và có vị trí riêng trong "lãnh địa" các tạp chí học thuật chuyên về chính sách công.

FREP được xuất bản trên hệ thống của Nhà xuất bản Emerald Group Publishing (Anh). Đây là tạp chí học thuật chuyên ngành, hoạt động theo cơ chế bình duyệt (peer-reviewed) chuyên đăng tải các bài viết khoa học, nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm trong lĩnh vực chính sách công bao gồm kinh tế, xã hội, quản trị, phát triển bền vững.

FREP hướng đến những bài nghiên cứu sử dụng các công cụ phân tích chặt chẽ và ủng hộ các chính sách dựa trên bằng chứng. Với ban biên tập và đội ngũ cố vấn gồm các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và chính sách công tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, FREP không chỉ xuất bản các bài viết học thuật được bình duyệt nghiêm túc mà còn xuất bản các bài nghiên cứu chuyên môn, các bài bình luận và thể hiện quan điểm về chính sách. FREP hiện tại có kế hoạch xuất bản hai số báo mỗi năm.

Sự đa dạng trong các chủ đề chính sách được thể hiện trong số xuất bản đầu tiên với các bài viết từ các học giả đã thành danh cho đến các học giả trẻ. Tạp chí FREP không chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế mà còn phân tích các chủ đề khác nhau của chính sách như phát triển xã hội, quản trị và hành chính công hướng đến đối tượng độc giả là các cơ quan quốc tế, các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia chính sách, nhà hoạch định và thực thi chính sách, các cộng đồng địa phương và các tổ chức phi chính phủ.

Với việc chọn lọc các bài viết nêu bật các chủ đề khác nhau liên quan đến các vấn đề kinh tế xã hội mới nổi ở các nước phát triển châu Âu cho đến các nước đang phát triển ở châu Á, Ban biên tập FREP kỳ vọng số xuất bản đầu tiên sẽ phù hợp với những độc giả có nhiều mối quan tâm đến các vấn đề chính sách đương đại.

Những nghiên cứu nổi bật

Trong nhóm bài viết đưa ra những phân tích sâu sắc về các vấn đề kinh tế có bài viết của Dwight Perkins, Giáo sư nghiên cứu kinh tế chính trị của Đại học Harvard. Bài viết xem xét các yếu tố chính trị đằng sau sự chênh lệch đáng kể của GDP bình quân đầu người của các nước Đông Nam Á: dao động từ dưới 5.000 USD đến hơn 97.000 USD. Tác giả xem xét một số yếu tố như chiến tranh, chính trị cực đoan, bất ổn chính trị, các chính phủ và nhà lãnh đạo độc tài, và cách chúng ảnh hưởng đến sự phát triển của các quốc gia khác nhau trong khu vực. Tác giả kết luận rằng các quốc gia không có sự hiện diện của chính trị cực đoan đạt được các mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất hiện nay.

Lê Văn Cường, Giáo sư tại Trường Kinh tế Paris, và đồng tác giả Tô Thế Nguyên, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, giải thích tác động của cơ chế tiền thưởng (ngoài tiền lương cơ bản) đến nền kinh tế. Bài viết cho thấy chế độ tiền thưởng giúp nâng cao năng suất lao động; hơn nữa, cải thiện sản xuất có thể tạo ra hiệu suất ngày càng tăng thông qua hiệu ứng ngoại tác của tiền thưởng, và khi cơ chế đãi ngộ đủ mạnh, nền kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng tối ưu.

Giáo sư David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm về Quản trị Dân chủ và Đổi mới Ash thuộc Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard, bàn về lý do tại sao gần đây Việt Nam bị Hoa Kỳ cáo buộc thao túng tiền tệ và lý do tại sao những cáo buộc đó chưa có cơ sở. Ông lập luận rằng đồng Việt Nam (VND) đã được giữ ổn định về giá trị thực so với đồng đô la (USD) kể từ năm 2015, và cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong cán cân thương mại song phương (với Hoa Kỳ) và tổng thể của Việt Nam là nhờ chi phí nhân công của Trung Quốc tăng lên cũng như mâu thuẫn thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông kết luận rằng quyết định gần đây của Hoa Kỳ không áp đặt thuế quan trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam phản ánh sự đàm phán nghiêm túc và hiệu quả của Việt Nam, cùng với vị trí quan trọng của Việt Nam đối với Hoa Kỳ trong bối cảnh khu vực.

Hà Dương Minh, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và Nguyễn Hoài Sơn, giảng viên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đánh giá việc giảm nghèo về năng lượng điện (thiếu khả năng tiếp cận điện) ở Việt Nam. Sử dụng dữ liệu từ các cuộc điều tra hộ gia đình trên toàn quốc kéo dài từ năm 2008 đến năm 2018, các tác giả nhận thấy sự bất bình đẳng trong sử dụng điện giữa các hộ gia đình ở Việt Nam có xu hướng giảm trong giai đoạn điều tra.

Khiếu Văn Hoàng, học giả trẻ đến từ Đại học Johannes Gutenberg (Đức) và mới đây vừa gia nhập Đại học Fulbright Việt Nam trong vai trò giảng viên, khám phá mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách, tăng trưởng tiền tệ và lạm phát ở Việt Nam trong giai đoạn 1995–2012 khi lạm phát tăng vọt. Tác giả chỉ ra rằng các cú sốc dương của tăng trưởng tiền tệ dẫn đến sự gia tăng lạm phát, và thâm hụt ngân sách không có tác động đáng kể đến tăng trưởng tiền tệ và lạm phát. Do đó, các kết quả nghiên cứu của tác giả ủng hộ giả thuyết rằng các chính sách tài khóa và tiền tệ là tương đối độc lập.

Trong số các bài viết tập trung vào các vấn đề xã hội mới nổi, Colin Williams, giáo sư đến từ Đại học Sheffield (Anh) và đồng nghiệp, giáo sư Jan Windebank đánh giá các cách tiếp cận chính sách tương phản để giải quyết hoạt động tự doanh (self-employment) trong khu vực kinh tế phi chính thức ở châu Âu. Các tác giả sử dụng dữ liệu được báo cáo từ cuộc khảo sát đặc biệt Eurobarometer 92.1 được thực hiện vào năm 2019 ở 28 quốc gia châu Âu bao gồm hơn 27.565 cuộc phỏng vấn. Dựa trên phân tích hồi quy probit, các tác giả cho thấy khả năng tham gia vào hoạt động tự doanh phi chính thức có liên quan đáng kể đến mức độ tin tưởng chính phủ và tin tưởng lẫn nhau.

Trong khi đó, Martin Powell, giáo sư y tế và chính sách xã hội tại Đại học Birmingham (Anh) thảo luận về cuộc tranh luận kéo dài ở Anh về việc tài trợ cho chăm sóc dài hạn (long-term care). Tác giả cho rằng, việc thiết kế chiến lược chăm sóc dài hạn ở Anh có thể không nhất thiết phải tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, khi đã quyết định xem xét các bằng chứng từ quốc tế, cần phải chú ý đến các vấn đề như phạm vi các quốc gia và cơ sở để lựa chọn các quốc gia tham khảo, bối cảnh, mục tiêu cũng như là hiệu quả thực thi thực tế của chính sách ở đất nước họ.

Số thứ hai của tạp chí FREP, dự kiến xuất bản vào cuối năm nay, sẽ tập trung vào các phản ứng chính sách cho sự phục hồi bền vững hậu COVID-19.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'