Tương lai cho các đô thị lớn Việt Nam
December 23, 2022

Tương lai cho các đô thị lớn Việt Nam

December 23, 2022

Tương lai nào cho đô thị Việt Nam khi các đô thị lớn là TP. HCM và Hà Nội bắt đầu bước vào trạng thái “bão hòa” gây ngột ngạt cho những người dân sống trong đó? Đó là chủ đề chính của seminar chính sách do TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Thỉnh giảng, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) trình bày mới đây tại khuôn viên FSPPM, Đại học Fulbright Việt Nam.

Trạng thái bão hòa dần lộ diện với hình ảnh kẹt xe “kinh niên” chứ không chỉ trong giờ cao điểm; những dòng người mệt mỏi nhích từng chút một trên mọi ngả đường TP. HCM và Hà Nội. Tình trạng này đã xảy ra ở một số siêu đô thị trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok, Jakarta và Manila  trong nhiều năm qua, và nó đang xảy ra ở Hà Nội và TP. HCM. Viễn cảnh cả thành phố là “một bãi đậu xe khổng lồ”, hay là cách nói khác của kẹt xe toàn thành phố, đang dần hiện hữu.

Seminar chính sách “Trạng thái Bão hòa ở các siêu đô thị: Xu hướng đối với các đô thị Việt Nam” của TS. Huỳnh Thế Du không phải là một cảnh báo mới mẻ, khi giao thông đô thị là một chủ đề đã được nói đến rất nhiều khi đề cập đến các vấn đề chính sách ở Việt Nam. Nhưng TS. Huỳnh Thế Du đã mang lại nhiều lập luận và góc nhìn thú vị về giao thông đô thị Việt Nam từ quan điểm kinh tế học giao thông, đưa ra những giải pháp trái ngược với dự đoán thông thường của số đông khi nghĩ về giải pháp cho bài toán giao thông đô thị Việt Nam.

“Càng xây đường càng kẹt”

Phải thừa nhận thực trạng rằng ở các đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM, việc đi lại trong tình trạng kẹt xe đã gây ra khó khăn với chi phí cho từng cá nhân và nền kinh tế rất lớn; các hoạt động kinh tế nhìn lúc nào cũng đông đúc nhưng thực chất là hiệu quả không cao và mức độ tăng trưởng hàng năm rất thấp; năng lực đổi mới sáng tạo và khả năng tăng năng suất bị giới hạn rất nhiều.

Tuy nhiên, TS. Huỳnh Thế Du dẫn nguyên lý số 8 trong 10 nguyên lý kinh tế học “Mức sống của một nước phụ thuộc vào năng lực sản xuất của nước đó” hay năng suất là thứ quyết định mức sống để lý giải vì sao dòng người vẫn đổ về các đô thị lớn thay vì các khu vực nông thôn và thành phố nhỏ. Nơi nào càng đắt đỏ thì nơi đó năng suất lao động càng cao và chất lượng nguồn nhân lực càng tốt. Mức sống, thu nhập và năng suất của các cá nhân nói riêng hay một nơi nào đó, về cơ bản, có mối tương quan dương với nhau.  Các đô thị lớn thu hút nhân lực bởi mức lương mà họ có thể nhận được, kèm theo đó là các tiện ích về giáo dục, y tế, dịch vụ… bởi vì con người duy lý quyết định nơi mình ở dựa vào lợi ích mà họ nhận được.

Trạng thái bão hòa gây ra cảm giác cực kỳ bức bối khi mỗi ngày người dân phải đi trên những con đường kẹt xe, ngập nước, ngày này qua ngày khác, khiến chất lượng cuộc sống giảm; nhưng nó lại là lựa chọn tối ưu của số đông ở đó. Các đô thị lớn vẫn sẽ tiếp tục trong cảnh “đất chật người đông;” đô thị hóa vẫn sẽ là một xu thế không thể đảo ngược.

