Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright Tổ chức Hội thảo Học thuật về Phản ứng chính sách để phục hồi bền vững hậu COVID-19
September 24, 2021

Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright Tổ chức Hội thảo Học thuật về Phản ứng chính sách để phục hồi bền vững hậu COVID-19

September 24, 2021

Vào Ngày 15 Tháng 09 vừa qua, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) đã tổ chức thành công hội thảo học thuật trực tuyến nhằm chuẩn bị nội dung cho số thứ hai của Tạp chí Fulbright Review of Economics and Policy (FREP), tạp chí khoa học quốc tế đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam được xuất bản trên hệ thống của Nhà xuất bản Emerald Publishing (Anh). Buổi hội thảo nhận được rất nhiều sự quan tâm và đóng góp của cộng đồng học thuật từ khắp nơi thế giới, với nội dung nghiên cứu chủ đạo liên quan đến phản ứng chính sách để phục hồi bền vững hậu COVID-19.

Chủ trì buổi hội thảo, TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của FSPPM, nhận định rằng "phản ứng chính sách" là một trong những trụ cột chính trong những hoạt động của FSPPM. Tuy nhiên, trong tình hình đại dịch vẫn đang phát triển hết sức phức tạp, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của COVID-19 đến "phản ứng chính sách". Chỉ khi nghiên cứu cặn kẽ cách chính phủ ở các quốc gia chống dịch, chúng ta mới có thể có một cái nhìn toàn diện hơn và đưa ra những khuyến nghị cụ thể trong quá trình phục hồi hậu COVID-19.

"Giữa cơn bão dịch bệnh COVID-19, trụ cột "phản ứng chính sách" của FSPPM lại càng trở nên quan trọng. Là một trường chính sách công hàng đầu tại Việt Nam, FSPPM luôn nỗ lực đóng góp vào quá phục hồi kinh tế bền vững hậu COVID-19, hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế và môi trường, khí hậu," TS. Thái Hà chia sẻ.

Buổi hội thảo được chia thành bốn phiên thảo luận, hội tụ các nhà nghiên cứu, học giả đến từ Úc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Malaysia, Ấn Độ, Hồng Kông, Maldives, Luxembourg, New Zealand, Nam Phi, Indonesia, Vương quốc Anh, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, và Bồ Đào Nha.

Phiên thảo luận đầu tiên được điều phối bởi TS. Thái Hà, đi sâu vào đánh giá các chính sách phục hồi được áp dụng bởi Việt Nam, Đài Loan, và Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhận định về những thách thức các quốc gia này sẽ gặp phải khi áp dụng những chính sách này, đặc biệt đối với những khía cạnh liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường.

TS. Ian Kalman, Giảng viên Khoa học Xã hội tại Đại học Fulbright Việt Nam, là người điều phối phiên thảo luận thứ hai của buổi hội thảo. Trong phiên này, các nhà nghiên cứu tập trung phân tích ảnh hưởng của đại dịch lên các gia đình đơn thân tại Malaysia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Ấn Độ, sức khỏe tinh thần của học sinh-sinh viên tại Hồng Kông, và cuối cùng là hệ thống trường công lập tại Maldives.

"Tôi nghĩ rằng việc chúng ta thảo luận về ảnh hưởng của đại dịch đến các nhóm cộng đồng yếu thế là thực sự cần thiết. Đây là nhóm đối tượng dễ bị bỏ quên nhất trong các thước đo kinh tế hay y tế," TS. Ian nhận định. "Các nhà nghiên cứu giúp chúng ta hiểu thêm về những trải nghiệm đặc trưng của đại dịch trong bối cảnh từng quốc gia riêng biệt khi so sánh các yếu tố văn hóa và giá trị chung."

Phiên thảo luận thứ ba hội tụ các học giả, các nhà nghiên cứu đến từ Luxembourg, New Zealand, Nam Phi, và Indonesia, với nội dung chủ đạo về các thách thức mà chính phủ các nước cần tìm lời giải, đặc biệt đối với biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, và mật độ dân số.

Điều phối phiên thảo luận thứ ba, TS. Lê Việt Phú, Giảng viên chính sách môi trường, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, chia sẻ: "Tôi rất mừng vì ngoài việc chú trọng đến chính sách phòng chống dịch, chúng ta còn xác định được những thách thức đang gần kề. Mặc dù chặng đường phục hồi bền vững còn gặp nhiều khó khăn, và một số quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các quốc gia khác, chúng ta sẽ phải đối mặt và tìm hướng giải quyết những vấn đề này, ngay cả khi đại dịch đã đi qua."

Phiên thảo luận cuối cùng của buổi hội thảo được điều phối bởi TS. Thái Hà với các học giả đến từ Vương quốc Anh, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, và Bồ Đào Nha. Trong phiên cuối cùng này, các nhà nghiên cứu đã đặt ra những vấn đề mang tính tổng quan hơn về phản ứng chính sách: các quốc gia với bản chất chính trị khác nhau sẽ có phản ứng chính sách khác nhau như thế nào. Từ đó, họ cũng đưa ra những nhận định về triển vọng chính trị trong tương lai.

"Tôi rất hân hạnh được tiếp đón các học giả, nhà nghiên cứu đã tham gia buổi hội thảo ngày hôm nay. Đây thật là một cơ hội quý báu giúp tôi học hỏi thêm về những chính sách phòng chống COVID-19 mà các quốc gia trên thế giới đã áp dụng trong thời gian vừa qua. Mặc dù cuộc chiến chống đại dịch còn kéo dài, đội ngũ nghiên cứu tại FSPPM mong rằng hội thảo lần này cũng đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết và tạo nền móng cho những hợp tác trong thời gian sắp tới," TS. Thái Hà kết luận.

Số thứ hai của tạp chí FREP sẽ dự kiến xuất bản vào cuối năm nay.

Danh sách các học giả, nhà nghiên cứu tham gia hội thảo:

  • GS Binh Tran-Nam, Đại học New South Wales, Úc
  • GS Yu-Ying Kuo, Đại học Quốc gia Đài Bắc, Đài Loan
  • GS Marianne Ojo Delaney, Giám Đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo và Bền vững, Hoa Kỳ
  • TS. Nur Hairani Abd Rahman, Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia
  • PGS Sanjeev Kumar, Đại học Delhi, Ấn Độ
  • Chun Wai Sun Derek, Đại học Giáo dục Hồng Kông, Hồng Kông, Trung Quốc
  • Siu Ho Yau, Đại học trung văn Hương Cảng, Hồng Kông, Trung Quốc
  • PGS Fathmath Nishan, Đại học Quốc gia Maldives, Maldives
  • PGS Ahmed Mohamed, Đại học Quốc gia Maldives, Maldives
  • TS. Helen Kavvadia, Đại học Luxembourg, Luxembourg
  • Injy Johnstone, Đại học Victoria Wellington, New Zealand
  • TS. Methembe Mdlalose, Đại học KwaZulu-Natal, Nam Phi
  • Misran Alfarabi, Đại học Muhammadiyah Yogyakarta, Indonesia
  • TS. Slobodan Tomic, Đại học York, Vương quốc Anh
  • PGS Mrutuyanjaya Sahu, Trường Công nghệ và Khoa học Birla, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất
  • TS. Uzoma Vincent Patrick Agulonye, Trường Kinh tế và Quản lý Lisbon, Bồ Đào Nha.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'