Khi bàn về các giải pháp cho bài toán giao thông đô thị Việt Nam, phần lớn mọi người sẽ nghĩ về việc xây thêm đường. Nhưng TS. Huỳnh Thế Du chỉ ra quan điểm từ góc nhìn kinh tế học giao thông rằng “càng xây đường càng tắc.” Bởi xây thêm đường càng khuyến khích người dân sử dụng đường bằng phương tiện giao thông cá nhân - nguyên nhân rất lớn dẫn đến tắc nghẽn giao thông.

Kéo - đẩy là giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề giao thông đô thị. Kéo người sử dụng giao thông công cộng bằng việc tạo ra một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, chi phí thấp cho người sử dụng; và đẩy người sử dụng khỏi các phương tiện cá nhân bằng việc làm gia tăng chi phí của việc sử dụng chúng như các loại phí và thuế. Điều kiện cần để người dân rời khỏi phương tiện cá nhân là phải có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi.

Một giải pháp mà số đông cảm thấy đúng và hợp lý là giãn dân, hạn chế việc di cư đến các đô thị trung tâm này. Cách thực hiện là phát triển các đô thị vệ tinh, như chúng ta vẫn thường nghe. Tuy nhiên, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng điều này là không khả thi (thực tế từ khi đổi mới đến nay Việt Nam đã cố triển khai chính sách này nhưng không thành công), và nếu nhìn vào kinh nghiệm từ các thành phố đi trước thì đô thị vệ tinh không phải là một bài học thành công đối với bối cảnh của Hà Nội và TPHCM trong mấy thập niên qua. Giải pháp là cần tập trung đầu tư và sử dụng hiệu quả các khu vực trung tâm hiện hữu trước, trong đó xây dựng bằng được hệ thống giao thông công cộng công suất lớn là then chốt.

Tương lai nào cho đô thị Việt Nam?

Do không giải quyết được bài toán hạ tầng ở các siêu đô thị, các nước ở khu vực Đông Nam Á đã chật vật trong hơn hai thập kỷ qua. Việt Nam đang đi vào vết xe đổ này mà khả năng cao là sẽ kéo dài trong vài thập niên tới.

Theo TS. Huỳnh Thế Du, phải khẳng định rằng đô thị hóa là tiến trình tất yếu của sự phát triển, không có tiến trình đảo ngược.  Chúng ta khó có thể tìm ra một ví dụ về một quốc gia nào trên thế giới trở nên thịnh vượng mà không có tiến trình đô thị hóa. Vì vậy, đô thị hóa vẫn là lựa chọn tối ưu cho Việt Nam, với các đô thị trung tâm sẽ trở nên đông hơn, còn các đô thị nhỏ chỉ ở mức tăng trưởng vừa phải.

TS. Huỳnh Thế Du cho rằng giải pháp hợp lý là cần xây đủ hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng sao cho đa phần người dân sử dụng hệ thống này và mật độ đô thị tiếp tục cao lên. Mô hình TOD (Transit Oriented Development) – mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư có thể là một mô hình phù hợp với những thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội. Hiện nay, thách thức lớn nhất của các đô thị Việt Nam là mức độ tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân trong khi phát triển giao thông công cộng không bắt kịp. Nếu nhìn vào các siêu đô thị ở châu Á như Tokyo, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải, chúng ta thấy các siêu đô thị này đã giải quyết bài toán giao thông công cộng rất tốt, với môi trường sống và năng lực cạnh tranh tốt trong khi dân số rất lớn. TOD có thể là giải pháp tốt nhất cho đô thị nén, tạo nên một không gian đô thị xung quanh hệ thống giao thông công cộng hiện đại, đi kèm là các tiện ích thương mại, dịch vụ quanh các tuyến giao thông này.

Theo TS. Huỳnh Thế Du, để quy hoạch đô thị hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phát triển hệ thống giao thông công cộng (theo hướng tận dụng không gian mặt đất, dưới đất và trên không), hạn chế giao thông cá nhân. Ngoài ra, một chìa khóa quan trọng là khai thác giá trị từ đất cho phát triển cơ sở hạ tầng, bí quyết đã giúp các siêu đô thị ở châu Á như Tokyo, Seoul… thành công.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'